ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu: Công chức không được phép “dễ thì làm, khó thì bỏ”

24/05/2018 13:56

(kiemsat.vn)
Sáng 24/5, sau khi nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo giải trình, chỉnh lý, tiếp thu Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật này. Các Đại biểu Quốc hội tranh luận sôi nổi về các hình thức tố cáo mới: Tố cáo bằng điện thoại.

Theo thống kê của Văn phòng Quốc hội, tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khoá XIV, có 216 vị đại biểu tán thành quy định theo hướng mở rộng hình thức tố cáo (đạt 62,2% các vị đại biểu có gửi lại ý kiến và đạt 44% tổng số đại biểu); có 120 vị đại biểu tán thành quy định như Luật hiện hành (đạt 34,6% các vị đại biểu có gửi lại ý kiến và đạt 24,5% tổng số đại biểu). Số đại biểu tán thành đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại ... nhiều hơn số ý kiến giữ nguyên hình thức tố cáo. 

Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An. Ảnh Quốc hội.

Là một người có kinh nghiệm 15 năm làm công tác tiếp dân, đại biểu Trần Văn Mão – Nghệ An đưa ra một thống kê cho thấy số lượng tố cáo đúng chỉ chiếm 18%, nhiều tố cáo không đúng hoặc có đúng, có sai hoặc tố cáo sai hoàn toàn. Hiện nay người dân tố cáo tràn lan, lạm dụng quyền tố cáo, làm tốn nhiều công sức, chi phí, nhân lực đi xác minh. Tình trạng này đã đến mức báo động, có dấu hiệu vượt quá kiểm soát của Nhà nước. “Bây giờ chỉ một cú điện thoại mà phải huy động cả một bộ máy đi xác minh, rất tốn kém tài chính, thời gian, công sức rồi phát hiện ra tố cáo sai” đại biểu Trần Văn Mão– Nghệ An lý giải vì sao đề nghị bỏ đi nội dung chấp nhận hình thức tố cáo bằng điện thoại. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu: Công chức không được "dễ thì làm, khó thì bỏ". Ảnh Quốc hội 

Trong phần tranh luận của mình, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Nghệ An thể hiện sự không đồng tình với ý kiến cho rằng nên bỏ hình thức tố cáo bằng điện thoại. Theo ông Luật phòng chống tham nhũng có hiệu lực từ 2005 và rất thành công thì tại sao không kế thừa mà lại bỏ đi như thế. Và tại sao, công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta đến giờ này vẫn khó khăn đến thế? Ngành Công an có hình thức nhận tin báo tố giác tội phạm bằng điện thoại và rất thành công đã chứng minh việc tố cáo bằng điện thoại có thể áp dụng trong Luật Tố cáo. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh: “Chúng ta là công chức nhà nước, nhận lương của dân thì có nghĩa vụ, trách nhiệm phải làm theo nguyện vọng của nhân dân. Chúng ta không dùng điện thoại để tố cáo vì lý do vất vả, khó khăn quá thì có nghĩa là trốn tránh trách nhiệm đó của mình. Tôi nhắc lại là nghĩa vụ của chúng ta là làm việc cho dân, vì dân chứ cứ “dễ thì làm, khó thì bỏ” là không được”. 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn đại biểu Quốc hội Bến Tre

Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đoàn Bến Tre dùng một ví dụ sinh động để thể hiện ý kiến: “Chúng ta đang trong thời đại 4.0 mà không cho tố cáo bằng điện thoại thì lại quay lại thời kỳ công nghệ 0.4 mất”. Chúng ta đang trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, có đầy đủ các phương tiện kỹ thuật, phần mềm để có thể nhanh chóng xác minh những tố cáo qua điện thoại nên không thể lấy lý do khó khăn mà trốn tránh.  

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết hướng soạn thảo dự án Luật Tố cáo đang nghiêng về phía bổ sung hình thức tố cáo bằng điện thoại. Bởi vì, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong quản lý nhà nước. Nhiều nội dung tố cáo, phản ánh sai phạm của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước thông qua các phương tiện điện tử hay mạng xã hội tuy chưa được thừa nhận chính thức nhưng đã góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Vì vậy, không nên giới hạn hình thức thể hiện của đơn chỉ là văn bản giấy, hình thức thể hiện của tố cáo trực tiếp chỉ là gặp mặt trình bày bằng lời nói. Mặt khác, từ thực tiễn cho thấy, dù tố cáo được thể hiện dưới hình thức nào thì trong giai đoạn xử lý ban đầu thông tin tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng đều phải xác định rõ được họ tên, địa chỉ của người tố cáo, nội dung tố cáo phải có cơ sở để xác minh, kết luận thì mới có căn cứ để quyết định thụ lý giải quyết tố cáo. Do đó, đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại. Đồng thời, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo để bảo đảm tính khả thi.

Ngoài các ý kiến tranh luận về bổ sung các hình thức tố cáo mới, đa số các đại biểu nhất trí ý kiến như dự thảo là tăng cường công tác bảo vệ người tố cáo. Theo đó, người được bảo vệ bao gồm người tố cáo; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Nội dung bảo vệ bao gồm bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang