Tội Chống người thi hành công vụ hay tội Làm nhục người khác?
(kiemsat.vn) Nguyễn Viết C đã có hành vi hắt cốc nước sôcôla vào cổ và phần áo trước ngực ông A - Thẩm phán, thành viên Đoàn công tác định giá và chỉ tay vào mặt ông A có lời nói xúc phạm danh dự uy tín, không hợp tác, đuổi Đoàn công tác xuống làm việc. Vậy hành vi của C cấu thành tội Chống người thi hành công vụ hay tội Làm nhục người khác?
Nội dung vụ việc:
Thực hiện quyết định định giá tài sản đang tranh chấp của nguyên đơn trong vụ án hôn nhân và gia đình “Chia tài sản chung của vợ chồng sau ly hôn”. Khoảng 8 giờ ngày 01/7/2016, Đoàn công tác gồm ông Nguyễn Văn A – Thẩm phán TAND huyện X (là người được phân công giải quyết vụ án); ông Nguyễn Tài B, Thư ký TAND huyện X cùng Hội đồng định giá tài sản có mặt tại ngôi nhà, địa chỉ: Xóm A, xã B, huyện C để tiến hành định giá ngôi nhà. Do chưa có mặt đại diện chính quyền địa phương và Chủ tịch Hội đồng định giá nên Đoàn công tác ngồi chờ. Lúc này, Nguyễn Viết C là bị đơn trong vụ án đi từ tầng 2 xuống dưới nhà gặp Đoàn công tác, C yêu cầu Đoàn công tác giới thiệu tên, tuổi, chức vụ, đơn vị công tác, mục đích đến nhà. Ông A có nói với C là đủ thành phần sẽ tiến hành làm việc. Do không thấy ông A giới thiệu thành phần, mục đích đến làm việc, không có thành phần chính quyền địa phương nên C đã hắt cốc nước Sôcôla vào cổ ông A làm nước sôcôla dính ở cổ và phần áo trước ngực ông A. C không dừng lại ở đó, tiếp tục có hành vi đi lại trong nhà khoảng 15 – 20 phút, chỉ tay vào mặt ông A có lời nói xúc phạm danh dự uy tín và có thái độ không hợp tác với ông A và đuổi Đoàn công tác ra khỏi nhà làm cho Đoàn công tác không thi hành được nhiệm vụ.
Hình ảnh mang tính chất minh họa (nguồn internet)
Về thủ tục định giá tài sản: Tòa án đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định thành lập hội đồng định giá và thông báo định giá được gửi qua bưu điện nhưng C vứt đi không đọc. Đồng thời, Tòa án đã niêm yết công khai quyết định định giá tài sản và thông báo định giá tài sản. Trước khi định giá tài sản thì Thẩm phán A đã một lần làm việc với C tại trụ sở Tòa án, những lần khác C không lên làm việc. Khi Đoàn công tác đến làm việc thì con trai của C có chạy lên tầng thông báo với C là có người đến định giá ngôi nhà.
Đối với vụ việc trên hiện có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: Hành vi của C không cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ” quy định tại Điều 257 BLHS năm 1999 nhưng cấu thành tội “Làm nhục người khác” quy định tại Điều 121 BLHS năm 1999. Bởi lẽ: Nhiệm vụ chưa được tiến hành, khi C hỏi A về tên tuổi, chức vụ nhưng A không giới thiệu nên C không biết những người này đến nhà C làm gì, làm ở đâu. Do đó, hành vi của C không cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ”.
Quan điểm thứ hai: Hành vi của C cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ” quy định tại Điều 257 BLHS năm 1999, bởi lẽ:
Đối tượng mà C tác động trực tiếp là ông A – Thẩm phán TAND (khi thi hành nhiệm vụ có mặc quần áo ngành) và Đoàn công tác là người thi hành nhiệm vụ. Mặc dù, C khai không biết những người đến nhà C là ai, đến làm gì nhưng trong trường hợp này buộc C phải biết, bởi lẽ: C là bị đơn trong vụ án do Thẩm phán A thụ lý giải quyết, ông A và C đã gặp nhau làm việc tại trụ sở Tòa án. Trước khi định giá tài sản thì quyết định định giá tài sản và thông báo định giá đã được gửi qua đường bưu điện cho C nhưng C không đọc; đồng thời được niêm yết công khai. Khi Đoàn công tác đến thì con trai C chạy lên tầng thông báo cho C biết có người đến định giá ngôi nhà.
Mặc dù Đoàn công tác chưa thi hành nhiệm vụ nhưng C có hành vi hất nước sôcôla vào người ông A làm áo ông A dính bẩn, có những lời nói xúc phạm danh dự, uy tín đối với ông A và có thái độ không hợp tác, đuổi Đoàn công tác ra khỏi nhà làm cho Đoàn công tác không thực hiện được nhiệm vụ là hành vi cản trở người thi hành công vụ. Mặt khác theo quy định tại Điều 257 BLHS năm 1999 trong cấu thành cơ bản chỉ nêu hành vi khách quan là người nào dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ, không quy định hành vi khách quan của chủ thể phải cản trở người đang thực hiện công vụ. Như vậy, có thể hiểu hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ở đây có thể thực hiện trước hoặc trong khi người thi hành công vụ thực hiện công vụ làm cản trở công vụ của họ.
Hành vi cản trở người thi hành công vụ trong trường hợp này của C được thực hiện khi hất nước Sôcôla và có lời nói xúc phạm danh dự uy tín của ông A và Đoàn công tác diễn ra vào ban ngày, trong thời gian khoảng 20 phút. Mặc dù hành vi cản trở người thi hành công vụ của C trong vụ việc này không gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ nhưng xét tính chất của hành vi thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường nhiệm vụ của cơ quan tư pháp, xúc phạm danh dự, uy tín của người thi hành công vụ, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân.
Nguyễn Ích Sáng
VKSND Tp. Nam Định, tỉnh Nam Định
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số vướng mắc trong quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ
Bài viết chưa có bình luận nào.