Những bất cập trong chế độ phụ cấp thâm niên kiểm sát
(kiemsat.vn) Chế độ phụ cấp thâm niên Kiểm sát được thực hiện theo Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009. Tuy nhiên, Thông tư hướng dẫn Nghị định này đã không hướng dẫn chế độ cho các ngạch cán bộ, công chức của ngành Kiểm sát.
Khảo sát chính sách tiền lương tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Đi làm ngày nghỉ lễ được hưởng lương tối thiểu 300%
Hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng
Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (chế độ phụ cấp được tính hưởng kể từ ngày 01/01/2009), trong đó điểm a khoản 2 Điều 1quy định:
Phụ cấp thâm niên nghề:Áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành : Hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm.
Đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên kiểm sát là “cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành”.Điều đó có nghĩa là cán bộ, công chức được xếp lương theo ngạch hay xếp lương theo chức danh đều thuộc đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên kiểm sát, bởi một công chức không thể vừa được xếp lương theo ngạch, vừa được xếp lương theo chức danh.
Để thực hiện Nghị định số 76, ngày 24/12/2009, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 04 hướng dẫn chế độ phụ cấp thâm niên áp dụng đối với ngành Tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm, tại Điều 1, Thông tư quy định đối tượng áp dụng như sau:
« 2. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Điều tra viên các cấp và Kiểm tra viên ngành kiểm sát (Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính và Kiểm tra viên) «
Cả 5 đối tượng trên thuộc các chức danh trong ngành Kiểm sát, là đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên theo đúng quy định tại Nghị định số 76.Tuy nhiên, như vậy là chưa đầy đủ, bởi so với Nghị định, còn thiếu toàn bộ các ngạch cán bộ, công chức của ngành – Những người thuộc bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thuộc Viện kiểm sát nhân dân các cấp và các đơn vị trực thuộc ngành (Bảng 2, 3, 4, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của chính phủ). Đây là sai sót trong quy trình nghiên cứu, ban hành Thông tư hướng dẫn của cơ quan chức năng. Thông tư đã hướng dẫn không đúng nội dung, tinh thần của Nghị định. Toàn bộ số cán bộ, công chức này đã không được hưởng chế độ mà lẽ ra họ đã và đang được hưởng kể từ ngày 01/01/2009 đến nay.
Sai sót trên đã ảnh hưởng đến chế độ phụ cấp thâm niên mà Đảng và Nhà nước giành cho cán bộ, công chức – đó là sự đánh dấu, ghi nhận quá trình cống hiến, đóng góp sức lao động của cán bộ, công chức đối với ngành theo thời gian công tác, gây nên sự bất bình đẳng khi ở nhiều ngành khác có phụ cấp thâm niên như Hải quan, sư phạm… Hơn thế nữa, làm ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, công chức; gây bức xúc, làm cán bộ không yên tâm công tác và chuyển đổi vị trí việc làm.
Cùng thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên, ngành Hải quan thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2003/TT-BTC ngày 05/5/2003 của Bộ Tài chính. Mục 1 Thông tư quy định đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên Hải quan như sau:
« Cán bộ, công chức Hải quan có thời gian công tác đủ 5 năm (tròn 60 tháng) trong ngành Hải quan được hưởng phụ cấp thâm niên Hải quan gồm :
– Công chức làm việc ở các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của Tổng cục Hải quan theo quy định tại khoản 1, Điều 3, Nghị định số 96/2002/NĐ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ, kể cả cán bộ chuyên trách công tác Đảng, đoàn thể thuộc biên chế và do ngành Hải quan trả lương ;
– Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không thời hạn những công việc quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp. »
Từ dẫn chứng nêu trên, có thể thấy, đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên ngành Hải quan không hề bị thu hẹp. Điều đó cũng chứng tỏ rằng, sai sót về đối tượng hưởng chế độ đối với ngành Kiểm sát là không thể chấp nhận.
Đối với nhà giáo, phụ cấp thâm niên thực hiện theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ và Thông tư liên tịch 68 ngày 30/12/2011 của Liên bộ Tài chính-Giáo dục-Lao động thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54.
Điều 1 Thông tư hướng dẫn về đối tượng và phạm vi áp dụng như sau:
“1. Nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).
2. Nhà giáo trong biên chế đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập.
3. Đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Cụ thể:
a) Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải được xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15;
b) Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo như quy định tại điểm a khoản này.
Về thời gian tính hưởng và mức hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo, Điều 2 và Điều 3 Nghị định số 54 quy định như sau:
“Điều 2. Hướng dẫn về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên, mức hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2, Điều 3 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP
1. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:
a) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập;
b) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập);;
c) Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng và thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an và cơ yếu (nếu có);
d) Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề;
đ) Thời gian quy định tại các điểm a, b khoản này không bao gồm thời gian quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-Chính phủ.
Như vậy, về đối tượng, phạm vi, thời gian tính hưởng phụ cấp đối với nhà giáo là không khác biệt đối với cán bộ, công chức Hải quan.
Những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị như sau:
Thứ nhất, kiến nghị Bộ Tư pháp – Cơ quan có trách nhiệm kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiểm tra lại Thông tư liên tịch số 04; đối chiếu, so sánh với các nghị định, thông tư trong việc thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên tại các ngành hiện nay để thấy rõ những thiếu sót trong Thông tư để « kiến nghị xử lý, xử lý theo thẩm quyền hoặc xử lý theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với các văn bản trái pháp luật» ;
– Đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ sửa đổi Thông tư số 04 nêu trên đảm bảo đúng tinh thần, chủ trương của Nghị định số 76 và thống nhất với các Nghị định, Thông tư đã nêu trên.
– Trên cơ sở kết quả kiểm định của Bộ Tư pháp, ngành Kiểm sát cần có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ nhằm kiến nghị sửa đổi Thông tư liên tịch số 04 những nội dung sau:
– Đối tượng áp dụng, thời gian hưởng và tên phụ cấp.
Với đối tượng áp dụng, đề nghị sửa như sau:
“Chế độ phụ cấp thâm niên quy định tại Thông tư này áp dụng đối với cán bộ, công chức trong biên chế xếp lương theo các ngạch hoặc các chức danh chuyên ngành Tòa án, Kiểm sát, Kiểm toán, Thanh tra, Thi hành án dân sự và Kiểm lâm, bao gồm:
1. Cán bộ, công chức làm việc ở các đơn vị: Cục, Vụ, Viện trực thuộc VKSND tối cao; làm việc ở các VKSND cấp tỉnh, cấp huyện; công chức, viên chức các đơn vị sự nghiệp trong ngành kiểm sát.
2. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không thời hạn những công việc quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.”
Về thời gian tính hưởng, đề nghị quy định thời gian tính thâm niên kiểm sát là:
“Thâm niên Kiểm sát được tính kể từ ngày được chính thức tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị trong ngành Kiểm sát theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức và Bộ luật Lao động, kể cả thời gian tập sự theo quy định của Nhà nước;
Thời gian cán bộ, công chức Kiểm sát đi nghĩa vụ quân sự theo Luật định (được hưởng phụ cấp thâm niên nghề);
Cán bộ, công chức Kiểm sát đã có thời gian hưởng phụ cấp thâm niên của các ngành khác như: Quân đội, Công an, Cơ yếu, Hải quan … thì được cộng để tính hưởng phụ cấp thâm niên Kiểm sát.
Về tên phụ cấp, đề nghị sửa lại tên phụ cấp thâm niên nghề kiểm sát bằng “phụ cấp thâm niên kiểm sát”.
Thứ hai, đề nghị Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền liên quan
– Giải quyết truy lĩnh tiền phụ cấp thâm niên kiểm sát đối với cán bộ trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị, ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Phối hợp với Bảo hiểm xã hội để thực hiện trích nộp bổ sung phần đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế (nếu có) về tiền phụ cấp thâm niên kiểm sát đối với từng đối tượng và điều chỉnh lại mức lương hưu đối với các đối tượng đã nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày được tính hưởng phụ cấp thâm niên đến ngày Thông tư sửa đổi hoặc thay thế Thông tư liên tịch số 04 (có sai sót nêu trên) có hiệu lực thi hành.
– Bảo hiểm xã hội thực hiện việc truy thu đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; điều chỉnh lại lương hưu đối với các đối tượng đã nghỉ hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến ngày Thông tư sửa đổi hoặc thay thế có hiệu lực thi hành.
Trần Thị Minh Hằng
VKSND tối cao
Xây dựng trụ sở VKSND TP Hà Nội cần có tầm nhìn đến năm 2050
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.