Những bộ phim hấp dẫn về Kiểm sát viên
(kiemsat.vn) Điện ảnh Trung Quốc vừa giới thiệu bộ phim "Danh nghĩa Nhân dân". Bộ phim đang gây sốt trong khán giả truyền hình khi đề cập một cách chân thực, sinh động đến vấn đề nóng hiện nay, đó là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, hủ bại, "đả hổ, diệt ruồi" đang được Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung ương ĐCS Trung Quốc tiến hành quyết liệt và đã thu được những kết quả khả quan. Trong cuộc đấu tranh này, VKSND Trung Quốc đóng vai trò quan trọng.
Cũng về đề tài này, cách đây hơn 10 năm, một bộ phim khác – “Công tố viên”, cũng đã nhận được sự quan tâm theo dõi, khen ngợi của đông đảo khán giả truyền hình, bộ phim đã được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam. Cả hai bộ phim nói trên đều gắn với tên tuổi của Nhà văn, tác giả kịch bản Chu Mai Sâm. Ông đã rất thành công khi hấp dẫn người xem bằng sự suy nghĩ tìm tòi, nhận thức và những câu chuyện rung động lòng người mà không quá lạm dụng, phụ thuộc, khai thác quá mức sức nóng của đề tài chống tham nhũng và những thứ tầm thường, mưu lợi riêng, gian dối trộm cắp, nhục dục… Vì thế, cảm nhận sâu đậm nhất của người xem chính là tác giả đã khơi dậy, thắp sáng niềm tin vào những giá trị lớn lớn lao của lý tưởng, của công lý qua những hình tượng trong phim như nữ Viện trưởng VKS Diệp Tử Tinh (Phim Công tố viên), cựu Viện trưởng Trần Nham Thạch, kiểm sát viên Hầu Lượng Bình (Phim Danh nghĩa Nhân dân)…
Sau đây, Kiemsat.vn sưu tầm, giới thiệu trả lời phỏng vấn của Nhà biên kịch Chu Mai Sâm và diễn viên Tư Cầm Cao Oa, người thủ vai nữ Viện trưởng Diệp Tử Tinh trong phim “Công tố viên”.
- Nhà biên kịch Chu Mai Sâm: ‘Tôi muốn tạo thương hiệu riêng của mình’
“Với thị trường phim truyền hình, tôi là một thuơng hiệu. Phim của Chu Mai Sâm bao giờ cũng bán được giá cao. Tôi muốn tạo nên thương hiệu của riêng mình, khiến cho mỗi tác phẩm của tôi đều trở nên xuất sắc”, nhà biên kịch của nhiều bộ phim chính trị “Công tố viên”, “Quyền lực tuyệt đối” tự tin nói.
– Các phim của ông đều liên quan đến chống tham nhũng. Tại sao ông không gọi phim của mình là “phim về chống tham nhũng” mà lại gọi đó là “phim chính trị”?
Nhà văn Chu Mai Sâm
– Phim tham nhũng ngày càng bị lạm dụng. Sự bao hàm của phim chống tham nhũng rất nhỏ, còn phim chính trị lại rất lớn. Tôi muốn nhấn mạnh tới điều tôi quan tâm là sự thay đổi của toàn thời đại, trong đó chống tham nhũng chỉ là một mảng trong nội dung tác phẩm của tôi.
Tác phẩm của tôi hấp dẫn người xem dựa vào suy nghĩ tìm tòi, nhận thức và những câu chuyện rung động lòng người, chứ không phải những thứ tầm thường, mưu lợi riêng, gian dối trộm cắp. Tôi không thích bị người khác gán ghép phim của mình vào sự tầm thường.
– Ông có cần thiết phải nhấn mạnh “tôi không phải là những thứ này”, bởi thực sự phim của ông đã rất nổi tiếng?
– Sau khi một thương hiệu đã thành lập, ai muốn phủ nhận cũng không được. Cho dù nói theo cách nào, nó cũng đã tìm thấy thị trường. Nhưng tôi tin vào cách nói của tôi.
– Với những tác phẩm chính trị sắc sảo, ông đã gặp phải sự ngăn trở nào?
– Có người tố cáo, công kích, chửi rủa, nhưng chỉ chiếm số ít. Còn lại đa số đều tán thành. Các tác phẩm tôi viết đều mạo hiểm. Là người hoạt động nghệ thuật, tôi không mang thành kiến trong vấn đề sáng tác. Cho dù tôi bất mãn với một vài lãnh đạo nào đó, hoặc cảm thấy không công bằng với vấn đề gì, tôi tuyệt đối không mượn tiểu thuyết để trút giận. Khi trả lời phóng viên nước ngoài, tôi nhất nhất khẳng định sự ủng hộ của mình trong công cuộc mở cửa cải cách Trung Quốc. Do đó, tuy có mạo hiểm nhưng hoàn toàn không vì mưu đồ cá nhân.
– Những người đầu tư vốn vào phim của ông đã bao giờ tỏ ra lo lắng nếu tiền vốn của họ “một đi không trở lại”?
– Những người đầu tư vốn cho tôi nói rằng, nếu họ đã bỏ tiền mà phim không được duỵêt, không thu hồi được vốn, họ sẽ bắt tôi phải bồi thường. Tôi nói với họ, nếu được thông qua, nhất định khán giả rất đông. Như Quyền lực tuyệt đối, tôi phải chạy khắp nơi kêu gọi, kinh động tới tất cả cơ quan hữu quan, kết quả mới được thông qua, nếu không, ngay cả cái tên cũng không thể tồn tại.
– Theo ông, ai là người có tiếng nói trong một êkíp làm phim?
– Vấn đề này cần tuân thủ theo quy luật đồng tiền. Trước đây, tôi từng kinh doanh, do đó biết rất rõ nội tình. Nếu tổng số vốn là 10 triệu tệ, người bỏ ra 5,1 triệu sẽ là cổ đông chính. Người có 4,9 triệu buộc phải nghe theo quyết định của người kia.
Trong phim Quyền lực tuyệt đối, có nhiều chỗ tôi không vừa ý. Tuy tôi chỉ đạo nghệ thuật, nhưng không bỏ vào đó đồng vốn nào, do vậy tôi không có cách nào để tham gia. Đến Công tố viên, tôi bỏ vốn, cổ đông lớn nhất là tôi. Dĩ nhiên những người đầu tư khác phải nghe theo tôi.
– Trong tương lai, sáng tác là công việc chính của ông?
– Nó là sự nghiệp cả đời tôi, điều này không thể thay đổi. Việc kinh doanh ngoài hứng thú kiếm tiền, một chút hứng thú khác với tôi cũng không có.
– Trạng thái sáng tác của ông hiện thế nào?
– Đây là lúc tôi sung mãn nhất, ngoài ra, dây xích sản nghiệp của tôi đang vận hành rất tốt. Tôi quyết không phải là một nhà văn viết xong một quyển sách là thôi. Có người nói tôi là tác gia thông minh nhất Trung Quốc. Các tác gia thu hoạch xong thì không quản nữa. Còn tôi, thu hoạch xong lúa mì thì tiếp tục gia công nó thành bột mì, làm ra bánh mì hoặc bánh bao, sau đó đưa ra các cửa hàng.
(Theo VnExpress)
- Diễn viên Tư Cầm Cao Oa: vai nữ Viện trưởng Diệp Tử Tinh
Khán giả Việt Nam vừa gặp lại Tư Cầm Cao Oa trong phim Công tố viên. Dưới đây là phỏng vấn của mạng sina Trung Quốc với nữ diễn viên tài danh này.
– Thưa chị Cao Oa, chị là một nghệ sĩ biểu diễn vô cùng xuất sắc, đã khắc họa thành công một loạt những vai diễn sinh động và nhận được sự yêu quý của tất cả các tầng lớp khán giả. Lần này chị lại tham gia vào bộ phim Công tố viên. Xin hỏi, đây có phải là lần đầu tiên chị diễn tả hình tượng người cán bộ kiểm sát? Chị có thích vai diễn này không?
– Tư Cầm Cao Oa: Xin chân thành cảm ơn tình cảm của khán giả dành cho tôi. Đây là lần đầu tiên tôi vào vai một viện trưởng Viện Kiểm sát cương trực thẳng thắn, ghét ác như thù, sâu sắc trượng nghĩa. Nhân vật này có rất nhiều những phẩm chất ưu tú để tôi học tập. Nói từ đáy lòng mình, tôi rất thích vai diễn này.
– Vậy chị cho rằng vai diễn viện trưởng Viện Kiểm sát và các vai diễn trước đây, chẳng hạn bà hai trong Danh gia vọng tộc có điểm gì không giống nhau?
– Hoàn toàn không giống nhau. Vì niên đại không giống nhau nên giai tầng của nhân vật cũng khác. Bà hai trong Danh gia vọng tộc là một phụ nữ xuất thân từ một dòng tộc lớn trong xã hội cũ, mang trong mình khí chất gia tộc phong kiến; còn viện trưởng Diệp Tử Tinh lại là một phụ nữ sống và làm việc trong thời đại mới, lòng tràn đầy hào khí thời đại, tinh thần ngay thẳng chính trực.
– Vậy chị cảm thấy điểm lớn nhất của viện trưởng Diệp là gì? Chị làm thế nào để hiểu được nhân vật này?
– Điểm chủ yếu là chính khí của con người này. Tôi cảm thấy điểm này rất hiếm, rất đáng quý. Những vai diễn như thế này chắc chẳng thể gặp được nhiều lần trong cuộc đời một diễn viên, thế nên tôi rất trân trọng.
– Vậy còn tình cảm cá nhân của nhân vật này?
– Đương nhiên là có tình cảm rồi. Tôi cảm thấy tuy là viện trưởng Viện Kiểm sát nhưng Diệp Tử Tinh là người có tình cảm. Bản thân con người ai cũng có tình cảm.
– Lần đầu tiên tiếp xúc với vai diễn sĩ quan kiểm sát, trong quá trình làm phim chị đã gặp phải những khó khăn gì? Thách thức lớn nhất là gì?
– Thực ra ngay từ khi chuẩn bị tôi đã phải khắc phục hầu hết các khó khăn. Tôi đã cầm kịch bản trước một thời gian dài, đến lúc chuẩn bị quay đã đọc đi đọc lại mười mấy lần. Vì bản thân cảm thấy trình độ không đủ, điều kiện không đủ nên cần phải cố gắng gấp nhiều lần. Tôi rất mong nhân vật Diệp Tử Tinh sống được. Thế nên, đây là một lần đọ sức với chính mình.
– Cô quyết định nhận bộ phim này là vì đạo diễn Tưởng Thiệu Hóa hay là vì biên kịch Chu Mai Sâm, hay là vì thích kịch bản?
– Hình như ở đây có cái duyên ở bên trong, duyên phận đến thì cứ thế mà hợp tác. Tôi chưa bao giờ nói rằng mình phải thế này, phải thế kia. Sau này, tôi mới cảm thấy hình như họ đang lượng sức tôi mà làm, thế nên tôi rất hứng thú, cảm động và tôi cảm thấy phải cố gắng.
– Chị đã đóng rất nhiều phim, cổ trang, hiện đại. Xin hỏi riêng chị một câu, chị thích cảm giác đóng phim hiện đại hay cổ trang?
– Tôi không lựa chọn, không có kiểu mình cần phải thế này cần phải cảm giác thế kia. Tôi sẽ giữ vững một nguyên tắc, mình phải hiểu được, đồng cảm được với bản thân nhân vật. Dù là cổ trang hay hiện đại tôi đều nhận vai với thái độ như vậy. Đương nhiên, cũng có những lúc đặc biệt xảy ra bất đồng, nhưng điều đó là hoàn toàn bình thường.
– Theo chị phim chính trị có tìm được thị trường không?
– Theo tôi, hoàn toàn có thể, nhưng cái chính là kịch bản. Theo tôi một bộ phim chính trị phải có thái độ thực sự cầu thị đối với bản thân sự việc, bối cảnh, nhân vật và phải được viết từ một góc độ gần với cuộc sống. Có như vậy, cốt truyện sẽ rất đáng tin và đáng xem.
– Chị và đạo diễn Tưởng Thiệu Hóa rất thân thiết nhau từ trước, đúng không?
– Tưởng Thiệu Hóa là một đạo diễn giỏi. Chúng tôi đã từng hợp tác trong Mặt trời lặn sau Tử Cấm Thành, tôi đã rất hiểu cậu ấy. Chúng tôi quen nhau hồi cậu ấy còn ở xưởng 81, mới chỉ là một anh lính nhỏ trong quân ba mươi tám, từ đó đến nay, chúng tôi đã hiểu được nhau tương đối toàn diện.
– Rất nhiều người cho rằng, xem Công tố viên là xem Tư Cầm Cao Oa diễn?
-Chắc chắn không phải vậy. Tôi may mắn có được một nhân vật có máu thịt, một hình tượng sống nên có thể diễn rất tự nhiên, điều quan trọng là biên kịch Chu Mai Sâm và đạo diễn Tưởng Thiệu Hóa đã thổi hồn cho nhân vật.
(Theo SGGP online)
Như Nguyễn (giới thiệu)
-
1Bình Dương tổ chức Hội nghị về thể dục thể thao
-
2Cơ hội vàng sở hữu căn liền kề đẳng cấp tại Danko City
-
3Ấn tượng với trải nghiệm “xanh” được Vinamilk mang đến ngày hội Việt Nam Xanh
-
4Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
5Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững
-
6ROX Group duy trì sức hút của “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”
Bài viết chưa có bình luận nào.