“Nội san công tác kiểm sát” giai đoạn 1975 - 1980 đẩy mạnh hoạt động, đồng hành cùng ngành Kiểm sát phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

07/05/2021 14:32

(kiemsat.vn)
“Nội san công tác kiểm sát” giai đoạn này đã có nhiều bài viết về vị trí, vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát trong việc bảo đảm pháp chế thống nhất trong cả nước.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua hơn 20 năm tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Bắc đã đạt được những thành tựu nhất định, xây dựng được những cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội. Nhưng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ kéo dài và hết sức ác liệt đã tàn phá nặng nề, gây hậu quả lâu dài đối với miền Bắc. Khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, nền kinh tế có chiều hướng phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa, song vẫn mang tính chất của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ là phổ biến, phát triển mất cân đối, lệ thuộc nhiều vào viện trợ bên ngoài; các tệ nạn như ma túy, lưu manh, bụi đời khá phổ biến.

Ở miền Bắc tuy chiến tranh đã chấm dứt sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, nhưng do sự tàn phá nặng nề của hai cuộc chiến tranh, việc khôi phục kinh tế trở nên bức thiết. Đồng thời với việc tiếp tục khôi phục và phát triển kinh tế, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Bắc còn phải ra sức làm tròn nghĩa vụ của căn cứ địa cách mạng của cả nước trong giai đoạn mới; tích cực chuẩn bị kế hoạch, điều động vào miền Nam một khối lượng lớn vật chất và hàng vạn cán bộ, công nhân trong đó có đoàn cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng đoàn cán bộ Tòa án nhân dân tối cao để tăng cường cho các địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… góp phần vào việc tiếp quản vùng mới giải phóng và ổn định tình hình chính trị, xã hội, thực hiện bước chuyển cách mạng từ sau đại thắng mùa xuân năm 1975.

Ngày 25/4/1976, cuộc tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội chung được tổ chức trên toàn quốc với hơn 23 triệu cử tri đi bầu và bầu được 492 đại biểu. Thắng lợi của tổng tuyển cử có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa VI đã bầu đồng chí Trần Hữu Dực làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Ngày 18/12/1980, Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp mới (Hiến pháp năm 1980), gồm 12 chương, 147 điều, trong đó có chế định về Viện kiểm sát nhân dân. Điều 138 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các Bộ và các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân, các nhân viên Nhà nước và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. Đây là lần đầu tiên, chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát được quy định rõ trong Hiến pháp. 

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhanh chóng triển khai công tác xây dựng ngành trên phạm vi cả nước. Hệ thống cơ quan tư pháp ở các tỉnh miền Nam được thành lập là một yêu cầu khách quan để từng bước thực hiện thống nhất về mặt nhà nước. Về tổ chức cán bộ, ngành Kiểm sát chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, sắp xếp lại một bước đội ngũ cán bộ các cấp trong ngành và đáp ứng yêu cầu của miền Nam, đồng thời đẩy mạnh cải tiến tổ chức quản lý, cải tiến chỉ đạo thực hiện để bảo đảm nhiệm vụ chính trị của ngành trong tình hình mới theo đúng chức năng, phương châm, phương thức công tác kiểm sát với hiệu suất cao.

Trong thời kỳ này, cơ cấu tổ chức của “Nội san công tác kiểm sát” cụ thể như sau: Đồng chí Trần Hiệu - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tiếp tục trực tiếp phụ trách chỉ đạo, điều hành hoạt động xuất bản ấn phẩm. Phụ trách ấn phẩm là đồng chí Nguyễn Văn Khuê, Trưởng phòng tuyên truyền pháp luật. Các biên tập viên, phóng viên, cán bộ của Toà soạn trong thời gian này gồm có: Đồng chí Nguyễn Thạch Giản, Phạm Huỳnh Công, Trần Văn Nam, Võ Hoa Thám, Trần Ngọc  Mậu, Bùi Hữu Hùng, Nguyễn Thị Hồng, Hoàng Phương Hồng, Nguyễn Mạnh An (Biên tập viên), Nguyễn Thuý Hoà (Trị sự). Trong các năm 1976, 1977, 1978, một số cán bộ nhân viên của Toà soạn được điều động tăng cường cho Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh phía Nam (đồng chí Trần Ngọc Mậu về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên, đồng chí Võ Hoa Thám về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Mạnh An về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang).Trước những thay đổi to lớn của tình hình đất nước đặt ra những yêu cầu mới đối với “Nội san công tác kiểm sát”. Nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tiễn đã được đề cập trên “Nội san công tác kiểm sát”, nhất là khi chuyển sang thời kỳ mới, ngành Kiểm sát nhân dân đã có bước phát triển mới cả về tổ chức và hoạt động. “Nội san công tác kiểm sát” đã có nhiều bài viết về vị trí, vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát trong việc bảo đảm pháp chế thống nhất trong cả nước.

Hoạt động của Toà soạn trong thời gian này, ngoài sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trưởng phòng Nội san như phân công viết bài, biên tập bài, làm các nhiệm vụ hành chính trị sự thường xuyên... còn thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch công tác chung dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Vụ nghiên cứu khoa học kiểm sát. Nhiều cán bộ, phóng viên của Toà soạn được cử tham gia các đoàn công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào các tỉnh phía Nam phục vụ công tác cải tạo tư sản mại bản. Nhiều đợt đi công tác dài ngày để thu thập tin, viết bài phản ánh về những hoạt động của các Viện kiểm sát các tỉnh phía Nam mới được thành lập. Đội ngũ phóng viên được tăng cường xuống thực tế tại các Viện kiểm sát cấp huyện, thị ở phía Bắc để thu thập tin tức, tài liệu viết bài về công tác kiểm sát phục vụ việc xây dựng cấp huyện, xây dựng điểm tiên tiến tuân theo pháp luật. Nội dung của “Nội san công tác kiểm sát” phản ánh hoạt động của toàn ngành phục vụ việc thực hiện xây dựng chính quyền cách mạng cũng như xây dựng các Viện kiểm sát ở các tỉnh phía Nam, phục vụ nhiệm vụ cải tạo tư sản mại bản (cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam); thực hiện bảo vệ tài sản xã hội và chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền dân chủ của nhân dân, bảo vệ trật tự và an ninh chính trị...

Nhà báo Nguyễn Văn Khuê là người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tổ chức làm và phát hành “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát”, “Nội san công tác kiểm sát” từ những ngày đầu. Trong đó có nhiều đóng góp cho công tác tuyên truyền, hoạt động báo chí của ngành Kiểm sát nhân dân.

Nhà báo Nguyễn Thạch Giản được nhiều người trong ngành Kiểm sát nhân dân biết đến với bút danh Thạch Giản. Khi đương thời, Nhà báo Thạch Giản cho biết ông là người có mặt đầu tiên ở Toà soạn cùng với đồng chí Nguyễn Văn Khuê và đồng chí Phạm Quang Lý. Từ năm 1981 đến năm 1986, Nhà báo Nguyễn Thạch Giản làm Trưởng phòng Tuyên truyền - Nội san, thực hiện chức trách, nhiệm vụ như của Tổng Biên tập Nội san.

Giai đoạn 1976 - 1980, “Nội san công tác kiểm sát” vẫn lưu hành nội bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân; xuất bản mỗi tháng 1 kỳ, cả năm phát hành 12 kỳ, mỗi số có 32 trang (có một vài số tăng lên 36 trang), số lượng in 2.500 cuốn.

Nội dung “Nội san công tác kiểm sát” đã tập trung vào việc giới thiệu những kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như trong xây dựng ngành qua bài xã luận “Quán triệt phương châm: Vừa chống, vừa xây, lấy xây làm chính” (đăng số 01/1976) giới thiệu kinh nghiệm của Viện kiểm sát các nước xã hội chủ nghĩa anh em; kịp thời truyền tải những ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về nhiệm vụ công tác kiểm sát phục vụ việc bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân, bảo vệ thành quả của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới ở miền Bắc và từng bước triển khai làm nhiệm vụ đối với chiến trường miền Nam. Nhiều bài viết rút kinh nghiệm nghiệp vụ thông qua việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các Viện kiểm sát địa phương phối hợp với Cơ quan điều tra và Toà án trấn áp kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với bọn tội phạm gián điệp, biệt kích, bọn hoạt động phỉ, gây bạo loạn ở một số vùng miền núi phía Bắc và những tên phản động lợi dụng hoạt động tôn giáo, lôi kéo giáo dân, chống phá Nhà nước ta. Những kinh nghiệm công tác kiểm sát phục vụ chính sách hậu phương quân đội; bảo vệ quyền dân chủ ở nông thôn, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các vật tư quốc phòng, hàng hoá do các nước anh em và bè bạn viện trợ, đấu tranh chống các hành vi trộm cắp, tham ô, phân phối, sử dụng sai chính sách, chế độ... qua các bài: “Bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trong công tác kiểm sát hình sự” (đăng trên số 11/1976); bài “Bàn về phân cấp quản lý cán bộ trong ngành Kiểm sát” của tác giả Nguyễn Khanh, (đăng số 6/1977),...

Trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới và sau một thời gian áp dụng trong thực tiễn, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đã bộc lộ một số thiếu sót và nhược điểm, cần được nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tế khách quan. Tính thiết yếu của việc sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được thể hiện qua bài xã luận “Toàn ngành tích cực tham gia vào việc xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân mới” (đăng số 01/1980).

“Nội san công tác kiểm sát” giai đoạn này cũng đã kịp thời truyền tải những ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về nhiệm vụ công tác kiểm sát phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội do Đảng và Nhà nước đề ra như đẩy mạnh sản xuất lương thực, sản xuất hàng tiêu dùng, thu mua, sản phẩm, cải tiến phân phối lưu thông, bảo vệ tài sản và chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa; về an ninh quốc phòng đã góp phần phục vụ tích cực cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới và trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh chính trị nội địa, bảo vệ các quyền dân chủ của nhân dân. Quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng được đề cập trong các văn kiện của Đảng như Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, VII, VIII, IX và các Nghị quyết khác của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội; “Nội san công tác kiểm  sát” từng bước có sự đổi mới để phục vụ kịp thời việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của toàn ngành. Những kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật các lĩnh vực kinh tế, xã hội; các thông tin và kết quả của các Hội nghị pháp chế ở cấp Trung ương và địa phương với các đơn vị được kiểm sát nhằm phòng ngừa vi phạm, đã được phản ánh kịp thời trên “ Nội san công tác kiểm sát”.

Tập “Trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” - Ấn phẩm báo chí đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân

(Kiemsat.vn) - Ngày 26/02/1961, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xuất bản số 1 “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát”. Đây là ấn phẩm báo chí đầu tiên đánh dấu sự mở đầu cho công tác tuyên truyền và hoạt động báo chí của ngành Kiểm sát nhân dân, là ấn phẩm có nội dung chuyên ngành, thông tin những vấn đề về lý luận, khoa học nghiệp vụ, phương pháp công tác kiểm sát và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn.

Nội san công tác kiểm sát giai đoạn 1963 – 1975: Nâng cao tính lý luận, tăng cường phổ biến kinh nghiệm thực tiễn

(Kiemsat.vn) - Trong giai đoạn 1963 – 1975, “Nội san công tác kiểm sát” đã hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải nghiệp vụ kiểm sát, bắt đầu có những bài viết tổng kết thực tiễn và trao đổi kinh nghiệm.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang