Từ 01/1/2018: Cho phép sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh

28/07/2017 04:53

(kiemsat.vn)
– Điều 56 Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017 đã được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2017, có hiệu lực từ 01/1/2018 quy định về việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh.

Luật ra đời với nhiều nội dung nổi bật, trong đó có quy định về các trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được phép sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh.

Từ 01/1/2018, cho phép sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Tài sản được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê trong các trường hợp:

– Tài sản được giao, đầu tư mua sắm thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất.

– Tài sản không do ngân sách Nhà nước đầu tư được mua sắm theo dự án do cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt động kinh doanh, cho thuê.

Từ 01/1/2018, cho phép sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Đối với trường hợp dư thừa công suất khi đưa vào kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, Luật quy định rõ phải được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao, không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản.

Thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh cho thuê cụ thể như sau:

– Đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp; tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan TW, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt đề án.

– Đối với tài sản khác do Hội đồng quản lý hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt.

Từ 01/1/2018, cho phép sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Việc cho phép đưa vào khai thác đối với tài sản trên sẽ phù hợp với lộ trình thực hiện chuyển phí, lệ phí sang giá dịch vụ sự nghiệp công đối với một số lĩnh vực như y tế, giáo dục… và phù hợp với lộ trình thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công.

Anh Nga
(giới thiệu)

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang