Phạm nhân là người dưới 18 tuổi và chế độ gặp, liên lạc điện thoại với thân nhân
(kiemsat.vn) Người bị kết án dưới 18 tuổi được liên lạc thường xuyên với thân nhân để họ nhận được sự động viên, quan tâm của gia đình, người thân, tạo tâm lý tốt trong quá trình học tập, lao động tại Trại giam là thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước.
Những vấn đề đặt ra liên quan đến thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi
Triển khai thí điểm dạy nghề cho phạm nhân từ ngày 01/9
Hơn 2.400 phạm nhân được đặc xá dịp 2/9
Người dưới 18 tuổi là những đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm sinh lý và trình độ nhận thức cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm sống, do vậy hay sốc nổi, thiếu kiềm chế, dễ bị dụ dỗ, kích động. Tuy nhiên, đây cũng là độ tuổi dễ tiếp thu sự giáo dục, uốn nắn cần thiết tốt hơn so với độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên.
Theo quy định tại Chương XII Bộ luật hình sự thì Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Khi xử phạt tù có thời hạn. Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định cụ thể tại Điều 101 Bộ luật Hình sự.
Ảnh minh họa. |
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật thi hành án hình sự thì Trại giam có trách nhiệm giáo dục phạm nhân là người dưới 18 tuổi về văn hóa, pháp luật và dạy nghề phù hợp với độ tuổi, học vấn, giới tính và sức khỏe, chuẩn bị điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù, cũng như thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Giáo dục tiểu học là bắt buộc đối với phạm nhân chưa học xong chương trình tiểu học. Theo quy định tại Điều 74, Khoản 2 Điều 195 Luật Thi hành án hình sự thì Trại tạm giam và Nhà tạm giữ không được để lại phạm nhân là người dưới 18 tuổi để phục vụ việc tạm giữ, tạm giam.
Ngoài các chế độ quản lý, giáo dục, học văn hóa, học nghề, lao động; chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế v.v... Luật Thi hành án hình sự (THAHS) quy định người bị kết án dưới 18 tuổi được liên lạc thường xuyên với thân nhân để họ nhận được sự động viên, quan tâm của gia đình, người thân, tạo tâm lý tốt trong quá trình học tập, lao động tại Trại giam là thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước.
Về chế độ thăm gặp. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCA quy định chi tiết chế độ gặp, nhận quà và liên lạc của phạm nhân (sau đây gọi là Thông tư số 14/2020), chế độ gặp thân nhân đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi được thực hiện theo chế độ đặc biệt hơn bình thường.
Khoản 1 Điều 76 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 về chế độ gặp thân nhân như sau:
“1. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân không quá 03 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 03 giờ. Căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của phạm nhân, Giám thị Trại giam quyết định kéo dài thời gian gặp nhưng không quá 24 giờ.
Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng.
2. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được liên lạc bằng điện thoại trong nước với thân nhân không quá 04 lần trong 01 tháng, mỗi lần không quá 10 phút, có sự giám sát của cán bộ Trại giam và tự chịu chi phí.
3. Nhà nước khuyến khích thân nhân của phạm nhân là người dưới 18 tuổi quan tâm gửi sách vở, đồ dùng học tập, dụng cụ thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí cho phạm nhân.”
Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 14/2020 cũng có sự bổ sung chi tiết hơn về chế độ thăm gặp thân nhân với phạm nhân được khen thưởng so với Thông tư 07/2018/TT-BCA và Điều 53 Luật THAHS 2010 khi có thêm quy định Giám thị Trại giam có thể xem xét, giải quyết cho phạm nhân là người dưới 18 tuổi được kéo dài thời gian gặp ông bà nội ngoại và bố mẹ đẻ ở phòng riêng nhưng không quá 24 giờ trong trường hợp phạm nhân đã đáp ứng đủ điều kiện có ít nhất hai quý liền kề với thời điểm gặp thân nhân được xếp loại tốt và thời gian từ khi xếp loại quý liền kề gần nhất đến thời điểm gặp thân nhân được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù tốt và được khen thưởng do có thành tích lao động, học tập theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật THAHS 2019 và thực hiện đúng thủ tục theo Khoản 5 Điều 5 Thông tư số 14/2020. Ngoài ra, theo Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 14/2020 dẫn chiếu đến Điểm c Khoản 1 Điều 41 Luật THAHS 2019 thì mỗi lần phạm nhân lập công hoặc được khen thưởng bằng hình thức “tăng số lần gặp thân nhân” thì sẽ được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng.
Cùng với đó, trong trường hợp áp dụng Khoản 2, theo Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 14/2020, Thủ trưởng Trại giam của phạm nhân căn cứ vào điều kiện cụ thể có thể xem xét cho phạm nhân ăn cơm cùng thân nhân tại căng tin Nhà gặp phạm nhân, thời gian ăn cơm không quá 01 giờ. Việc tổ chức cho phạm nhân gặp và ăn cơm cùng thân nhân phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an toàn Trại giam phạm nhân, quản lý chặt chẽ phạm nhân, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn cho thân nhân phạm nhân. Thủ trưởng Trại giam phạm nhân phải tổ chức cho phạm nhân gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết theo giờ làm việc của đơn vị.
Ngược lại, nếu phạm nhân vi phạm nội quy Trại giam phạm nhân hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ theo Điều 43 Luật THAHS 2019 có thể bị cảnh cáo, khiển trách hoặc giam tại buồng kỷ luật 10 ngày. Nếu chỉ bị cảnh cáo hoặc khiển trách, phạm nhân sẽ được gặp thân nhân 02 tháng 01 lần, mỗi lần không quá 01 giờ cho đến khi được Thủ trưởng Trại giam công nhận đã tiến bộ theo quy định.
Trường hợp phạm nhân bị kỷ luật không phải chịu thời gian thử thách để công nhận đã tiến bộ hoặc thời gian thử thách để công nhận đã tiến bộ ngắn hơn 02 tháng thì trong 02 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực phạm nhân được gặp thân nhân 01 lần không quá 01 giờ. Nếu bị giam tại buồng kỷ luật, phạm nhân không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân, tuy nhiên không áp dụng cùm chân với phạm nhân là người dưới 18 tuổi. Phạm nhân cũng sẽ được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật nếu vi phạm lần đầu và là người dưới 18 tuổi theo Điều 21 Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật THAHS. Trại giam phạm nhân có trách nhiệm thông báo thời gian hạn chế gặp thân nhân cho phạm nhân và thân nhân phạm nhân biết để thực hiện.
Đối với phạm nhân là người nước ngoài dưới 18 tuổi, bên cạnh việc được hưởng các chế độ thăm gặp thân nhân như phạm nhân là người Việt Nam theo Điều 27 Nghị định 133/2020/NĐ-CP thì còn được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự. Nếu thân nhân của phạm nhân cũng là người nước ngoài thì cần thực hiện đúng thủ tục theo Khoản 5 Điều 52 Luật THAHS 2019. Các trường hợp không giải quyết cho phạm nhân là người nước ngoài thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự được quy định tại Điều 11 Thông tư 03/2012/TTLT-BCA-BQP-BNG hướng dẫn việc thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với phạm nhân như sau: Phạm nhân có văn bản từ chối việc thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự; vì lý do bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trại giam, trại tạm giam hoặc phòng, chống dịch bệnh, thiên tại.
Về chế độ liên lạc điện thoại: Theo Khoản 2 Điều 76 Luật THAHS 2019, phạm nhân là người dưới 18 tuổi được liên lạc bằng điện thoại trong nước với thân nhân không quá 04 lần trong 01 tháng, mỗi lần không quá 10 phút, có sự giám sát của cán bộ Trại giam và tự chịu chi phí.
Việc này được quy định chi tiết hơn trong Điều 12 Thông tư số 14/2020. Trong trường hợp phạm nhân được khen thưởng theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 41 Luật THAHS 2019 bằng hình thức “tăng số lần được liên lạc bằng điện thoại” thì được liên lạc với thân nhân bằng điện thoại thêm 01 lần trong tháng và không quá 10 phút. Khoản 2 Điều 12 cũng bổ sung thêm trường hợp cấp bách là Thủ trưởng Trại giam xem xét, giải quyết phạm nhân được liên lạc bằng điện thoại với thân nhân nhưng không quá 10 phút căn cứ nội dung đơn trình bày của phạm nhân và đề xuất của quản giáo phụ trách.
Khi liên lạc bằng điện thoại với thân nhân, phạm nhân phải liên lạc đúng số điện thoại và nội dung đã đăng ký tại sổ theo dõi phạm nhân liên lạc với thân nhân bằng điện thoại; phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, trừ phạm nhân là người dân tộc thiểu số hoặc phạm nhân là người nước ngoài không biết tiếng Việt.
Về chế độ xử phạt, phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy Trại giam thì được bố trí giam giữ riêng hoặc đang bị thi hành kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Thủ trưởng Trại giam có thể hạn chế việc liên lạc bằng điện thoại với thân nhân nhưng không quá 03 tháng. Cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm thông báo việc hạn chế liên lạc điện thoại cho phạm nhân và thân nhân phạm nhân biết để thực hiện. Nếu phạm nhân đang bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi phạm tội khác thì không được liên lạc với thân nhân bằng điện thoại. Cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm thông báo việc phạm nhân không được liên lạc với thân nhân bằng điện thoại cho phạm nhân và thân nhân phạm nhân biết để thực hiện.
Như vậy, có thể thấy, Luật THAHS 2019 và các văn bản dưới luật đã cụ thể hóa chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta trong việc giáo dục, cải tạo người phạm tội và ngày càng tương thích với pháp luật quốc tế về quyền con người, đặc biệt là với phạm nhân là người dưới 18 tuổi. Do vậy, chế độ gặp, liên lạc điện thoại với thân nhân của phạm nhân là người dưới 18 tuổi trong công tác thi hành án phạt tù liên tục được cập nhật bổ sung các trường hợp đặc biệt có thể phát sinh cũng như có cơ chế thưởng phạt rõ ràng, hướng tới việc bảo đảm quyền cho người dưới 18 tuổi phạm tội.
Hoạt động kiểm sát việc thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù
Mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
3Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
4Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
5VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.