Thản nhiên bôi bẩn di tích bằng những hình vẽ chi chít

09/11/2018 13:44

Một số di tích lịch sử ở Hà Nội bị bôi bẩn vì thói quen "check-in" của du khách bằng cách vẽ, khắc tên lên hiện vật.

Một số di tích lịch sử ở Hà Nội bị bôi bẩn vì thói quen "check-in" của du khách bằng cách vẽ, khắc tên lên hiện vật.

Nạn vẽ bậy lên di tích lịch sử 

Mới đây, nhiều tờ báo Nhật Bản đưa tin về việc xuất hiện dòng chữ “A.Hào” được khắc lên một hòn đá thiêng tại khu thành cổ thuộc tỉnh Tottori. Việc làm này, khiến người dân Nhật Bản bức xúc, lên án hành vi phá hoại di sản văn hóa. Ở Việt Nam, tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở các di tích, nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn có hiệu quả.

Ghi nhận của chúng tôi, tại các di tích văn hóa nổi tiếng của Hà Nội, như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cột cờ Hà Nội, Tháp Hòa Phong…, không khó để bắt gặp những hình thù, nét vẽ nguệch ngoạc, được khắc lên hiện vật, di tích.

s
Cả một mảng tường dài hàng mét bị bao bọc bởi các nét vẽ làm Cột cờ Hà Nội xấu xí trong mắt du khách.

Nằm trong quần thể của Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mặc dù chiếc chuông đồng đã được bảo vệ bằng hàng rào và có biển báo cấm trèo, viết, vẽ lên hiện vật, thế nhưng, nhiều người vẫn thản nhiên băng qua hàng rào, khắc tên lên hiện vật, đến mức, lòng chiếc chuông này gần như không còn một ô trống sạch sẽ.

Nhiều bạn trẻ chọn đây là hình thức “than thở”chuyện tình cảm của mình.
Nhiều bạn trẻ chọn đây là hình thức “than thở”chuyện tình cảm của mình.
 Khi vắng bóng bảo vệ nhiều bạn trẻ vẫn tranh thủ tìm cách vượt qua hàng rào cấm để vào bên trong hiện vật.
Khi vắng bóng bảo vệ, nhiều bạn trẻ tranh thủ tìm cách vượt qua hàng rào cấm để vào bên trong hiện vật.

Tại di tích Cột cờ Hà Nội, xung quanh 4 mặt của đế trụ cột cờ bị phủ kín bởi hàng trăm dòng chữ bằng bút xóa. Thậm chí, có người còn dùng dao nhọn khắc hình vẽ, khiến di tích này trở nên nhem nhuốc.

Ông Lương Ngọc Thăng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết, mỗi lần ra Hồ Gươm chơi, ông thấy buồn vì các di tích ở đây bị "bôi bẩn" bởi những hình khắc, vẽ, viết bậy.

"Ở nước ngoài, họ có chế tài xử lý rất nặng việc này, thậm chí là phạt tù. Còn ở Việt Nam, tôi thấy rằng, pháp luật chưa nghiêm khắc xử lý những hành vi này, hoặc có thì cũng xử lý chưa triệt để”, ông Thăng cho hay.

Ông Phạm Xuân Sang - Thanh viên Ban quản lý di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho hay: “Để bảo vệ di tích, tôi mong có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trước hết, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc”.

"Đã đến lúc phải xử phạt nặng"

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chia sẻ, việc vẽ, viết bậy lên di tích là vấn nạn xảy ra từ lâu, trở thành thói quen xấu xí của nhiều người trẻ và khiến di tích xuống cấp.

Trên thực tế, việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm rất khó khăn, bởi lực lượng thanh, kiểm tra còn mỏng. Khi trích xuất camera, rất khó xác định danh tính du khách vẽ bậy lên di tích.

“Để đối phó với nạn tình trạng này, tại các điểm di tích, chúng tôi có biển cảnh báo đặt bên ngoài hàng rào và gắn camera tại nhiều khu vực, đồng thời tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh cáo về hành vi này.

Song, để quyết liệt hơn, tôi nghĩ rằng, đã đến lúc phải xử phạt nặng, đủ sức răn đe cho nhiều người khác. Có thế mới chấm dứt được tình trạng viết, vẽ bậy lên di tích".

Dưới đây là một số hình ảnh được chúng tôi ghi lại

á
Xung quanh bốn mặt Cột cờ Hà Nội chi chít các vết tích nguệch ngoạc.
d
Tháp Hòa Phong nguệch ngoạc những vết khắc, vẽ bậy.
s
s
Nhiều người thản nhiên viết lên di tích.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang