Thí điểm thuế bất động sản: phép thử đa mục tiêu

21/11/2017 07:47

Việc TPHCM xin tiên phong thí điểm áp dụng thuế tài sản, không chỉ góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, có nguồn lực cho việc đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông cấp bách, mà nó còn đóng vai trò như một công cụ điều tiết kinh tế góp phần giãn dân, tái sắp xếp cấu trúc đô thị, giảm kẹt xe, giảm khoảng cách giàu, nghèo.

Tuy mệnh đề “Giá trị là kết tinh sức lao động của hàng hóa” không còn thích hợp để giải thích về giá cả trong nền kinh tế thị trường – giá cả xác định bởi điểm gặp nhau giữa cung và cầu – nhưng mệnh đề này vẫn còn tiếp tục làm cho chúng ta tiếp tục suy nghĩ trước hiện tượng chủ sở hữu quyền sử dụng đất, không tốn sức lao động, không phải vắt óc sáng tạo, nhưng vẫn thảnh thơi gom tiền cho thuê đất và các bất động sản khác. Điều này cộng với việc Việt Nam áp dụng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quá thấp, không áp dụng thuế thừa kế bất động sản, đã hướng “của cải của dân tộc” vốn ít ỏi vào đầu tư bất động sản thay vì đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ để tăng năng suất lao động của dân tộc.

Thuế tài sản bảo đảm chỉ áp cho người giàu và có khả năng mang lại công bằng cao hơn,

giảm bớt hiện tượng đầu cơ bất động sản. Ảnh: nguồn internet.

“Thuế tài sản – Thuế nhà giàu – Thuế công bằng”

Vào những năm 2000, rời Việt Nam, khi sữa nhập khẩu vào Việt Nam phải vượt qua trùng trùng lớp lớp giấy phép con và trở thành “hàng hiếm”, xa xỉ chỉ dành cho người bệnh nặng, đặt chân đến thành phố Boston, Mỹ, tác giả sửng sốt thấy giá sữa tươi rẻ gần bằng giá nước lọc; còn bia, rượu, thuốc lá thì giá cắt cổ lại nhiêu khê “bày đặt” kiểm tra hộ chiếu của mình xem đã đủ 18 tuổi chưa, không “thoáng” như ở Việt Nam – có thể sai em bé đi mua xị rượu về nhậu. Rồi tác giả tiếp tục phát hiện thịt gà và bắp cải rẻ vô cùng, còn thịt bò, hải sản thì rất đắt. Một sự khác nhau quá lớn như thiên đường và địa ngục! Không thể tự lý giải, tác giả đi hỏi Giáo sư Mileur(1), thì được giải thích, đại loại: pháp luật thuế ở Mỹ đã bảo vệ người nghèo bằng cách áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) gần bằng zero đối với nhu yếu phẩm như sữa tươi, thịt gà, bắp cải; thịt bò, hải sản được xem là thực phẩm cao cấp, người giàu thường sử dụng; còn rượu bia, tuy không cấm nhưng thuế suất thấp sẽ khiến cho dân tộc đó lâu dần bị đầu độc từ gan cho tới tới não.

Tác giả cũng phát hiện ra những biệt thự nằm trên bãi cỏ rộng chừng 1.000 mét vuông đẹp lộng lẫy như trong tranh vẽ giá chỉ bằng một căn nhà phố liền kề làng nhàng diện tích 100 mét vuông ở Hà Nội, TPHCM. Lại không hiểu, lại gãi đầu, lại hỏi, Giáo sư Mileur lại giải thích: ở Mỹ không khuyến khích đầu cơ bất động sản như ở Việt Nam nên người ta áp dụng thuế sở hữu bất động sản rất cao; bởi vậy việc mua nhà ở Mỹ tương đối dễ trong tương quan thu nhập của người dân, nhưng việc nắm giữ nó thì phải trả thuế rất cao, nên không có hiện tượng nhà nhà ôm đất, bất động sản như ở Việt Nam, mà chỉ có các công ty bất động sản mới đủ khả năng kiếm lời từ việc ôm bất động sản.

Việc TPHCM đề xuất thí điểm áp dụng thuế tài sản không nên hiểu là “đặc thù, ưu ái”, mà đó chính là đột phá, sáng tạo, đi theo chính sách thuế hiện đại, công bằng của các quốc gia văn minh.

Hành trình khám phá đưa tác giả sang Đức. Tác giả lại ngạc nhiên khi thấy một vài Việt kiều giàu có đi xe Mercedes, gửi hàng trăm ngàn euro về đầu tư bất động sản ở Việt Nam, nhưng vẫn ở nhà thuê, trong khi giá căn hộ hai phòng ngủ ở Berlin vào những năm 2000 (tầm 50.000 euro vào thời điểm đó) chỉ nhỉnh hơn giá một căn hộ nhà ở xã hội ở Hà Nội, TPHCM. Lại hỏi, lại được giải thích: ở Đức thì người nào sở hữu bất động sản ở đô thị mặc nhiên được suy đoán là người giàu; vì vậy bên cạnh việc phải nộp thuế tài sản cao thì hệ quả đầu tiên là tất cả các loại trợ cấp xã hội sẽ bị cắt giảm. Bởi vậy, những người này chọn cách đầu tư bất động sản ở Việt Nam vừa là kênh sinh lời, vừa là cách cất giấu tài sản ở “real haven” để vừa đi Mercedes, vừa ở nhà ở xã hội, vừa nhận trợ cấp xã hội, vừa có nguồn lợi kếch xù ở Việt Nam.

Chợt nhớ về quê nhà, nơi hũ gạo, lọ mắm, muối, tương cà, bó rau muống trong xó bếp người nghèo đều phải chịu thuế VAT; còn bia rượu thì rẻ ê hề cho người nghèo giải sầu; chợt nhớ những dự án bất động sản phân lô bán nền, cỏ mọc um tùm, nhưng sang tay cứ tiền tỉ tiền tỉ, cò đất lớn bé đều béo mướt lông. Tác giả tự ngộ ra thuế VAT với tính chất “lũy thoái”, không có khả năng phân biệt tốt người giàu – người nghèo, còn thuế tài sản lại bảo đảm chỉ áp cho người giàu và có khả năng mang lại công bằng cao hơn, giảm bớt hiện tượng đầu cơ bất động sản, hướng “của cải của dân tộc” đầu tư vào công nghệ, dịch vụ và xuất khẩu.

“Nhân dĩ tụ loại” và khả năng tái cấu trúc đô thị dân cư bằng thuế tài sản

Vốn quen thuộc với khung cảnh xôi đỗ của 36 phố phường Hà Nội – nơi các cụ già thong thả bán xôi đỗ trước hiên nhà trên mảnh đất vàng, xen kẽ với những cô gái mặc đầm trong các cửa hiệu tân thời bóng loáng, tác giả chợt bất ngờ và khó hiểu trước sự đồng nhất trong vẻ giàu có xa hoa của quận Manhattan, cũng như sự đồng nhất về mức độ nghèo của các khu ổ chuột (ghetto), sự đồng nhất về lề phố dơ bẩn của khu phố Tàu (China Town) khi lần đầu tiên ghé thăm thành phố New York (Mỹ). Giáo sư Mileur giải thích: ở Mỹ, khi quy hoạch đô thị, người ta tôn trọng quy luật “nhân dĩ tụ loại”, tôn trọng sự khác biệt trong nhu cầu về không gian sống cũng như khả năng chi trả giữa người giàu và người nghèo. Người giàu phải có trách nhiệm với người nghèo nhưng bằng việc đóng thuế để nhà nước tạo phúc lợi cho người nghèo; hoặc nếu họ không tin tưởng vào sự công bằng của nhà nước trong việc phân bổ phúc lợi cho người nghèo thì họ có thể chọn cách làm từ thiện trực tiếp cho người nghèo, góp tiền cho các quỹ từ thiện mà quỹ Bill & Melinda Gates của vợ chồng Bill Gates là một ví dụ. Bù lại, người giàu có quyền lựa chọn sống trong một không gian thuần nhất nơi các ngôi nhà với ô kính ngập tràn ánh sáng không có hàng rào, không có song sắt mà không lo trộm cướp; nơi mà các tỉ phú như Michael Bloomberg có thể vừa chạy bộ vừa chào tỉ phú John Paulson mà không bị em bé bán vé số, đánh giày làm phiền.

Lại hỏi: làm sao thúc đẩy “nhân dĩ tụ loại”? Chẳng lẽ lại cấm người nghèo sống ở Manhattan? Chẳng lẽ lại áp dụng chế định hộ khẩu? Chẳng lẽ nhà nước lại dùng ngân sách bồi thường cho người nghèo để họ đồng ý đi ra ghetto? Giáo sư Mileur lại giải thích: Nếu áp dụng biện pháp hành chính như Việt Nam thì Mỹ không sẵn tiền dành cho việc bồi thường như vậy và cảnh sát thì không có nhiều công cụ để xử lý khiếu kiện đông người, nên Mỹ chọn biện pháp kinh tế. Tức là, dùng thuế tài sản, áp dụng thuế tài sản cao ở khu vực muốn giãn dân, áp dụng thuế tài sản thấp ở khu vực ngoại ô; kết quả là chỉ những người có bàn tay vàng, kinh doanh tạo ra lợi nhuận vàng, mới có khả năng đóng thuế vàng, trên những mảnh đất vàng. Bằng cách đó từ từ tạo ra Manhattan – nơi cư ngụ của các doanh nhân hàng đầu thế giới – mà ngân sách chính quyền không tốn đồng nào cho việc giải tỏa đền bù, lại còn thu bộn tiền, tái đầu tư vào hạ tầng, giáo dục, y tế, nghệ thuật để tạo nên một New York dám ưỡn ngực tự hào là Empire State với khắp năm châu.

Trở về Việt Nam, đi khắp mọi miền, tác giả thấp thoáng bắt gặp những ngôi biệt bề thế đơn độc vươn lên tương phản giữa phố nghèo, từ xa có thể nhìn thấy những linh vật dát vàng tạc theo tuổi của gia chủ nhưng lại gần thì chỉ thấy tường rào cao ba mét, cửa sắt kín mít, camera an ninh khắp hướng. Người giàu sống cạnh người nghèo tạo bức tranh hai mảng sáng tối quá gần, quá tương phản, không chỉ làm người giàu phiền muộn với tiếng rao réo rắt đêm khuya lạnh vắng, mà người nghèo cũng cảm thấy sao ông trời quá bất công, sao khoảng cách giàu nghèo quá chênh lệch.

Như vậy, cùng với thuế thừa kế, thuế tài sản là một loại thuế không chỉ công bằng, giảm khoảng cách giàu nghèo, giảm bất bình trong xã hội, mà trên hết là một công cụ cho phép thu hút dân cư có chọn lọc, giãn dân bằng công cụ kinh tế, chỉnh trang đô thị. Việc áp dụng thuế tài sản đối với các bất động sản dọc các con đường thường xuyên kẹt xe cũng sẽ khiến cho việc kinh doanh ở các con đường đó giảm lợi nhuận; hàng quán, dịch vụ tự dời sang khu vực khác, trả lại sự thông thoáng cho giao thông.

Bởi vậy, việc TPHCM đề xuất thí điểm áp dụng thuế tài sản không nên hiểu là “đặc thù, ưu ái”, mà đó chính là đột phá, sáng tạo, đi theo chính sách thuế hiện đại, công bằng của các quốc gia văn minh. Áp dụng thí điểm thận trọng, chặt chẽ, thành công thuế tài sản ở TPHCM không chỉ giải quyết các nhu cầu đầu tư hạ tầng trước mắt của thành phố, mà còn hứa hẹn những tác động tốt đẹp, lâu dài và có thể tổng kết làm kinh nghiệm áp dụng phạm vi toàn quốc ở giai đoạn tiếp theo.

Quốc hội sẽ cho phép TPHCM thực hiện thí điểm Luật Thuế tài sản?

Ngày 14-11-2017, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thừa ủy quyền của Chính phủ đọc tờ trình về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo đó, thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020; ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bổ sung tài liệu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, trên cơ sở đề xuất của Thành ủy, UBND TPHCM, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan của Chính phủ phối hợp với thành phố xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Theo nội dung dự thảo nghị quyết này, Chính phủ trình Quốc hội quy định cho TPHCM được thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính – ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Về quản lý đất đai, thí điểm giao cho HĐND TPHCM quyết định: Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 héc ta trở lên nhưng phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất. Về quản lý đầu tư, thí điểm giao cho HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, trừ dự án quy định tại điểm a, b, c và d, khoản 1, điều 8 của Luật Đầu tư công. Về quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, giao cho TPHCM thực hiện thí điểm đối với Luật Thuế tài sản; tăng thuế suất đối với các sắc thuế khác (trừ thu từ hoạt động xuất nhập khẩu); tăng mức phí, lệ phí; ban hành chính sách thu phí, lệ phí mới. UBND thành phố phải lập đề án để trình HĐND thành phố xem xét báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Các khoản thu tăng thêm do điều chỉnh chính sách thu trên, ngân sách thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố. Theo chương trình làm việc dự kiến, chiều 24-11- 2017, Quốc hội  sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Võ Trí Hảo

 Khoa Luật – Đại học Kinh tế TPHCM

(1) https://polsci.umass.edu/people/jerome-mileur

Công khai 121 doanh nghiệp nợ thuế, phí gần 60 tỷ đồng tại Hà Nội

117 doanh nghiệp hiện đang nợ gần 47 tỷ đồng tiền thuế, phí và 4 đơn vị đang nợ hơn 12 tỷ đồng tiền thuê đất là con số vừa được Cục Thuế Hà Nội công khai trong tháng 9.2017. Tổng số tiền nợ của các doanh nghiệp trên đã lên tới gần 60 tỷ đồng.

TP HCM trình Bộ GD-ĐT thẩm định bộ sách giáo khoa riêng

TP HCM sẽ đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục. Năm học 2017-2018, học sinh sẽ được học tập và hoạt động cả ngày trong nhà trường. Thực hiện nghiêm quy định quản lý dạy thêm, học thêm. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp dạy thêm không đúng quy định.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang