Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn quan tâm xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác giữa ngành Kiểm sát với các ngành hữu quan, nhất là đối với những cơ quan trong khối tư pháp
(kiemsat.vn) Trong thời gian giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những chỉ đạo sát sao, cụ thể, thông qua nhiều hình thức để giúp cán bộ, công chức trong toàn Ngành hiểu được vai trò quan trọng của việc phối hợp với các ngành hữu quan trong việc thực hiện chức năng kiểm sát, từ đó, góp phần xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác giữa ngành Kiểm sát nhân dân với các ngành hữu quan.
Những điều tôi được biết về đồng chí Hoàng Quốc Việt
Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Nhà Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước, có công lao lớn trong xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm sát
Tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Hoàng Quốc Việt
Ngay từ những thời gian đầu mới được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bầu giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân, cùng với vai trò đặt nền móng cho việc xây dựng hệ thống tổ chức Viện kiểm sát từ trung ương đến địa phương, để ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của mình, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã luôn quan tâm xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác giữa ngành Kiểm sát với các ngành hữu quan, nhất là đối với các cơ quan trong khối tư pháp; thể hiện trên các phương diện cơ bản sau:
1. Đồng chí Hoàng Quốc Việt tập trung công tác xây dựng các quy định về mối quan hệ công tác của Viện kiểm sát nhân dân với các ngành hữu quan nhằm tạo điều kiện cho Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của mình
Trong bối cảnh Viện kiểm sát nhân dân mới được thành lập, công tác kiểm sát đang còn là công tác mới, nhận thức của các ngành, các cấp về chức năng và nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân còn chưa thống nhất, việc phối hợp công tác giữa các ngành với Viện kiểm sát, như giữa ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án chưa chặt chẽ, mỗi ngành chưa phát huy hết chức năng của mình, đôi khi còn chồng chéo nhau. Với cương vị là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt rất quan tâm đến việc xây dựng và tổ chức các mối quan hệ công tác của Viện kiểm sát với các ngành, các cấp.
Một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với các ngành hữu quan trong giai đoạn này do chưa có những quy định cụ thể về quan hệ phối hợp giữa các ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Do vậy, đồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt tập trung vào việc xây dựng các quy định về mối quan hệ công tác của Viện kiểm sát nhân với các ngành hữu quan nhằm đảm bảo Viện kiểm sát nhân có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong đó, phải kể đến: (1) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 423/TT-V1 ngày 12/5/1961 quy định trách nhiệm của các cơ quan Công an, Toà án, Viện kiểm sát, Y tế và Tài chính trong việc khám nghiệm tử thi, quy định về chế độ trang bị phòng ngừa và phụ cấp khám nghiệm tử thi; (2) Tháng 7 năm 1961, Viện kiểm sát nhân tối cao xây dựng Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác giữa hai cơ quan Viện kiểm sát và Thanh tra các cấp; Viện kiểm sát nhân tối cao đã cùng Đảng đoàn Toà án nhân dân tối cao và Bộ Công an xây dựng quy định về quan hệ giữa ba ngành, cùng Văn phòng Chính phủ xây dựng quy định về quan hệ giữa ngành Kiểm sát với các cơ quan, ban, ngành khác; (3) Nhằm tạo điều kiện cho Viện kiểm sát nhân các cấp thực hiện tốt công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, các cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao đã tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan và các tổ chức của Nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức của Nhà nước trong thực hiện yêu cầu, kháng nghị của Viện kiểm sát tại Thông tư số 09/TTg ngày 01/02/1963 quy định về quan hệ công tác giữa Viện kiểm sát nhân dân các cấp với các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan Nhà nước địa phương; (4) Ngày 28/6/1963, VKSND tối cao và Bộ Công an ban hành Thông tư số 427-TTLB quy định tạm thời về một số nguyên tắc trong quan hệ giữa hai ngành về công tác điều tra, kiểm sát điều tra, kiểm sát giam giữ nhằm đảm bảo việc điều tra và xử lý tội phạm được đúng chính sách, đúng pháp luật và nhanh chóng; (5) Ngày 22/5/1974, nhằm phục vụ kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết 228-NQ/TW ngày 12/01/1974 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng đoàn ba cơ quan Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức họp thống nhất về việc áp dụng thủ tục rút ngắn trong việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án hình sự ít nghiêm trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng,….
Các văn bản nêu trên, một mặt đã giúp các cơ quan xác định được những nguyên tắc, lề lối liên hệ công tác với nhau, mặt khác cũng giúp các ngành phân định rõ những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, đồng thời đưa ra những quy định nhằm bảo đảm xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, từ đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chung là đấu tranh chống phần tử phản cách mạng và các loại tội khác, giữ gìn trật tự, an ninh, giữ gìn pháp chế, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân.
2. Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn quan tâm, tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với các ngành hữu quan
Nhận thấy mối quan hệ giữa Viện kiểm sát và các ngành hữu quan ở giai đoạn đầu khi Viện kiểm sát nhân dân mới thành lập chưa có sự phối hợp chặt chẽ, gây khó khăn cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, ngay tại Báo cáo về kết quả công tác đầu tiên (1) của Đảng đoàn Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có báo cáo về nội dung này và đề nghị Ban Bí thư cho ý kiến. Sau đó, tại cuộc họp bàn về công tác kiểm sát của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 24/11/1960, Ban Bí thư đã có ý kiến chỉ đạo chung đối với các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án(2): Để tăng cường công tác nội chính nói chung, công tác kiểm sát nói riêng thì giữa các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án cần có sự phối hợp và nhất trí, đồng thời cần có sự phân công giữa các cấp trong các ngành nói trên.
Tiếp đó, ngày 31/01/1964, tại Báo cáo số 06/ĐĐ-VKS, sau khi báo cáo về tình hình công tác kiểm sát năm 1963, thay mặt Đảng đoàn Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đề nghị Ban Bí thư trung ương Đảng nghiên cứu, giải quyết một số vấn đề, trong đó có nội dung đề nghị cho xúc tiến việc thành lập Ban Chính pháp của Trung ương Đảng do một đồng chí Trung ương phụ trách để tằng cường sự lãnh đạo của Trung ương Đảng với các ngành hữu quan, chủ trì và đẩy mạnh việc phối hợp giữa ba ngành Công an, Kiểm sát, Toà án trong việc xây dựng đường lối cụ thể đối với một số loại tội phạm làm cơ sở cho sự nhất trí giữa ba ngành, củng cố Nhà nước dân chủ nhân dân chuyên chính, đồng thời làm cơ sở cho việc xây dựng pháp luật nói chung theo tinh thần tăng cường pháp chế của Đại hội Đảng lần thứ III của Đảng.
![]() |
Ảnh đồng chí Hoàng Quốc Việt (hàng đứng, thứ hai từ phải qua trái) cùng các đồng chí: Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh và các đồng chí lãnh đạo tại Việt Bắc năm 1949. |
Trên cơ sở đó, mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với các ngành hữu quan từng bước được cải thiện và sự cố gắng cải thiện mối quan hệ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã nhanh chóng được ghi nhận. Năm 1960, Ban Bí thư Trung ương Đảng nhận định: “việc phối hợp công tác giữa các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án chặt chẽ”(3). Sau 03 năm, sự cố gắng xây dựng quan hệ công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được Bộ Chính trị ghi nhận. Sau khi nghe Đảng đoàn Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo công tác kiểm sát năm 1962, Bộ Chính trị đã khẳng định: Ngành Kiểm sát nhân dân có cố gắng cải tiến quan hệ công tác với các ngành Công an, Tòa án, tuy nhiên cần đề phòng và khắc phục mọi biểu hiện cục bộ, chỉ thấy ngành mình, không thấy khó khăn của ngành bạn, đi đến thiếu tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau.
3. Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn quán triệt, chỉ đạo toàn Ngành Kiểm sát nhân dân phải đoàn kết phối hợp tốt với các ngành hữu quan, tăng cường mối quan hệ công tác với các ngành
Trong thời gian giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những chỉ đạo sát sao, cụ thể, thông qua nhiều hình thức để giúp cán bộ, công chức trong toàn Ngành hiểu được vai trò quan trọng của việc phối hợp với các ngành hữu quan trong việc thực hiện chức năng kiểm sát, từ đó, góp phần xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác giữa ngành Kiểm sát nhân dân với các ngành hữu quan.
Một là, thực hiện chủ trương của ba Đảng đoàn Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao tại cuộc họp liên tịch ngày 22/5/1974, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 01/TT hướng dẫn về hoạt động của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút ngắn: Sau khi nêu rõ ý nghĩa, mục đích của việc áp dụng thủ tục rút ngắn, Thông tư chỉ rõ những hoạt động của Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và chấp hành án theo thủ tục rút ngắn, đồng thời nêu rõ "để làm tốt loại án này, biện pháp quan trọng là mỗi Viện kiểm sát các cấp cần phải tranh thủ sự lãnh đạo của cấp Uỷ, chủ động giữ vững nền nếp phối hợp và sinh hoạt chặt chẽ giữa ba ngành Công an, Kiểm sát, Toà án nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc và những quan điểm khác nhau (nếu có) trong khi thực hiện, cùng nhau đề ra những biện pháp chỉ đạo và bồi dưỡng cho cán bộ cấp dưới”.
Hai là, việc “đoàn kết phối hợp tốt với các ngành”, “tăng cường mối quan hệ công tác với các ngành” thường xuyên được đồng chí Hoàng Quốc Việt xác định là phương châm thực hiện nhiệm vụ cho toàn Ngành tại các Chỉ thị về phương hướng và nhiệm vụ công tác của ngành Kiểm sát nhân dân (các năm 1961, 1964, 1969, 1972).
Ba là, việc cần phải phối hợp với các ngành hữu quan, không chỉ được đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ rõ tại những Chỉ thị về phương hướng và nhiệm vụ công tác của ngành Kiểm sát nhân dân mà còn được đồng chí chỉ rõ tại những Chỉ thị về đường lối truy tố tội phạm cụ thể, các văn bản thông báo rút kinh nghiệm và các hướng dẫn, công văn thực hiện công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
- Trong các Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
(1) Ngày 31/01/1964, trước tình hình hoạt động đầu cơ có tính chất phổ biến, nghiêm trọng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Chỉ thị số 02/CT về đường lối truy tố tội đầu cơ, trong đó, Chỉ thị chỉ rõ: “Muốn cho việc xử lý có tác dụng tốt, cần phối hợp với các cơ quan bạn để điều tra kịp thời và đầy đủ, truy tố, xét xử nhanh chóng. Trong quá trình điều tra, xét xử, nếu phát hiện sơ hở của cơ quan khác mà do sơ hở đó đã tạo điều kiện cho việc phạm tội thì cần báo ngay cho những cơ quan ấy để kịp thời sửa chữa. Việc khám xét về đầu cơ phải làm thận trọng và theo đúng pháp luật, có điều tra, nghiên cứu kỹ càng, không nên làm vội vàng, tuỳ tiện. Viện kiểm sát các cấp cần liên hệ chặt chẽ với Uỷ ban Hành chính, Cơ quan Thương nghiệp, Thuế vụ, Công an và Toà án để nắm tình hình hoạt động đầu cơ xảy ra trong từng địa phương, thống nhất nhận định về chủ trương ngăn ngừa, đối phó cụ thể. Nếu Viện kiểm sát thấy người nào có hoạt động đầu cơ cần xử lý về mặt hành chính mà chưa được xử lý thì nên kịp thời đề nghị Uỷ ban hành chính xử lý,... ”.
(2) Ngày 02/4/1966, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Chỉ thị số 01/CT- VPTH về công tác kiểm sát góp phần “giữ gìn an ninh miền Bắc, kiên quyết đánh bại mọi hoạt động phá hoại của bọn gián điệp và phản cách mạng trong tình hình hiện nay”, Chỉ thị cũng chỉ rõ: “Trong công tác đấu tranh chống phản cách mạng, trước hết chúng ta cần quán triệt những quan điểm cơ bản là: đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng và phối hợp chặt chẽ với các ngành, thực hiện tốt nhiệm vụ trong mỗi bước công tác”.
(3) Ngày 24/9/1971, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục ra Chỉ thị số 21/CT về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính sách và pháp luật trong vùng lũ lụt. Chỉ thị nêu rõ: “Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính sách và pháp luật trong vùng lũ lụt, Viện kiểm sát nhân dân ở những địa phương có lũ lụt cần phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Hành chính, Công an, Toà án, các ngành hữu quan khác và các đoàn thể đề ra kế hoạch tuyên truyền chính sách và pháp luật rộng rãi, nội dung sát hợp với tình hình, với những biện pháp và hình thức phong phú và sinh động”.
(4) Ngày 14/12/1973, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Chỉ thị số 28/CT về công tác kiểm sát tham gia cuộc đấu tranh chống tệ lấy cắp vật tư hàng hoá của Nhà nước và giữ gìn trật tự trị an ở thành phố và thị xã, trong đó Chỉ thị nêu rõ: việc phối hợp với cơ quan Công an, Toà án nhân dân, Thanh tra là một trong những công tác chính mà Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần tập trung thực hiện. Cụ thể, để giữ gìn trật tự nơi công cộng, Viện kiểm sát nhân dân thành phố, khu phố, thị xã phối hợp với cơ quan Công an, các tổ chức quần chúng ở địa phương và Mặt trận Tổ quốc các cấp liên tục mở các đợt vận động nhân dân tham gia quản lý trật tự đường phố, xây dựng nếp sống mới, chống nạn trộm cắp lưu manh gây rối trật tự đường phố, giải quyết tốt các vụ xích mích trong nội bộ nhân dân; trong công tác giải quyết án, Viện kiểm sát nhân dân cần tổ chức nắm tình hình, tích cực hỗ trợ Cơ quan điều tra nâng phương pháp điều tra công khai, dựa vào quần chúng để thu thập tài liệu, chứng cứ, kết hợp với việc yêu cầu thủ trưởng cơ quan quản lý tự kiểm tra và cung cấp tài liêu nhằm kết thúc nhanh việc xác minh, điều tra, kịp thời đưa ra trừng trị để hỗ trợ cho phong trào quần chúng.
(5) Ngày 11/4/1974, tại Chỉ thỉ số 29/CT về công tác kiểm sát phục vụ phòng, chống đói, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu các Viện kiểm sát địa phương báo cáo với cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với các ngành, nhất là phối hợp với các đoàn kiểm tra của Trung ương Đảng được phái về một số địa phương trọng điểm để kiểm tra điển hình một số cơ sở để kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp lợi dụng tình hình để man khai số hộ và số nhân khẩu thiếu đói, bớt xén, tham ô, ăn cắp số lương thực của Nhà nước phân phối về địa phương, qua đó, góp phần giúp công tác phòng đói, chống đói đạt được kết quả tốt.
- Trong Kết luận của các Hội nghị tổng kết công tác năm của Viện kiểm sát nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng thường xuyên có những chỉ đạo đối với toàn ngành Kiểm sát nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của các Kiểm sát viên vai trò quan trọng của việc phát triển mối quan hệ với các ngành, đồng thời, có những chỉ đạo cụ thể về thái độ trong quá trình làm việc với các ngành hữu quan và đồng chí luôn nhấn mạnh, coi đây là một trong những phương pháp, kinh nghiệm quý báu để thực hiện công tác kiểm sát.
Cụ thể, trong Kết luận Hội nghị Tổng kết công tác năm 1963, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ rõ: “Ngành chúng ta làm công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, có quan hệ mật thiết với các cơ quan dân cử từ Quốc hội đến Hội đồng nhân dân các cấp. Chúng ta nên tiếp xúc với các vị đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tìm hiểu xem các vị đã làm được những gì ở xí nghiệp, ở nông thôn, có những ý kiến, sáng kiến gì đề nghị về mặt pháp luật, đã giải thích cho nhân dân hiểu biết về Hiến pháp, pháp luật như thế nào. Nhiệm vụ của các vị đại biểu ấy là phải giải thích Hiến pháp, nâng cao giác ngộ của nhân dân, kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan Nhà nước, chúng ta cần giúp đỡ cho các đại biểu dân cử thực hiện tốt những nhiệm vụ này”.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 1965 của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng đã chỉ ra rằng: “Trong quan hệ công tác với các ngành, trước hết kiểm sát chúng ta phải có thái độ mềm dẻo, khiêm tốn; nếu không có thái độ mềm dẻo, khiêm tốn thì sẽ tạo nên quan hệ căng thẳng với các ngành bạn, do đó, sự hợp đồng xã hội chủ nghĩa để hoàn thành nhiệm vụ chung của cách mạng sẽ bị hạn chế”.
Trước tình hình bộ máy Ngành còn nhỏ, người ít, công việc nhiều, trong khi chờ Trung ương giải quyết vấn đề biên chế cho Ngành, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã vạch ra một số kinh nghiệm, như: tranh thủ phối hợp chặt chẽ với các ngành để cùng chung giải quyết tốt các hiện tượng vi phạm và phạm tội, bởi đồng chí cho rằng: “Đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật đòi hỏi phải có sự tham gia của các ngành, các cấp và quảng đại quần chúng nhân dân”(4).
Cùng với đó, “Các Viện kiểm sát các cấp cần hoàn thành tốt nhiệm vụ làm tham mưu cho cấp Ủy, làm thế nào để kế hoạch công tác của mình được cấp Ủy duyệt và các ngành cùng thực hiện”.
Ngoài ra, không dừng ở việc chỉ ra sai sót, vi phạm của các ngành hữu quan mà còn phải tập trung tìm ra nguyên nhân của những vi phạm, từ đó Ngành đề xuất biện pháp khắc phục vi phạm đó: “Đây là kinh nghiệm chúng ta rút ra từ việc đi vào kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong khâu hệ thống thương nghiệp. Chúng ta đi từ sai sót, vi phạm của các hợp tác xã mua bán ở xã, các xí nghiệp bán lẻ cấp huyện, các ty thương nghiệp, đến việc kiểm tra việc phân phối, sử dụng tem phiếu trên Bộ Nội thương. Trên cơ sở đi sâu vào ngành thương nghiệp, chúng ta nắm được toàn bộ những vi phạm, nguyên nhân của những vi phạm của hệ thống thương nghiệp, đề xuất biện pháp thích đáng giúp Bộ Nội thương quản lý tốt hơn nữa nền thương nghiệp xã hội chủ nghĩa" (5).
- Trong Thông báo kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao: ngày 29/01/1964, sau cuộc kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Nhà máy giấy Việt Trì, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Thông báo 196-V1 về kinh nghiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật, trong đó chỉ ra tầm quan trọng của việc phối hợp với các ngành hữu quan và sự cần thiết không thể thiếu được của việc tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng địa phương trong việc kiểm sát tại chỗ.
- Trong Hướng dẫn thực hiện công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao: ngày 25/9/1972, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Hướng dẫn số 1710/V3 về công tác kiểm sát xét xử hình sự trong tình hình mới. Trong bản hướng dẫn này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đặt ra những nội dung và yêu cầu chuyển hướng trong khâu kiểm sát xét xử hình sự, chỉ ra những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần tập trung phục vụ như trật tự an ninh, giao thông vận tải, nông nghiệp...; xác định rõ phương hướng công tác và đưa một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát xét xử hình sự, trong đó có biện pháp cải tiến quan hệ công tác với Toà án.
- Trong Công văn chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao: sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 139-TTg Ngày 28/5/1974 xác định mối quan hệ giữa các ngành quản lý với Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình phát hiện và xử lý các vụ việc phạm pháp khi thực hiện Nghị quyết 228-NQ/TW và các Nghị quyết khác của Đảng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành 02 Công văn hướng dẫn, chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các địa phương để bảo đảm thực hiện tốt quy định của Thông tư, qua đó góp phần cải tiến mối quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân và các ngành quản lý.
4. Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn chủ động, tích cực trong việc xây dựng và chỉ đạo toàn Ngành xây dựng mối quan hệ phối hợp nhằm đấu tranh chống tội phạm và thực hiện các nhiệm vụ cách mạng khác
Đồng chí Hoàng Quốc Việt nhận rõ việc xây dựng, phát triển mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với các ngành hữu quan là vấn đề có tính chất quyết định để làm tốt công tác đấu tranh chống tội phạm ở tất cả các địa phương. Do vậy, trong suốt thời gian làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí luôn luôn chú ý xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa ngành Kiểm sát nhân dân với các ngành quản lý và đặc biệt là với các ngành khối tư pháp.
Thứ nhất, đại diện của Đảng đoànViện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chủ động xây dựng mối quan hệ, phối hợp với các ngành hữu quan, nhiều lần đề nghị các ngành họp bàn để phối hợp thực hiện những nhiệm vụ chính trị, nhất là với ngành trong khối tư pháp, như: Đề nghị tổ chức cuộc họp giữa bốn Đảng đoàn Bộ Công an, Ủy ban Thanh tra Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để bàn về sự phối hợp giữa bốn ngành để chấp hành Chỉ thị số 205 CT/TW của Ban Bí thư Trung ương đảng ngày 13/10/1973 về việc ngăn chặn tệ lấy cắp vật tư, hàng hóa của Nhà nước, bảo đảm trật tự nơi công cộng; giúp bốn Đảng đoàn đã nhất trí một số chủ trương cụ thể thực hiện sự phối hợp giữa bốn ngành nhằm đấu tranh chống tội phạm và chống vi phạm chế độ, thể lệ của Nhà nước. Cũng qua cuộc họp, các ngành đã thống nhất được những yêu cầu cụ thể của việc phối hợp giữa bốn ngành, bảo đảm mỗi ngành làm đúng chức năng của ngành mình đồng thời chủ động, kịp thời hợp tác với các ngành khác trong các việc có liên quan, thực hiện sự hỗ trợ lẫn nhau giữa bốn ngành, giữa công tác thanh tra và công tác làm án để mọi ngành cùng phát huy được hiệu lực của ngành mình và quyền lực chung của Nhà nước chuyên chính vô sản. Đồng thời, cuộc họp cũng giúp mỗi ngành nhận thức được một cách đầy đủ các nguyên tắc trong quá trình phối hợp thực hiện Chỉ thị số 205-CT/TW, theo đó, những việc có liên quan đến chức năng của nhiều ngành thì các ngành đó đều phải tham gia theo chức năng của ngành mình ở giai đoạn cần thiết; việc phối hợp với nhau trong những việc có liên quan đến chức năng của nhiều ngành phải thực hiện cả ở trung ương và các địa phương, các ngành ở trung ương phải chỉ đạo cấp dưới của ngành mình ở các địa phương để cùng thống nhất và thực hiện sự phối hợp đó.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng hai ngành thanh tra, Kiểm tra Đảng thảo luận nhằm quán triệt Chỉ thị 176-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát và thanh tra và giải quyết các vụ khiếu nại, tố giác và bàn biện pháp phối hợp trong công tác, qua đó đã sơ bộ hướng dẫn chức năng kiểm sát, phân biệt rõ công tác kiểm sát với công tác thanh tra và chủ động cùng hai ngành thảo luận việc phối hợp hành động, nghiêm chỉnh thực hiện Chỉ thị 176 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Thứ hai, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đề nghị ba trường của ba ngành Công an, Kiểm sát, Toà án thống nhất xây dựng hệ thống giáo trình, chú ý giáo trình giảng dạy về pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Ba ngành đã cử một nhóm nghiên cứu gồm đồng chí Phạm Tâm Long - Hiệu trưởng trường Công An, đồng chí Phùng Văn Tửu - Hiệu trưởng trường Cán bộ Toà án, đồng chí Vũ Quang Chính - Trưởng phòng Giáo vụ trường Cán bộ kiểm sát... cùng nghiên cứu, trao đổi giáo trình, phát hiện những vấn đề chưa phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự để sửa chữa, bổ sung, đi đến thống nhất nội dung giáo trình pháp lý giữa ba trường.
Thứ ba, đồng chí Hoàng Quốc Việt tích cực tham gia các hoạt động nhằm xây dựng mối quan hệ, phối hợp nhằm đấu tranh chống tội phạm và thực hiện các nhiệm vụ cách mạng khác, như: Trực tiếp tham gia các cuộc họp liên tịch giữa Đảng đoàn Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và Bộ Công an để họp kiểm điểm về mối quan hệ giữa ba ngành trong công tác đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tại các cuộc họp, Đảng đoàn của ba ngành chỉ ra những tiến bộ, thành tích, cũng như tồn tại, hạn chế trong quan hệ công tác giữa các ngành, đồng thời, tìm ra những giải pháp để củng cố, phát triển mối quan hệ này thêm chặt chẽ.
Từ tháng 3/1968, cùng với ba Đảng đoàn đã đi đến thống nhất đề cương về chế độ sinh hoạt của ba Đảng đoàn nhằm mục đích tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường công tác phối hợp trong đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ kinh tế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ trị an xã hội và quyền dân chủ của nhân dân. Mục đích chủ yếu của sinh hoạt giữa ba Đảng đoàn là thảo luận để thống nhất về phương hướng công tác giữa ba ngành trong từng thời gian và thống nhất về việc vận dụng đường lối, chính sách, pháp luật về thủ tục tố tụng trong việc đấu tranh chống những việc phạm pháp. Nội dung sinh hoạt tập trung thảo luận những vấn đề cơ bản như tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, nguyên nhân và phương hướng công tác chung của ba ngành; những vấn đề cần có sự nhất trí giữa ba Đảng đoàn về quan điểm và vận dụng đường lối, chính sách, pháp luật; về thủ tục tố tụng; về một số vụ án quan trọng, phức tạp mà Trung ương trực tiếp chỉ đạo xử lý hoặc địa phương xin ý kiến chỉ đạo chung của ba Đảng đoàn,... Chế độ sinh hoạt được quy định 06 tháng một lần. Ngoài ra khi có vấn đề cần thảo luận sẽ họp bất thường. Sau cuộc họp của ba Đảng đoàn, liên ngành đã ra Thông báo chung và báo cáo Ban Bí thư Trung ương về kết quả cuộc họp, đồng thời đề nghị Ban Bí thư xét duyệt các vấn đề thuộc về quan điểm, chính sách, luật pháp mà ba ngành sẽ đưa ra bàn bạc, giải quyết; chỉ thị cho các tỉnh ủy, thành ủy cải tiến và tăng cường sinh hoạt nội chính. Đối với những cuộc họp để kiểm điểm tình hình tội phạm và bàn những vấn đề thuộc chủ trương, chính sách ba ngành đề nghị Ban Bí thư chủ trì. Sau đó, Đảng đoàn ba cơ quan: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và Bộ Công an đã có nhiều cuộc họp bàn để phối hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao: ngày 28/8/1970, họp về tình hình lũ lụt và tình hình trật tự trị an trong vùng bị lũ; ngày 13/01/1973, họp bàn về việc tăng cường phối hợp để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm, ngày 21/4/1972 bàn về tăng cường công tác chỉ đạo giữ gìn trật tự trị an trong tình hình mới,…
Ngày 09/3/1974, tại cuộc họp bàn giữa Đảng đoàn bốn cơ quan họp bàn về công tác phối hợp bảo đảm thi hành Nghị quyết 228-NQ/TW ngày 12/01/1974 của Bộ Chính trị về cuộc đấu tranh chống lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, chống làm ăn phi pháp, tăng cường quản lý lao động, quản lý thị trường, giữ vững trật tự trị an, phục vụ tốt phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm, phục vụ tốt phong trào lao động sản xuất và tiết liệm, phục vụ tốt đời sống nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đến dự và phát biểu với hội nghị một số ý kiến, đề nghị bốn ngành phối hợp làm một số việc một cách tập trung, toàn diện và triệt để để rút ra vấn đề báo cáo lên cấp trên góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, rèn luyện và đào tạo cán bộ, đảng viên.
Thứ tư, không chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tư pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt còn tích cực xây dựng, phát triển mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với các ngành khác. Điển hình như: (1) Bên cạnh hình thức kiểm sát tại chỗ do VKSND trực tiếp tiến hành, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động, vận dụng hình thức phối hợp với các ngành thanh tra, kiểm tra Đảng, thanh tra lao động, tài chính hoặc ngành chuyên môn xuống kiểm tra theo chủ tương của cấp Ủy. Cụ thể, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với Ủy ban Thanh tra Chính phủ và Bộ Nông trường kiểm tra nông trường Hà Trung (Thanh Hoá), nông trường Việt Lâm (Hà Giang); phối hợp với Thanh tra tài chính Trung ương tiến hành kiểm tra về công tác quản lý tại Nhà máy Cao su Sao vàng thuộc Tổng cục Hoá chất. Cách làm này đã mang lại nhiều thuận lợi, làm cho Viện kiểm sát nhân dân thấy vấn đề một cách toàn diện và sâu hơn về nguyên nhân vi phạm, đồng thời, làm cho các ngành thấy rõ hơn tác hại của vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật và sửa chữa triệt để hơn. (2) Năm 1973, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trực tiếp về một số địa phương, vừa nắm tình hình công tác xét giải quyết đơn khiếu tố của Ngành, vừa nắm tình hình công tác xét giải quyết đơn khiếu tố của một số Ủy ban Hành chính tỉnh và huyện, trên cơ sở đó đã trao đổi, rút kinh nghiệm, đề xuất một số biện pháp cụ thể với Uỷ ban Hành chính địa phương nhằm phát huy vai trò của chính quyền trong việc chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các cấp, tăng cường trách nhiệm giải quyết đơn khiếu tố của quần chúng, tăng cường quan hệ công tác giữa Ủy ban Hành chính và Viện kiểm sát nhân dân để thiết thực bảo vệ quyền khiếu tố của quần chúng.
Có thể thấy, trong suốt thời gian là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn luôn quan tâm xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác giữa ngành Kiểm sát với các ngành hữu quan, đặc biệt là với các cơ quan trong khối tư pháp. Và đó là nền tảng giúp cho mối quan hệ công tác của ngành Kiểm sát với các ngành hữu quan đi từ “thiếu chặt chẽ” đến “có cải tiến”. Theo đồng chí, việc xây dựng mối quan hệ phối hợp với các ngành hữu quan vừa là nhiệm vụ, vừa là phương pháp và kinh nghiệm công tác, nó có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Đây cũng là những kinh nghiệm quý báu có giá trị vượt thời gian mà mỗi Kiểm sát viên có thể học tập, lĩnh hội từ đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thủ lĩnh đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân.
TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
ThS. Nguyễn Thị Tâm, Phó Trưởng phòng, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Bài trích từ cuốn "Hội thảo khoa học đồng chí Hoàng Quốc Việt với ngành Kiểm sát nhân dân, Bắc Ninh, năm 2020).
1. Báo cáo số 103/ĐĐ-VKS ngày 17/11/1960 báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng về kết quả công tác với nội dung báo cáo về những việc chính mà ngành Kiểm sát nhân dân đã làm được kể từ sau khi Quốc hội khoá II, Kỳ họp thứ nhất thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân trong lĩnh vực xây dựng tổ chức và công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật.
2. Những ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư trong cuộc họp này đã được Văn phòng Trung ương nêu tại Thông báo số 06/TB-TW ngày 06/12/1960.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, sđd, t.12,tr.1049.
4. Hoàng Quốc Việt – Bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm sát năm 1968.
5. Bài phát biểu tổng kết Hội nghị thực hiện 3 cuộc vận động – In trong Nội san Công tác kiểm sát số 5 năm 1968.
6. Công văn số 99 hướng dẫn VKSND các địa phương nắm vững những yêu cầu cơ bản về chính trị, về pháp lý của Thông tư và sơ bộ phân công thực hiện cho các khâu nghiệp vụ có liên quan và Công văn số 115/V2 hướng dẫn thực hiện Thông tư 139/TTg của Thủ tướng Chính phủ trong khâu kiểm sát điều tra.
-
1Thống nhất với chủ trương cho phép chuyển đổi các ngạch Kiểm sát viên và Điều tra viên
-
2Thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự nhằm bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương
-
3Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Tấm gương mẫu mực của ngành Kiểm sát nhân dân
-
4Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự là cần thiết nhằm giải quyết kịp thời một số vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn
-
5Quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn theo từng ngạch Kiểm sát viên
-
6Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV
-
7Cơ chế, chính sách tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật
-
8VKSND tối cao tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
-
9Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5/2025: Xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật
Bài viết chưa có bình luận nào.