Thói ép rượu ngày Tết hại sức khỏe

03/02/2019 21:23

Nên uống từ từ, uống hợp lý, không cố uống, không cả nể, sĩ diện để bảo vệ sức khỏe khi uống rượu.

Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một phần ba số tai nạn chết người có liên quan đến say rượu. Ở những người nghiện rượu, nguy cơ tai nạn nhiều gấp 3 lần người bình thường.

Lương y Vũ Quốc Trung cho rằng mỗi người có tửu lượng khác nhau nên việc ép rượu ngày Tết "là bản án tử thần". Trong vòng một giờ uống vào cơ thể, rượu được hấp thu toàn bộ 80% tại ruột non và số còn lại ở dạ dày. Cồn bắt đầu tấn công cơ thể, trong đó gan và hệ thần kinh trung ương phải chịu đựng nhiều nhất. Cồn còn gây ra những rối loạn trầm trọng trong sự hoạt động của vỏ não và làm cho vỏ não không còn kiểm soát. Mạch trở nên chậm, nhiệt độ cơ thể hạ xuống. 

Dưới ảnh hưởng của cồn, cơ tim bị thoái hóa và một phần trong mô cơ tim được thay thế bằng mỡ. Trái tim của những người nghiện rượu to gấp đôi người bình thường. Y học gọi là "tim bò" hoặc "tim bia". Hệ tim mạch bị tổn thương, đau đầu, khó thở, choáng váng. 

"Khi uống rượu mạnh, các tế bào niêm mạc đường tiêu hóa sẽ bị bỏng, tổn thương kéo dài làm các tế bào bị biến đổi hình thái và cấu trúc, tiền đề sinh ra các tế bào ung thư", bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Việt Đức nhấn mạnh.

Chỉ sau 10 phút uống rượu, các bộ phận cơ thể như dạ dày, não và gan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rượu can thiệp vào các con đường kết nối của não bộ, ảnh hưởng đến cách thức não hoạt động. Người hay uống rượu dễ bị rối loạn cảm xúc và hành vi, suy giảm trí nhớ nghiêm trọng... Rượu làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, cao huyết áp. Rượu giết chết các tế bào gan ngay sau khi uống, làm mất đi cảm giác đói thực sự của cơ thể. Tỷ lệ ung thư vòm họng, ung thư gan, ung thư thực quản, ung thư dạ dày... tăng cao ở những người nghiện rượu. 

Do đó, khi uống rượu nên uống từ từ, vừa uống vừa nói chuyện hoặc uống chung với nước trà đặc để giải rượu. Người uống rượu phải biết tình trạng sức khỏe bản thân mà uống hợp lý, không cố uống, không cả nể, sĩ diện.

Khi uống, không ăn các loại kẹo, bánh mứt quá ngọt hoặc thực phẩm cay nồng. Hút thuốc trong khi uống rượu khiến cơ thể nhanh chóng bị mệt, tinh thần thiếu minh mẫn... Không nên pha rượu với bia và các chất kích thích gây ngộ độc cấp như chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, táo bón, thậm chí mất tri giác và tử vong khi nồng độ cồn trong máu tăng quá cao. Hạn chế uống rượu khi đói vì dạ dày rỗng khiến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh gây choáng. 

Ảnh: Health

Ảnh: Health

Nhiều người ngộ độc do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng ngày càng tăng. Mỗi năm, trong dịp Tết, số người bị ngộ độc rượu phải vào viện cấp cứu chiếm gần 50% tổng số bệnh nhân ngộ độc rượu của cả năm. 

Loại rượu gây ngộ độc nhiều nhất là sản phẩm tự nấu, tự pha chế có nồng độ methanol và ethyl glycol cao. 

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không lạm dụng rượu bia và uống rượu bia có nguồn gốc rõ ràng. Không nên uống quá 2 đơn vị cồn một ngày với nam, một đơn vị cồn mỗi ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai hoặc lon bia 330 ml (5%) hoặc một cốc bia hơi 330 ml hay một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Không cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia, kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống. Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc. Không điều khiển xe sau khi uống rượu bia.

Hà Nội công bố danh sách đường dây nóng trực cấp cứu dịp Tết

Dịp nghỉ Tết Nguyên đán, Sở Y tế Hà Nội sẽ huy động 26 bệnh viện công lập và một số bệnh viện ngoài công lập tham gia cấp cứu người bệnh.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang