Hôm nay, hiệp định CPTPP được ký kết: Xung lực mới cho doanh nghiệp Việt “lớn” lên
Sau nhiều nỗ lực, 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã thống nhất nội dung đàm phán. Trên cơ sở đó, các nước đã tiến hành rà soát pháp lý, hoàn tất các thủ tục nội bộ để ký kết vào hôm nay (8.3) tại Chile. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được ký kết và sớm có hiệu lực là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho Việt Nam.
Những tỷ phú Việt Nam, họ là ai?
Tuần phim Kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng
Sau nhiều nỗ lực, 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã thống nhất nội dung đàm phán. Trên cơ sở đó, các nước đã tiến hành rà soát pháp lý, hoàn tất các thủ tục nội bộ để ký kết vào hôm nay (8.3) tại Chile. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được ký kết và sớm có hiệu lực là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho Việt Nam.
Mở ra cơ hội mới cho Việt Nam
Là người gắn bó với Hiệp định TPP trước đây và hiện nay là CPTPP, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương - đánh giá: 11 nước trong CPTPP đều cam kết sẽ có những nỗ lực hết sức mình để đưa Hiệp định CPTPP vào hiện thực, sau khi ký kết, nhiều khả năng cuối năm 2018 hoặc chậm nhất là đầu năm 2019, Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực.
“Đây có thể nói là kết quả đáng mừng, đáng kỳ vọng vì trong bối cảnh hiện nay, chủ nghĩa bảo hộ, dân túy, dân tộc cực đoan đang trỗi dậy đang làm chậm lại tiến trình liên kết, hội nhập và tự do hóa thương mại, đầu tư…” - TS Võ Trí Thành nhận xét.
Phân tích về điều này, TS Võ Trí Thành cho rằng, Hiệp định CPTPP sẽ như một sự kế tục của TPP trước đây với 12 nước, trong đó có Mỹ tham gia đã khẳng định, có rất nhiều nước vẫn nhận định quá trình toàn cầu hóa, hội nhập là không thể đảo ngược. Điều này đem lại lợi ích to lớn cho các nước tham gia cũng như cho toàn thế giới. Hiệp định CPTPP trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định khu vực này phải là ngọn cờ đầu, là người đi tiên phong trong quá trình liên kết, hội nhập và tự do hóa thương mại, đầu tư.
Còn theo lý giải của Bộ Công Thương, Hiệp định CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiểu chuẩn cao và toàn diện. Hiệp định này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...
Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Sức ép lên nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động
Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Tuấn Anh khẳng định, Hiệp định CPTPP mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt là các lợi ích chưa thể tính toán được đến từ quá trình thúc đẩy cải cách thể chế. Hiệp định CPTPP tạo ra sự thúc ép rất lớn về cạnh tranh cho cả DN lẫn nền kinh tế, là điều kiện để Việt Nam có tăng trưởng bền vững hơn.
Còn theo TS Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế Thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia - Bộ KHĐT) - Hiệp định CPTPP vẫn tạo sức ép cải cách thể chế mạnh mẽ lên Việt Nam. Hiệp định CPTPP có những điều khoản trực tiếp yêu cầu Việt Nam phải thay đổi luật lệ, quy tắc. Bởi vậy, muốn tận dụng được lợi ích và hạn chế tác động tiêu cực thì Việt Nam phải tự nâng được năng lực canh tranh của mình lên.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long, khẳng định: Về bản chất, CPTTP dựa trên cơ sở của Hiệp định TTP, được bổ sung thêm sở hữu trí tuệ và mua sắm tài sản công, quyền người lao động, doanh nghiệp Nhà nước. Những vấn đề này không phải là mới, chúng ta cũng đã nhận dạng được nó và có những động thái để DNNN hoạt động trong môi trường cạnh tranh.
Thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam là năng lực cạnh tranh. Trong từng lĩnh vực, đều cần tìm ra những lợi thế để tận dụng và những khó khăn để tìm giải pháp. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, rào cản kỹ thuật là lớn nhất, trong đó yêu cầu về vấn đề an toàn thực phẩm; vấn đề năng suất, chất lượng sản phẩm…
Để khắc phục những khó khăn này, chúng ta phải tập trung tái cơ cấu ngành, tập trung cải tạo khâu giống, đòi hỏi sự gắn bó của “5 nhà”, đồng thời có thể vươn ra thị trường nước ngoài. Trong kinh tế vĩ mô, áp lực rất lớn là phải cải cách thể chế. Để hội nhập được thì thể chế phải phù hợp: Kinh tế vĩ mô ổn định, luật pháp phải phù hợp với thông lệ quốc tế, không thể “một mình một chợ” được: Các văn bản, nghị định về chính sách quản lý tiền tệ hay quản lý kinh doanh vàng cũng như quản lý về từng lĩnh vực một, đều phải phù hợp với thông lệ quốc tế.
Như vậy, Việt Nam sẽ phải mở cửa chào đón hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc DN Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”. Những hạn chế trong năng lực cạnh tranh quốc gia có thể là nhân tố cản trở Việt Nam khai thác những cơ hội mà CPTPP mang lại.
Cùng với đó, sức ép cạnh tranh đối với các DN Việt Nam sẽ tăng lên và nguy cơ thất bại của các DN trên chính thị trường nội địa nếu không nhanh chóng và quyết liệt thay đổi cung cách làm ăn. Không chỉ đối với các mặt hàng nông sản, các DN dệt may của Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có thể phải bán lại thương hiệu cho công ty nước ngoài, hoặc phải đi gia công cho các thương hiệu và phân phối ngay trong thị trường nước nhà. Đặc biệt, các DN phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ, trong khi đó, nguyên liệu của ngành DN dệt may đa số được nhập từ Trung Quốc…
Còn TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Lực lượng lao động của Việt Nam cần thúc đẩy trong việc đào tạo các kỹ năng, đặc biệt khi đi vào giai đoạn Cách mạng Công nghiệp 4.0 về công nghệ thông tin. Đây là thời đại mới, cần phải đào tạo lại lao động để có kỹ năng về công nghệ thông tin. Tất cả mọi lĩnh vực, trước hết bắt đầu từ luật pháp, rồi cơ chế về thuế, về tổ chức, về kinh doanh, lao động, tất cả những quy định về luật pháp, những cơ chế liên quan đến những khâu đó cũng phải được thay đổi và đặc biệt nữa là chất lượng hàng hóa Việt Nam phải được nâng cấp.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất là khả năng thích ứng của Việt Nam còn kém so với tiêu chuẩn đặt ra. Ví dụ như, Việt Nam có công nghệ lạc hậu hơn. Tổ chức về mặt sản xuất, kiểm soát thị trường của Việt Nam cũng chưa theo kịp các nước cùng tham gia hiệp định… cùng hàng loạt chính sách cần xây dựng và hoàn thiện.
Bài viết chưa có bình luận nào.