Trao đổi về "Xóa án tích với người chưa thành niên phạm tội"

06/04/2019 21:32

(kiemsat.vn)
Ngày 31/03/2019, Kiemsat.vn đã đăng bài viết "Xóa án tích với người chưa thành niên phạm tội" của tác giả Đồng Thị Lan Anh (Phòng 2, VKSND TP. Hải Phòng); sau đây, Kiemsat.vn tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc quan điểm của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thủy (VKSQS Khu vực 43 - Quân khu 4)

Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi thì theo quy định tại Điều 90 Bộ luật hình sự 2015. Người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương XII (Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội), theo các quy định khác của Phần thứ nhất (Những quy định chung) của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này.

Theo đó, việc áp dụng quy định chung về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự; biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; việc áp dụng hình phạt, quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn giảm hình phạt, xóa án tích và những quy định khác sẽ được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội  (tức là tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi dưới 18 tuổi).

 

          Trường hợp một người thực hiện tội phạm khi chưa đủ 18 tuổi thì việc xóa án tích sẽ được quy định như sau:

           Điều 107. Xóa án tích

1. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi;

b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;

c) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này.

2. Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xóa án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.

          Quy định trên được hiểu như sau:

Thứ nhất, tại thời điểm bị kết án, người bị kết án dưới 18 tuổi thì được coi là không có án tích nếu thuộc một trong các trường hợp:

- Tại thời điểm đó, người bị kết án đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (Được hiểu là các tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được liệt kê tại Khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự 2015).

- Tại thời điểm đó, người bị kết án đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý).

- Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này.

Thứ hai, tại thời điểm bị kết án, người bị kết án từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) thì được coi là đương nhiên xóa án tích nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 107 Bộ luật này.

Như vậy, việc xóa án tích chỉ được áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội tại thời điểm người đó dưới 18 tuổi đồng thời tại thời điểm bị kết án, người đó vẫn dưới 18 tuổi.

Ví dụ:

(1) A phạm tội quy định tại Điều 123 BLHS 2015 vào thời điểm A đủ 14 tuổi, tại thời điểm bị kết án, A đủ 15 tuổi thì A được coi là không có án tích.

(2) A phạm tội ít nghiêm trọng tại thời điểm A đủ 16 tuổi, tại thời điểm bị kết án, A đủ 17 tuổi thì A được coi là không có án tích.

(3) A bị áp dụng biện pháp tư pháp tại Mục 3 Chương XII thì được coi là không có án tích.

(4) A phạm tội đặc biệt nghiêm trọng tại thời điểm A đủ 16 tuổi, tại thời điểm bị kết án, A trên 17 tuổi thì A sẽ đương nhiên xóa án tích khi có đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 107 Bộ luật này.

Tuy nhiên, đối với trường hợp mà tác giả đặt ra, đến giai đoạn xét xử, vào thời điểm tuyên án người bị kết án đã đủ 18 tuổi thì sẽ không áp dụng Điều 107 nữa mà sẽ áp dụng các quy định tại Chương X của Phần thứ nhất (Những quy định chung). Việc áp dụng các quy định này không trái với các quy định tại Chương XII. Theo tôi, việc áp dụng này là phù hợp vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội chưa đủ 18 tuổi đã được hưởng những chính sách khoan hồng của Nhà nước thể hiện trong việc Nhà nước quy định các tội phạm cụ thể mà người dưới 18 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như việc quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội ở mức thấp hơn so với người đã thành niên phạm tội. Bởi tại độ tuổi đó, người phạm tội chưa có đầy đủ năng lực pháp luật (khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình). Chính vì thế mà tại thời điểm kết án, người bị kết án khi chưa đủ 18 tuổi cũng sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước. Do đó sẽ áp dụng các quy định tại Chương XII đối với trường hợp này.

Thứ hai, trên thực tế, có những trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội tại thời điểm dưới 18 tuổi nhưng đến khi kết án thì đã đủ 18 tuổi. Lấy 2 ví dụ điển hình như sau:

- Trường hợp thứ nhất: A phạm tội ít nghiêm trọng tại thời điểm A đủ 16 tuổi, nhưng tại thời điểm kết án A đủ 19 tuổi.

- Trường hợp thứ hai: A phạm tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 123 BLHS lúc A đủ 14 tuổi, nhưng 19 năm sau hành vi mới được phát hiện (còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự) thì A đã 33 tuổi, thời điểm A bị kết án là 34 tuổi.

Trong 2 trường hợp này, người bị kết án đều đủ 18 tuổi. Và đều đã có đầy đủ năng lực pháp luật. Do vậy, việc xóa án tích đối với 2 trường hợp này sẽ được áp dụng các quy định tại Chương X của BLHS như đối với người đã thành niên. Việc áp dụng này là phù hợp và không trái với các quy định tại Chương X (đối với người dưới 18 tuổi phạm tội) vì Chương XII chỉ áp dụng đối với các trường hợp bị kết án tại thời điểm dưới 18 tuổi.

Như vậy, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất. Rất mong nhận được sự trao đổi ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang