Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế xã hội, quyết toán ngân sách của Quốc hội
(kiemsat.vn) Sau một ngày rưỡi làm việc tại Hội trường, các Đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến, tranh luận về tình hình kinh tế xã hội, quyết toán ngân sách. Những ý kiến phát biểu của các Đại biểu đã góp phần giúp cử tri nhìn rõ hơn những tiến bộ vượt bậc của kinh tế Việt Nam trong năm 2017 và đầu năm 2018.
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu: Công chức không được phép “dễ thì làm, khó thì bỏ”
Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Vì môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp
Nhiều ý kiến phản biện, tranh luận quanh mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình trình bày Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV. Ảnh QH |
Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình trình bày tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV về đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 đã đem đến niềm tin cho cử tri và nhân dân cả nước.
Đáng chú ý lạm phát được kiểm soát (cơ bản tăng 1,34%), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%).
Xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh; trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết; tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; cơ cấu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 21,8%; riêng mặt hàng gạo tăng 22,3% về lượng và 38,3% về kim ngạch, giá bán tốt hơn, có lợi cho nông dân. Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10,1%, chủ yếu là nhập nguyên, vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Xuất siêu 3,4 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 10,4% (cùng kỳ 9,5%); trong đó vốn đầu tư tư nhân trong nước tăng mạnh 16,9%, thể hiện rõ kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng, có thời điểm vượt đỉnh 10 năm (1.170 điểm), hiện đang dao động trong khoảng 1.000 - 1.100 điểm; vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu niêm yết đạt trên 96% GDP.
Cơ cấu lại các ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 52% (cuối năm 2017 khoảng 51%). Du lịch tiếp tục phát triển mạnh; khách du lịch trong nước 4 tháng đạt 29,6 triệu lượt; khách quốc tế đạt trên 5,55 triệu lượt, tăng 29,5%.
Có thể nói, điểm sáng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, theo đánh giá của nhiều ĐBQH không phải là ở tốc độ tăng trưởng năm 2017 và cả quý I năm nay đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây mà chính là những chuyển biến quan trọng về chất lượng tăng trưởng.
Những phản biện tích cực
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh. Ảnh QH |
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh đã dẫn lại báo cáo của Uỷ ban kinh tế, đánh giá "mô hình tăng trưởng chưa rõ nét, chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp từ vốn đầu tư, xuất khẩu nước ngoài". Cho rằng đánh giá trên là chính xác, ông Hồng nêu câu hỏi: "Trong điều hành kinh tế xã hội năm 2017, nếu không tăng trữ lượng khai thác so với dự toán năm 2016, giá dầu không tăng, liệu có đạt được tăng trưởng GDP 6,8% không?". Ông Hồng phân tích, giải pháp tăng khai thác dầu, than luôn là sự lựa chọn của Chính phủ. Đơn cử như, giờ này năm ngoái, khi sản phẩm của Samsung gặp lỗi về pin, có dấu hiệu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho phép tăng trữ lượng khai thác dầu.
Theo ĐBQH Hoàng Quang Hàm, GDP còn phụ thuộc vào khai thác dầu, than đá, những “của đề dành” hết sức quan trọng của đất nước, trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng. "Theo tính toán, một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3 điểm tăng trưởng, nên nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt 6,4-6,6% (thay vì 6,81%)". Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu.
ĐBQH Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) - Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng. Ảnh QH |
Tranh luận cùng ĐBQH Hoàng Quang Hàm, ĐBQH Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) đồng ý với đại biểu Hàm là dầu thô tăng và có đóng góp vào phần tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, không phải tăng trưởng kinh tế chủ yếu là từ dầu thô, cụ thể, theo Báo cáo số 198 của Chính phủ thì trong năm 2017 tổng thu ngân sách nhà nước là 1.288.660 tỷ đồng, trong đó thu dầu thô là 49.580 tỷ đồng, nếu tính tỷ lệ là 3,8%, có nghĩa là con số đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước của dầu thô là không lớn. Nếu theo cách phát biểu của đại biểu Hàm dễ làm cho cử tri hiểu rằng tăng trưởng kinh tế của năm 2017 chủ yếu từ dầu thô. Tôi xin phân tích lại con số đóng góp của dầu thô trong tổng thu ngân sách chỉ là 3,8%, nếu xét về con số tăng trưởng và giá trị thì tổng thu tăng 76.480 tỷ đồng, trong đó dầu thô tăng 11.280 tỷ đồng, nếu tính tỷ lệ là 14,75%.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Tp. Hồ Chí Minh). Ảnh QH |
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Tp. Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ sự trăn trở và đề xuất Chính phủ cần đầu tư thêm cho nông thôn. Theo ông, khoảng cách giàu nghèo ở nước ta hiện nay tiếp tục gia tăng, khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn trên trên 40%, dân số nông thôn là trên 65%. Tuy nhiên, năng suất lao động ở khu vực nông nghiệp chỉ khoảng 35 triệu đồng, tương đương với 38% năng suất lao động cả nước. Chúng ta cần có kế hoạch chiến lược tổng thể chấn hưng nền nông nghiệp Việt Nam để giải quyết bài toán nâng cao năng suất lao động, cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn.
ĐBQH Mai Sĩ Diến (Thanh Hoá). Ảnh QH |
ĐBQH Mai Sĩ Diến (Thanh Hoá) thì quan ngại về hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đơn cử như có 6/34 bộ, cơ quan ngang bộ, 6/63 tỉnh, thành phố và 9/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Đến tháng 4/2018, có 16/34 bộ, cơ quan ngang bộ, 17/63 tỉnh, thành phố, 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không báo cáo chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 của đơn vị mình để tổng hợp báo cáo với Quốc hội. Điều đó cho thấy việc tuân thủ các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ đã không được thực hiện nghiêm túc. Việc chấp hành kỷ luật tài chính, ngân sách chưa nghiêm. Công tác quản lý sử dụng kinh phí thường xuyên của nhiều đơn vị không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước các mức độ khác nhau ở các cơ quan quản lý sử dụng tài chính, ngân sách khác nhau.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). Ảnh QH |
Về xử lý cán bộ vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, hành dân, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khẳng định: “Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp về sự giàu mạnh hay hèn yếu của đất nước, hạnh phúc của nhân dân, nếu không có kỷ cương, liêm chính thì sẽ không thể trụ vững trước yêu cầu ngày càng cao về tăng trưởng, về phòng chống tham nhũng...". Theo Đại biểu, kiên quyết xử lý các cán bộ dưới quyền có sai phạm, trước hết, đình chỉ ngay những cán bộ hành dân, hành doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng lãng phí nhất là trong thu chi ngân sách nhà nước, bằng giả, thăng tiến thần tốc, nâng đỡ không trong sáng, các dự án nghìn tỷ đắp chiếu...
Những quan ngại về đạo đức xã hội, văn hoá kinh doanh
ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội). Ảnh QH |
ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng cùng với tín hiệu mừng vẫn còn nhiều nỗi lo, lo là bởi xã hội còn nhiều điều bất an, bất ổn và không văn hóa mà các đại biểu Quốc hội đã nêu ra. Những cảnh bạo lực kinh hoàng từ gia đình ra ngoài đường, tới bệnh viện, trường học, những giả dối, lừa đảo từ hàng giả, bằng giả, thực phẩm giả và nhiều thứ giả khác làm suy giảm niềm tin của cộng đồng và quốc tế. Sự thiếu hiểu biết, thói quen, hành vi vô văn hóa trong giao thông, trong kinh doanh, trong khai thác tài nguyên nuôi trồng, đánh bắt tôm cá gây thiệt hại, tổn thất to lớn về vật chất uy tín đất nước.
Theo ông Hưng, chuyện rau 2 luống, lợn 2 chuồng mà Thủ tướng phải nhắc đến, bởi không chỉ là chuyện rau, lợn mà là đạo đức làm người, là văn hóa kinh doanh. Nhuộm cà phê bằng pin không chỉ là lợi nhuận kinh tế mà là tội phạm, sức khỏe con người, vì lợi nhuận người ta sẵn sàng đầu độc đồng bào mình. Nguyên nhân sâu xa có phải do văn hóa con người, văn hóa kinh doanh, văn hóa giao thông công sở của chúng ta còn những vấn đề bất cập, vấn đề phải chỉ ra và giải quyết bằng văn hóa và thông qua văn hóa không. Ông Hưng cho rằng nguyên nhân sâu xa chính là văn hóa đang là vấn đề đặt ra, chúng ta đã thực sự nhận thức hành động và đặt văn hóa đúng như vị trí, vai trò cần có của nó trong phát triển kinh tế - xã hội. Cử tri cho rằng Chính phủ đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với đầu tư kinh tế, ví dụ cụ thể là khu di tích thành nội Huế là di sản văn hóa thế giới, là biểu tượng văn hóa lịch sử quốc gia, được nhà nước tập trung đầu tư nhiều nhất trong tất cả các di tích quốc gia. “Hơn 18 năm qua khu di tích này và không gian văn hóa xung quanh khu di tích chỉ được đầu tư có 1.480 tỷ, chưa bằng đầu tư 1 km đường sắt trên cao, khoảng 1,5 km làm đường ở khu đô thị mới Thủ Thiêm”.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu). Ảnh QH |
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) quan ngại: Cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước những vấn đề như bạo hành gia đình, bạo lực trong trường học, bệnh viện, xâm hại tình dục trẻ em. Những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực trong xã hội. Hành vi hủy hoại môi trường, sản xuất hàng giả, thực phẩm bẩn độc hại. Tất cả điều đó phải chăng là hồi chuông cảnh báo về những thách thức đang đặt ra đối với giá trị cốt lõi trong đạo đức văn hóa Việt. Tương lai của dân tộc sẽ ra sao khi gia đình, nhà trường không còn là nơi an toàn nhất đối với trẻ em, khi mà hai nghề đầy tính nhân văn theo truyền thống dân tộc được tôn vinh là những nghề cao quý như thầy giáo, thầy thuốc, nay trở thành những nghề nguy hiểm.
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, Nghệ An. Ảnh QH |
"Cử tri lo lắng và bày tỏ mong muốn, kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội bằng ngày xưa", đó là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, Nghệ An. Vì thực tế, trong xã hội gần đây có "những việc động trời, khó tin" như giết người gây chấn động, thuốc chữa ung thư làm từ bột than, phế phẩm cà phê nhuộm bột pin, cô giáo bắt trẻ uống nước giẻ lau... đang làm xói mòn đạo đức xã hội, giảm lòng tin của nhân dân, hoài nghi của cử tri.
Phiên tòa xử vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội. Ảnh QH |
Lần đầu tiên tại Hội trường Quốc hội lại bàn về một vụ án còn đang trong xét xử, đó là vụ án liên quan đến bác sỹ Hoàng Công Lương (vụ án chạy thận ở tỉnh Hoà Bình), trong phần phát biểu của mình, đại biểu Bùi Sĩ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội đã đề cập đến vụ án này và bày tỏ sự băn khoăn "nếu kết tội thế này rất ảnh hưởng đến ngành y tế" và cá nhân ông nghĩ rằng bác sỹ Lương có thể vô tội.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình. Ảnh QH |
Nêu quan điểm sau đó, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng, sự quan tâm của đại biểu về vụ án là cần thiết và thể hiện trách nhiệm trước cử tri. Tuy nhiên, ông Sinh nhận định việc có nhiều ý kiến đánh giá, kết luận có oan, sai, với bác sĩ Lương như vậy là rất cảm tính, thiếu cơ sở, thậm chí dẫn dắt dư luận nói có tội hoặc không có tội. “Tòa án đang trong quá trình tranh tụng, luận tội chứ chưa kết án; những phát ngôn như vậy không mang lại sự thuận lợi và nhận thức đúng đắn trong xét xử nhân danh pháp luật, Nhà nước”, ông Sinh nói.
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Viện Tim Hà Nội. Ảnh QH |
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Viện Tim Hà Nội mong phiên xử mang lại tiếng nói công minh, niềm tin của các nhân viên y tế, tiếng nói từ lương tri, khách quan để bảo vệ công lý. “ Thầy thuốc đang ngày đêm âm thầm cứu chữa người bệnh, dù họ đang không được bảo vệ trước hành động quá khích, bạo lực trong bệnh viện”, ông Tuấn chia sẻ.
Trước tình hình nhiều đại biểu xin tham gia tranh luận xung quanh nội dung trên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lên tiếng: “vụ án đang trong giai đoạn tố tụng nên chờ phán quyết của tòa án" và khép lại cuộc tranh luận này.
Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế xã hội, quyết toán ngân sách của Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp có thể nói đã khẳng định một trong những quyết tâm lớn của Quốc hội Việt Nam trong việc tiếp cận, lắng nghe và gần gũi hơn với cử tri. Những thông tin minh bạch, những trả lời chất vấn trực tiếp của những lãnh đạo Chính phủ, các Bộ trưởng trước các vấn đề nóng của xã hội đã khẳng định: không có “vùng cấm” trong hoạt động của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
3Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.