Trách nhiệm của chủ vật nuôi trong trường hợp vật nuôi gây thiệt hại cho người khác

10/04/2019 10:36

(kiemsat.vn)
Vụ việc bé trai 07 tuổi bị đàn chó 07 con cắn chết tại tỉnh Hưng Yên vào ngày 04/3/2019 đã khiến nhiều người bàng hoàng. Vậy, pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về trách nhiệm của chủ nuôi chó và các vật nuôi khác khi để chúng gây thiệt hại cho tài sản, sức khoẻ, tính mạng của người khác?

Trách nhiệm đối với những thiệt hại do vật nuôi (súc vật) gây ra đã được quy định đầy đủ tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 (Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra). Theo đó, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu. Đây là trách nhiệm bồi thường dân sự cho những thiệt hại về vật chất hoặc sức khoẻ do súc vật gây ra.

Hình ảnh lực lượng chức năng bắt giữ đàn chó cắn chết người

Còn trong trường hợp súc vật gây ra những thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng cho người khác thì chủ sở hữu súc vật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, tuỳ theo mức độ thiệt hại. Có hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất: Nếu súc vật gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì áp dụng Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Trường hợp thứ hai: Nếu súc vật làm chết người thì áp dụng Điều 128, Bộ luật hình sự năm 2015 về tội "Vô ý làm chết người". Theo đó, (1) người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; (2) phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Hành vi phạm tội: Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra. Ở đây, chủ nuôi đàn chó phải thấy trước sự nguy hiểm của việc thả rông đàn chó đối với sức khoẻ, tính mạng của người khác.

Lỗi khi thực hiện hành vi: Về ý thức chủ quan của người phạm tội, người phạm tội vô ý làm chết người thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi do vô ý bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin. Áp dụng vào vụ việc ở tỉnh Hưng Yên, chủ nuôi đàn chó có thể do cẩu thả hoặc do quá tự tin (đàn chó thân quen với nạn nhân nên sẽ không tấn công).

Hậu quả và mối quan hệ nhân quả: Có thể dễ dàng thấy được mối liên hệ nhân quả giữa hành vi vô ý của chủ nuôi đàn chó và hậu quả chết người. Chủ nuôi chỉ có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu chứng minh được mình hoàn toàn không có lỗi hoặc việc đàn chó tấn công người do lỗi của nạn nhân (nạn nhân không có lỗi trong trường hợp cụ thể này).

Đối với những vụ việc tương tự như vụ đàn chó cắn chết người ở tỉnh Hưng Yên, chúng ta có thể tham khảo pháp luật của một số quốc gia tiêu biểu, để minh chứng cho lập luận “chủ nuôi đàn chó phải chịu trách nhiệm về hành vi vô ý làm chết người”.

Bộ luật Hình sự của nước Cộng hoà Pháp có riêng một điều khoản quy định về tội vô ý làm chết người do chó gây ra; cụ thể: Điều 221-6-2 quy định: Tội vô ý làm chết người (ngộ sát) do chó gây ra thì chủ sở hữu hoặc người trông giữ chó vào thời điểm hành vi diễn ra sẽ bị phạt 5 năm tù và phạt tiền 75.000 Euro. Nếu chủ sở hữu hoặc người trông giữ chó không thực hiện các biện pháp mà Toà thị chính đặt ra để cảnh báo nguy hiểm, hoặc không tiêm vaccin phòng bệnh dại thì bị phạt tù 07 năm và phạt tiền 100.000 Euro. Năm 2019, Toà án Bobigny đã kết án người chủ của một con chó 01 năm tù giam vì chó của người này tấn công làm một em bé 19 tháng tuổi chết; người chủ này bị kết án tội “Vô ý làm chết người” vì đã không áp dụng các biện pháp “cẩn trọng” phòng ngừa cần thiết, đồng thời còn phải bồi thường cho bố mẹ của em bé mỗi người 20.000 Euro về các tổn thất tinh thần đã gây ra.

Hay như tại Thuỵ Sĩ, vào năm 2006 Toà án quận Dielsdoft đã kết án một người 2,5 năm tù giam vì 03 con chó pitbull của người này tấn công làm chết một trẻ em 06 tuổi; người chủ 42 tuổi này bị truy cứu vì tội “vô ý làm chết người do bất cẩn”, mức án này cao hơn so với các vụ việc tương tự vì Toà án cho rằng người chủ đã đối xử tàn tệ với vật nuôi của mình dẫn tới đàn chó trở nên hung dữ. Toà án cho rằng, mức án được tuyên cao hơn các vụ tương tự trước đó là lời cảnh báo với công chúng, đặc biệt là với những ai có nuôi vật nuôi; theo đó, bất kỳ ai nuôi giữ vật nuôi nguy hiểm đều phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm nghĩa vụ giámsát và cẩn trọng đối với vật nuôi của mình.

Còn tại Canada và Úc, pháp luật hình sự cũng quy định về tội vô ý giết người như tại Điều 234 Bộ luật hình sự của Canada (Án lệ hình sự tại nước này cũng có nhiều vụ việc liên quan đến việc vật nuôi  làm chết người và truy cứu chủ vật nuôi tội vô ý làm chết người) hay Điều 35A Đạo luật về tội phạm (CRIMES ACT 1900) của Úc quy định Chủ sở hữu có thể đối mặt với tối đa 5 năm tù giam nếu cố tình hoặc vô tình để chó của mình tấn công làm tổn hại thân thể của người khác.

Như vậy, trong vụ việc bé trai 07 tuổi bị đàn chó cắn chết tại Hưng Yên, chủ đàn chó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý chết người” theo Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 chứ không phải bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật hình sự năm 2015 về việc vi phạm quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người, như ý kiến của một số luật sư. Ý kiến áp dụng Điều 295 Bộ luật hình sự năm 2015 được nhiều người chia sẻ, nhưng theo chúng tôi việc áp dụng điều luật này vào trường hợp chó tấn công người là khiên cưỡng. Thứ nhất, cùng một hành vi súc vật tấn công người nhưng ở địa điểm khác, ví dụ như trong nhà hay sân vườn của chủ nuôi thì sẽ không áp dụng được điều luật này. Thứ hai, nhận thức hành vi súc vật tấn công người do sự bất cẩn của chủ nuôi là vi phạm quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động… là chưa đúng bản chất của sự việc; bản chất của mối liên hệ giữa chủ sở hữu và vật nuôi cần được nhìn nhận dưới góc độ pháp luật dân sự; vật nuôi là tài sản của người chủ nên người này phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà “tài sản” này có thể gây ra cho người khác, bao gồm cả trách nhiệm dân sự lẫn hình sự.

Ngoài ra, dưới góc độ tác động xã hội thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự của chủ vật nuôi trong trường hợp súc vật tấn công làm thiệt hại sức khoẻ, tính mạng của người khác sẽ góp phần thay đổi ý thức của người dân trong việc nuôi dưỡng vật nuôi. Bởi vì, những năm gần đây, hiện tượng vật nuôi được thả rông nơi công cộng, không có các biện pháp ngăn ngừa bệnh dịch, gây mất an toàn giao thông, thậm chí tấn công gây thiệt hại sức khoẻ, tính mạng của người khác đang có xu hướng gia tăng, nhưng lại chỉ bị xử lý về mặt hành chính, nên không có tác dụng răn đe và làm thay đổi ý thức của công chúng; việc truy cứu trách nhiệm hình sự chủ vật nuôi trong trường hợp vật nuôi gây hậu quả nghiêm trọng là cần thiết./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang