Về hợp đồng thông minh

07/02/2023 08:00

(kiemsat.vn)
Với những đặc tính ưu việt, hợp đồng thông minh được xem là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ; tuy nhiên, việc tiếp thu và áp dụng loại hợp đồng này tại Việt Nam hiện nay là một thách thức không nhỏ cả về pháp lý và thực tiễn. Vì vậy, cần có sự nghiên cứu, đánh giá lợi ích của hợp đồng thông minh và tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế để ban hành khung pháp lý cho loại hợp đồng này.

Hiện nay, nhiều lĩnh vực đã vận dụng các nền tảng công nghệ với mục đích tăng tính hiệu quả và nhanh chóng, trong đó có lĩnh vực hợp đồng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có sự điều chỉnh và áp dụng hợp đồng thông minh có sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong việc giao kết và thực hiện các lĩnh vực như hợp đồng truyền thống. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và lĩnh vực pháp luật hợp đồng nói riêng, hợp đồng thông minh là một vấn đề mới. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá, làm rõ các vấn đề lý luận và những lợi ích do hợp đồng thông minh mang lại cũng như chỉ ra những thách thức trong việc thừa nhận tính pháp lý của loại hợp đồng này tại Việt Nam, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm pháp luật nước ngoài là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Khái quát về hợp đồng thông minh

Đến nay, có nhiều khái niệm khác nhau về hợp đồng thông minh. Theo nhà khoa học máy tính và nhà mật mã Nick Szabo, hợp đồng thông minh được hiểu là các giao thức giao dịch được máy tính hóa để thực thi các điều khoản của hợp đồng. Cụ thể, hợp đồng thông minh là một tập hợp các thỏa thuận, được chỉ định ở dạng kỹ thuật số, bao gồm các giao thức mà các bên sẽ thực hiện theo những thỏa thuận ở dạng đơn giản nhất và là một chương trình có thể đọc được bằng máy. Đây được xem là đánh giá tương đối toàn diện. Theo cách định nghĩa khác, hợp đồng thông minh được coi là các hình thức thỏa thuận mới tương tự như hợp đồng theo phương thức truyền thống và được viết bằng mã nguồn; nghĩa là hợp đồng thông minh sẽ mang các dấu hiệu pháp lý cơ bản của hợp đồng truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, các vấn đề pháp lý về loại hợp đồng mới này vẫn chưa được điều chỉnh và còn nhiều vướng mắc. 

Bên cạnh đó, hợp đồng thông minh còn được định nghĩa dựa trên cách thức giao dịch, cụ thể, hợp đồng này là một phần mềm được thiết kế ban đầu để sử dụng các tính năng tính toán đáng tin cậy của mạng blockchain để tự động thực hiện các điều kiện mà hai bên có thể đồng ý khi họ ký hợp đồng trong một môi trường không đáng tin cậy. Hợp đồng này còn được coi là hợp đồng kỹ thuật số cho phép việc tạo các điều khoản phụ thuộc vào sự đồng thuận phi tập trung, có khả năng chống giả mạo và được thực thi một cách tự động, nhưng không có bản chất pháp lý của hợp đồng truyền thống và không sử dụng tài nguyên trí tuệ nhân tạo.

Từ các định nghĩa trên, có thể thấy, hợp đồng thông minh được hiểu là một dạng của hợp đồng thông thường, có sự thỏa thuận giữa các bên và được thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số. 

Trên thực tế, sự ra đời của hợp đồng thông minh mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động giao kết và thực hiện các thỏa thuận, đặc biệt, loại hợp đồng này đã mở ra kỷ nguyên mới khi các lĩnh vực trong đời sống xã hội đang dần chuyển hướng và gắn liền với không gian mạng. Một số lợi ích do hợp đồng thông minh mang lại là: (1) Tính chính xác; (2) Tính rõ ràng và minh bạch; (3) Tính nhanh chóng và hiệu quả; (4) Tính bảo mật; (5) Tính bất biến. Với những đặc tính đó, hợp đồng thông minh có nhiều ưu việt trong việc thực hiện các giao dịch và được xem là xu hướng tất yếu hiện nay.

Một số thách thức trong việc thừa nhận tính pháp lý của hợp đồng thông minh

Tại Việt Nam, hợp đồng thông minh chưa được pháp luật thừa nhận là một hợp đồng có giá trị pháp lý. Tức là, hợp đồng thông minh chưa được công nhận và không phải một bằng chứng pháp lý trong quá trình giao kết và thực hiện các quyền, nghĩa vụ có trong hợp đồng; nếu xảy ra tranh chấp thì hợp đồng thông minh không có ý nghĩa trong quá trình chứng minh. Việc tiếp thu và thừa nhận tính pháp lý của hợp đồng thông minh tại Việt Nam hiện nay là một thách thức không nhỏ. Cụ thể:

Thứ nhất, thách thức về pháp lý, thể hiện qua các khía cạnh sau: 

- Về ý chí trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng: Trong pháp luật hợp đồng, nguyên tắc về tự do ý chí được xem là nguyên tắc “xương sống” và được hiểu là việc các bên được tự do giao kết hợp đồng hay thỏa thuận về việc xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự theo ý chí của mình, miễn là nó không trái với trật tự công cộng. Ý chí này được thể hiện qua năng lực của chủ thể giao kết hợp đồng. Có nghĩa là, không phải ai cũng được quyền thực hiện giao kết hợp đồng; nếu các chủ thể thuộc một trong các trường hợp sau thì giao dịch dân sự đó sẽ bị vô hiệu: (i) Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; (ii) Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch; (iii) Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép. Tuy nhiên, việc xác định những trường hợp bị vô hiệu như trên là không khả thi nếu giao dịch được thực hiện qua hợp đồng thông minh. Bởi bản chất của hợp đồng thông minh là loại hợp đồng kỹ thuật số dựa trên nền tảng công nghệ blockchain bằng cách sử dụng các thuật toán, nên việc xác định ý chí của chủ thể là điều không dễ dàng và không có cơ sở. Mặt khác, đối với hợp đồng truyền thống, ý chí của các bên được thể hiện trực tiếp và bên còn lại có thể đánh giá được mức độ của sự đồng thuận thì đối với hợp đồng thông minh, sự đồng ý này được cụ thể hóa qua ngôn ngữ máy tính mang nặng tính phức tạp và khuôn khổ. Do vậy, ý chí được thể hiện qua hợp đồng thông minh không đảm bảo như hợp đồng truyền thống. 

- Về sửa đổi hợp đồng: Đối với hợp đồng truyền thống, các bên có thể thỏa thuận để sửa đổi hợp đồng. Yếu tố thỏa thuận được đề cao và tôn trọng. Tuy nhiên, việc sửa đổi hợp đồng lại là một rào cản đối với hợp đồng thông minh bởi tính bất biến và không thể sửa đổi sau khi đã mã hóa các dòng lệnh. Do vậy, các bên có mong muốn sửa đổi hoặc bổ sung các điều khoản trong hợp đồng thông minh sẽ không thực hiện được. Trong trường hợp này, các bên cần đặt ra các dòng lệnh có cấu trúc “nếu - thì” để dự liệu trước những thay đổi có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo tác giả, sự dự liệu này không giải quyết được thực chất vấn đề, tức là nếu điều khoản, yêu cầu bổ sung vượt ra ngoài phạm vi đã dự liệu trước thì cuối cùng rủi ro vẫn xảy ra; các bên tham gia giao kết và thực hiện hợp đồng phải chấp nhận các điều khoản trước đó. 

Thứ hai, thách thức về thực tiễn áp dụng. Nhiều chuyên gia dự báo rằng, hợp đồng thông minh sẽ trở thành một xu thế tất yếu trong tương lai nhưng hiện tại, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về bản chất, cách thức hoạt động, tính chất pháp lý của loại hợp đồng này. Còn một khoảng cách đáng kể về kỹ năng của người áp dụng, tức là các bên trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng chưa có những hiểu biết nhất định về hợp đồng thông minh. Ngôn ngữ lập trình của hợp đồng này có phần phức tạp, không giống với ngôn ngữ của hợp đồng truyền thống nên để hiểu và truyền đạt lại bằng ngôn ngữ nói hàng ngày một cách dễ hiểu lại càng khó khăn hơn. Không chỉ vậy, các tranh chấp liên quan đến hợp đồng thông minh sẽ được giải quyết như thế nào khi loại hợp đồng này hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ blockchain - đây vẫn còn là một dấu hỏi lớn. 

3. Pháp luật Anh và xứ Wales về hợp đồng thông minh và một số khuyến nghị

Pháp luật Anh và xứ Wales hiện nay đã có sự điều chỉnh về hợp đồng thông minh mà cụ thể là hợp đồng pháp lý thông minh (smart legal contract). Theo đó, hợp đồng pháp lý thông minh là một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý, trong đó, một số hoặc tất cả các nghĩa vụ hợp đồng được xác định trong và/hoặc được thực hiện tự động bởi một chương trình máy tính. Hợp đồng này tuân theo một logic có điều kiện là nếu X xảy ra thì thực hiện bước Y. Theo định nghĩa này, hợp đồng pháp lý thông minh có hai đặc tính giúp nhận diện so với các hợp đồng khác: 

(i) Nội dung hợp đồng được thực hiện tự động bởi một chương trình máy tính mà không có sự can thiệp của con người. Chẳng hạn, hợp đồng mua bán tài sản có thể được mã hóa để quyền sở hữu tài sản đó tự động chuyển khi nhận được một số tiền nhất định vào một tài khoản cụ thể. 

(ii) Có hiệu lực pháp luật (có thể thi hành một cách hợp pháp). 

Để hình thành một hợp đồng pháp lý thông minh, pháp luật Anh và xứ Wales đã đặt ra các yêu cầu sau:

Một là, về sự thỏa thuận. Thỏa thuận này bao gồm việc đưa ra đề nghị với các điều khoản cụ thể và sự đồng ý đề nghị đó. Khác với hợp đồng truyền thống, các thỏa thuận có thể được thực hiện thông qua lời nói, hành vi hoặc bằng văn bản thì đối với hợp đồng pháp lý thông minh, các thỏa thuận này sẽ được thực hiện tự động bởi các chương trình máy tính. Hơn nữa, pháp luật Anh và xứ Wales không ràng buộc vấn đề xác định danh tính của các bên tham gia ký kết hợp đồng, có nghĩa là, các bên không nhất thiết phải biết danh tính của nhau mà vẫn có thể giao kết và thực hiện được hợp đồng. 

Hai là, về sự xem xét. Trong hợp đồng pháp lý thông minh, việc xem xét lại các điều khoản là điều không thể thực hiện hoặc rất khó vì tính bất biến của hợp đồng này. Một khi các điều khoản trong hợp đồng đã được thông qua các dòng mã trên hệ thống máy tính thì việc thay đổi hay chỉnh sửa rất khó khăn. 

Ba là, về tính chắc chắn và đầy đủ. Yêu cầu này đặt ra khi hợp đồng pháp lý thông minh có sự kết hợp giữa hai ngôn ngữ là ngôn ngữ tự nhiên và ngôn ngữ đã được mã hóa. Có nghĩa là, trong một số trường hợp, việc diễn đạt các điều khoản giữa hai ngôn ngữ này sẽ có sự khác nhau dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Do vậy, tính chắc chắn và đầy đủ phải được đảm bảo trong trường hợp này.

Bốn là, về ý định tạo quan hệ pháp luật. Yêu cầu này được hiểu là ý chí thỏa thuận khi thực hiện hợp đồng của các bên sẽ được đánh giá như thế nào khi sử dụng hợp đồng pháp lý thông minh. Theo pháp luật Anh và xứ Wales, việc đánh giá ý chí của các bên là khó khăn và trong những trường hợp không xác định một cách rõ ràng thì Tòa án nước này phải căn cứ vào hành vi thực tế của các bên. Ngoài ra, ngay từ ban đầu, trước khi giao kết hợp đồng, các bên sẽ được cân nhắc làm rõ các nội dung của hợp đồng bằng ngôn ngữ tự nhiên rồi sau đó mới chuyển sang ngôn ngữ máy tính. 

Năm là, về hình thức. Hợp đồng pháp lý thông minh có thể là văn bản nếu các điều khoản của hợp đồng ở dạng mã mà một người có thể đọc được. Hợp đồng này có thể có chữ ký điện tử (không phải điều kiện bắt buộc).

Từ những phân tích trên, theo tác giả, Việt Nam cần nghiên cứu ban hành một khung pháp lý cho hợp đồng thông minh dựa trên việc đánh giá, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài và nhu cầu thực tiễn của việc áp dụng loại hợp đồng này tại Việt Nam. Khung pháp lý của hợp đồng thông minh có rất nhiều khía cạnh nhưng cần tập trung quy định các vấn đề mang tính đặc trưng như điều kiện về chủ thể của hợp đồng, nội dung hợp đồng, hình thức hợp đồng,…

Đồng thời, cần tạo cơ hội để hợp đồng thông minh được áp dụng vào thực tiễn. Hiện nay, hợp đồng thông minh có thể được áp dụng trong một số lĩnh vực như hợp đồng vay mượn tài sản, hợp đồng thuê dịch vụ… (là những hợp đồng tương đối phổ biến và có tính chất đơn giản). Từ đó, đánh giá hiệu quả áp dụng của loại hợp đồng này so với hợp đồng truyền thống, làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định của pháp luật tương ứng.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang