Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với báo cáo công tác năm 2020 của VKSND tối cao

14/09/2020 18:22

(kiemsat.vn)
Chiều 14/9, theo Nghị trình Phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2020 của VKSND tối cao, TAND tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Ngành Kiểm sát giải quyết 94,7% đơn thư tố cáo trong hoạt động tư pháp

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện trưởng VKSND tối cao tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng cho biết, năm 2020, tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù số lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân của VKSND giảm (14%), nhưng số lượng đơn do VKSND tiếp nhận tăng (3,4%) so với cùng kỳ năm 2019.

Về kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, trong kỳ, VKSND các cấp đã tiếp 14.881 lượt công dân; trong đó, lãnh đạo VKSND các cấp tiếp 552 lượt; tiếp nhận, xử lý 75.048 đơn, trong đó, 23.873 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết, 18.048 đơn thuộc thẩm quyền kiểm sát và 33.127 đơn không thuộc thẩm quyền. 

Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về kết quả công tác giải quyết đơn, VKSND các cấp thụ lý đạt 53%. Cụ thể, đơn khiếu nại trong hoạt động tư pháp đã thụ lý giảm 13,3%; đã giải quyết đạt tỷ lệ 88,74%; đơn tố cáo trong hoạt động tư pháp, VKSND các cấp đã giải quyết đạt tỷ lệ 94,7%.

Về công tác giải quyết đơn do các cơ quan Đảng, Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyển đến VKSNDTC, VKSND các cấp thụ lý và giải quyết đạt tỷ lệ 43,8%. Trong đó, công tác đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND đã xử lý, giải quyết đạt 44,5%.

Giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các bộ, ngành, địa phương và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Về tình hình khiếu nại, tố cáo, so với năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm 2020 vẫn diễn biến phức tạp tập trung trong thời gian trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và thời gian diễn ra Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội (đặc biệt số đơn tố cáo tăng 20,8%). Về cơ cấu, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo không có nhiều thay đổi so với năm trước, tập trung chủ yếu về khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ 61,5 % tổng số đơn khiếu nại (so với năm 2019 giảm 5,4%); về tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, thực thi công vụ... tập trung vào lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 64,8% (so với năm 2019 giảm 1,8%).

Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, theo Báo cáo của Chính phủ, mặc dù số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo năm 2020 thuộc thẩm quyền giảm so với các năm trước, nhưng các cơ quan hành chính chỉ giải quyết được 83,5% vụ việc, chưa đạt mức chỉ tiêu phấn đấu, giải quyết kịp thời, có hiệu quả trên 85% các vụ việc và thấp hơn so với các năm 2017, 2018 và 2019. Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cấp cơ sở còn thấp. Theo Báo cáo của Chính phủ, kết quả giải quyết khiếu nại lần 2 có 27,8% quyết định giải quyết lần một phải sửa hoặc hủy. Kết quả giải quyết tố cáo tiếp cho thấy có 12,9% tố cáo tiếp là đúng và 25,7% tố cáo tiếp có đúng, có sai. Đây là tồn tại kéo dài đã nhiều năm, gây bức xúc cho người dân và là một trong các nguyên nhân dẫn đến gia tăng đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Về việc giải quyết đơn do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, trong năm 2020, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục dành sự quan tâm đến việc giải quyết đơn do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến; đã xem xét, xử lý, giải quyết 507/600 vụ việc (đạt 84,5%), thấp hơn so với tỷ lệ đơn được giải quyết năm 2019 (86,1%). Tuy nhiên, theo Báo cáo của Chính phủ, mới có 18 bộ, ngành Trung ương và 61 địa phương có số liệu báo cáo về nội dung này, nên chưa tổng hợp được đầy đủ. Đây là tồn tại đã được chỉ ra trong năm 2019, nhưng sang năm 2020 vẫn chưa khắc phục triệt để…

Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo có những chuyển biến tốt

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nội dung các báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020; cho rằng, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua đã có những chuyển biến tốt hơn so với các năm trước, số lượt người, số đoàn đông người đến khiếu nại, tố cáo cũng như số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đều giảm. Qua đó, góp phần tạo bầu không khí phấn khởi chào mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước, bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự phục vụ tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Một số ý kiến cho rằng, thời gian qua vẫn còn hiện tượng khá phổ biến là đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đi khắp nơi. Do đó, đề nghị cần có giải pháp để xử lý dứt điểm vấn đề này. Cùng quan điểm, nhìn từ thực tế ở một số địa phương, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị, các cơ quan làm rõ các giải pháp để xử lý, ngăn chặn đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo không đúng, bởi đây cũng là yếu tố quan trọng để hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi lòng vòng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp chiều 14/9/2020

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Sau khi nghe các báo cáo của các cơ quan của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các báo cáo. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần bổ sung, nhận định lại số liệu, xem xét lại các ý kiến góp ý để hoàn thiện lại các báo cáo để trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, tại Phiên thảo luận, đa phần các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cho rằng, trong đại dịch Covid-19 đã xuất hiện một số tội phạm, vi phạm pháp luật mới như: tội phạm xâm phạm sở hữu, xuất nhập cảnh, tín dụng đen, buôn bán hàng đa cấp, buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy, tệ nạn cờ bạc... Thực trạng này đòi hỏi cần có giải pháp quyết liệt hơn trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, kịp thời

Về tình hình tham nhũng, báo cáo của cơ quan đại diện cho Chính phủ cho rằng, việc xử lý, giải quyết vụ việc đã có sự chuyển biến tích cực, được tiến hành nghiêm minh hơn nhưng tình trạng tham nhũng có nhiều chuyển biến sang hướng tinh vi nên đòi hỏi cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

Tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu còn cho biết, hiện có nhiều chỉ tiêu đạt, vượt so với đề ra nhưng còn những chỉ tiêu chưa đạt, chưa được khắc phục. Ví dụ đơn đề nghị giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt tỷ lệ được như yêu cầu của Quốc hội đề ra do không chuyển hồ sơ hay chuyển hồ sơ lên Viện Kiểm sát còn chậm.

Về vấn đề tăng kinh phí để các TAND cấp huyện hoạt động, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt yêu cầu là đối với tiến độ xây dựng 35 trụ sở TAND cấp huyện đã được xây dựng xong chưa và cần nói rõ hơn về tiến độ. Những trang thiết bị cần thiết chưa có trong mục đầu tư công chung hạn cần được các cơ quan chức năng đề cập cụ thể hơn. Đối với công tác thi hành án, đã có chuyển biến tích cực hơn năm 2019. Án tham nhũng và việc thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến. Tuy nhiên, tỷ lệ thi hành án dân sự, án hành chính còn rất thấp, chưa rõ ràng nên cần chỉ rõ hơn.

Về giải pháp và kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan phải nêu rõ quy định văn bản nào cần phải làm rõ, quy định nào cần phải sửa đổi, bổ sung. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao, cơ quan thẩm tra của Quốc hội tiếp thu ý kiến của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các báo cáo để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 10.

Gặp mặt Đoàn cán bộ VKSND tham gia khóa đào tạo chuyên sâu tại Hungary

(Kiemsat.vn) - Ngày 14/9/2020, đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đã gặp mặt Đoàn cán bộ VKSND tham gia khóa đào tạo chuyên sâu tại Hungary.

VKSND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban công tác Kiểm sát Quý III năm 2020

(Kiemsat.vn) - VKSND tỉnh Lạng Sơn vừa qua đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban công tác Kiểm sát Quý III năm 2020. Hội nghị nhằm đánh giá việc thực hiện Kế hoạch, Chương trình công tác năm 2020 và thực hiện các khâu công tác 9 tháng năm 2020, đề ra các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm công tác theo kế hoạch năm 2020.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang