Tai nạn do cây gãy đổ, ai chịu trách nhiệm?
(kiemsat.vn) Việc cây xanh đổ trúng người tham gia giao thông trên đường, đặc biệt là vào mùa mưa bão không còn là chuyện hiếm. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi cây xanh “gây họa”?
Hiểm họa tai nạn giao thông sau ánh đèn pha, đèn led siêu sáng
World Cup 2018: đam mê, tận hưởng nhưng tránh vi phạm bản quyền
Nơm nớp ra đường khi trời mưa
Những năm qua, việc cây xanh trên phố bất ngờ gẫy đổ khi trời giông bão gây tai nạn, thậm chí làm chết người đã không còn là chuyện hy hữu. Nó trở thành mối lo ngại với người dân mỗi khi lưu thông trên đuờng.
Mới đây nhất, theo thông tin của Vietnamnet, chiều 14/6, một cây phượng cổ thụ lại bất ngờ đổ trên đường Quán Sứ (Hà Nội) gây tai nạn nghiêm trọng cho người đi đường.
Cây phượng đổ xuống đường có phần rễ cây rất nông, có tuổi thọ khoảng vài chục năm và bị mục gốc từ hơn 1 năm nay (Ảnh: Vietnamnet) |
Khi cây phượng đổ bất ngờ, chiếc xe máy mang BKS 30N4-6407 (gồm 1 người đàn ông, 1 phụ nữ và 1 trẻ em) và xe máy mang BKS 29Y3-371.14 (gồm 1 phụ nữ và 1 trẻ em) bị thương, có 2 người do cành cây va trúng đầu nên bị thương nặng.
Cuối năm 2017, gần khu vực ngã tư Phan Huy Chú - Trần Hưng Đạo cũng xảy ra vụ đổ cây phượng già làm hỏng một ôtô và ba xe máy đang đỗ ven đường, rất may không gây thương vong về người. Trước đó, vào rạng sáng 28/7/2016, một cây phượng lớn trên phố chùa Bộc (Hà Nội) bị đổ, đè trúng nhiều xe máy khiến nhiều người bị thương.
Người dân TP.HCM có lẽ chưa hết ám ảnh về mùa mưa năm 2016, khi trong 5 ngày (từ 26/8 đến 30/8) , trên địa bàn TP. HCM đã xảy ra 3 vụ cây xanh gãy đổ trong mưa lớn, đè bẹp nhiều ô tô, xe máy và gây chết 02 người (một cụ bà và một thanh niên).
Và còn rất nhiều trường hợp cây xanh gãy đổ gây hậu quả nghiêm trọng khác, đặc biệt ở các thành phố, khu đô thị.
Như CAND đưa tin, sau vụ việc cây đổ gây chết người ở đường Quán Sứ, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã tích cực rà soát để tìm ra dấu hiệu bất thường nhằm xử lý kịp thời vì cây to không thể gông, chống như những cây còn bé. Biện pháp được cho là hiệu quả để ngăn ngừa cây xanh bị gẫy đổ hiện nay được Công ty triển khai là tích cực cắt tỉa cành cây.
Công nhân Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa cây trên đường Trần Duy Hưng. (Ảnh: TTXVN) |
Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh cho biết, việc phát hiện sâu mục bên trong lõi cây hiện nay rất khó do chưa tìm được phương pháp phù hợp.
Bên cạnh sự biến đổi bất thường của thời tiết, nguyên nhân cây xanh gãy đổ liên tục còn do việc thi công hạ tầng đô thị. Việc thi công xây dựng vỉa hè thường hạ cốt hoặc nâng nền lên cao làm cho rễ cây lâu năm bị nông, dẫn đến cây dễ gãy đổ khi mưa bão.
Như phản ánh của báo Đời sống pháp luật, khi đề cập đến trách nhiệm của mình, lãnh đạo một đơn vị quản lý trực tiếp hệ thống cây xanh cho rằng họ chỉ quản lý cây xanh theo đơn đặt hàng của thành phố và thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng. Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị quản lý cây xanh. Công ty chỉ là đơn vị được giao quản lý theo đơn đặt hàng của thành phố.
Khi “họa vô đơn chí” ập đến, người bị nạn cũng không thể “ôm cây bắt đền”. Vậy trong trường hợp này ai phải chịu trách nhiệm trước các thiệt hại?
Trách nhiệm thuộc người quản lý cây
Đó là khẳng định của Luật sư Lê Vi, Đoàn Luật sư TP.HCM khi trả lời báo Thanh Niên về vấn đề cây xanh đổ gât thiệt hại về người và tài sản ở TPHCM. “Nếu cây xanh tự dưng bị bật gốc, tức cây do bị sâu ăn, thối rễ, không được chăm sóc chu đáo, thì chủ cây xanh là Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP.HCM phải bồi thường nếu cây xanh đó do họ quản lý. Chủ cây cũng có thể thuộc về các chủ đầu tư nếu cây nằm trong các khu dân cư mà chủ đầu tư chưa bàn giao dự án lại cho nhà nước quản lý”, Luật sư Lê Vi bình luận. Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM là đơn vị dịch vụ công ích được UBND TP giao nhiệm vụ trồng cây, quản lý và chăm sóc cây xanh, thì họ phải là người có trách nhiệm biết trước mùa thiên tai, mưa bão đến gần và tiến hành chặt, tỉa cành những cây có nguy cơ gãy đổ cao, không thể để những tai nạn như thế này gây thương vong, thiệt hại cho người dân thành phố.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với báo Sức khỏe cộng đồng, luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: “Tại Điều 604 BLDS 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Theo đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”.
Tăng cường kiểm tra, rà soát cây xanh trước mùa mưa bão (Nguồn: internet) |
Như vậy, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do cây xanh gãy đổ trên đường có thể khởi kiện Công ty cây xanh để yêu cầu bồi thường thiệt hại, căn cứ vào mức độ thiệt hại gồm tài sản, tính mạng, sức khỏe... được quy định trong BLDS năm 2015.
Tuy nhiên, cần lưu ý trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 2, điều 584, BLDS 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Theo khoản 1 Điều 156 BLDS 2015: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem cơ quan có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ…). Nếu họ đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng.
Điều 11 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị quy định: “Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây”.
Như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý cây xanh là phải thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa, chặt hạ những phần thân cây mang tính chất rủi ro tiềm tàng. Trong trường hợp không thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của mình dẫn đến việc cây đổ, gãy gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
Xem thêm>>>
Hàng loạt cây xanh bị chặt để ‘giành lại vỉa hè’ cho người đi bộ
-
1Sơn La: VKSND huyện Mường La phối hợp tuyên truyền phòng, chống ma tuý và tác hại của thuốc lá điện tử trong học đường
-
2Chi đoàn VKSND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức “Phiên tòa giả định” về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
-
3Lai Châu: VKSND huyện Tân Uyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường
-
4VKSND TP Hà Tĩnh phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông
-
5VKSND quận Cầu Giấy: Kiến nghị phòng ngừa tội phạm gây rối trật tự công cộng do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn
-
6VKSND tối cao tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
-
7Quảng Nam: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai
-
8VKSND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hội An về vấn đề liên quan đến người nước ngoài thuê xe tự lái vi phạm pháp luật Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.