Tăng cường ngăn chặn các hành vi gian lận, tội phạm trong việc sử dụng hóa đơn

12/04/2023 14:03

(kiemsat.vn)
Ngày 11/4/2023, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TCT về việc tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn.

Ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu và tuân thủ quy định về hóa đơn, hóa đơn điện tử (HĐĐT), tăng cường các giải pháp quản lý đồng bộ để ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong việc phát hành và sử dụng hóa đơn không hợp pháp.

Tổng cục Thuế tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý HĐĐT, Tổng cục Thuế yêu cầu Thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

Tập hợp các hành vi vi phạm về hóa đơn được phát hiện qua công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra tại địa bàn, công tác điều tra của cơ quan Công an, qua các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua. Tổ chức trao đổi, tổng kết kinh nghiệm giữa các phòng, bộ phận thanh tra, kiểm tra trong toàn Cục Thuế để bàn biện pháp xử lý thống nhất đối với những hành vi vi phạm mới, tinh vi, phức tạp để phổ biến trong đơn vị và trong toàn Ngành.

Tổ chức tháng cao điểm thực hiện phòng, chống các tổ chức, cá nhân mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, gian lận hoàn thuế: Căn cứ vào thực tế công tác quản lý tại địa phương, Cục Thuế triển khai, giao nhiệm vụ phòng chống gian lận hoàn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, thực hiện rà soát, kiểm tra hóa đơn tới từng công chức, từng đội, từng phòng quản lý người nộp thuế và gắn với công tác thi đua, khen thưởng.

Công tác xác minh hóa đơn là một nhiệm vụ của cơ quan Thuế các cấp. Yêu cầu Cục Thuế phải tăng cường triển khai theo hướng dẫn tại Công văn số 702/TCT-CNTT ngày 11/03/2022 của Tổng cục Thuế về triển khai Ứng dụng hỗ trợ theo dõi kết quả xác minh hóa đơn tại cơ quan Thuế đảm bảo nội dung xác minh theo đề nghị. Phải chịu trách nhiệm đối với kết quả xác minh, trả lời xác minh hóa đơn đảm bảo kịp thời và đúng thời hạn.

Tăng cường công tác rà soát hóa đơn, đánh giá rủi ro thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan Thuế; đánh giá rủi ro tổng thể thông qua các ứng dụng đang triển khai của ngành thuế, qua thực tiễn công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, tình hình kê khai, nộp thuế,... để xây dựng kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng bỏ sót các doanh nghiệp có rủi ro, doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra. Thực hiện thanh tra, kiểm tra đúng đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm rủi ro cao và theo đúng quy định của pháp luật.

Qua công tác quản lý thuế, nắm bắt những người nộp thuế có dấu hiệu kinh doanh, khai thuế không lành mạnh, hàng hóa nhập kho không có hóa đơn, chứng từ, doanh thu bán thấp so với chi phí phát sinh để kiểm tra doanh thu kê khai thuế, kiểm tra hóa đơn, chứng từ.

Tăng cường công tác quản lý cán bộ, công tác tuyên truyền đến công chức để nâng cao ý thức kỷ luật, phòng ngừa rủi ro.

Thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong kỷ luật, kỷ cương hành chính. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu theo quy định tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính Phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng đối với các đồng chí Chi cục trưởng và tương đương, các đồng chí Đội trưởng Đội Thuế và các chức danh lãnh đạo có liên quan thuộc đơn vị khi để xảy ra vi phạm tại đơn vị do mình phụ trách, quản lý.

Chỉ đạo các bộ phận chức năng của cơ quan Thuế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người nộp thuế về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế và về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ theo quy định tại Điều 6 Luật Quản lý thuế và khoản 2 Điều 5 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và về các hành vi mua, bán, sử dụng trái phép hóa đơn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ Luật hình sự. Mỗi một công chức thuế là một kênh tuyên truyền đến người nộp thuế về việc nhận diện hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và chế tài xử lý đối với từng hành vi vi phạm,... để người nộp thuế tránh tham gia vào các giao dịch mua bán hóa đơn, tạo thói quen nhận hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng. Phối hợp với các đơn vị truyền thông công khai thông tin tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán hóa đơn để tuyên truyền, góp phần cảnh báo, răn đe các đối tượng đã và đang có ý định vi phạm pháp luật về hóa đơn.

Chỉ thị số 01/CT-TCT cho biết, trong những năm qua, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh,... Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp quy định việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện; Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật,... Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách, một số đối tượng đã thành lập doanh nghiệp để mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp, có các hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn, chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách Nhà nước.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang