Những kinh nghiệm của VKSND tỉnh Phú Yên trong tham mưu xử lý, giải quyết án tồn, án bị hủy
(kiemsat.vn) Thời gian qua, các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã giảm rõ rệt, có vụ án kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm. Kết quả này có sự đóng góp lớn của Ban cán sự đảng VKSND tỉnh Phú Yên trong việc tham mưu Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự; tập trung giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại”.
Thực trạng án hình sự bị Tòa án cấp trên tuyên hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại
Theo số liệu thống kê của VKSND tỉnh Phú Yên trong các năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, có 34 vụ bị cấp phúc thẩm tuyên hủy để điều tra, xét xử lại. Tòa án cấp cao phúc thẩm hủy án sơ thẩm của cấp tỉnh 03 vụ; Tòa án cấp cao giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại 05 vụ. Trong đó, có nhiều vụ án tồn đọng từ 9 đến 10 năm trước, có vụ bị hủy hai đến ba lần như vụ Nguyễn Kiệm, vụ Nguyễn Thái Đắc, vụ Dương Hoài Thanh, vụ Nguyễn Hữu Nghi, vụ Phạm Văn Ka… Các vụ này thường thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự xã hội, như: Tội cố ý gây thương tích, Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, Tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trong, Tội trộm cắp tài sản, Tội tổ chức đánh bạc, Tội hủy hoại rừng, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Các vụ án bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy để điều tra hoặc xét xử lại bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, như hệ thống các văn bản pháp luật liên quan chưa hoàn thiện, còn thiếu đồng bộ. Cụ thể, nhiều quy định của pháp luật chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời như quy định về công tác giám định, nhất là giám định chuyên ngành (về xây dựng, tài chính, ngân hàng, văn hóa, giao thông...). Việc hướng dẫn, giải thích pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền chưa được thực hiện thường xuyên, đồng bộ nên thiếu thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, làm cho việc giải quyết nhiều vụ án gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, còn do số lượng án hình sự lớn, trong khi cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng còn thiếu so với yêu cầu; một số vụ thu thập chứng cứ khó khăn do không có nhân chứng, dấu vết tại hiện trường bị xáo trộn, không còn nguyên vẹn; người bị hại, nhân chứng không hợp tác...
Các vụ án bị hủy còn có nguyên nhân từ những sai sót, vi phạm trong hoạt động tố tụng như: Điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, chứng minh thiệt hại, định giá tài sản chưa chính xác; sai sót, vi phạm trong công tác khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, thực nghiệm điều tra, giám định, đối chất; vi phạm giới hạn xét xử; thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; về định tội danh, xét xử hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm; bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; xác định sai khung hình phạt, cho hưởng án treo không chính xác... Ngoài ra, công tác phối hợp chỉ đạo giải quyết giữa các cơ quan tố tụng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; tinh thần, trách nhiệm của một số cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử có lúc chưa cao; lãnh đạo các cơ quan tố tụng chưa quyết liệt trong việc giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra lại.
Quá trình tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị giải quyết án tồn, án bị hủy
Trước yêu cầu nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân; đảm bảo truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp Tòa án xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy án; từ năm 2017 - 2018, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh Phú Yên đã có văn bản đề nghị Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, có biện pháp giải quyết các vụ việc, vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã chủ trì cùng lãnh đạo liên ngành Công an, Tòa án tổ chức hội thảo về “Thực trạng và giải pháp nhằm hạn chế án sơ thẩm bị hủy án đề điều tra, xét xử lại”, nhằm đánh giá đúng thực trạng án hình sự bị Tòa án cấp trên hủy điều tra lại, xét xử lại; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, từ đó đề ra những giải pháp nhằm giải quyết triệt để và hạn chế tình trạng này trong những năm tiếp theo.
Năm 2019, VKSND tỉnh Phú Yên tiếp tục lựa chọn và chỉ đạo VKSND hai cấp thực hiện khâu công tác đột phá: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự; tập trung giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại”; xem đây là một trong những giải pháp để giải quyết cơ bản án tồn đọng, án bị hủy để điều tra, xét xử lại của những năm trước, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Nhận thấy đối với các vụ án khó khăn và nhiều áp lực nêu trên không chỉ riêng ngành Kiểm sát giải quyết xong, mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, VKSND tỉnh Phú Yên đã tổ chức họp lãnh đạo liên ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, có sự tham gia của Ban Nội chính Tỉnh ủy để báo cáo liên ngành về sự cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết các vụ án tồn đọng, án bị hủy bằng việc tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên ban hành chỉ thị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại” trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Báo cáo đề xuất của VKSND tỉnh Phú Yên đã được liên ngành và Ban Nội chính nhất trí, giao VKSND tỉnh tiếp tục tham mưu, xây dựng dự thảo chỉ thị. Sau đó, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh Phú Yên tiếp tục chủ động phối hợp cùng với các cơ quan tư pháp tỉnh, Ban Nội chính và Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 33/CT-TU ngày 08/5/2019 (Chỉ thị số 33) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại”. Đây là chỉ thị quan trọng tạo tiền đề để VKSND tỉnh Phú Yên giải quyết hiệu quả các vụ án tồn đọng, án bị hủy để điều tra, xét xử lại.
Nội dung chỉ thị nêu rõ để giải quyết cơ bản tình trạng này, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị thì Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh và các huyện, thị, thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác cải cách tư pháp, Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật, luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp; đề cao trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, lãnh đạo đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết án hình sự; xác định chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của các cơ quan tố tụng; chỉ đạo các cơ quan chức năng và ngành dọc cấp dưới chủ động phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết dứt điểm án hình sự, nhất là các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại, không để kéo dài, quá hạn luật định; phân công cán bộ có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án này; thường xuyên rà soát, đánh giá, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của ngành, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, đạo đức nghề nghiệp để xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng VKSND tỉnh chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, rà soát và lập danh sách các vụ án tồn, án bị hủy (để điều tra, xét xử lại) chưa giải quyết xong, trên cơ sở đó chủ động trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của vụ án và đề ra biện pháp giải quyết dứt điểm. Hàng năm, tổng hợp tình hình, kết quả giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại báo cáo Thường trực Tỉnh ủy (qua Ban nội chính Tỉnh ủy) theo dõi, chỉ đạo.
Chỉ thị cũng yêu cầu Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở tư pháp và các ngành chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân bằng nhiều hình thức, cách làm phù hợp; yêu cầu Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh tiếp tục chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và các chương trình, kế hoạch của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, Ban thường vụ Tỉnh ủy; yêu cầu Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế giám sát và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp; tăng cường giám sát chuyên đề đối với án hình sự, án tồn đọng, án bị hủy để điều tra, xét xử lại...
Những kết quả đạt được
Ngay sau khi Chỉ thị số 33 được ban hành, lãnh đạo VKSND tỉnh Phú Yên đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện ở VKSND hai cấp của tỉnh; trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết án hình sự, nhất là giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại; xác định chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của đơn vị mình; tập trung khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế; kịp thời rà soát, kiểm tra, tăng cường phối hợp với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm các vụ án tồn đọng, án bị hủy để điều tra, xét xử lại…; mặt khác, phân công các Kiểm sát viên có năng lực và kinh nghiệm trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án này; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho các Kiểm sát viên...
Kết quả, qua hơn 01 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, VKSND hai cấp tỉnh Phú Yên bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Tổng số vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại là 42 vụ (theo số liệu thống kê trước khi ban hành Chỉ thị); đến nay đã giải quyết được 35 vụ, đạt 83,33%. Cơ bản, các vụ án tồn, án bị hủy đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra các trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp tục hủy án để điều tra, xét xử lại. Đặc biệt, nhiều vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại kéo dài từ nhiều năm trước được Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo và Ban nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc đã được giải quyết xong, nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội, như: Vụ Nguyễn Kiệm và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở huyện Đồng Xuân, xảy ra từ tháng 7/2010. Vụ án cố ý gây thương tích xảy ra từ năm 2013; vụ hủy hoại rừng ở Sơn Hòa, xảy ra từ năm 2011...
Từ những kết quả đạt được bước đầu đã tạo tiền đề cho việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian tiếp theo và việc giải quyết các loại án này đi vào nề nếp. Trên cơ sở chỉ thị này, định kỳ hàng năm, các cơ quan tư pháp phối hợp tiến hành kiểm tra, rà soát, lập danh sách các vụ án hình sự tồn, bị hủy để điều tra, xét xử lại chưa giải quyết xong để VKSND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách, làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện; lãnh đạo các đơn vị đã quan tâm chỉ đạo chặt chẽ giải quyết các vụ án này, phân công Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có năng lực và kinh nghiệm trực tiếp giải quyết vụ án; chủ động phối hợp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Đối với những vụ án có vướng mắc về định tội danh, chứng cứ, thủ tục tố tụng, VKSND hai cấp đã chủ động phối hợp, đề nghị Cơ quan điều tra tổ chức họp liên ngành Công an - Viện kiểm sát - Tòa án để bàn biện pháp giải quyết./.
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.