Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
(kiemsat.vn) Sáng 24/6/2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Quốc hội thông qua nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025
Cuốn sách của tư duy, tầm nhìn và sự tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. |
Điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) taih phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong phiên họp chiều 7/6/2024, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án luật, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án luật này. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, gửi đến các đại biểu Quốc hội và cơ quan hữu quan để nghiên cứu bước đầu tiếp thu, giải trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là đạo luật rất quan trọng, liên quan tới công tác phòng, chống mua bán người, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua, bán người, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người. Dự án luật đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Qua tổng hợp kết quả thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội tán thành cao với sự cần thiết xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), góp ý nhiều nội dung cụ thể về các vấn đề quan trọng của dự án luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung trọng tâm đã nêu trong báo cáo thẩm tra, các nội dung khác mà các đại biểu quan tâm.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người như Tờ trình của Chính phủ; đồng thời nhận thấy dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, sửa đổi 52 Điều, bổ sung mới 9 Điều, bỏ 1 Điều với nhiều điểm mới tích cực. Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp rất cụ thể, sâu sắc và đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Cân nhắc bổ sung nạn nhân là nạn nhân của hành vi cưỡng bức lao động. |
Quan tâm tới phạm vi và đối tượng điều chỉnh, đại biểu cho biết, so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng là người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và điều kiện bảo đảm phòng, chống mua bán người, quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người. Đại biểu cho rằng việc bổ sung đối tượng này là một chính sách quan trọng, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống mua bán người, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc thêm việc bổ sung nạn nhân là nạn nhân của các hành vi bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 2. Bởi rất nhiều trường hợp, ngay trong các doanh nghiệp cũng có thể có cưỡng bức lao động. Đồng thời đề nghị bỏ khoản 2 Điều 3 bởi đây là những hành vi không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người, đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý vào các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật. Đại biểu cơ bản đồng tình với các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động mua bán người, tuy nhiên đối chiếu với các luật khác, đề nghị Cơ quan soạn thảo bỏ khoản 2, khoản 3 của Điều 3 vì khoản 1 của Điều 3 đã bao hàm nội dung của khoản 2 và khoản 3.
Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Bổ sung thêm quy định về hành vi nghiêm cấm cố tình báo tin, tố giác, tố cáo hay khai báo sai sự thật về phòng, chống mua bán người. |
Đồng thời đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định về hành vi nghiêm cấm cố tình báo tin, tố giác, tố cáo hay khai báo sai sự thật về phòng, chống mua bán người.
Liên quan đến chính sách nhà nước về phòng chống mua bán người, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung thêm “vùng biên giới và đối tượng yếu thế” vào khoản 4 của dự thảo Luật. Vì khu vực biên giới và những nơi phức tạp về an ninh trật tự là những nơi dễ thực hiện hành vi lừa đảo, mua bán người. Và các đối tượng yếu thế, khuyết tật cũng là đối tượng mà tội phạm mua bán người nhắm đến. Do đó, đề nghị cần phải tập trung nhiều hơn.
Tại Điều 26 tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo, đại biểu cho rằng, quy định như tại khoản 1 Điều này sẽ bó hẹp đối tượng được quyền trình báo, tố giác hành vi, mua bán người, vì thực tế không phải nạn nhân nào cũng có thể tự đến hoặc có người đại diện hợp pháp đến cơ quan trình báo vụ việc mua, bán người. Đồng thời quy định như dự thảo có thể hạn chế quyền trình báo, tố giác của người dân, cộng đồng khi phát hiện vụ việc mua, bán người. Vì vậy, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết và những nội dung lớn sửa đổi, bổ sung trong Luật Phòng chống mua, bán người. Dự thảo Luật đã bổ sung những nguyên tắc và chính sách quan trọng của Nhà nước về phòng, chống mua bán người như: chính sách hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, quy định về miễn trách nhiệm hình sự và hành chính trong trường hợp nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật... theo đại biểu Quàng Thị Nguyệt việc bổ sung những nguyên tắc này là rất cần thiết, khẳng định sâu sắc hơn chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống mua bán người.
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Làm rõ hơn quy định miễn trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính đối với nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. |
Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Luật này, đại biểu Quàng Thị Nguyệt đóng góp một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, tại các Điều 38, 39, 40, 41, 44 của Dự thảo Luật quy định cụ thể các chế độ hỗ trợ nêu trên chỉ quy định đối tượng được hưởng là nạn nhân, người đang trong quá trình xác nhận là nạn nhân. Do đó, đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị Ban soạn thảo đề nghị, bổ sung đầy đủ hơn.
Thứ hai, về quy định miễn trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính đối với nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật quy định tại khoản 8 Điều 4 Dự thảo Luật này, tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể không bị xử phạt hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, đại biểu Quàng Thị Nguyệt cho rằng, việc bổ sung nội dung này là cần thiết tuy nhiên, Dự thảo Luật quy định tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân có thể không bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đối chiếu với quy định của Bộ Luật Hình sự và xử phạt vi phạm hành chính hiện hành thì không có quy định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và miễn xử phạt hành chính. Nếu quy định như Dự thảo, cơ quan có thẩm quyền không đủ căn cứ triển khai trong thực tiễn. Nên đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị cơ quan soạn thảo quy định những trường hợp, những hành vi nạn nhân bị ép buộc không bị xử phạt hành chính, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong Dự thảo Luật. Đồng thời, bổ sung quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự trong Bộ Luật Hình sự vào trường hợp không bị xử phạt hành chính trong Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện khi Luật này có hiệu lực thi hành.
Cuối cùng, đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm một khoản tại Điều 20 về trách nhiệm của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc phòng, chống mua bán người.
Để công tác phòng, chống mua bán người được thực hiện hiệu quả, đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đề nghị cần rà soát lại các quy định về các chính sách của dự án Luật này cho phù hợp với thực tế và phù hợp với các quy định pháp luật khác. Ví dụ như tại khoản 4, Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận: Nghiên cứu phân bổ ngân sách cho địa phương khó khăn thực hiện công tác phòng, chống mua bán người. |
Tuy nhiên, ở khu vực biên giới, tình hình mua bán người cũng xảy ra nghiêm trọng, diễn biến rất phức tạp nên cần nghiên cứu bổ sung khu vực này vào khu vực được ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước hằng năm.
Mặt khác, tại điểm d, khoản 1, Điều 60 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND các cấp: “Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mua bán người cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành”. Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Ban soạn thảo dự án Luật cần nên nghiên cứu lại điều khoản này, bởi vì nếu giao cho các địa phương tự bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mua bán người sẽ rất khó cho các địa phương nhất là các các địa phương nguồn thu ngân sách thấp sẽ khó khăn trong việc bố trí, phân bổ kinh phí từ ngân sách địa phương cho công tác này.
Về chính sách về trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân, khoản 2 Điều 43 quy định “Nạn nhân khi về nơi cư trú có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội với các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật”. Với chính sách này, cần rà soát xem có đảm bảo tính thống nhất về đối tượng cho vay của Ngân hàng chính sách hiện nay hay không, tránh trường hợp Luật này quy định nhưng không phù hợp với đối tượng cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Góp ý tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Kiến nghị bổ sung thêm vùng biên giới để được ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người. |
Tham gia ý kiến một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết, tại khoản 10, Điều 3 quy định: Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Đại biểu cho rằng việc xác định dấu hiệu, hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử và chế tài xử phạt trong thực tế là khó khăn. Do đó đại biểu đề nghị nghiên cứu thay đổi hành vi trên thành hành vi khác có tính chất tương đồng với tội làm nhục người khác.
Về Chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người (Điều 5), tại khoản 4 điều này quy định: Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm vùng biên giới để được ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người.
Về Đối tượng và chế độ hỗ trợ (Điều 37), tại khoản 3 quy định: Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng chế độ hỗ trợ… đại biểu đề nghị bổ sung chế độ hỗ trợ học văn hóa đối với người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng góp ý về Cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ; Cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị dự thảo Luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người. Đại biểu cho biết, hiện nay xuất hiện hành vi mới trong đời sống xã hội là buôn bán thai nhi trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Cần có giải pháp đối với hành vi mua bán thai nhi. |
“Theo pháp luật hình sự của nước ta hiện nay, chỉ được coi là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra đời, còn khi vẫn đang là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. Cho nên cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi”, đại biểu nói.
Theo đại biểu, xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng là hành vi phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người. Tuy nhiên, thực tế pháp luật hiện nay chưa quy định nên không có cơ sở xem xét. Bộ luật Hình sự 2015 cũng như pháp luật về phòng, chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về vấn đề trên. Do đó, đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi Luật lần này, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình hình mua bán thai nhi đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi như trong giai đoạn hiện nay.
Mặt khác, hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức rất phức tạp như tham quan du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi thông qua các đối tượng là pháp nhân thương mại… Do đó, đại biểu đề nghị, cần phải xem xét, cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người nhằm kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia như hiện nay.
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người cho phù hợp với thực tiễn và phù hợp với các chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định tại một số dự án Luật mới có liên quan đến đến việc phòng, chống mua bán người được sửa đổi, bổ sung.
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Bổ sung quy định cụ thể hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới. |
Đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm từ năm 2018 đến năm 2022 cả nước đã phát hiện hàng trăm đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người. Nếu như trong giai đoạn trước đây từ 2012- 2020 mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài chiếm trên 80% số vụ, thì thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước riêng năm 2022 số vụ mua bán trong nước chiếm đến 45% tổng số vụ.
Mua bán người được Liên Hợp Quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Ngày nay công nghệ phát triển các đối tượng chỉ cần ngồi tại một vị trí sử dụng mạng zalo facebook để kết nối dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi mua bán nạn nhân ngay trong nội địa.
Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, việc để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết.
Về nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, số vụ phạm tội mua bán người có chiều hướng gia tăng hằng năm, đặc biệt thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá.
Theo đại biểu, hành vi mới xuất hiện là mua bán thai nhi trong bụng mẹ, việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra dẫn tới khó khăn cho công tác xử lý. Theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay, chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra; còn khi vẫn còn đang trong bào thai bụng mẹ, chưa thể coi là con người chưa là đối tượng hành vi phạm tội. Vì vậy, cơ quan chức năng không có căn cứ để pháp lý để xử lý hình phạt hành vi mua bán thai nhi.
Trong khi đó, pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay chưa quy định đối với trường hợp mua bán thai nhi, vì thai nhi không phải là trẻ em được sinh ra, tuy nhiên trên thực tiễn hiện nay tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức vi phạm thần phong mỹ tục và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này; do đó cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.
Đối với quy định cụ thể về cơ sở chuyên biệt hỗ trợ nạn nhân mua bán người dành cho nam giới và phụ nữ, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện đón tiếp nạn nhân bị mua bán không có khu vực trợ giúp nạn nhân mua bán người chuyên biệt, mà lồng ghép vào ở chung với các nhóm đối tượng khác. Do đó lúng túng trong việc triển khai thực hiện công tác hỗ trợ vì chưa có quy trình tiếp nhận nạn nhân phù hợp và thân thiện, thiếu quy định về quản lý các trường hợp và quy trình hỗ trợ nạn nhân đặc thù; đặc biệt thiếu hẳn quy định đón tiếp trong trường hợp khẩn cấp hoặc nghi ngờ bị mua bán để chờ xác minh, xác định nạn nhân.
Thực tế cho thấy, còn khoảng trống nhất định trong việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ giữa nạn nhân nam và nữ. Các dịch vụ hỗ trợ mới chỉ tập trung vào nạn nhân nữ bị mua bán qua biên giới làm vợ hoặc làm mại dâm, còn những nhóm có nguy cơ khác như nam công nhân làm việc tại các công trường xây dựng, dịch vụ, đánh bắt hải sản hoặc những người bị mua bán trong nội địa thường ít nhận được sự quan tâm hơn. Vì vậy, để bảo đảm đầy đủ quyền của nạn nhân bị mua bán, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ…
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang bày tỏ tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Để hoàn thiện dự án Luật, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản; cần giải thích từ ngữ chính xác hơn.
Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Bổ sung nguyên tắc bình đẳng giới trong dự thảo Luật. |
Về giải thích từ ngữ, đại biểu chỉ ra rằng, quy định tại khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật về “ việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn nêu trên”… là chưa phù hợp với quy định tại Điều 150 và Điều 151 của Bộ Luật hình sự năm 2015. Đại biểu đề nghị rà soát các quy định này cho thống nhất.
Về nguyên tắc bình đẳng giới, đại biểu cho biết, dự thảo Luật đã thể hiện rõ nguyên tắc này trong các quy định về nguyên tắc phòng, chống mua bán người; tôn trọng quyền lợi, lợi ích hợp pháp, không kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân; quy định nội dung thông tin, tuyên truyền giáo dục phòng chống mua bán người…Tuy nhiên, đại biểu cho rằng đây vẫn là những quy định mang tính chất chung chung, chưa thể hiện rõ nguyên tắc đảm bảo giới tính trong phòng, chống mua bán người. Phụ nữ và trẻ em gái bị tổn thương hơn vì mục đích mua bán người về tình dục; trong khi nạn nhân nam giới là trẻ em sẽ là mục tiêu của những kẻ mua bán người nhằm mục đích bóc lột sức lao động và hoạt động tội phạm. Những tổn thương của nạn nhân nam và nạn nhân nữ cũng tương đối khác nhau về mức độ trầm trọng. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong phòng, chống mua bán người.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương bày tỏ thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự án Luật Phòng, chống mua bán người(sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Bổ sung khái niệm hành vi mua bán người. |
Quan tâm tới phạm vi điều chỉnh, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết, tên gọi của dự thảo Luật là Luật Phòng, chống mua bán người nhưng phạm vi điều chỉnh lại chỉ quy định phòng ngừa là chưa phù hợp. Theo đại biểu, ý nghĩa giữa thuật ngữ "phòng ngừa" và "phòng chống" không giống nhau, do đó đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng luật này quy định về phòng, chống, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Về giải thích từ ngữ, khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật giải thích mua bán người là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác nhưng chưa có khái niệm cụ thể về hành vi mua bán người. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung hành vi mua bán người vào Điều 2 về giải thích từ ngữ.
Cho rằng tội phạm mua bán người rất nguy hiểm và đang bị lên án, đại biểu Thượng tọa Lý Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng góp ý vào quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cấp, các thành viên của Mặt trận tham gia phòng, ngừa mua bán người được quy định tại Điều 19 của dự thảo Luật.
Đại biểu Thượng tọa Lý Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng: Hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan và tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến người dân. |
Để làm tốt trách nhiệm là thành viên của Mặt trận, đại biểu đề nghị các cấp, các ngành cần định kỳ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng công tác xã hội cho các cơ sở thuộc các tổ chức công giáo trong lĩnh vực hoạt động xã hội. Đồng thời hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, hỗ trợ để các cơ sở thuộc tổ chức công giáo làm tài liệu, cùng với chính quyền địa phương, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và những quy định của pháp luật đến người dân.
Đề cập về Điều 21 tố giác, báo tin, kiến nghị, tố cáo hành vi vi phạm, đại biểu Thượng tọa Lý Minh Đức đề nghị nên công bố cụ thể và rộng rãi số điện thoại của tổng đài điện thoại quốc gia về phòng chống, mua bán người trong dự thảo Luật. Đại biểu đề xuất là số 111. Vì đây là số điện thoại tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình, đây cũng là đường dây khẩn cấp, hoạt động 24/24 trong tất cả các ngày trong tuần, có nhiệm vụ trực tiếp tiếp nhận và xử lý tình huống, xử lý thông tin, khai báo tố giác nguy cơ hành vi xâm hại trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình từ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục…
Vì vậy, đại biểu cho rằng, tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người là số 111 sẽ mang tính đồng bộ chung, kịp thời tiếp nhận thông báo tố giác đến cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân về các hành vi liên quan đến phòng, chống mua bán người.
Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người (2011) đã góp phần thực hiện tốt hơn trách nhiệm thành viên của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế, theo đó Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ, thực hiện các điều ước quốc tế về vấn đề này một cách tận tâm, thiện chí. Dự thảo Luật này đã xây dựng hệ thống các điều, khoản quy định về quyền của nạn nhân, về tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân, người thân thích của họ,… cho thấy tính ưu việt so với Luật Phòng, chống mua bán người (2011) trong bảo vệ quyền con người.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Bổ sung nội dung đối với quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống mua bán người. |
Để góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đóng góp một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống mua bán người được quy định tại Điều 3, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị bổ sung đối tượng là người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác nhận là nạn nhân vào khoản 11 Điều 3, nhằm bảo đảm quyền riêng tư, tránh việc gây tổn thương hoặc gây nguy hiểm cho họ sau khi thông tin của nạn nhân được tiết lộ.
Thứ hai, sửa đổi khoản 14 Điều 13 thành hành vi khác vi phạm các quy định của pháp luật và quy định của Luật này trong phòng, chống mua bán người để tránh trùng lặp nội dung với các khoản 5, 6, 7, 8, 9, 11 vì các khoản này đã liệt kê các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phòng, chống mua bán người.
Thứ ba, về các biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng tại Điều 35, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị bổ sung quy định biện pháp bảo vệ cho người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân để bao phủ đủ 03 đối tượng đã được quy định tại Điều 34.
Cuối cùng, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, gộp Điều 10 về quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ vào Điều 17 về trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ vì 02 điều này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đồng tình với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội và nhấn mạnh tính cấp thiết về việc xem xét bổ sung quy định liên quan đến hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ trong dự thảo luật.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Tính cấp thiết bổ sung quy định hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ. |
Theo đó, về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn của đề xuất này, đại biểu cho biết, theo các công ước quốc tế về quyền trẻ em, trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ; việc mua bán thai nhi có thể xem là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em. Điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán.
Đại biểu nhấn mạnh, việc tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình. Thai nhi mặc dù chưa sinh ra nhưng cần được bảo vệ như một con người với đầy đủ các quyền cơ bản. Việc mua bán thai nhi không chỉ là vi phạm quyền của thai nhi, mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người.
Việc bổ sung hành vi này vào tội mua bán người sẽ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của thai nhi, phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn. Việc không có quy định rõ ràng sẽ tạo kẽ hở cho các thành viên mua bán thai nhi diễn ra, gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội và cộng đồng. Việc bổ sung quy định này sẽ giúp ngăn ngừa, ngăn chặn từ xa các hành vi vô đạo đức và bảo vệ sự an toàn cho thai nhi và bà mẹ mang thai.
Đại biểu lo ngại hành vi mua bán thai nhi có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, vì vậy, việc bỏ sung quy định này giúp các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để xử lý các vụ việc có liên quan… Mặc dù bổ sung quy định này là cần thiết, nhưng cũng cần chú ý đến những khó khăn khi thực thi, việc điều tra, thu thập chứng cứ và xác định hành vi phạm tội có thể gặp nhiều thách thức. Do đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, bảo đảm quy định rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi cao. Đồng thời, tăng cường đào tạo, trang bị cho các cơ quan chức năng để thực thi luật hiệu quả và nghiêm minh.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về việc mua bán thai nhi trong bụng mẹ vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng chống mua bán người. Điều này sẽ giúp luật bao quát và phản ánh đúng thực tế hơn; đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ thai nhi và bà mẹ mang thai.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị bổ sung điều khoản riêng biệt về mua bán thai nhi bao gồm các quy định cụ thể về hành vi mua bán thai nhi, các hình thức xử phạt và biện pháp bảo vệ. Điều này sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng áp dụng và thực thi luật; bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm này.
Cùng với đó, cũng cần bổ sung nội dung về biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về quyền của thai nhi và bà mẹ mang thai; nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc mua bán thai nhi, giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm và tạo một môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ tốt hơn cho thai nhi và bà mẹ mang thai.
Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐQBH tinh Đắk Nông bày tỏ thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cũng như một số nội dung quy định trong dự thảo Luật.
Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐQBH tinh Đắk Nông: Tiếp tục rà soát về các hành vi mua bán người. |
Quan tâm tới một số nội dung liên quan tới khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật, đại biểu cho biết, quy định trên đã liệt kê các hành vi cụ thể của mua bán người với các động cơ và mục đích khác nhau. Quy định như vậy là dễ hiểu, dễ áp dụng khi triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định trên vẫn không bao hàm hết các hành vi, mục đích nên cần tiếp tục rà soát, bổ sung để đảm bảo đầy đủ; ví dụ như hành vi hoán đổi người giữa các cơ sở giải trí, các khu lao động,.. khi họ có nhu cầu mà những người này là nạn nhân của mua bán người trước đó.
Đề cập đến trường hợp việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người, ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn trên.
Đại biểu nhận thấy, quy định người dưới 18 tuổi cơ bản phù hợp, tuy nhiên, cần xét đến khía cạnh đối tượng tham gia hành vi mua bán người là một tội phạm, mà theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có hai tội là tội mua bán người (Điều 150) và tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151). Như vậy, Bộ luật Hình sự đã có những quy định cụ thể đối với loại tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi. Đại biểu đề nghị cần rà soát, điều chỉnh quy định này nhằm đảm bảo thống nhất để áp dụng thi hành trong thực tiễn xử lý tội phạm mua bán người. Đồng thời, cần nghiên cứu thống nhất độ tuổi trẻ em giữa các Luật Trẻ em, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự,...
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội góp ý liên quan đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới, trong đó liên quan đến Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống mua bán người.. Do đó, trong quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để nâng hiệu quả phòng, chống mua bán người trong tội phạm này.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội: Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới. |
Đại biểu nhận thấy, thời gian qua, Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, trong đó tội mua, bán người cũng được sửa đổi theo hướng phạm vi xử lý hình sự với người phạm tội mua, bán người ngày càng thu hẹp.
“Việc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng muốn truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội mua, bán người trước đây chỉ cần chứng minh có hành vi mua, bán người, nhưng sau đó thêm mục đích, thêm thủ đoạn. Điều này sẽ đặt ra cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng một nhiệm vụ ngày càng khó khăn. Vì chứng minh hành vi phạm tội đã khó, chứng minh thủ đoạn phạm tội càng khó và chứng minh mục đích phạm tội lại càng khó hơn nữa. Vì vậy, việc đưa ra xét xử sẽ gặp nhiều khó khăn”, đại biểu nêu rõ.
Do đó, muốn phòng chống mua, bán người ngày càng hiệu quả, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, cần phải tạo thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội rộng hơn.
Cụ thể, thứ nhất có thể cân nhắc thu hẹp mục đích, thu hẹp thủ đoạn phạm tội mua bán người. Thứ hai, quy định hành vi chuẩn bị pham tội mua, bán người. Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, với 2 cách như vậy, chúng ta sẽ có công cụ pháp lý để trừng trị một cách thích đáng, không bỏ lọt tội phạm và mới đạt được mục đích của hình phạt (phòng ngừa riêng, phòng ngừa chung), qua đó mới nâng cao hiệu quả thực hiện luật phòng, chống tội phạm và đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm mua bán người trong thời gian tới.
Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về kháng nghị tái thẩm
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Báo chí muốn giữ vững “trận địa”, phải làm khác mạng xã hội
-
3Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
4Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
5Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
6VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.