Những điểm nhấn của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
(kiemsat.vn) Chiều 17/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thành công tốt đẹp với nhiều điểm nhấn quan trọng, để lại ấn tượng sâu sắc trong cử tri và Nhân dân cả nước.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục là đơn vị quản lý lĩnh vực sát hạch lái xe
Đa số DBQH cho rằng chưa cần thiết xây dựng luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở
Toàn văn phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Sau hai đợt làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, kỳ họp thứ 10, Quốc hội XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình với việc: thông qua 07 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến 04 dự án luật; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng và nhiều báo cáo khác; góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Kỳ họp đã tiếp tục khẳng định rõ tinh thần đoàn kết dân tộc, nghị lực, quyết tâm cao để đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.
Những phát biểu ấn tượng của các nữ đại biểu
Trong gần một tháng làm việc, cử tri và nhân dân cả nước đã chăm chú theo dõi và đánh giá cao hoạt động của Quốc hội. Hãy cùng Kiểm sát Online điểm lại những điểm nhấn ấn tượng đối với cử tri và nhân dân cả nước của Kỳ họp năm nay: Ksor H’Bơ Khăp, còn gọi là Ksor Phước Hà là người dân tộc Gia_Rai. Bà là Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Gia Lai, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Bà hiện công tác trong lực lượng Công an nhân dân, là Thiếu tá, Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai.
Bà Ksor H’Bơ Khăp, Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Gia Lai, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội |
“Có gì đó sai sai”: Tranh luận với bộ trưởng nông nghiệp, Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Đoàn Gia Lai) cho rằng: "Bộ trưởng nói từ 9 triệu lên đến 14 triệu, đúng là con số này rất đáng phấn khởi nhưng rất là vô lý và có cái gì đó thật sự sai sai". Theo đại biểu, ít nhất là trong nhiệm kỳ Quốc hội này, mỗi một kỳ họp liên tục được nghe những dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, vậy làm sao diện tích rừng tự nhiên có thể tăng lên được.
“Bộ trưởng có nghe nhưng không hiểu tôi hỏi gì”: Tranh luận với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, bà hỏi về việc Bộ trưởng có tiếp tục ủng hộ xây dựng thủy điện nhỏ không, Bộ trưởng chưa trả lời. Bà hỏi Bộ trưởng xem trời, mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ thế nào đối với sạt lở, lũ lụt hiện nay nhưng Bộ trưởng cũng chưa trả lời.
“Không tự nhiên mà trời mưa được. Không tự nhiên mà địa chất đứt gãy. Bộ trưởng có nói ở hội trường này là dân ở các khu vực đó đã hàng trăm năm nay và họ cần rừng để sinh sống và sản xuất. Đấy chính là lý do của vụ sạt lở” - ĐB Ksor H’Bơ Khắp nói.
Tiếp đó, ĐBQH Gia Lai giải thích: “Tức là cây rừng ở đó đã đã mất đi rất lâu rồi, không cải tạo đất và điều này đã gây ra địa chấn về môi trường. Trách nhiệm của Bộ TN&MT trong việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, công trình rõ ràng có sự sai sót nên mới gây hậu quả như ngày hôm nay.
“Cuối cùng với tư cách là đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm thế nào đối với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay. Bộ trưởng chỉ tập trung vào “rừng” vì có lẽ mọi người nhìn thấy tên tôi đã nghĩ đến rừng rồi” - ĐBQH Ksor Khắp nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau đó nói đề nghị các Bộ trưởng trả lời riêng các ĐB đối với các tranh luận lại trong hôm nay.
Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên): “Tôi thấy bức tranh rất tẻ nhạt”
ĐBQH tỉnh Phú Yên hiện đang là Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên; Phó Ban trực Ban vì sự tiến bộ Phụ nữ tỉnh; Chủ tịch Hội đồng điều hành Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Phú Yên, Ủy viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên), Ủy viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. (Ảnh: Thanh niên) |
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đã gây ấn tượng mạnh với cử tri trong phần tranh luận với Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng về công tác quản lý báo chí. Trả lời chất vấn của đại biểu về việc liệu quy định về tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí có gây khó khăn cho nhà báo tác nghiệp và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm hay không, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mỗi một cơ quan và tổ chức đều có chức năng, nhiệm vụ riêng và các cơ quan báo chí phải bám theo các chức năng, nhiệm vụ này, hay còn gọi là tôn chỉ, mục đích để tuyên truyền. "Như thế sẽ vẽ lên được một bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam", ông Hùng nói. Không đồng tình với giải trình này của Bộ trưởng TT-TT, đại biểu Hiền cho rằng, với bà, bức tranh mà Bộ trưởng nói rất tẻ nhạt.
2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn hiệu quả
Thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã giám sát một cách toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Trên cơ sở nắm chắc vấn đề, nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, các vị đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, bám sát vào nội dung chất vấn; người trả lời chất vấn đã trả lời thẳng thắn, súc tích với sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm, không né tránh, vòng vo.
Việc tranh luận với các lập luận sắc sảo, chặt chẽ, thuyết phục, có tính xây dựng, sự chia sẻ trách nhiệm với các cơ quan hành pháp, tư pháp và cùng trao đổi định hướng, giải pháp xử lý các vấn đề đặt ra. Tuy diễn ra trong 2,5 ngày, nhưng số lượt hỏi - đáp và tranh luận đã tăng lên đáng kể. Qua phiên chất vấn cho thấy, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, tạo chuyển biến thực sự trong các lĩnh vực đã được chất vấn, giám sát, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành hữu quan tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, nhất là có giải pháp khắc phục đối với những vấn đề chưa đạt yêu cầu.
Quốc hội bác ba dự án Luật trong ngày cuối cùng
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn Tp Hồ Chí Minh) phát biểu gây sốc khi thảo luận tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở: “Chúng ta nghiên cứu ra một lực lượng vừa không chính danh vừa khiến ngân sách đội lên”. Theo ĐBQH: không thể nói đây là lực lượng bảo vệ cơ sở, vì nhiệm vụ đề ra trong dự án luật không có nhiệm vụ nào lực lượng này trực tiếp tham gia hay tự chủ trì để thực hiện. Theo đại biểu Minh Hoàng, chúng ta đưa ra luật, nhưng chúng ta chưa đánh giá được tác động chính sách, kể cả với BHYT và BHXH. Theo tính toán của cơ quan trình dự án Luật này, cả nước có 1,5 triệu người trên toàn quốc tham gia lực lượng này và hưởng ngân sách. Nếu Luật được thông qua, chúng ta sẽ giảm được 500.000 người. Song thực tế, đại biểu Minh Hoàng cho rằng, các lực lượng cơ sở sẽ tăng biên chế thêm 800.000 người, chứ không giảm đi. “Theo tôi, chúng ta nghiên cứu ra một lực lượng vừa không chính danh vừa khiến ngân sách đội lên. Tôi đề nghị, phải tính lại bởi hiện tại chúng ta có lực lượng của tổ dân phố, PCCC có lực lượng dân phòng, vậy nên chăm sóc chính sách tốt hơn cho những lực lượng này. Hiện nay, TPHCM và nhiều địa phương khác đang làm tốt các lực lượng này”, đại biểu đoàn TP HCM góp ý.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn Tp Hồ Chí Minh): “Chúng ta nghiên cứu ra một lực lượng vừa không chính danh vừa khiến ngân sách đội lên”. |
Ngày 17/11, ngày cuối cùng của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội xin ý kiến đại biểu ba vấn đề liên quan dự án Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Kết quả, 302 đại biểu (chiếm 62,79%) không đồng ý tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông Đường bộ hiện hành để ban hành luật riêng (tách thành hai luật như nêu trên).
321 đại biểu (chiếm 66,74%) không đồng ý với đề xuất của Chính phủ trong việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
Về thời điểm thông qua luật, 251 đại biểu (chiếm 52,18%) đồng tình chuyển cho Quốc hội khóa sau, tại kỳ họp thứ hai (dự kiến cuối năm 2021) xem xét.
Chiều cùng ngày, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã xin ý kiến đại biểu Quốc hội về hai nội dung liên quan đến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ trật tự, an ninh cơ sở.
Kết quả, 60,29% tổng số đại biểu Quốc hội (290 người) cho rằng chưa cần thiết xây dựng Luật này; số đại biểu thấy cần thiết là 96 người (19,96%).
Ngoài ra, 42,83% tổng số đại biểu (206 người) không đồng ý với đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật; 169 đại biểu (35,14%) đồng ý; số còn lại không chọn phương án nào hoặc có ý kiến khác.
Tại cuộc họp báo sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trước câu hỏi ngày 17/11 ba dự án luật nêu trên khi lấy phiếu thăm dò ý kiến đại biểu đều không được đa số đồng tình, trách nhiệm các cơ quan thẩm tra của Quốc hội ra sao trong việc này? Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng trước thực trạng mỗi năm cả nước có hàng chục nghìn người chết vì tai nạn giao thông nên "Chính phủ sốt ruột muốn tìm giải pháp quản lý tốt hơn".
"Việc tách luật là sáng kiến của Chính phủ và các dự án luật đã được trình đúng quy trình, thủ tục theo quy định", ông Phúc nói về việc tách dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Tuy nhiên, qua lấy phiếu thăm dò đa số đại biểu không đồng ý với ba dự luật trên, nên Thường vụ Quốc hội sẽ chuyển về Chính phủ để cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu, hoàn chỉnh. Chính phủ cũng sẽ kiến nghị đến Thường vụ Quốc hội về việc trình lại các dự án luật này.
Đồng thuận “giải cứu” Vietnam Airline
Cũng trong ngày họp cuối cùng, Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để thực hiện giải pháp này, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Quốc hội cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lỗ lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 |
Trước đó, tại cuộc họp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tổ chức ngày 5/11, ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết cả năm 2020 có thể lỗ 13.000 tỷ đồng và sang năm 2021 vẫn lỗ nếu thị trường quốc tế không phục hồi.
Việc lỗ lớn dẫn đến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 6.270 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 7.874 tỷ đồng. Nguồn lực tài chính của hãng cũng giảm đáng kể khi lượng tiền và tiền gửi còn khoảng 3.327 tỷ đồng, giảm so với mức 6.540 tỷ đồng đầu năm hay 4.270 tỷ đồng cuối quý II. Tổng vay nợ tài chính đang là 35.056 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ so với đầu năm. Trong đó, Vietnam Airlines đã vay ngắn hạn thêm gần 6.100 tỷ đồng để bù đắp dòng tiền.
Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ nhằm “giải cứu” Vietnam Airline
-
1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn
-
2Báo chí muốn giữ vững “trận địa”, phải làm khác mạng xã hội
-
3Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ 18
-
4Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
-
5Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy
-
6VKSND tối cao thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bài viết chưa có bình luận nào.