Từ chối đến Tòa làm chứng được không? 

23/10/2017 04:08

Tôi vô tình chứng kiến hai người hàng xóm chém nhau và đã ký tên vào biên bản lời khai của cơ quan công an. Mới đây, tôi nhận được giấy triệu tập của Tòa án mời lên tòa làm chứng. Gia đình tôi không đồng ý cho tôi đến tòa làm chứng vì sợ trả thù. Tôi có thể từ chối việc làm chứng này được không?

Ảnh minh họa (internet)

Trường hợp của bạn, Kiemsat.vn trả lời như sau:

Tại Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2017) quy định: “Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng.” và người làm chứng có nghĩa vụ:

“1.

a) Có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; 

b) Khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án.”

Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật Hình sự; khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự.

Như vậy, việc từ chối ra làm chứng trước tòa không do cá nhân bạn quyết định. Việc lẩn tránh, từ chối khi được triệu tập mà không có sự đồng ý sẽ coi như vi phạm pháp luật và bị xử lý. Khi bạn đã được Tòa án triệu tập tham dự phiên tòa thì bạn phải chấp hành.

Lý do gia đình bạn không đồng ý cho bạn tham gia làm chứng vì lo sợ bị trả thù là chưa đúng vì cùng với nghĩa vụ thì người làm chứng có quyền:

a) Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng;

b) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

c) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu bạn có đã có lời khai đầy đủ của người làm chứng và có đơn đề nghị tòa xét xử vắng mặt người làm chứng thì Tòa án sẽ xem xét. Đồng thời việc vắng mặt của bạn tại tòa phải thỏa mãn 2 điều kiện đó là: Có lý do chính đáng, bất khả kháng và việc vắng mặt của bạn không gây trở ngại cho việc xét xử.

Điều 192 BLTTHS 2003 quy định:

“Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. 

Trong trường hợp người làm chứng được Toà án triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể ra quyết định dẫn giải.” 

Phạm Hằng

Các bài liên quan>>>

Nhặt được của rơi không trả bị xử lý như thế nào?

Có được cấp sổ hộ khẩu tại địa chỉ mảnh đất chính chủ không?

Lương ngành Toà án giống lương hành chính là không hợp lý

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đối với ngành Tòa án mà chính sách tiền lương áp dụng như các bộ, ngành khác là chưa hợp lý (trừ Chánh án TAND tối cao). Do đó cần có chính sách lương thích hợp với ngành này, nhất là 3 chức danh Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Toà.

Luật sư được yêu cầu bào chữa có quyền từ chối không?

Con tôi (17 tuổi)  lấy trộm một chiếc điện thoại trị giá 5 triệu đồng tại cửa hàng bán điện thoại. Cửa hàng đã báo với cơ quan công an. Đồng chí Điều tra viên nói rằng cháu thuộc trường hợp được cơ quan tiến hành tố tụng mời Luật sư để bào chữa. Xin hỏi, Luật sư được mời có quyền từ chối bào chữa cho con tôi không (vì hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, không có điều kiện thuê Luật sư)?
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang