Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

22/10/2024 16:00

(kiemsat.vn)
Ngày 22/10/2024, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2024. Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ điểm cầu trung tâm VKSND tối cao kết nối đến các điểm cầu trong toàn Ngành.

Theo Báo cáo kết quả sơ kết thực hiện quy trình tiếp công dân; quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại Hội nghị do đồng chí Đinh Văn Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp VKSND tối cao trình bày, thời gian qua, thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao, lãnh đạo các VKSND cấp cao và VKSND các địa phương đã quan tâm, xác định công tác tiếp công dân trong ngành kiểm sát là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Viện kiểm sát các cấp đã đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân; việc đối thoại trong tiếp công dân được Lãnh đạo các đơn vị quan tâm đúng mức đã nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này và góp phần hạn chế công dân khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp; Viện kiểm sát các cấp đã bố trí sắp xếp phòng tiếp công dân riêng biệt, độc lập, đảm bảo trang trọng, nghiêm túc; việc thực hiện tiếp công dân được tiến hành công khai và thường xuyên...

Cùng với đó, định kỳ hàng tháng, VKSND các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch (lịch) tiếp công dân của Lãnh đạo Viện; đặc biệt, có Viện kiểm sát tỉnh còn phối hợp trực tiếp tiếp công dân tại Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban nội chính Tỉnh ủy để kịp thời nắm được những vụ việc khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp hoặc vụ việc có liên quan đến thẩm quyền kiểm sát hoặc giải quyết của Viện kiểm sát để có biện pháp chỉ đạo thực hiện.

Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu.

Ngoài ra, Viện kiểm sát các cấp đã quan tâm, tăng cường vai trò chủ trì, phối hợp giữa đơn vị khiếu tố với các đơn vị nghiệp vụ khác để giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; đặc biệt trong công tác kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp.

Báo cáo cũng chỉ rõ, thực tiễn triển khai thực hiện Quy định về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đã tạo điều kiện giúp Lãnh đạo VKSND các cấp giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đảm bảo có căn cứ đúng quy định của pháp luật; tránh khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp; góp phần xây dựng uy tín của các cơ quan tư pháp, là cơ sở công dân tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đồng chí Phùng Đức Tiến, Vụ trưởng Vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp VKSND tối cao hướng dẫn công tác phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Phùng Đức Tiến, Vụ trưởng Vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp VKSND tối cao hướng dẫn công tác phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh trong ngành Kiểm sát nhân dân; đồng chí Đinh Văn Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp VKSND tối cao hướng dẫn công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân.

Đại biểu trình bày tham luận tại Hội nghị.

Dưới sự điều hành tham luận của đồng chí Phùng Đức Tiến, Vụ trưởng Vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp VKSND tối cao: VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, VKSND TP Hải Phòng, VKSND tỉnh Quảng Ngãi đã trình bày tham luận về các nội dung như: Một số kinh nghiệm nâng cao hiệu quả kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân cấp cao; Kinh nghiệm trong xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa VKSND và các cơ quan tư pháp địa phương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Kinh nghiệm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp;…

Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị Hội nghị của các đơn vị; nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng yêu cầu lãnh đạo VKSND các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các Chỉ thị chuyên đề; quy định tại các Thông tư liên tịch và các quy chế, quy định, quy trình của Ngành liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; chú trọng việc phân loại, xử lý đơn bảo đảm chính xác, đúng thẩm quyền; chủ động tham mưu giải quyết dứt điểm các đơn khiếu nại, tố cáo; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp được nhanh chóng, chính xác...

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp, phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục. Thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ kiểm tra, xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp đã có hiệu lực pháp luật nhằm góp phần phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và của Ngành trong thời gian tới.

Khó khăn, vướng mắc khi giải quyết vụ án giết người và cố ý gây thương tích

(Kiemsat.vn) - Hiện nay, khi giải quyết vụ án giết người và cố ý gây thương tích, các cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong vận dụng Án lệ số 47/2021/AL để xử lý hành vi giết người chưa đạt; xác định “phạm tội có tính chất côn đồ” là tình tiết định khung tăng nặng và việc áp dụng khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Về hành vi “đưa hối lộ cho công chức nước ngoài” ở một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam

(Kiemsat.vn) - Qua tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia như Hoa Kỳ, Thụy Điển và Nhật Bản cho thấy, đối với hành vi hối lộ công chức nước ngoài thì xử lý hình sự không phải là giải pháp duy nhất hoặc đầu tiên. Cơ chế pháp lý để phòng ngừa, phát hiện hành vi này mới là giải pháp hàng đầu và căn bản.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang