Thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng
(kiemsat.vn) Sáng 18/8, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ngày 15/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (dự thảo Pháp lệnh). Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận tại phiên họp; đồng thời, gửi dự thảo Pháp lệnh xin ý kiến các cơ quan có liên quan; bảo đảm hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật của dự thảo Pháp lệnh trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Toàn cảnh phiên họp. |
Về đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng về đối tượng điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh. Đối với quy định về thủ tục bắt giữ tàu bay, tàu biển đã thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đối với trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đều là những hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và thực tiễn đang xảy ra nhiều hành vi cản trở, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Tòa án, cần được điều chỉnh trong Pháp lệnh này để ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm.
Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã rà soát các đối tượng bị xử phạt trong dự thảo Pháp lệnh nhằm bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, Điều 4 của dự thảo Pháp lệnh bổ sung quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với Hội thẩm nếu có hành vi cản trở hoạt động tố tụng, để thống nhất với khoản 8 Điều 89 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân: "Hội thẩm… nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự". Đồng thời, dự thảo Pháp lệnh cũng bỏ quy định liên quan đến xử phạt hành chính đối với Trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý, vì đối tượng này là viên chức (theo quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý), do đó, nếu thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo Luật Viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Chương II, các điều từ Điều 9 đến Điều 24), Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện các hành vi cản trở hoạt động tố tụng: Chỉnh lý quy định về mức xử phạt đối với một số hành vi trong dự thảo Pháp lệnh; một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng nhưng đã được quy định tương tự trong các Nghị định của Chính phủ, thì dự thảo Pháp lệnh dẫn chiếu thực hiện theo các quy định tương ứng đó.
Ngoài việc rà soát theo các tiêu chí nêu trên, bà Lê Thị Nga nêu rõ, việc quy định hình thức xử phạt đối với hành vi trong dự thảo Pháp lệnh còn phải bảo đảm các yêu cầu: Thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn; tuân thủ nguyên tắc tại điểm c khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính: "Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng".
Về thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, bổ sung Điều 32, Điều 40 và khoản 9 Điều 41 quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong tất cả các giai đoạn tố tụng (từ giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử), trừ các vụ án thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp trong quân đội.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết với 100% thành viên có mặt tán thành thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện./.
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Báo chí muốn giữ vững “trận địa”, phải làm khác mạng xã hội
-
3Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
4Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
5Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
6VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.