Thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử trong điều tra vụ án hình sự - khó khăn, vướng mắc và giải pháp
(kiemsat.vn) Từ thực tiễn một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thu thập dữ liệu điện tử, phương tiện điện tử theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, dự báo những thách thức đặt ra trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thu thập dữ liệu điện tử trong điều tra vụ án hình sự.
Quy định của Bộ luật TTHS về thu thập dữ liệu điện tử, phương tiện điện tử
Dữ liệu điện tử là một nguồn của chứng cứ được quy định tại Điều 87 Bộ luật TTHS, khi được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục thì có giá trị pháp lý như những nguồn chứng cứ khác. Đây là một bổ sung kịp thời, tạo hành lang pháp lý quan trọng để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự trong bối cảnh các loại tội phạm đang triệt để sử dụng phương tiện điện tử, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội.
Điều 99 Bộ luật TTHS quy định:
“1. Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.
2. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.
3. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”.
Quy định này nêu rõ các dạng tồn tại của dữ liệu điện tử; vị trí tồn tại của của dữ liệu điện tử để tiến hành thu thập: Từ phương tiện điện tử, trên mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác; giá trị chứng cứ được xác định dựa vào đặc điểm của dữ liệu điện tử có khả năng khởi tạo, lưu trữ, truyền gửi, cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn, cách thức người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
Điều 107 Bộ luật TTHS quy định về nguyên tắc thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử: “1. Phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật...”.
Bên cạnh đó, Điều 196 Bộ luật TTHS cũng quy định về thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện và có thể mời người có chuyên môn liên quan tham gia. Trường hợp không thể thu giữ được thì phải sao lưu vào phương tiện lưu trữ và thu giữ như đối với vật chứng. Khi thu giữ các phương tiện điện tử có thể thu thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan.
Về cách thức thu thập dữ liệu điện tử được quy định tại Điều 201 Bộ luật TTHS trong quá trình khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm hiện trường nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Cách thức bảo quản dữ liệu điện tử được thực hiện theo quy định tại Điều 199 Bộ luật TTHS, đó là dữ liệu điện tử bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong phải được bảo quản nguyên vẹn.
Một số khó khăn, vướng mắc về thu thập dữ liệu điện tử, phương tiện điện tử
Như vậy, qua phân tích ở trên có thể thấy, Bộ luật TTHS bổ sung quy định về dữ liệu điện tử, thu thập dữ liệu điện tử là một trong những bước tiến quan trọng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong hoạt động điều tra vụ án hình sự khi tội phạm sử dụng phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông thực hiện hành vi phạm tội. Đây là những vấn đề mang tính định hướng để điều tra viên, cán bộ thực thi có hành lang pháp lý, những hướng dẫn cơ bản để tiến hành tại hiện trường vụ án và các biện pháp tiến hành thu thập dữ liệu điện tử trong toàn bộ quá trình điều tra. Tuy nhiên, thực tiễn tiến hành hoạt động thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử còn phát sinh những khó khăn, vướng mắc.
Một là, các quy định của pháp luật tố tụng hình sự còn có những nội dung gây khó hiểu, nhầm lẫn hoặc trùng lặp về dữ liệu điện tử:
Nội dung quy định tại Điều 107 và Điều 196 Bộ luật TTHS có sự giao thoa nhau vì thuật ngữ “thu thập” và “thu giữ”, hai điều này nằm ở hai chương khác nhau (Điều 107 nằm ở Chương VI. Chứng minh và chứng cứ; Điều 196 ở Chương XIII. Khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật). Quy định này có thể gây khó khăn cho lực lượng điều tra trong quá trình thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử tại hiện trường vụ án do nội dung của cả hai điều luật đề cập vừa chưa rõ nghĩa của cụm từ “Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử” tại Điều 107 và “Trường hợp không thể thu giữ được thì phải sao lưu vào phương tiện lưu trữ...” tại Điều 196. Ở đây chúng ta hiểu rằng, nếu phương tiện điện tử không thể thu giữ (do phương tiện quá lớn, quá nặng hoặc máy chủ của doanh nghiệp cho thuê hoặc máy chủ ảo) thì phải tiến hành thu thập dữ liệu điện tử sao lưu vào phương tiện lưu trữ của cơ quan điều tra.
Mặt khác, Điều 99 Bộ luật TTHS quy định “Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác”. Tuy nhiên tại Điều 107 Bộ luật TTHS lại không đề cập đến việc thu thập dữ liệu điện tử từ nguồn khác là nguồn nào?
Hai là, quy định về thu thập, thu giữ, bảo quản phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử mới chỉ dừng lại ở những vấn đề chung, chưa mang tính chi tiết để tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng thực tiễn.
Điều 107 và Điều 196 Bộ luật TTHS quy định về thu thập và thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử trong đó có đề cập đến vấn đề chặn thu, sao lưu dữ liệu trên đường truyền nhưng chưa có quy định cụ thể về việc chặn thu như thế nào, bằng phương pháp, công cụ nào, tiến hành sao lưu vào đâu; sau đó mới tiến hành lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Chẳng hạn, nguyên tắc sao lưu là cơ quan điều tra cần phải chuẩn bị phương tiện lưu trữ sạch, có dung lượng lưu trữ lớn hơn dung lượng của phương tiện điện tử trong vụ án.
Một nguồn dữ liệu điện tử khác trong điều tra vụ án hình sự mà Bộ luật TTHS chưa đề cập đến, nó khác biệt hoàn toàn so với dữ liệu điện tử thu thập từ phương tiện điện tử hoặc trên đường truyền, đó là nguồn dữ liệu trên các tài khoản mạng. Tài khoản mạng là các tài khoản của các đối tượng sử dụng để đăng nhập vào phần mềm để thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan điều tra khi tiến hành thu thập, bản chất là thu thập từ máy chủ của các tài khoản mạng, trong đó yêu cầu quan trọng nhất là khi lấy lời khai của đối tượng về mật khẩu đăng nhập, cơ quan điều tra cần phải đăng nhập (thậm chí là bảo mật 02 lớp) sau đó tiến hành thay đổi mật khẩu và thể hiện trong biên bản, đưa vào hồ sơ vụ án. Việc quan trọng này cần phải tiến hành là bởi các đối tượng có thể sử dụng chung tài khoản, ở xa hoàn toàn có thể can thiệp, phá hủy dữ liệu hoặc đóng tài khoản.
Điều 107, Điều 90, Điều 199 Bộ luật TTHS có quy định về bảo quản vật chứng là phương tiện điện tử; tuy nhiên chưa quy định rõ với phương tiện điện tử cần phải bảo quản như thế nào (có khác gì so với vật chứng thông thường không?) vì đặc tính của các vật liệu điện tử cần tránh môi trường điện, từ trường quá lớn, nhiệt độ, độ ẩm cao...
Ba là, phát sinh những nguồn dữ liệu điện tử mới.
Nguồn dữ liệu điện tử thu thập được trên không gian mạng (mạng xã hội, tin nhắn tức thời, thư điện tử, máy chủ đám mây,...) cần phải được thu thập, sao lưu và chuyển hóa như thế nào, cách thức thực hiện được xác định là một trong những nguồn dữ liệu điện tử mới, cần phải có nghiên cứu thực tiễn, đánh giá, bổ sung, cập nhật và hoàn thiện thống nhất trong toàn lực lượng để tránh mất mát dữ liệu, thông tin, tránh lộ lọt thông tin, tránh việc trùng giữa dữ liệu điện tử, thông tin thu thập được của các đơn vị phòng, chống tội phạm với nhau.
Nguồn dữ liệu từ các trung gian thanh toán, tiền mã hóa (tiền ảo) cũng chưa được để cập một cách chi tiết về nội dung, cách thức tiến hành do quy chế phối hợp chưa hoàn thiện, dữ liệu điện tử được lưu trữ ở máy chủ nước ngoài, hoặc một số đơn vị chưa đặt văn phòng đại diện, máy chủ tại Việt Nam cũng gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động điều tra theo dấu của dòng tiền.
Một nguồn dữ liệu mới trong thời gian tới có thể có là dữ liệu được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc cho cơ quan điều tra khi tiến hành thu thập; bởi phải có công cụ, phương tiện chuyên dụng để phân tích, phát hiện đâu là dữ liệu do con người tạo ra, đâu là dữ liệu điện tử do AI tạo ra. Dữ liệu của AI tạo ra là do đối tượng phạm tội phải điều khiển AI để khởi tạo, truyền tải, lưu trữ dữ liệu; do vậy, lực lượng chức năng phải làm rõ được quá trình khởi tạo, chứng minh được tính toàn vẹn của dữ liệu đó. Mặt khác, có trường hợp cơ quan điều tra phải chứng minh được những hình ảnh, video, âm thanh do AI tạo ra là giả mạo. Vì lý do trên, việc nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ điều tra là yêu cầu, đòi hỏi cần thiết trong thời gian tới.
Bốn là, năng lực, trình độ về thu thập, phân tích dữ liệu điện tử của cán bộ trực tiếp tiến hành điều tra vụ án hình sự còn hạn chế; trang thiết bị, công cụ chưa được trang cấp, cập nhật thường xuyên.
Năng lực, trình độ về lĩnh vực thu thập, phục hồi, phân tích dữ liệu điện tử của cán bộ trực tiếp tiến hành còn hạn chế nhất là tại các đơn vị địa phương, điều này rất dễ lý giải bởi cán bộ điều tra phần lớn được đào tạo nghiệp vụ tại các trường nghiệp vụ chuyên ngành; chưa qua lớp đào tạo bồi dưỡng về công nghệ thông tin, lĩnh vực phần cứng, phần mềm. Do đó, hoạt động thực tiễn thu thập dữ liệu điện tử phần nhiều là do tự học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, kiến thức từ sự hướng dẫn của chuyên gia hoặc đơn vị chuyên trách; do vậy còn thiếu sự bài bản, đôi khi gặp lúng túng, có trường hợp làm phương tiện điện tử bị khóa lại, bị đóng băng hoặc mất mát, hư hỏng dữ liệu điện tử.
Bên cạnh đó, trang bị công cụ, phương tiện, phần mềm cho lực lượng điều tra tại địa phương còn hạn chế về kinh phí, vấn đề nhập khẩu các thiết bị từ nước ngoài, hạn sử dụng của các công cụ, phương tiện, phần mềm ngắn (thường chỉ 02 năm), việc cập nhật phải chờ thêm thời gian. Do vậy, hoạt động giải quyết đúng đắn vụ án có liên quan đến dữ liệu điện tử có thể gặp khó khăn về tiến độ, có trường hợp phải kéo dài hơn bình thường do số lượng phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử lớn, phương tiện điện tử có thể bị hỏng hóc, mất thời gian sửa chữa phần cứng, dữ liệu điện tử đang bị mã hóa, cần thời gian để giải mã, phục hồi và phân tích...
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thu thập dữ liệu điện tử trong điều tra vụ án hình sự
Trước thực trạng nêu trên, để nâng cao hiệu quả điều tra khám phá tội phạm có sử dụng phương tiện điện tử, có dấu vết là dữ liệu điện tử, theo tác giả, cần tập trung một số giải pháp trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 107, Điều 196, Bộ luật TTHS để thống nhất cách hiểu về “thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử” với “thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử”.
Tác giả cho rằng, hai nội dung này có thể điều chỉnh nhập lại một Điều trong Bộ luật TTHS thành “Thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử” trong đó việc thu giữ là hoạt động phải tiến hành để có thể thu thập được dữ liệu điện tử.
Thứ hai, trước khi có đề xuất chỉnh sửa quy định về dữ liệu điện tử tại Bộ luật Hình sự, lực lượng an ninh mạng cần hoàn thiện, bổ sung hướng dẫn quy trình, nội dung chi tiết về hoạt động thu thập dữ liệu điện tử, phương tiện điện tử. Trong đó cần chỉ rõ tất cả những nguồn dữ liệu có thể thu thập được (nguồn chứng cứ), tập trung vào những nguồn chứng cứ mới: thu thập dữ liệu từ tài khoản mạng, tài khoản tiền điện tử, tiễn mã hóa, trên đường truyền, dữ liệu trên hệ thống máy chủ (máy chủ riêng, máy chủ ảo, máy chủ đám mây), dữ liệu được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu trên hosting... Đây là những loại dữ liệu hiện còn đang gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc đối với lực lượng điều tra tội phạm tại các đơn vị, địa phương.
Thứ ba, tập trung nâng cao năng lực thu thập, phục hồi, phân tích dữ liệu điện tử cho cán bộ điều tra trực tiếp tiến hành hoạt động điều tra tại hiện trường vụ án có sử dụng công nghệ thông tin. Trong đó, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chủ động tham mưu xây dựng nội dung chương trình đào tạo; tập trung vào công tác huấn luyện kỹ năng, xây dựng tình huống nghiệp vụ sát với thực tế.
Ngoài ra, cần thông qua hoạt động hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, cử chuyên gia và chuyển giao công nghệ hiện đại trong công tác giáo dục, đào tạo về lĩnh vực thu thập dữ liệu điện tử, chứng cứ số. Cùng với đó, cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, bản quyền đầy đủ của hệ thống công cụ, phương tiện chuyên dụng cho lực lượng điều tra tội phạm phục vụ hoạt động thu thập, phân tích dữ liệu điện tử trong điều tra vụ án hình sự.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng điều tra với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lĩnh vực ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán,.. để thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến đối tượng phạm tội. Hoạt động thu thập những dữ liệu tập trung vào các nội dung: lịch sử giao dịch, sự dịch chuyển của dòng tiền trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, lịch sử truy cập, địa chỉ IP, số điện thoại, nhân thân của đối tượng...
-
1Hạn chế trong quy định và thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông từ góc nhìn cạnh tranh quy phạm pháp luật
-
2Thực hiện dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân
-
3Giải pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người ở trong nước
-
4Khó khăn, vướng mắc từ việc thi hành bản án về di dời cây
-
5Thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử trong điều tra vụ án hình sự - khó khăn, vướng mắc và giải pháp
Bài viết chưa có bình luận nào.