Những điều cần biết về thi tuyển Kiểm sát viên

11/09/2017 04:05

(kiemsat.vn)
Ngày 01/9/2017, Viện trưởng VKSND tối cao đã ký ban hành Quy chế thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp trong ngành Kiểm sát nhân dân (Kèm theo Quyết định số 328/QĐ-VKSTC).

Căn cứ Luật Tổ chức VKSND năm 2014; Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao, sau khi thống nhất với Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên, Viện trưởng VKSND tối cao quyết định:

Ban hành Quy chế thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp trong ngành Kiểm sát nhân dân. Nội dung quy chế quy định:

1. Đối tượng đăng ký

Công chức hiện đang công tác tại VKSND các cấp, là Chuyên viên, Chuyên viên chính, Chuyên viên cao cấp; Kiểm tra viên, Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp; Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp; Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp hoặc tương đương, công tác tại VKSND các cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện đều có quyền đăng ký để được xét tuyển, tham gia dự thi vào chức danh Kiểm sát viên theo các ngạch được quy định tại Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

2. Hồ sơ đăng ký thi

– Văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền xét tuyển (ƯBKS) quy định tại Điều 5 của Quy chế này;

– Sơ yếu lý lịch theo mẫu quản lý cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ (không quá 6 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ) có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

– Bản sao Quyết định bổ nhiệm ngạch công chức đang giữ và văn bằng chứng chỉ có liên quan.

– Bản kiểm điểm 3 năm công tác gần nhất của người dự thi.

– Văn bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan, đơn vị người dự thi đang công tác.

– Nhận xét đánh giá của cấp ủy hoặc chính quyền nơi cư trú; cấp ủy hoặc Chỉ huy đơn vị Quân đội quản lý về hành chính quân sự (trường hợp người dự thi đang công tác ở Viện kiểm sát quân sự).

– Giấy khám sức khỏe (có giá trị trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe) của công chức do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.

Hồ sơ dự thi được gửi về VKSND tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ).

3. Hình thức, thời gian và nội dung thi

– Thi viết, thời gian 180 phút.

– Thi trắc nghiệm, thời gian 60 phút.

– Nội dung thi: Các Luật, Nghị quyết của Quốc hội đang có hiệu lực thi hành liên quan đến nghiệp vụ kiểm sát.

4. Cách tính điểm:

Bài thi được chấm theo thang điểm 100 đối với mỗi hình thức thi. Bài thi viết tính hệ số 2, bài thi trắc nghiệm tính hệ số 1.

5. Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Có đủ các bài thi theo quy định tại Điều 16 Quy chế này;

– Có số điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên;

– Có kết quả thi tuyển cao hơn (lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp) trong phạm vi chỉ tiêu Kiểm sát viên cần bổ sung của đơn vị đăng ký dự thi.

– Trường hợp có 02 người trở lên có tổng điểm thi tuyển bằng nhau thì người có điểm bài thi viết cao hơn là người trúng tuyển. Trường hợp điểm bài thi viết bằng nhau thì người có thời gian công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân dài hơn là người trúng tuyển. Nếu có thời gian công tác bằng nhau thì Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định.

– Không bảo lưu kết quả thi.

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và phúc khảo

– Trong quá trình tổ chức thi, trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo, Hội đồng thi tuyển phải xem xét, giải quyết trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tố cáo.

– Trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày Hội đồng thi tuyển thông báo công khai điểm thi hoặc kể từ ngày cơ quan cừ người dự thi nhận được thông báo điểm thi, người dự thi có quyền gửi đơn đề nghị phúc khảo. Nếu đơn phúc khảo gửi qua đường bưu điện thì căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu vào phong bì, nếu gửi trực tiếp thì tính từ ngày Hội đồng thi tuyển nhận được đơn phúc khảo.

– Chỉ xem xét, giải quyết đơn đề nghị phúc khảo được gửi trực tiếp hoặc gửi theo đường bưu điện đến Hội đồng thi tuyển.

– Hội đồng thi có trách nhiệm tổ chức chấm phúc khảo và thông báo kết quả phúc khảo cho người dự thi trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn nhận đơn phúc khảo.

– Chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định thành lập Ban Chấm phúc khảo, không bao gồm những thành viên đã tham gia vào Ban Chấm thi. Trường hợp kết quả phúc khảo chênh lệch so với điểm bài thi trước trên 10% so với điểm tối đa, Chủ tịch Hội đồng thi phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa cán bộ chấm thi đợt đầu với cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản) để xem xét, quyết định kết quả phúc khảo. Kết quả phúc khảo được tổng hợp vào kết quả thi. Hội đồng thi tuyển thông báo cho người dự thi có đơn đề nghị phúc khảo kết quả phúc khảo.

Kết quả thi tuyển được thông báo công khai trên Website của VKSND tối cao.

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, các quy định trước đây trái với Quy chế này đều bị bãi bỏ.

Xem chi tiết Quy chế thi tuyển tại đây.

Phạm Hằng

(giới thiệu)

Cái buổi ban đầu… là Kiểm sát viên

(Kiemsat.vn) – Trong cuộc đời mỗi người đều có nhiều dấu ấn và những kỷ niệm không thể quên trong từng giai đoạn, mỗi kỷ niệm sẽ để lại những kinh nghiệm và bài học giúp chúng ta trưởng thành hơn. Đặc biệt là đối với những Kiểm sát viên mới vào Ngành, kết thúc giai đoạn sinh viên để bước vào nghề Kiểm sát sẽ là một hành trình mới mẻ với những dấu ấn khó quên và nhiều trải nghiệm thú vị.

Thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp đợt II – Khu vực phía Nam

(Kiemsat.vn) - Sáng ngày 02/11 tại Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh, VKSND tối cao tổ chức kỳ thi tuyển Kiểm sát viên trung cấp và sơ cấp đợt II năm 2017 khu vực phía Nam. Tiến sĩ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao, Ủy viên thường trực Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang