Nguyễn Văn H phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”

17/10/2016 10:15

(kiemsat.vn)
– Nguyễn Văn H không phạm tội “Tham ô tài sản” mà hành vi của Nguyễn Văn H đã thỏa mãn dấu hiệu của tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Đó là ý kiến của tác giả Lê Văn Quang, Kiểm sát viên, Viện KSND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước trao đổi về bài viết: Nguyễn Văn H có phạm tội “Tham ô tài sản”? của tác giả Nguyễn Long đăng trên Kiemsat.vn ngày 12/10/2016.

Qua nghiên cứu nội dung vụ án, tác giả Lê Văn Quang phân tích lập luận như sau:

Trước hết, hai tội này có nhiều dấu hiệu đặc trưng giống nhau, nên trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử hay bị nhầm lẫn giữa tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và tội “Tham ô tài sản” vì đều có hành vi chuyển dịch tài sản bất hợp pháp thành tài sản của mình về chủ thể đều là người có chức vụ, quyền hạn nhất định.

Nhưng về dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của hai tội này đều có dấu hiệu khác nhau như:

Tội “Tham ô tài” sản dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý và hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội. Hành vi chiếm đoạt tài sản là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản từ chủ sở hữu thành tài sản của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm. Hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Thủ quỹ tự lấy tiền trong két sắt, thủ kho tự lấy tài sản trong kho mang đi bán hoặc như chủ tài khoản lệnh cho thủ quỹ mang tiền cho mình, kế toán lập phiếu thu, phiếu chi, chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tiền theo lệnh của người chủ tài khoản.

Đối với tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn đó để chiếm đoạt tài sản của người khác. Bởi vì người phạm tội lạm dụng chức vụ và quyền hạn là hành vi vượt quá quyền hạn của mình, làm trái công vụ để chiếm đoạt tài sản của người khác. Vì vậy, khi xác định một người có lạm dụng chức vụ, quyền hạn hay không, trước hết chúng ta phải căn cứ vào chức vụ của người phạm tội đang giữ và theo pháp luật thì người phạm tội có những chức vụ, quyền hạn như thế nào.

Việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể thực hiện dưới nhiều hình thức và bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, chẳng hạn như uy hiếp tinh thần, cưỡng bức, lừa dối hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản…

Như vậy, dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội “Tham ô tài sản” phải là người trực tiếp quản lý tài sản hoặc chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Còn tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm là hành vi vượt quá quyền hạn của mình hoặc làm trái công vụ để chiếm đoạt tài sản. Tài sản ở đây là tài sản của người khác chứ không phải là tài sản do người phạm tội quản lý hoặc trực tiếp do người phạm tội quản lý về thủ đoạn người phạm tội thường là uy hiếp tinh thần, hoặc lừa dối, cưỡng bức người khác để chiếm đoạt tài sản.

Trở lại nội dung vụ án: Ngày 05/4/2007, Nguyễn Văn H là Chi Cục trưởng Chi cục thuế được ủy quyền làm chủ đầu tư ký hợp đồng sửa chữa trụ sở cơ quan với Đỗ Văn C là Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Thành Công với trị giá 520 triệu đồng. Công ty TNHH Thành Công đã tiến hành thi công sửa chữa trụ sở Chi cục thuế và hoàn thành hợp đồng trước 15 ngày.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Đỗ Văn C đã làm giấy xin tạm ứng tiền của Chi cục thuế tất cả 4 lần với tổng số tiền là 520 triệu đồng, đã được cho tạm ứng 3 lần với số tiền là 400 triệu đồng.

Ngày 10/7/2007, Đỗ Văn C đề nghị được thanh toán số tiền còn lại là 120 triệu đồng.

Nhưng trước đó, Nguyễn Văn H đã gọi Đỗ Văn C lên phòng làm việc của H và nói có tiền thanh toán rồi và bảo C viết giấy biên nhận và ký vào phiếu chi với số tiền là 120 triệu đồng thì sẽ nhận được số tiền trên. Sau khi có giấy biên nhận và chữ ký của C trong phiếu chi, D là thủ quỹ và E là kế toán của Chi cục thuế đã lên phòng làm việc và giao số tiện này cho Nguyễn Văn H. Nhưng H lại không thanh toán tiền 120 triệu đồng cho C.

Như vậy, trong tổng số tiền 520 triệu đồng để sửa chữa trụ sở H chỉ là người được ủy quyền ký hợp đồng sửa chữa trụ sở có nghĩa là H chỉ là người được ủy quyền quản lý số tiền 520 triệu đồng để thanh toán cho C khi C đã thực hiện xong hợp đồng sửa chữa trụ sở. Về nguyên tắc trong hợp đồng sửa chữa bao giờ cũng quy định các điều, khoản như: Khối lượng, công việc thời hạn thi công và hình thức thanh toán; có nghĩa là hợp đồng giữa H và C là hợp đồng dân sự. Khi công ty của C làm được khối lượng công việc đến đâu thì sẽ được thanh toán số tiền tương ứng với khối lượng đã thi công. Do vậy, số tiền 520 triệu đồng theo hợp đồng giữa H và C thì số tiền này là của C được toàn quyền sở hữu sau khi C thực hiện xong hợp đồng đã ký kết. Trừ trường hợp C không thực hiện đúng theo nội dung hợp đồng còn H chỉ là người được ủy quyền quản lý số tiền 520 triệu đồng cho C để tránh tình trạng C không thực hiện đúng theo nội dung hợp đồng.

Nhưng lần cuối vào ngày 10/7/2007, C đã đề nghị H được thanh toán nốt số tiền còn lại là 120 triệu đồng theo như hợp đồng đã ký kết. Vì trước đó H đã có một loạt hành vi gian dối C để chiếm đoạt số tiền 120 triệu đồng như: Kêu C lên phòng làm việc và nói dối C đã có tiền thanh toán rồi nhằm cho C tin tưởng và bảo C viết giấy biên nhận và ký vào phiếu chi thì sẽ được nhận số tiền 120 triệu đồng. Như vậy, về nghiệp vụ kế toán thì trước lúc chi tiền để thanh toán cho C; Nguyễn Văn H phải chỉ đạo E là kế toán lập phiếu chi sau đó H mới ký phiếu chi rồi D là thủ quỹ mới được xuất tiền và khi giao tiền cho C thì C mới phải viết giấy biên nhận và ký vào phiếu chi. Như vậy, nếu H làm đúng quy trình nghiệp vụ kế toán thì thời điểm số tiền 120 triệu đồng D là thủ quỹ xuất ra không còn là sự quản lý của H nữa. Nhưng H đã lập thủ tục khống trước đó như giấy biên nhận, và phiếu chi để cho C ký đây là thủ đoạn gian dối của H nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền 120 triệu đồng của C. Do vậy, thời điểm H nhận số tiền 120 triệu đồng thì không còn phải là người quản lý trực tiếp mà số tiền này thuộc sở hữu của C nên H không phạm tội “Tham ô tài sản” mà hành vi của H đã vượt quá thẩm quyền để chiếm đoạt số tiền 120 triệu đồng đây là dấu hiệu của tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Bởi vì, về nguyên tắc C đã thực hiện xong hợp đồng sửa chữa trước 15 ngày thì H phải có trách nhiệm thanh toán số tiền còn lại là 120 triệu đồng cho C. Như vậy, theo như hợp đồng giữa H và C ký kết thì số tiền 120 triệu đồng thuộc sở hữu của C sau khi C đã thực hiện xong hợp đồng chứ không thuộc sự quản lý của H. Nhưng H không thanh toán mà dùng những thủ đoạn gian dối nêu trên để nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền 120 triệu đồng của C đã thỏa mãn dấu hiệu của tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Như vậy, Nguyễn Văn H kháng cáo cho rằng mình không phạm tội “Tham ô tài sản” là có căn cứ.

Trên dây là quan điểm của tác giả về vụ án. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ phía bạn đọc./.

Lê Văn Quang,

Kiểm sát viên, VKSND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Bắt giam GĐ làm công trình 8,5 tỷ tham ô 6,3 tỷ

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Hồng Hải, nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Nam Khánh Hòa.

Công an khám xét nhà riêng của bà Hứa Thị Phấn

Bà Hứa Thị Phấn là người nắm giữ hơn 84% cổ phần Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng) trước khi bán cho ông Phạm Công Danh.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang