Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật đất đai

21/07/2021 20:58

(kiemsat.vn)
Chiều 21/7, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị, cần đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Đất đai nếu việc chuẩn bị dự án Luật bảo đảm yêu cầu chất lượng.

Xem xét 11 dự án Luật trong năm 2022

Báo cáo tại phiên họp của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình năm 2022 tổng số 11 dự án luật, cụ thể: tại Kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022) trình thông qua 6 luật và cho ý kiến 4 dự án luật khác; tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022) trình thông qua 4 dự án luật (đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba) và cho ý kiến 1 dự án luật khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp (ảnh: Quang Khánh)

Trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội đối với từng dự án; đồng thời, qua xem xét, đánh giá việc thực hiện Chương trình các năm trước, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và sự chuẩn bị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ về dự kiến Chương trình năm 2022. Trong đó, thống nhất đưa vào Chương trình thông qua tại Kỳ họp thứ ba 6 dự án luật gồm: Dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Thống nhất đưa 4 dự án vào chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba gồm: dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong đó 3 dự án luật đưa vào chương trình thông qua tại Kỳ họp thứ tư.

Sẽ xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy trình 3 Kỳ họp

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định do tính chất phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng nên sẽ bố trí vào Chương trình cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ tư và  trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm theo quy trình tại 3 Kỳ họp. “Trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại 2 Kỳ họp”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ.

Thảo luận tại Hội trường, các ĐBQH cơ bản nhất trí với quan điểm, định hướng, nguyên tắc lập Chương trình năm 2022 và số lượng các dự án tại mỗi Kỳ họp trong năm 2022.

Dành sự quan tâm đặc biệt đến tiến độ sửa đổi Luật Đất đai, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng đây là dự luật hết sức quan trọng và đang được cử tri, Nhân dân quan tâm, trông đợi. Chia sẻ với sự thận trọng có cơ sở của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự luật này, ông Tô Văn Tám nêu rõ, dự luật này rất phức tạp về nội dung và rộng lớn về phạm vi tác động. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ để quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực đất đai. Thực tế đã cho thấy, đất đai không những chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế - xã hội mà quá trình quản lý, sử dụng đã phát sinh nhiều tiêu cực, sai phạm ở nhiều địa phương… Đại biểu tỉnh Kon Tum đề nghị Quốc hội cần khẳng định dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội theo quy trình tại 3 Kỳ họp bởi tính phức tạp cả về lý luận và thực tiễn của vấn đề sở hữu và vấn đề quản lý, sử dụng đất đai.

Về tiến độ sửa đổi, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) băn khoăn cho rằng, nếu Luật Đất đai (sửa đổi) được xem xét, thông qua theo 3 Kỳ họp thì đến giữa năm 2023 mới được thông qua, đến đầu năm 2024 mới có hiệu lực thi hành, thậm chí sau thời điểm này cũng còn phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành Luật… Như vậy, có thể kéo dài đến cuối nhiệm kỳ này, Luật Đất đai (sửa đổi) mới đi vào cuộc sống. Trong khi đó, việc sửa đổi Luật Đất đai hiện nay càng được tiến hành sớm càng tốt để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn và bảo đảm tốt hơn quyền sử dụng, quản lý tài sản, đất đai của công dân.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, việc thông qua một dự án luật trong 2 Kỳ họp hay 3 Kỳ họp thì phụ thuộc nhiều vào chất lượng chuẩn bị hồ sơ dự án luật. Do đó, nếu khả năng chuẩn bị dự án luật tốt, khẩn trương thì có thể đẩy nhanh hơn tiến trình thông qua luật, đảm bảo luật có hiệu quả đưa và đưa vào thực tiễn một cách sớm nhất.

Sau 07 năm có hiệu lực thi hành, Luật Đất đai đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, chưa phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thu hồi giá trị tăng thêm từ đất chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước vào hạ tầng, việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra.

Giữ nguyên phạm vi điều chỉnh theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, song Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Đất đai sửa đổi) dự kiến sửa đổi, bổ sung 133/212 điều (chiếm 62,7%), giữ nguyên nội dung 79 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung 14 điều mới.

Nội dung sửa đổi, bổ sung  nhằm vào 11 nhóm chính sách đã được xác định rõ ràng phương án xử lý, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng để giải quyết những yêu cầu thực tiễn cấp bách đặt ra. Đó là làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính; phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất; hoàn thiện quy định về các đối tượng sử dụng đất để đảm bảo đồng bộ thống nhất với các pháp luật khác có liên quan; nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải  tạo, nâng cao chất lượng đất đai.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang