Nguyễn Văn M phạm tội “Trộm cắp tài sản”

06/10/2016 04:58

Sau khi nghiên cứu toàn bộ nội dung vụ án trong bài viết “Hành vi của Nguyễn Văn M phạm tội gì?” của tác giả Cao Văn Huynh ở Tòa án quân sự khu vực 2 Quân khu 4 đăng trên Phiên bản điện tử của Tạp chí Kiểm sát ngày 07/9/2016, tôi có ý […]

Sau khi nghiên cứu toàn bộ nội dung vụ án trong bài viết “Hành vi của Nguyễn Văn M phạm tội gì?” của tác giả Cao Văn Huynh ở Tòa án quân sự khu vực 2 Quân khu 4 đăng trên Phiên bản điện tử của Tạp chí Kiểm sát ngày 07/9/2016, tôi có ý kiến trao đổi như sau:

Tôi đồng ý với quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả cho rằng hành vi của Nguyễn Văn M phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Bởi vì: Cấu thành cơ bản của Điều 136 BLHS năm 1999 (Điều 171 BLHS năm 2015) quy định: “Người nào cướp giật tài sản của người khác thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”.

Điều luật không mô tả hành vi khách quan của tội cướp giật tài sản, nhưng căn cứ vào khái niệm, vào các yếu tố cấu thành tội cướp giật tài sản thì người phạm tội cướp giật tài sản có những hành vi như giật tài sản, ngay tức khắc.

Có thể nói, đặc trưng của tội cướp giật tài sản là hành vi giật, tức là giằng giật mạnh để lấy tài sản về mình một cách nhanh chóng (ngay tức khắc). Chính vì hành vi giật tài sản đã bao gồm bản chất của tội cướp giật nên điều luật không mô tả hành vi khách quan của tội cướp giật tài sản trong cấu thành cơ bản. Cũng tương tự như vậy, nhiều tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự, điều luật không mô tả hành vi khách quan của cấu thành như tội giết người, tội trộm cắp tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản… nhưng chúng ta dễ nhận thấy bản chất của hành vi phạm tội.

Tại Điều 138 BLHS năm 1999 (Điều 173 BLHS năm 2015) quy định tội trộm cắp tài sản có cấu thành cơ bản như sau: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Theo đó, tuy điều luật không nêu rõ hành vi trộm cắp tài sản nhưng yếu tố cấu thành tội phạm của hành vi này là người thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản. Tội phạm này có cấu thành vật chất nên quy định định lượng đối với tài sản trộm cắp là hai triệu đồng, nếu định lượng dưới hai triệu đồng thì phải có một số điều kiện cụ thể như gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới cấu thành tội phạm. Đối chiếu những quy định này với hành chi của Nguyễn Văn M cho thấy Nguyễn Văn M đã có tiền án nên M chỉ thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác là đủ yếu tố để định tội danh đối với M.

Thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp lúc đầu người phạm tội chỉ có ý định giật tài sản nhưng trong quá trinh thực hiện hành vi giật bị chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản chống cự giữ lấy hoặc giành lại tài sản, nên người phạm tội đã có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt bằng được tài sản thì hành vi phạm tội của người phạm tội không còn là hành vi cướp giật tài sản nữa mà hành vi này đã là hành vi cướp tài sản. Khoa học pháp lý coi trường hợp phạm tội này là sự chuyển hoá từ tội này sang tội khác.

Còn đối với hành vi giật tài sản của người phạm tội được thực hiện một cách công khai, tức là không có ý thức che giấu hành vi của mình đối với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản và những người khác. Đây cũng là một đặc trưng để phân biệt với những trường hợp phạm tội khác như hành vi trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản không có tính công khai, trắng trợn.

Trở lại vụ án Nguyễn Văn M cho thấy, Nguyễn Văn M là người có nhiều tiền án, tiền sự, chuyên đi ăn trộm. Ngày 17/9 2015, M đi tới hội chợ, lợi dụng đông người, mọi người chen lấn xô đẩy không để ý được tài sản của mình, M đã khéo léo dùng tay kéo nhẹ làm chiếc ví trong túi sau quần bò của anh Phạm Văn H rơi xuống đất để nhặt, mặc dù đang phải chen lấn nhưng khi ví rơi ra khỏi người, anh H vẫn biết và quay lại thấy M đang nhặt ví cầm ở tay, anh H đã tóm lấy tay M và lấy lại ví. Khi trao đổi về vụ án này, có ý kiến cho rằng M phạm tội cướp giật tài sản vì đang có hành vi công khai trắng trợn, khéo léo lấy cái ví trong túi quần anh H, trong lúc anh H không để ý vì đang bị chen lấn. Tuy nhiên, ý kiến này không phản ảnh đúng ý thức chủ quan cũng như hành vi khách quan của M. Bởi lẽ, M chỉ lợi dụng chỗ đông người đang chen lấn nhau để thực hiện hành vi phạm tội mà M cho rằng không bị phát hiện, M không có có ý định cho chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản biết được hành vi phạm tội của mình. Khi thực hành vi, M đã cho rằng anh H không biết bị M khéo léo dùng tay kéo nhẹ chiếc ví trong túi quần H. Trong hoàn cảnh này, nếu anh H có phát hiện được bị rơi cái ví thì cũng chỉ nghĩ rằng do chen lấn nên cái ví tuột rơi xuống đất chứ H không thể cho rằng bị người khác rút lấy. Đối với anh H và đối với mọi người, M đều có ý thức giấu diếm (lén lút) hành vi của mình, nên hành vi của M chỉ là hành vi trộm cắp tài sản chứ không phải là cướp giật tài sản.

Trên đây là ý kiến trao đổi của tôi về hành vi phạm tội của Nguyễn Văn M, mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc và đồng nghiệp./.

Thanh Nghị

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang