Tiến sỹ, nhà văn Dương Thanh Biểu và những trăn trở với thân phận con người

08/09/2016 04:39

(kiemsat.vn)
Tiến sĩ, Nhà văn Dương Thanh Biểu nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao, nguyên Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật, là cựu chiến binh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Chủ công bộ binh, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Binh đoàn Tây nguyên. Trải qua nhiều vị trí công tác, đúc rút được nhiều kinh nghiệm cộng với tài năng vốn có, khả năng quan sát tinh tường, tâm hồn nhạy cảm đặc biệt là cái tâm trong sáng luôn hướng đến thiên lương, đến chủ nghĩa nhân văn cao cả… Chính những điều đó đã thúc đẩy Dương Thanh Biểu cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, đặc biệt đằng sau đó là những gửi gắm sâu sắc đến các thế hệ ngành Kiểm sát là niềm tự hào sâu sắc khi khoác lên mình màu áo “thiên thanh”, là nghĩa vụ cao cả của người cán bộ kiểm sát luôn phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Tiến sĩ Dương Thanh Biểu sau khi hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước và ngành Kiểm sát giao, về nghỉ hưu ông vẫn miệt mài, không ngừng nghỉ với công việc tổng kết thực tiễn. Ngoài các cuốn sách chuyên khảo về nghiệp vụ kiểm sát, đồng chí đã lần lượt cho ra đời bốn tác phẩm văn học tư pháp, gồm: “Một thời trận mạc”, “Theo dòng công lý”, “Tạ Đình Đề những góc khuất cuộc đời” (Nhà xuất bản Hội nhà văn) và mới đây là cuốn “Từ cuộc chiến đến cuộc chiến” (Nhà xuất bản Quân đội).

Riêng hồi ký “Theo dòng công lý”, là cuốn hồi ký mang tính sử thi đầu tiên về ngành Kiểm sát nhân dân. Qua hồi ức về quá trình cống hiến của mình cho sự nghiệp thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tác giả đưa người đọc trở lại với những sự kiện được phản ánh một cách trung thực trong từng giai đoạn, lĩnh vực cụ thể. Với hơn 300 trang sách, tác giả lần lượt kể về những câu chuyện, kỷ niệm sâu sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình và đồng nghiệp trên mặt trận bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý như: “Giải oan giữa lòng Hà Nội; Vụ án gián điệp và những bài học cảnh giác; Huyền thoại về Tạ Đình Đề; Gã cao bồi Lý Tống; Về nữ quái Lã Thị Kim Oanh… Theo dòng công lý” còn là cuốn sách có giá trị nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm nghiệp vụ quý báu đối với cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp để làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Đằng sau những vụ án lớn một thời, hồi ký đã rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích không chỉ của quá khứ mà rất cần cho hiện tại và tương lai. Từ khi xuất bản, cuốn hồi ký đã được bạn đọc đón nhận một cách trân trọng; trong đó có nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học của các ngành, các nhà văn, nhà thơ và nhiều người dân gửi đến tác giả những nhận xét sâu sắc về tác phẩm.

Đối với truyện ký: Tạ Đình Đề, những góc khuất cuộc đời, ngoài giá trị nhân văn, tác phẩm tái hiện những bài học sâu sắc về tư pháp cách đây nửa thế kỷ nhưng vẫn nguyên giá trị trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay.

Tác giả từng viết “Lịch sử là công bằng. Hãy công bằng với lịch sử. Một khi chưa có sự công bằng với quá khứ thì khó có công bằng với hiện tại và không dễ gì công bằng với tương lai. Thế hệ hậu sinh như chúng ta, hẳn có nhiều suy ngẫm từ những góc khuất của Tạ Đình Đề”

Còn tác phẩm “Từ cuộc chiến đến cuộc chiến” là cuốn hồi ký viết về cuộc đời của chính tác giả, những bước khó khăn, thăng trầm trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại. Những vụ án mà chính tác giả tham gia thể hiện được tinh thần trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải của người cán bộ KSND… điều đáng trân trọng là tác giả luôn hướng đến người phạm tội cái nhìn cảm thông, tiếc nuối xót xa trước số phận cuộc đời…

Tại buổi giao lưu với Lãnh đạo, Kiểm sát viên, cán bộ VKSND tỉnh Bình Thuận, đồng chí Dương Thanh Biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm sâu sắc trong công tác “Thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp” trong giải quyết nhiều vụ án thực tiễn. Hơn hết là những trải lòng của đồng chí khi đứng trước những vụ án khó khăn, vướng mắc, vụ án dư luận xã hội quan tâm… đấu tranh giữa ranh giới “có tội” hay “không tội”… Điều đặc biệt nhất là những tâm tư, những trăn trở, những bài học kinh nghiệm xương máu thông qua các vụ án thực tiễn đã được tác giả, sưu tầm ghi chép và xuất bản thành những tác phẩm văn học, một phần là giúp hiện thực hóa đời sống một cách sinh động, cụ thể, một phần là “văn học hóa” những hồ sơ vụ án pháp luật khô khan giúp người đọc dễ tiếp thu. Mặt khác, thông qua các tác phẩm văn học của tác giả, góp phần giáo dục, rèn luyện và nâng cao phẩm chất và bản lĩnh của người cán bộ, Kiểm sát viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân, khơi dậy lòng yêu ngành, yêu nghề, yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động mà Viện trưởng VKSND tối cao đã phát động: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững về chính tri, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”./.

Hồ Thị Thanh Nga
VKSND tỉnh Bình Thuận

Xúc động trở lại mái trường xưa

(Kiemsat.vn) – Chớm thu, khi những cơn gió heo may tràn về, gần 100 mái đầu đã bạc cùng nhau trở về mái trường Kiểm sát để ôn lại những kỷ niệm sau 40 năm ngày nhập trường. Đó là các học viên Khóa 6, Trường cán bộ kiểm sát Trung ương, niên khóa 1977-1979.

VKSND tối cao tiếp Đại diện đại sứ nhóm nước G4

(Kiemsat.vn) – Sáng 14/9, tại trụ sở VKSNDTC, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao tiếp Đại diện nhóm nước G4, bao gồm Đại sứ quán các nước Niu-Zi-lân, Na-Uy, Thụy Sỹ, Ca-Na-Da.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang