Phục hồi kinh tế gặp khó vì thiếu lao động sản xuất tại các khu công nghiệp

06/10/2021 16:04

(kiemsat.vn)
Những ngày qua, hàng chục ngàn lao động tại các tỉnh phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề vì Covid 19 (như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai…) ùn ùn đổ về quê sau khi được nới lỏng giãn cách, điều này khiến nguồn nhân lực tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp cũng vì vậy mà thiếu trầm trọng, việc phục hồi kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Thiếu lao động trầm trọng!

Từ sau ngày 1/10, sau khi các tỉnh TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai nới lỏng giãn cách xã hội, mỗi ngày có hàng chục ngàn người dân là những người lao động trên địa bàn ùn ùn kéo về quê. Theo thống kê mới đây của các tỉnh có người lao động trở về quê cho thấy, từ ngày 1/10 đến ngày 3/10 tại An Giang có  trên 15.000 người dân trong tỉnh đi làm ăn xa từ các tỉnh TP. HCM, Bình Dương… về quê. Tương tự tại Cà Mau, số người dân về đến tỉnh này rất đông, có thể lên đến hàng chục ngàn người.

Người lao động ùn ùn đổ về quê.

Việc người lao động ùn ùn đổ về quê đã khiến cho TP. HCM và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp thiếu nguồn lao động trầm trọng. Theo thống kê tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP. HCM mới đây, tính đến ngày 4/10, tổng số lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ còn khoảng 135.000, con số này chỉ bằng 46% so với trước đó.

Trước ngày 1/10, các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP. HCM có khoảng 288.000 lao động. Trong đó, có 70.000 lao động làm việc theo hình thức “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Sau ngày 01/10, con số 70.000 lao động đã giảm xuống chỉ còn 45.000 lao động. Số lao động đăng ký mới khoảng 33.000 lao động. Các lao động "3 tại chỗ" chuyển thành bình thường và bổ sung thêm là khoảng 57.000 người. 

Theo thông tin từ các doanh nghiệp trên địa bàn, hiện nay các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đang “rất thiếu lao động”. Để giải quyết tình trạng trên, từng đơn vị đang tích cực rà soát để tuyển dụng bổ sung lao động. Riêng với Khu công nghệ cao, trước ngày 01/10 có khoảng 50.000 lao động. Trong đó khoảng 25.000 lao động làm việc theo hình thức “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Sau ngày 01/10, số lao động tại Khu công nghệ cao cũng giảm mạnh.

(Trong số 50.000 lao động làm việc ở Khu công nghệ cao thì có 40.000 lao động đang ở TP. HCM, 10.000 lao động đa phần ở Bình Dương và Đồng Nai”).

Dịch Covid đã khiến hàng ngàn lao động tại đây bỏ việc để về quê khiến nguồn lao động thiếu, hiện nay các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao cũng khẩn trương mời gọi, tuyển dụng để sớm bổ sung nguồn lao động phục hồi kinh tế.

Giải pháp nào thu hút lao động ở lại?

Trước tình trạng người lao động đổ về quê ồ ạt, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM, Bình Dương… đã đưa ra nhiều gải pháp để thu hút người lao động ở lại tham gia phục hồi kinh tế như việc tăng lương, cung cấp chỗ ở cho lao động ổn định làm việc. Tuy nhiên những giải pháp nêu trên chưa đủ sức để thu hút người lao động ở lại vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid kéo dài thời gian quan khiến cuộc sống của nhiều người kiệt quệ.

Trước tình trạng này, một số chuyên gia cho rằng, để giữ người lao động ở lại làm việc phục hồi kinh tế thì chính quyền địa phương và các doanh nghiệp cần có những biện pháp, ưu đãi mạnh mẽ hơn nữa.

Theo ông Phan Kỳ Quan Triết - Phó giám đốc FALMI, để giữ chân người lao động các doanh nghiệp phải xây dựng chế độ lương thưởng, phúc lợi và điều kiện làm việc thuận lợi để tuyển dụng nhân sự mới song song với liên hệ người cũ trở lại. Đặc biệt, cuối năm là thời điểm quan trọng của các doanh nghiệp cần tăng công suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu người dân cuối năm và xuất khẩu.

Vì vậy, doanh nghiệp chỉ có thể tăng tốc sản xuất khi có đủ số lao động được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, đi lại thuận tiện, nhà máy đảm bảo sản xuất an toàn… Hiện để giữ chân công nhân, nhiều doanh nghiệp tại TP. HCM phải chủ động tăng lương thưởng, phúc lợi cho người lao động; cải tạo môi trường làm việc; đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ…

Các chuyên gia cũng cho rằng, để người lao động yên tâm trở lại làm việc, chính quyền và doanh nghiệp cần phối hợp tăng cường năng lực y tế nhằm điều trị kịp thời các ca F0 và bố trí nơi làm việc đảm bảo sản xuất an toàn. Các địa phương phải ban hành chính sách dành đất khu công nghiệp xây dựng thiết chế văn hóa xã hội, nhà mẫu giáo, quy hoạch trường học, kết nối giao thông với khu dân cư… để lao động ngoại tỉnh yên tâm làm việc. 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM cũng kiến nghị cơ quan chức năng sớm tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người lao động, hỗ trợ tìm kiếm công nhân, hỗ trợ xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, lập các bệnh viện mini (xét nghiệm nhanh, có tủ thuốc)… để nhà máy, nhà xưởng tăng tốc "guồng sản xuất" trở lại.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang