Uỷ ban tư pháp Quốc hội đề nghị nghiên cứu, áp dụng Luật về Hồi tỵ trong lịch sử

28/10/2016 01:22

(kiemsat.vn)
– Tại phiên họp sáng 28/10/2016, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016. Một điểm đáng chú ý là Ủy ban tư pháp của Quốc hội đề nghị tổ chức nghiên cứu, áp dụng Luật về Hồi tỵ trong lịch sử.

“Cả họ làm quan” nhưng vẫn … đúng quy trình

Báo cáo đã nêu rõ, đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người thân, trong gia đình; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ… đã gây nghi ngờ, bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về PCTN nói chung và PCTN trong công tác tổ chức cán bộ nói riêng.

chu_nhiem_ubtpqh_le_thi_nga

Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm tổng kiểm tra, rà soát và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới. Thực hiện kiến nghị này cũng đồng thời góp phần thiết thực vào việc thực hiện nghiêm Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Có ý kiến cho rằng, khoản 3 Điều 37 Luật PCTN hiện hành mới chỉ quy định “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về nhân sự, kế toán – tài vụ, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó” nhưng lại chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, dẫn đến thời gian qua, cử tri bức xúc phản ánh tại một số địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn đúng quy trình.

Liên quan đến vấn đề này, một số cử tri đề nghị Nhà nước cũng cần tổ chức nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu những điểm tiến bộ của Luật về hồi tỵ đã từng được một số triều đại trong lịch sử Việt Nam áp dụng có hiệu quả, theo đó, luật này được đặt ra để ngăn chặn tình trạng những người trong một đại gia đình cùng làm quan trong một địa phương dẫn đến dễ câu kết nhau để tham ô, nhũng nhiễu.

cac_quan_xua_ap_dung_hoity

Luật về hồi tỵ đặt ra để chống lại tình trạng “Cả họ làm quan”

UBTP cho rằng, đây là những ý kiến rất cần được lắng nghe, quan tâm, nghiên cứu để bảo đảm vừa trọng dụng được nhân tài, vừa tránh tính trạng lạm quyền để trục lợi trong công tác cán bộ.

Luật về Hồi tỵ trong dòng lịch sử

Theo từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh: “Hồi tỵ là tránh đi. Ví như một người bổ đi làm quan đứng đầu ở một địa phương nếu có một người bà con đã là thuộc liêu ở đó thì người ấy phải tránh đi chỗ khác, thế gọi là hồi tỵ”. Chính sách hồi tỵ – tránh bố trí, sử dụng người đứng đầu một địa phương hoặc một tổ chức nhà nước là người có mối quan hệ ruột thịt với những người đang ở nơi đó, cơ quan đó – là một chính sách quản lý quan lại quan trọng của một số triều đại phong kiến nước ta.

Mục tiêu của chính sách hồi tỵ là giảm thiểu những tác động tiêu cực như bệnh cục bộ địa phương, bệnh gia đình chủ nghĩa, tệ kéo bè, kéo cánh… trong lựa chọn, sử dụng quan lại. Trong lịch sử nước ta, Lê Thánh Tông (1442-1498) là vị vua đầu tiên ban hành, hiện thực hoá chính sách hồi tỵ trong một nỗ lực đổi mới thể chế chính trị và quan chế của nước ta. Mặc dù chưa văn bản hoá chính sách này nhưng trên thực tế nó đã được vua Lê Thánh Tông áp dụng suốt thời gian trị vì của mình

Trải qua nhiều thăng trầm biến cố lịch sử, khi triều Nguyễn nắm ngôi quân chủ, vua Minh Mệnh – một ông vua được các sử gia đánh giá là năng động và quyết đoán, đã đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao trong suốt 21 năm trị vị đất nước (1820-1841). Luật Hồi tỵ ra đời năm 1831 là một trong những cải cách quan trọng nhất trong lĩnh vực quan chế nhà Nguyễn.

vua_minh_mang_hoity

Theo đó, có 10 điểm chính quan trọng trong Luật có thể giữ nguyên giá trị áp dụng cho đến ngày nay:

1. Quan lại không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai quản. 2. Quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc.

2. Người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở.

3. Các lại dịch nha môn, các bộ ở kinh đô và các tỉnh là con, anh em ruột, anh em con chú, con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác.

4. Các quan lại không được làm quan ở nơi trú quán (nơi ở một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi.

5. Các lại mục, thông lại cũng không được làm việc ở phủ huyện là quê hương mình.

6. Các lại mục, thông lại các nha thuộc các phủ huyện là người cùng làng cũng phải chuyển bổ đi nơi khác.

7. Các quan viên từ Tham biện trở lên ở các trấn, tỉnh về kinh đô chầu được dự đình nghị, song khi trong các cuộc họp có bàn việc liên quan đến địa phương mà mình nhậm trị thì không được vào dự.

8. Các khảo quan (coi thi, chấm thi) có người thân thích dự thi ở trường mình thì phải báo lên cấp trên để tránh đi. Nếu cố tình không khai báo sẽ bị trọng tội vì cố ý làm trái.

9. Các quan thanh tra, xét xử thấy trong vụ án, vụ điều tra có người thân quen của mình (bà con nội, ngoại, bạn thân…) đều phải khai báo và hồi tỵ ngay.

10. Cấm quan đầu tỉnh lấy vợ trong trị hạt vì sợ gia đình vợ nhũng nhiễu; cấm các quan tậu ruộng vườn, nhà cửa trong trị hạt vì sợ quan hiếp dân để được mua rẻ; cấm tư giao với đàn bà con gái trong trị hạt; cấm các quan lại đã về hưu quay lại cửa công để cầu cạnh…

Rõ ràng, ý kiến đề xuất của Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga về việc nghiên cứu, áp dụng Luật về Hồi tỵ vào thực tế hiện nay là một ý kiến hết sức đáng lưu ý.

Sơn Tùng

Ký ức về trận đấu lịch sử của tình đoàn kết dân tộc

19h tối Chủ nhật ngày 7/11/1976, đội bóng Tổng cục Đường sắt thi đấu với đội Công nhân Cảng Sài Gòn. Sau nhiều năm, ước mơ về cuộc so tài giữa hai miền đã trở thành hiện thực. Đây được xem như cuộc hội ngộ của hai nền bóng đá Nam - Bắc sau ngày thống nhất.

Những năm Dậu đáng nhớ trong lịch sử dân tộc

Lịch sử dân tộc Việt Nam ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại đáng nhớ. Đặc biệt, những năm Dậu cũng khắc sâu trong ký ức của nhân dân ta nhiều mốc son rực rỡ.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang