Quy định của một số quốc gia về biện pháp bắt buộc chữa bệnh và khuyến nghị cho Việt Nam
(kiemsat.vn) Bắt buộc chữa bệnh là biện pháp tư pháp thể hiện sự nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam. Căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi.
1. Quy định về biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong pháp luật hình sự, tố tụng hình sự một số quốc gia
- Cộng hòa liên bang Đức:
Các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự và hệ thống pháp luật Đức có những nét tương đồng nhất định có thể nghiên cứu, học tập và vận dụng trong quá trình cải cách tư pháp nói chung và hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam nói riêng. Liên quan đến biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Bộ luật Hình sự (BLHS) Cộng hòa liên bang Đức ghi nhận dưới tên gọi là biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc cơ sở cai nghiện và là một trong các “biện pháp xử lý cải thiện và bảo đảm an toàn” được quy định tại Chương 3, Mục 6 (Điều 61 đến Điều 72). Có thể thấy, các biện pháp xử lý cải thiện và bảo đảm an toàn theo quy định của BLHS Cộng hòa liên bang Đức không thuộc hệ thống hình phạt, cũng không được coi là “hậu quả kèm theo” như pháp luật hình sự một số nước khác trên thế giới, mà là một cơ chế pháp lý riêng biệt có mục đích điều trị hoặc cải thiện tình trạng của người bị áp dụng cũng như bảo đảm an toàn cho xã hội.
Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc cơ sở cai nghiện tại Đức thuộc về Tòa án. Tòa án phải căn cứ vào ý nghĩa của hành vi đã được thực hiện và các hành vi được dự liệu, cũng như mức độ nguy hiểm từ phía người phạm tội theo Điều 62 BLHS Cộng hòa liên bang Đức, cụ thể: “Một biện pháp xử lý cải thiện và bảo đảm an toàn không được phép áp dụng nếu nó không tương xứng ý nghĩa của hành vi đã được thực hiện bởi tội phạm và của các hành vi được dự liệu cũng như mức độ nguy hiểm từ phía người thực hiện tội phạm”. Biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc cơ sở cai nghiện bên cạnh mục đích điều trị, cải thiện tình trạng cho người được áp dụng còn nhằm tránh nguy cơ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội tiếp tục gây nguy hiểm cho cộng đồng, nhất là với đối tượng nghiện ma túy. Người bị áp dụng biện pháp này cũng đồng thời bị áp dụng biện pháp quản chế, nhưng nếu sau khi dừng lệnh quản chế mà người phạm tội rơi vào tình trạng bệnh xấu đi đột xuất, hoặc xuất hiện hiện tượng tái nghiện, Tòa án có thể ra lệnh chấp hành lại biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc cơ sở cai nghiện.
Nội dung, thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc cơ sở cai nghiện được quy định tại Điều 126a Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) Cộng hòa liên bang Đức hiện hành, theo đó, thời điểm áp dụng có thể bắt đầu ngay khi có căn cứ cho rằng một người đã thực hiện hành vi trái pháp luật trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc trong trạng thái năng lực trách nhiệm hình sự bị hạn chế và việc đưa người đó vào cơ sở chữa bệnh hoặc cơ sở cai nghiện cần phải được quyết định. Trong giai đoạn điều tra, truy tố, Thẩm phán ra lệnh đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc cơ sở cai nghiện căn cứ theo đề nghị của Cơ quan Công tố hoặc tự quyết định trong trường hợp không có đề nghị của Cơ quan Công tố (Điều 128 BLTTHS).
- Cộng hòa liên bang Nga:
Hệ thống pháp luật Cộng hòa liên bang Nga có ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống pháp luật các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. Bộ luật Hình sự Cộng hòa liên bang Nga hiện hành quy định các biện pháp bắt buộc chữa bệnh là một trong các “biện pháp pháp lý hình sự khác” (tại Mục VI, Chương 15 và Chương 15-1). Cụ thể biện pháp bắt buộc chữa bệnh được ghi nhận từ Điều 97 đến Điều 104 BLHS.
Điều 98 BLHS Cộng hòa liên bang Nga quy định rõ, mục tiêu của việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh là nhằm “điều trị cho những người đã nêu trong khoản 1 Điều 97 Bộ luật này hoặc cải thiện tình trạng tâm thần của họ cũng như nhằm phòng ngừa để không cho họ có thể gây ra những vụ việc khác đã nêu trong phần riêng của Bộ luật này”4. Theo đó, các đối tượng bị áp dụng biện pháp này cũng được liệt kê cụ thể, bao gồm: Những người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc rối loạn về tâm thần mà chưa loại trừ trách nhiệm hình sự; những người sau khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì bị mắc bệnh tâm thần mà không thể chấp hành hình phạt; những người thực hiện hành vi chống lại sự bất khả xâm phạm về tình dục của người dưới 14 tuổi và mắc chứng rối loạn sở thích tình dục. Đây cũng là biện pháp thay thế cho hình phạt đối với những người bị bệnh về tâm thần, dẫn đến mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức nên không thể chấp hành hình phạt.
Theo Điều 29, Mục 5, Chương II BLTTHS Cộng hòa liên bang Nga, thẩm quyền áp dụng, gia hạn, sửa đổi, tạm hoãn và chấm dứt biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoàn toàn thuộc về Tòa án trên cơ sở yêu cầu của Dự thẩm viên với sự đồng ý của Thủ trưởng Cơ quan điều tra dự thẩm; hoặc yêu cầu của Điều tra viên với sự đồng ý của Kiểm sát viên sau khi điều tra dự thẩm và xác định được đối tượng áp dụng biện pháp này. Bộ luật này cũng dành riêng một mục (Mục 51) để quy định chi tiết về thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Nếu người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được coi là đã khỏi bệnh thì Tòa án, trên cơ sở kết luận y khoa, ra quyết định đình chỉ việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với họ và trả lại hồ sơ vụ án cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra dự thẩm hoặc Thủ trưởng Cơ quan điều tra ban đầu để tiến hành phục hồi điều tra theo thủ tục chung.
- Cộng hòa nhân dân Trung Hoa:
Khác với các quốc gia khác, BLHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) hiện hành không có một chương riêng quy định về biện pháp tư pháp khác bên cạnh hình phạt. Tuy nhiên, trong một số điều luật, BLHS đã ghi nhận một số biện pháp, trong đó có biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Chương IV của Bộ luật này. Như vậy, có thể hiểu, bắt buộc chữa bệnh cũng là một trong các biện pháp thay thế cho hình phạt tùy thuộc vào đối tượng bị áp dụng là người như thế nào nhằm mục đích ngăn ngừa tội phạm.
Điều 18 Chương IV BLHS Trung Quốc quy định: “Người bị mắc bệnh tâm thần gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội trong khi mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi, sau khi được xác nhận thông qua các thủ tục pháp lý thì không phải chịu trách nhiệm hình sự và người nhà/người bảo lãnh có nghĩa vụ tăng cường giám sát nghiêm ngặt và hỗ trợ họ thực hiện chữa bệnh”5. Thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bệnh nhân tâm thần không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật được quy định tại Chương riêng (Chương 4 Phần V) của BLTTHS Trung Quốc. Theo đó, thẩm quyền áp dụng biện pháp này thuộc về Tòa án, theo đề nghị của Viện kiểm sát (trong quá trình điều tra, truy tố) hoặc Tòa án có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc chữa bệnh nếu trong quá trình xét xử vụ án phát hiện bị cáo có đủ điều kiện áp dụng. Đối với những bệnh nhân tâm thần thực hiện hành vi bạo lực, trước khi Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, cơ quan Công an có thể tạm thời áp dụng biện pháp khống chế có tính bảo vệ.
2. So sánh với các quy định của pháp luật Việt Nam và một số khuyến nghị
Qua nghiên cứu, phân tích các quy định về biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong luật hình sự, tố tụng hình sự các nước, có thể thấy quy định của pháp luật hình sự Việt Nam có những điểm tương đồng và khác biệt như sau:
Điểm tương đồng:
Pháp luật hình sự các nước và pháp luật hình sự Việt Nam đều ghi nhận bắt buộc chữa bệnh là một biện pháp thay thế cho hình phạt và vẫn đảm bảo được tính chất phòng ngừa tội phạm, đồng thời, mang tính nhân đạo với mục đích điều trị, cải thiện tình trạng bệnh cho người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Điểm khác biệt:
- Hình thức thể hiện quy định biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong luật hình sự của mỗi nước có sự khác nhau nhất định, có nước quy định chỉ trong BLHS, có nước quy định thành chương riêng về các biện pháp pháp lý hình sự khác, hoặc quy định biện pháp với tính chất tương tự nhưng có tên gọi khác. Theo pháp luật hình sự Việt Nam, bắt buộc chữa bệnh là biện pháp tư pháp chỉ được quy định trong BLHS, được ghi nhận ở cả phần chung và phần riêng.
- Về thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong suốt quá trình tố tụng, pháp luật cả ba quốc gia (Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa liên bang Nga và Trung Quốc) đều trao cho Tòa án trên cơ sở đề nghị của Viện kiểm sát hoặc cơ quan Công an kiến nghị Viện kiểm sát để đưa ra đề nghị. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam có sự khác biệt và còn chưa thống nhất về nội dung này. Cụ thể, khoản 1 Điều 49 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) quy định thẩm quyền thuộc về Tòa án trong suốt quá trình tố tụng, theo đó: “… Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”; trong khi đó, khoản 2 Điều 447 BLTTHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (gọi tắt là BLTTHS năm 2015) lại quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thuộc về Viện kiểm sát “trong giai đoạn điều tra, truy tố” và thuộc về Tòa án “trong giai đoạn xét xử và thi hành án”.
- Về thời điểm áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành có sự khác biệt với các quốc gia khác ở điểm chỉ quy định từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Theo Điều 448, 449 BLTTHS năm 2015 thì, biện pháp bắt buộc chữa bệnh được áp dụng từ khi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội tham gia tố tụng với vai trò là “bị can”. Tư cách “bị can” xuất hiện khi có quyết định khởi tố bị can ở giai đoạn điều tra. Như vậy, trước giai đoạn điều tra, nếu phát hiện người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là người không có năng lực trách nhiệm hình sự thì việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được đặt ra như thế nào là vấn đề còn bỏ ngỏ, dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn giải quyết án của cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, trường hợp trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị mắc bệnh tâm thần thì có được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hay không cũng chưa có quy định.
Từ những điểm tương đồng, khác biệt nêu trên giữa quy định về biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong pháp luật hình sự, tố tụng hình sự của Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa liên bang Nga, Trung Quốc với Việt Nam, tác giả đưa ra một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh như sau:
Thứ nhất, nội dung, thẩm quyền và thủ tục về biện pháp bắt buộc chữa bệnh nên được quy định thống nhất trong cả BLHS và BLTTHS để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Nên trao thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cho Viện kiểm sát ở giai đoạn điều tra, truy tố; bởi lẽ, Viện kiểm sát thực hành kiểm sát các hoạt động tư pháp ngay từ đầu, Tòa án chỉ nắm hồ sơ và các nội dung, tình tiết của vụ án khi thụ lý hồ sơ vụ án và có nhiều trường hợp vụ án bị đình chỉ ngay từ giai đoạn điều tra hoặc truy tố. Do đó, đề nghị sửa đổi Điều 49 BLHS năm 2015 và Điều 477 BLTTHS năm 2015 theo hướng sau:
- Điều 49 BLHS năm 2015: “Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh từ khi xác định vụ việc có dấu hiệu của tội phạm; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”.
- Điều 447 BLTTHS năm 2015: “Căn cứ Kết luận giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh từ khi xác định vụ việc có dấu hiệu của tội phạm; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án”.
Thứ hai, về thời điểm áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, theo tác giả, nếu tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội xác định người thực hiện hành vi đó bị mắc các bệnh làm mất năng lực trách nhiệm hình sự thì cần đình chỉ vụ án; còn nếu xác định được sau thời điểm thực hiện hành nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi mới bị mắc các bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì phải quy định rõ việc quyết định áp dụng các biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo hướng trao thẩm quyền cho Viện kiểm sát./.
-
1Vướng mắc về đánh giá chứng cứ khi giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
2Hoàn thiện pháp luật về thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
Bài viết chưa có bình luận nào.