Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
(kiemsat.vn) Chiều 12/11 Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Đại biểu Quốc hội nhất trí cao với tờ trình của Chủ tịch nước và 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp phòng, chống tham nhũng
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đón Chủ tịch Cuba thăm Việt Nam
Hiệp định CPTPP gồm 7 điều, 1 phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước ký ngày 6/2/2016 tại New Zealand, cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập CPTPP.
Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên nội dung của hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ, trong đó 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 liên quan tới mua sắm Chính phủ và 7 liên quan tới quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới; dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hoá và chống tham nhũng...
Ảnh Quochoi.vn |
Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền rà soát các dự án luật, văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
Thủ tướng chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại. Đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP. Thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.
Trước ý kiến của một số đại biểu cho rằng cần trưng cầu ý dân về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm: theo Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, việc trưng cầu chỉ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về vấn đề cho phép thành lập tổ chức của người lao động, bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời có biện pháp ứng phó thách thức đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong tình hình mới khi có sự xuất hiện các tổ chức của người lao động khác.
Nhận thấy các ý kiến của các vị đại biểu là xác đáng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dẫn báo cáo của Chính phủ, cho biết Hiệp định CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.
Các quốc gia thành viên CPTPP đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi, trong đó có việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại, phải đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ, mục đích và điều lệ hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể tạo ra một số thách thức đồng thời cũng là cơ hội, động lực cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động công đoàn trong điều kiện mới của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nêu.
Trước đó, ngày 2/11, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Theo tờ trình, CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho hay việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp nước ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Sau 3 ngày thảo luận tại hội trường Quốc hội, các đại biểu cho rằng, Việt Nam có cơ hội lớn khi tham gia CPTPP như thị trường lớn hơn, ưu đãi hơn, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam với 10 nước còn lại bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh. Việc tham gia CPTPP cũng giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới chính sách, tăng cường hội nhập, phát triển...
CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội lo những vấn đề mới đặt ra khi Việt Nam tham gia CPTPP. Đó là các vấn đề như thiết chế lao động, mua sắm công, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ...
Xem thêm>>>
Hiệp định CPTTP được ký tại Chile
Hôm nay, hiệp định CPTPP được ký kết: Xung lực mới cho doanh nghiệp Việt “lớn” lên
-
1Đồng chí Nguyễn Hải Trâm giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang
-
2Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
-
3Đoàn đại biểu VKSND tối cao Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN - Trung Quốc lần thứ 14
-
4Thành lập, giải thể VKSND cấp huyện thuộc một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
-
5Điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
6Viện trưởng VKSND tối cao giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm của Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản
-
7Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 8: Tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Bài viết chưa có bình luận nào.