Giao thêm thẩm quyền cho công an cấp xã phải đi đôi với xác định rõ tiêu chuẩn về năng lực và trình độ

27/05/2025 22:11

(kiemsat.vn)
Chiều 27/5/2025, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp.

Thiết kế cẩn trọng các quy định về thủ tục tố tụng vắng mặt

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để rà soát Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự cũng như các luật khác có liên quan để đảm bảo tính thống nhất.

Góp ý các nội dung cụ thể, đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa nhất trí bổ sung các nội dung liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo không còn ở Việt Nam. Đây là những nội dung bổ sung cần thiết để thực hiện quy trình tố tụng. Dự thảo cũng có các quy định để đảm bảo quyền bào chữa, tự bào chữa cho người bị xét xử vắng mặt.

Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa.

Các ý kiến tại phiên thảo luận cũng ủng hộ mạnh mẽ việc bổ sung các quy định này. Đây là một giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng tồn đọng nhiều vụ án, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, có yếu tố bỏ trốn, thể hiện sự quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đại biểu cũng lưu ý, do tính chất đặc biệt của thủ tục tố tụng vắng mặt, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền bào chữa và quyền được xét xử công bằng của người bị buộc tội, nên các quy định này cần được thiết kế với sự cẩn trọng tối đa. Để quyền bào chữa được thực thi một cách thực chất, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định việc chỉ định người bào chữa là bắt buộc trong mọi trường hợp tiến hành tố tụng vắng mặt. Người bào chữa phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận hồ sơ vụ án từ sớm, tham gia các hoạt động tố tụng cần thiết và có đủ thời gian, nguồn lực để chuẩn bị và thực hiện việc bào chữa.

Làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng Công an hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã

Về việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên được bố trí là Trưởng Công an hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã, đa số đại biểu đồng tình với quy định này. Bởi theo luật hiện hành, công an cấp huyện sẽ thực hiện nhiệm vụ điều tra viên, công an cấp xã chỉ thực hiện bảo vệ hiện trường. Sau khi thực hiện sắp xếp không tổ chức công an cấp huyện, dự thảo luật sửa đổi theo hướng giao công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn điều tra viên là cần thiết.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu một số khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ, trong đó khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can phải mang hồ sơ lên tỉnh trình ký duyệt sau đó mới chuyển qua Viện kiểm sát phê chuẩn. Do đó, đại biểu nghiên cứu đề xuất hình thành cơ quan điều tra các khu vực, có sự tương đồng với hoạt động cơ quan điều tra, truy tố, xét xử của Tòa án và Viện kiểm sát.

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh ủng hộ chủ trương tăng cường năng lực cho cấp cơ sở và việc bổ sung nhiệm vụ quyền hạn cho Điều tra viên là Trưởng công an, Phó Trưởng công an cấp xã là phù hợp, đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị rà soát kỹ lưỡng và quy định thật cụ thể, chặt chẽ về thẩm quyền của lực lượng này sao cho phù hợp với năng lực của công an cấp xã và đảm bảo hiệu quả thực chất trong công tác phòng, chống tội phạm.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.

“Việc giao thêm thẩm quyền cho công an cấp xã phải đi đôi với việc xác định rõ các tiêu chuẩn về năng lực và trình độ chuyên môn pháp lý tối thiểu đối với các Điều tra viên. Không chỉ đơn thuần là bố trí Điều tra viên từ cấp tỉnh về, mà còn cần có các chương trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, đặc biệt là các kỹ năng điều tra cơ bản, thu thập và đánh giá chứng cứ”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ nêu quan điểm.

Đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy định cụ thể trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền đối với toàn bộ hoạt động khởi tố, điều tra của công an cấp xã. Phải có cơ chế chỉ đạo nghiệp vụ rõ ràng và quy định về trách nhiệm liên đới của cấp trên để phòng ngừa sai phạm. Bên cạnh đó, việc đảm bảo đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng và kinh phí hoạt động cho công an cấp xã để họ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới là điều kiện tiên quyết; đồng thời đề nghị cân nhắc lộ trình triển khai thận trọng, có thể thí điểm ở một số địa bàn, trước khi áp dụng rộng rãi.

Quy định cụ thể, chặt chẽ tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án cấp khu vực

Một số ý kiến đại biểu tán thành với phương án mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực. Điều này phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền, giúp giảm tải cho cơ quan tố tụng cấp trên và có thể nâng cao tính hiệu quả, chuyên nghiệp của hệ thống. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc mở rộng thẩm quyền này đặt ra yêu cầu rất cao về năng lực của đội ngũ Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác tại Tòa án cấp khu vực. Do đó, đại biểu kiến nghị cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn bổ nhiệm, đi kèm với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, đặc biệt là về kỹ năng xét xử các vụ án phức tạp, có tính chất nghiêm trọng.

Cùng với đó, điểm c khoản 2 Điều 268 dự thảo quy định về việc Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu có thể lấy lên xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của cấp khu vực nhưng “có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành” cần được lượng hóa hoặc có hướng dẫn cụ thể hơn từ Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Sự rõ ràng này sẽ đảm bảo tính minh bạch, tránh sự thiếu thống nhất hoặc tùy nghi trong quá trình áp dụng, góp phần củng cố niềm tin vào sự công bằng của hoạt động xét xử.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu giải trình vấn đề đại biểu nêu.

Đối với thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, các ý kiến cũng tán thành việc dự thảo Luật bổ sung thời hạn 01 năm để Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm sau khi nhận được báo cáo. Đây là một cải cách quan trọng, thể hiện sự thận trọng và tinh thần nhân đạo của pháp luật Việt Nam đối với hình phạt nghiêm khắc nhất.

Để quy định này thực sự phát huy hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị làm rõ hơn nữa vai trò, trách nhiệm và cơ chế phối hợp cụ thể, cũng như các mốc thời gian trong quy trình này giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Văn phòng Chủ tịch nước. Một quy trình minh bạch, chặt chẽ sẽ đảm bảo việc thẩm định hồ sơ được khách quan, toàn diện và kịp thời.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng góp ý về câu từ, kỹ thuật lập pháp của dự thảo luật. Trong đó, tại Điều 268 đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát đến 2 cụm từ: “cán bộ chủ chốt ở địa phương” và “cán bộ chủ chốt ở chính quyền địa phương” và sửa cụm từ “người có uy tín cao trong dân tộc ít người” thành “người có uy tín cao trong dân tộc thiểu số”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua thảo luận, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với nội dung sửa đổi luật và từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn rất phong phú trên các lĩnh vực công tác, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan điều tra, bổ sung nhiệm vụ quyền hạn của điều tra viên được bố trí là trưởng hoặc phó, trưởng công an xã, vấn đề thẩm quyền của Tòa án khu vực, vấn đề thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành và thi hành án tử hình, vấn đề xét xử người vắng mặt, một số vấn đề liên quan đến việc sử dụng từ ngữ, thuật ngữ, đảm bảo tính chính xác và đồng bộ.

Một số vấn đề cơ quan chủ trì soạn thảo chưa trình Quốc hội nhưng được các đại biểu Quốc hội quan tâm như: vấn đề dẫn độ, vấn đề người bảo chữa, các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số và một số các vấn đề liên quan đến quy trình tố tụng. Các đại biểu cũng đề cập cần tiếp tục nghiên cứu để trình Quốc hội sửa toàn diện luật này; đồng thời nghiên cứu đảm bảo sửa đồng bộ các luật khác trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Tại Phiên họp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, giải trình, làm rõ và cũng báo cáo thêm một số nội dung liên quan đến dự án luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, các cơ quan có liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự án luật với chất lượng cao nhất; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối Kỳ họp này.

Tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Hoàng Quốc Việt

(Kiemsat.vn) - Ngày 26/5/2025, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực của Đảng và cách mạng Việt Nam" nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (28/5/1905-28/5/2025).

Tăng cường sự hỗ trợ giữa các quốc gia trong giải quyết vụ án hình sự

(Kiemsat.vn) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 26/5/2025, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang