Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030

30/10/2021 19:43

(kiemsat.vn)
Theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 30/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về Dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kể hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025)

Tại phiên thảo luận toàn thể trực tuyến, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia.

Các đại biểu nhận thấy, thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; nguồn thu từ đất đai đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước; phân bổ nguồn lực đất đai đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đáng chú ý, diện tích đất trồng lúa được bảo vệ, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu; độ che phủ rừng được nâng từ 39,1% năm 2010 lên 42,01% năm 2020 góp phần bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình và nhiều đại biểu cũng chỉ rõ một số bất cập, hạn chế như việc đánh giá thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, nhiều chỉ tiêu chỉ mới đề cập dưới dạng thống kê và phản ánh tình hình thực hiện, chưa đi sâu phân tích chất lượng của quy hoạch. Nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém, bức xúc chưa được đề cập một cách đầy đủ, như vấn đề chất lượng quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư; một số tỉnh, thành phố chậm trễ trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020).

Một số ý kiến đại biểu đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân không đạt được chỉ tiêu để rút ra bài học kinh nghiệm, nhất là các chỉ tiêu đạt dưới 50% như: đất khu công nghiệp, đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao, đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, đất bãi thải, xử lý chất thải.

Đề cập về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia, một số ý kiến đại biểu cho rằng, theo quy định tại Điều 6 của Luật Quy hoạch, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng hiện nay Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt, do vậy, có thể có sự không thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hiện trạng sử dụng đất thực tế tại các địa phương, cập nhật để bảo đảm chính xác, phù hợp với thực tế, nghiên cứu thật kỹ lưỡng, khoa học, khách quan, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia với các quy hoạch có liên quan, hạn chế tối đa những chồng chéo, mâu thuẫn.

Nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cần phân tích đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động của biến đổi khí hậu đối với các ngành, vùng trọng điểm, dự báo sát tình hình biến động của các loại đất đai. Từ đó có phương án sử dụng đất linh hoạt, hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần có các giải pháp hiệu quả để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch như: Hệ thống quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo đồng bộ, kết nối, thiếu tầm nhìn dài hạn; thông tin, số liệu, tài liệu đầu vào cho công tác lập quy hoạch còn hạn chế; dự báo sử dụng đất chưa sát với nhu cầu, việc phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương; công tác giám sát, kiểm tra việc xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch chưa nghiêm và thường xuyên...

Chiều ngày 29/10, thảo luận tại Tổ về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng quy hoạch đất đai là nền tảng quan trọng để phát triển các loại hình khác trong tái cơ cấu.

Theo Chủ tịch nước, vừa qua có chuyện giàu lên vì đất rất nhiều nhưng tù tội vì đất cũng rất nhiều, kỷ luật đảng vì đất cũng rất nhiều. Cho nên yêu cầu đặt ra là phải chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai ở các cấp các ngành.

Về một số biện pháp cần thực hiện, Chủ tịch nước cho rằng ngoài chống tiêu cực, tham nhũng trong quy hoạch đất đai thì vấn đề cải cách hành chính cũng rất quan trọng khi thủ tục đất đai còn rất phiền hà. Ngoài ra, phải ứng dụng công nghệ, có cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai rõ hơn...

Mỗi cơ quan báo chí phải là “pháo đài” chính trị tư tưởng vững chắc

(Kiemsat.vn) - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Mỗi cơ quan báo chí phải là “pháo đài” chính trị tư tưởng vững chắc trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Ban hành quy định mới về 19 điều Đảng viên không được làm

(Kiemsat.vn) - Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang