Sữa học đường Hà Nội: “Ấn tượng” những con số ban đầu

18/04/2019 16:12

(kiemsat.vn)
Số lượng phụ huynh trên địa bàn thành phố Hà Nội đăng ký cho con tham gia Chương trình Sữa học đường sau hơn 2 tháng lên tới hơn 87% với gần 1 triệu trẻ, không ít trường đạt tỉ lệ gần 100% thực sự là những “con số ấn tượng” về sự tin tưởng của phụ huynh và xã hội đối với Chương trình này.

Sau hơn 3 tháng thực hiện chương trình Sữa học đường, một số quận huyện tại Hà Nội có tỉ lệ

phụ huynh đăng ký sữa học đường cho con ở khối các trường công lập rất cao, lên tới gần 100%

Khi phụ huynh đã có niềm tin

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội cho biết: Tính đến hết tháng 2/2019, sau 2 tháng Chương trình Sữa học đường của Hà Nội chính  thức triển khai tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Thành phố đã có trên 87% học sinh đăng ký. Con số này còn tiếp tục tăng trong tháng 3 vì một số trường ngoài công lập trên địa bàn đến nay mới hiểu hết về tính nhân văn của Chương trình và tiến hành tuyên truyền, thông báo để cho phụ huynh đăng ký. 

Ông Tiến còn thông tin: Ngay từ đầu triển khai Chương trình, phụ huynh được phổ biến rất rõ là có đăng ký cho con uống sữa học đường bất cứ lúc nào hoặc ngược lại cũng có thể dừng bất cứ lúc nào nếu thấy còn vấn đề băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, thống kê từ các nhà trường cho thấy, sau khi Chương trình chính thức đi vào thực tế thì số lượng đăng ký chỉ có xu hướng ngày càng tăng chứ không có hiện tượng dừng lại. Điều đó cho thấy những nghi ngại của phụ huynh không những đã được giải tỏa mà sự tin tưởng ngày càng lớn hơn sau khi các bậc phụ huynh chứng kiến, giám sát chất lượng và độ an toàn của sữa học đường. 

Cô giáo chuẩn bị sữa cho các bé tham gia chương trình Sữa học đường tại một điểm trường ở Hà Nội.

Một số quận huyện có tỉ lệ phụ huynh đăng ký sữa học đường cho con ở khối các trường công lập rất cao, lên tới gần 100% như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hà Đông… Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết, hết tháng thứ hai thực hiện Chương trình, số học sinh trên toàn quận tham gia đã là hơn 97%, tăng khoảng 10% so với thời điểm bắt đầu. 

Điều này ngay bản thân các cơ sở giáo dục cũng khá bất ngờ bởi chỉ cách đây vài tháng, khi chưa biết đơn vị nào sẽ cung ứng sữa học đường cho con em mình, phụ huynh đã phản ứng khá gay gắt khi các trường xin ý kiến ban đầu của phụ huynh về việc triển khai Chương trình này. Có những trường khi chưa triển khai đã nghĩ khó có thể đạt được tỉ lệ ½ số học sinh tham gia. 

Diễn viên, hoạ sỹ Lương Giang cũng đồng thời là phụ huynh của hai con trong lứa tuổi mầm non, tiểu học nên nhận định: Đây là  thực sự là một chương trình có ý nghĩa, các nước phát triển đã thực hiện lâu nay. Với Việt Nam, Chương trình mang lại cơ hội thay đổi trí lực cả một thế hệ tương lai sau này, bù đắp những thiệt thòi về dinh dưỡng của ông bà, cha mẹ các con, vốn rất ít được uống sữa trong giai đoạn “vàng” để phát triển. 

Giá trị gia tăng ngoài hộp sữa

Khi Chương trình chưa triển khai trên thực tế, điều phụ huynh thấy khó hiểu nhất là vì sao học sinh không được mang hộp sữa về nhà uống, kể cả vỏ hộp cũng phải thu gom toàn bộ ngay tại trường. Điều này thậm chí còn khiến phụ huynh nghi ngờ về chất lượng và độ an toàn của hộp sữa không đúng như những gì Chương trình cam kết. 

Tuy nhiên, sau đó phụ huynh đã hiểu nhờ được tuyên truyền về mục đích của yêu cầu này nhằm giám sát học sinh uống đầy đủ khẩu phần sữa học đường ngay tại trường đồng thời thu gom rác thải gọn gàng để đảm bảo vấn đề môi trường. 

Ông Phạm Xuân Tiến cho hay: Trước đây khi trẻ chưa uống sữa của Chương trình sữa học đường, không có quy định cụ thể nên các thầy cô phát sữa cho các con mà không để ý các con có uống hay không. Do vậy dẫn tới tình trạng nhiều phụ huynh phản ánh các con nhờ bạn khác uống hộ hoặc cất đi không uống, nhiều khi thấy cặp sách của con có tới 4 – 5 hộp sữa các con mang ở trường về. 

Các con tham gia chương trình Sữa học đường Hà Nội tự uống và tự gấp gọn gàng vỏ hộp sữa sau khi uống xong cho vào thùng rác

“Vấn đề tạo thói quen cho học sinh vứt rác gọn gàng, đúng nơi quy định rất quan trọng. Việc gấp gọn vỏ sữa như một hoạt động thư giãn tập thể, các con rất thích. Tôi đến nhiều trường mầm non, tiểu học hay để ý xem học sinh có vứt vỏ sữa lung tung hay không thì thấy rất mừng là không còn hiện tương này” – ông Tiến chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Đức - Trưởng Bộ phận Truyền thông Cộng đồng, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk: Ngoài chất lượng của sữa học đường thì Chương trình còn trang bị thêm cho học sinh ngay từ lứa tuổi mầm non, tiểu học ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc hướng dẫn các em gấp gọn hộp sữa sau khi sử dụng và thu gom xử lý rác thải. 

Xác nhận điều này, chị Lan Anh, một phụ huynh có con ở ở trường mầm non Thực hành Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay:  con trước đây không thích sữa thì nay đã thay đổi, tự nhắc bố mẹ mua sữa cho con uống buổi tối và các ngày nghỉ khi thấy nhà hết sữa. Hơn nữa các con ở lứa tuổi mầm non nhiều khi bố mẹ phải cầm hộp sữa cho uống thì nay đã tự uống và còn tự gấp vỏ sữa sau khi uống xong cho vào thùng rác. “Đó là những giá trị có ý nghĩa mà tôi thấy Chương trình sữa học đường đã mang lại”, chị Lan Anh nói.

Bà Khúc Thị Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non Bà Triệu, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng khẳng định: giờ uống sữa đã trở thành thời điểm được học sinh yêu thích trong ngày. Các con cùng uống sữa theo nhóm và sau đó rất hào hứng với “tiết mục” gấp vỏ hộp sữa. “Ban đầu, chúng tôi cũng băn khoăn vì không nghĩ rằng trẻ ở lứa tuổi 3 tuổi có thể gấp vỏ hộp sữa gọn gàng như các học sinh lớn nhưng sau vài lần được giáo viên hướng dẫn, cùng gấp vỏ sữa với các con thì giờ đây các con đã thực sự hào hứng và tự làm rất ngăn nắp”, bà Mai cho hay. 
 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang