Sốt xuất huyết lan cả nước, 10 người tử vong
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 36.000 ca sốt xuất huyết, tập chung chủ yếu ở phía Nam và tăng cao tại miền Bắc.
Bùng phát dịch tả lớn chưa từng có ở Yemen
Bộ Y tế họp khẩn chống dịch sốt xuất huyết
Hà Nội căng mình đối phó dịch sốt xuất huyết
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, sốt xuất huyết Dengue xuất hiện tại 47 tỉnh thành với hơn 36.000 người bệnh. 10 người tử vong, trong đó 3 bệnh nhân ở Trà Vinh, 2 tại Đồng Tháp; Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, TP HCM, Hà Nội mỗi địa phương ghi nhận một ca tử vong.
Số bệnh nhân tập trung chủ yếu tại phía Nam và tăng cao ở phía Bắc. TP Hà Nội ghi nhận khoảng 1.300 ca bệnh, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung nhiều ở quận Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Hà Đông. Bệnh nhân rải rác trong các tháng nhưng có xu hướng tăng từ giữa tháng 4 và tăng nhanh trong những tuần gần đây do thời tiết chuyển nắng nóng và mưa nhiều. Hiện miền Bắc trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Để giảm tỷ lệ tử vong, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, yêu cầu các bệnh viện tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết dengue. Đường dây nóng phòng chống dịch được duy trì hoạt động để có thể tư vấn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh… cũng phải được bệnh viện chuẩn bị kỹ.
Các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống điều trị sốt xuất huyết như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 của TP HCM… chủ động chỉ đạo tuyến, điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận, điều trị người bệnh cho phù hợp với tình hình của từng bệnh viện và hỗ trợ các cơ sở khám bệnh chữa bệnh tuyến dưới. Các ca tử vong phải được phân tích nguyên nhân để rút kinh nghiệm nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tương tự.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Người dân được khuyến cáo ngủ màn vào ban ngày để phòng bệnh sốt xuất huyết. Người bệnh sốt xuất huyết cũng ngủ màn để tránh muỗi đốt lây bệnh cho người khác. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…). Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh do virus Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp nên một người có thể mắc bệnh 2-3 lần.
Trường hợp nhẹ, người bệnh sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban. Nặng hơn, người bệnh có dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng); đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Theo Nam Phương/VN. express
-
1Quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
-
2Quy định về kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá và xử lý văn bản quy phạm pháp luật
-
3Nguyên tắc sử dụng chatbot AI đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
-
4Xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
-
5Lấy ý kiến nhân dân đối với các cá nhân được đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động
Bài viết chưa có bình luận nào.