Nơi phát huy tri thức, trách nhiệm để trưởng thành
(kiemsat.vn) Tôi công tác trong ngành Kiểm sát từ tháng 3/1973 đến tháng 5/2010, tròn 37 năm 2 tháng với nhiều kỷ niệm sâu sắc. Một trong những kỷ niệm đó là về Tạp chí Kiểm sát, từ Nội san công tác kiểm sát, bìa trắng chữ đỏ của những năm 60, 70 đến hiện tại.
Tiến sĩ Khuất Văn Nga làm việc với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản, Tokyo 2008 |
Lịch sử xây dựng và trưởng thành của Tạp chí Kiểm sát gắn liền và phản ánh sinh động lịch sử của Viện kiểm sát. Đọc lại "Nội san công tác Kiểm sát" những năm 60, 70, 80 của thế kỷ 20 và "Tạp chí Kiểm sát" những năm 90 đến nay cho thấy rõ những bước đi trong tổ chức hoạt động Kiểm sát; những kinh nghiệm công tác kiểm sát; những đường lối, chủ trương lớn của VKSND tối cao. Điều quan trọng, khi tôi mở ra những trang tạp chí, tôi hình dung thấy những số phận của từng con người của ngành Kiểm sát nói chung, cũng như những con người của Tạp chí Kiểm sát đã làm ra nó.
Tạp chí Kiểm sát là một kênh thông tin quan trọng chuyển tải đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới toàn Ngành trong hơn nửa thế kỷ qua; là kênh thông tin quan trọng để truyền đạt những chủ trương, chỉ thị, hướng dẫn về nghiệp vụ của lãnh đạo VKSND tối cao, luôn tỏ rõ là diễn đàn hướng dẫn về nghiệp vụ Kiểm sát có hiệu quả trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Bước trưởng thành của Tạp chí Kiểm sát là từ những năm 1960, 1970, chủ yếu phổ biến những kinh nghiệm công tác kiểm sát qua các vụ án cụ thể thì những năm 1990 cho đến nay, có những số đặc biệt về cải cách tư pháp - đây là những vấn đề rất lớn, thể hiện quan điểm của ngành Kiểm sát đối với cải cách tư pháp, đó là những số chuyên đề về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự.
Trong một cơ quan quan trọng như VKSND tối cao, có một đơn vị không chỉ tuyên truyền, giáo dục pháp luật; không chỉ là diễn đàn nghiệp vụ kiểm sát, hơn thế nữa là nơi quy tụ những tri thức pháp luật, nghiệp vụ cần thiết cho hoạt động của Viện kiểm sát. Từ chỗ là Tập san chỉ phát hành 6 số một năm, thì hiện nay đã phát hành mỗi tháng 2 số (24 số/năm); có Tạp chí điện tử Kiểm sát để đăng tải những bài viết nghiên cứu một cách rộng rãi.
Còn nhớ thời điểm chuyển từ "Nội san công tác Kiểm sát" đến "Tạp chí Kiểm sát" vào những năm 1990-1991; lúc đó đang là Phó Viện trưởng Viện khoa học Kiểm sát (trước đó là Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiểm sát), tôi được bổ nhiệm là Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Kiểm sát, như là một đơn vị cấp Cục, Vụ, Viện. Tôi nhận thức được vinh dự cũng như trách nhiệm khi được giao vị trí này. Thời kỳ tôi là phụ trách tạp chí, thì chỉ có Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập và các đầu mối, chưa hình thành các phòng như hiện nay, nhưng đã được lãnh đạo VKSND tối cao rất coi trọng, điều đó cho thấy tầm quan trọng của cơ quan báo chí của Ngành.
Sau hơn một nửa thế kỷ nhìn lại, tôi thấy may mắn khi được tiếp xúc với một thế hệ cán bộ từ sau cách mạng tháng Tám và những con người đã từng gắn bó với Tạp chí Kiểm sát. Họ đều là những cán bộ có trách nhiệm và tâm huyết: Các đồng chí Nguyễn Văn Khuê, Thạch Giản, Bùi Hữu Hùng, Nguyễn Đình Quế, Phạm Huỳnh Công, Phạm Xuân Khánh, Lại Hợp Việt, Trần Văn Nam, Nguyễn Huy Miện… Điểm chung là họ đều là những cán bộ được đào tạo bài bản về kiến thức pháp luật, hiểu về ngành Kiểm sát và có nền tảng kiến thức về văn hóa. Những năm 1960, anh Nguyễn Văn Khuê học Cao đẳng Luật Đông dương, rất giỏi tiếng Pháp, đầu cách mạng Tháng 8, anh là Thẩm phán công tố Tòa án tỉnh Hà Đông. Anh là tiêu biểu cho thế hệ cán bộ Kiểm sát cùng với rất nhiều cộng tác viên khác rất có tên tuổi của ngành Kiểm sát, cũng như của giới luật học thời gian những năm 1960, 1970 đó là: Phan Chi, Trần Kiêm Lý, Nguyễn Văn Phúc (Huyện Phúc), Phạm Quân...
Một người phụ trách tờ Nội san công tác Kiểm sát là anh Thạch Giản, anh học đại học luật ở Liên Xô, rất có khiếu văn chương. Anh rất nổi tiếng với chuỗi bài viết về các vụ án rút kinh nghiệm, đặc biệt là chùm bài viết về vụ trọng án “Ai giết chị Là?”. Sau này, anh trở thành Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Nguyễn Đình Quế từng là Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam Ninh, nhưng anh về làm Trưởng phòng Nội san; Bùi Hữu Hùng, Phạm Xuân Khánh có thể dịch tài liệu luật từ tiếng Nga; các anh Nguyễn Đình Quế, Bùi Hữu Hùng, Phạm Huỳnh Công đều yêu thích văn chương và có thơ đăng báo; Lại Hợp Việt trước khi làm Tổng Biên tạp Tạp chí Kiểm sát là Phó Văn phòng VKSND tối cao và sau khi làm Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát thì chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế. Riêng Trần Văn Nam cả đời gắn bó với Tạp chí Kiểm sát, có bằng Cử nhân sử học và Cao đẳng Kiểm sát; các anh Lại Hợp Việt, Nguyễn Huy Miện có nhiều đóng góp trong sưu tầm tư liệu của ngành Kiểm sát, kiện toàn tổ chức của tạp chí Kiểm sát.
Hoạt động như là một nhà báo là một nhiệm vụ lớn trong đời tôi. Riêng đối với Tạp chí Kiểm sát trong khoảng thời gian từ 1989 đến 2008 (gần 20 năm), có khoảng 70 bài đăng trên Tạp chí, đề cập đến nhiều vấn đề: Nghiệp vụ Kiểm sát, lý luận Kiểm sát, lịch sử ngành Kiểm sát, cải cách tư pháp, xây dựng Hiến pháp, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát và các luật về tư pháp, chân dung các bộ Kiểm sát tiêu biểu… Giờ đọc lại những số "Tạp chí Kiểm sát" còn giữ được, cảm thấy vừa vinh dự vừa tự hào. Với tôi, Tạp chí Kiểm sát là nơi phát huy tri thức, trách nhiệm để trưởng thành. 60 năm nhìn lại, cảm ơn tất cả các thế hệ của Tạp chí Kiểm sát đã giúp đỡ tôi vượt qua nhiều thử thách, hoàn thành nhiệm vụ được giao./.
TS. Khuất Văn Nga
Nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao,
Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát (từ năm 1990 đến năm 1993)
Tạp chí Kiểm sát đã cho tôi một nền tảng lý luận pháp luật vững chắc
Nghĩa tình sau mỗi thước phim
-
1Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
2Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
3Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
4VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.