Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa ngăn chặn hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

23/04/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Tổ chức tốt hoạt động phòng ngừa, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, công tác điều tra cơ bản; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng; tăng cường phối hợp liên ngành… là các giải pháp cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhằm ngăn chặn tội phạm cho vay lãi nặng.

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số trong cả nước, nhiều năm qua, Thanh Hóa luôn được xác định là địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm hình sự, trung bình mỗi năm toàn tỉnh phát hiện, xử lý từ 1.600 đến 1.800 vụ án hình sự các loại. Trong đó, tình hình tội phạm cho vay lãi nặng, đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” là vấn đề nóng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản và tạo tâm lý bức xúc trong dư luận xã hội.

Quá trình phát triển kinh tế làm nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp là nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng. Thanh Hóa hiện có gần 22.000 doanh nghiệp (tăng 190,93% so với năm 2018), tổng số vốn điều lệ đăng ký là 155.894 tỉ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp có vốn điều lệ là 7,3 tỉ đồng; gần 14.000 doanh nghiệp đang hoạt động; gần 62.000 hộ kinh doanh với nhiều ngành, nghề khác nhau. Sự phát triển này đồng nghĩa với nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Hệ thống tín dụng chính thức chưa đáp ứng toàn bộ nhu cầu vay vốn của người dân, đã tạo điều kiện cho các đối tượng thu lợi bất chính thông qua các công ty dịch vụ tài chính, dịch vụ cầm đồ hay các công ty cho vay trá hình. Hiện nay, xuất hiện hình thức cho vay mới có ứng dụng mạng xã hội internet như cho vay ngang hàng hay cho vay qua ứng dụng điện thoại (app store, viettelpay, zalopay...). Các đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật đa dạng với nhiều thành phần, nhưng tập trung chủ yếu vẫn là đối tượng phạm tội hình sự có nhiều tiền án, tiền sự; đối tượng nghiện ma túy; cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá; thanh niên, học sinh, sinh viên hư hỏng... Đặc biệt, chủ thể gây ra các vụ án, vụ việc ngày càng trẻ hóa, độ tuổi trung bình chủ yếu từ 18 đến dưới 30 tuổi và cả vị thành niên. Các đối tượng tham gia gây án theo nhóm, sử dụng các loại hung khí nguy hiểm, hành vi phạm tội liều lĩnh, manh động, côn đồ. Quá trình đòi nợ thuê, các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: Ném chất bẩn, gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật, thậm chí là giết người…

Trước tình hình đó, các đơn vị Công an tỉnh Thanh Hóa, chủ công là lực lượng Cảnh sát hình sự đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa, rà soát, phát hiện, điều tra làm rõ, xử lý nhiều đối tượng trong các tổ chức, đường dây tội phạm cho vay lãi nặng trên phạm vi toàn tỉnh, liên tỉnh… Theo thống kê, từ năm 2018 đến tháng 6/2021, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 59 vụ/166 bị can về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trong đó, năm 2019 (26 vụ/82 bị can); năm 2020 (22 vụ/58 bị can); 06 tháng đầu năm 2021 (11 vụ/26 bị can)1. Đáng chú ý, đơn vị đã đấu tranh thành công các chuyên án lớn, tạo được những hiệu ứng tích cực như: Chuyên án 018T (triệt xóa tổ chức tín dụng đen dưới danh nghĩa Công ty tài chính Nam Long, có 26 chi nhánh hoạt động rộng khắp tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, cho trên 500 khách hàng vay với lãi suất từ 182%/năm đến 1.009,5%/năm); chuyên án T118 (triệt xóa 32 điểm kinh doanh dịch vụ tài chính ở 14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thuộc 05 công ty có các đối tượng hình sự cộm cán đứng sau, có hàng nghìn khách hàng đã vay tiền với lãi suất gần 200%/năm); chuyên án 219V (triệt xóa 08 điểm kinh doanh dịch vụ tài chính núp bóng công ty cổ phần thương mại và dịch vụ vận tải Tín Nghĩa Hải Phòng, có cơ sở đóng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố; mức lãi suất vay 182%/năm)... Đến nay, công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và các vi phạm liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản được kiềm chế.

Kinh nghiệm trong công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng

 Từ thực tiễn công tác đấu tranh đối với các hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:

- Về phòng ngừa đối với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng: (1) Cần thường xuyên triển khai các đợt tổng rà soát, lên danh sách các số điện thoại quảng cáo trên các tờ rơi; dán trên tường, nơi công cộng hoặc các khu dân cư; các tin báo liên quan đến các đối tượng nghi vấn hoạt động cho vay trái pháp luật để thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội; (2) Phối hợp thành lập các tổ kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra các địa bàn tập trung các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính trái phép, nơi thường xuyên xảy ra nhiều vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động cho vay trái pháp luật. Trong quá trình kiểm tra, cần tập trung kiểm tra hồ sơ đăng ký kinh doanh theo thủ tục hành chính nhằm phát hiện các giấy tờ, sổ sách có liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời khi các hoạt động cho vay lãi nặng mới manh nha hình thành; (3) Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra cư trú tại địa bàn, tập trung thực hiện công tác nắm địa bàn, nắm hộ, nắm người; kiểm tra hành chính đối với các địa điểm, cơ sở không treo biển kinh doanh nhưng qua công tác điều tra cơ bản, trinh sát nắm được tình hình.

- Về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng như: Cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng…: Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT- VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Khi có tài liệu thu thập được từ công tác trinh sát, công tác điều tra cơ bản, các nguồn tài liệu khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp liên quan đến các cơ sở, cá nhân kinh doanh tài chính đã được xác minh và đủ căn cứ để xác lập hiềm nghi thì xác lập chuyên án, tập trung đấu tranh theo quy định.

- Về công tác điều tra cơ bản: Rà soát kỹ từng địa bàn, dựng toàn bộ kết cấu, cấu trúc các loại hình cho vay, cá nhân vay nợ mất khả năng thanh toán, các đối tượng hình sự thuộc các băng nhóm đứng sau điều hành, nắm chắc nhân thân, mối quan hệ của các đối tượng; xác định được các phương thức, thủ đoạn hoạt động của từng nhóm đối tượng; có biện pháp quản lý, tác động, ngăn chặn không để các đối tượng lợi dụng sơ hở của pháp luật hoạt động gây hậu quả phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Các vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến “tín dụng đen” có dấu hiệu tội phạm cần thu thập tài liệu, chứng cứ chặt chẽ, nhanh chóng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp kê biên, không để tẩu tán tài sản.

Đồng thời, phải áp dụng đồng bộ, linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, vận động quần chúng, nhất là vận động cá biệt đối với các đối tượng trong các băng nhóm tội phạm hoặc chính những người đi vay lãi nặng, vận động những gia đình bị hại cung cấp các thông tin, tài liệu. Phải nắm và thu thập được hồ sơ cho vay, mức lãi, cách thức tổ chức thanh toán, thu nợ, hành vi, vai trò của từng đối tượng, số lượng tiền thu lời bất chính. Từ đó, tổ chức chuyển hóa tài liệu, chứng cứ để tiến hành các biện pháp đấu tranh công khai như: Bắt, khám xét, thu giữ tài liệu...

- Về mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm: Cần xây dựng kế hoạch mở các đợt trấn áp trên phạm vi toàn tỉnh (chú ý tội phạm trên không gian mạng) để đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, gắn với việc đấu tranh triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia họ, hụi, biêu, phường; triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, “núp bóng” các doanh nghiệp để hoạt động đòi nợ thuê. Tập trung chỉ đạo xử lý quyết liệt, nghiêm khắc đối với nhóm hành vi liên quan đến “tín dụng đen” như: Hoạt động đòi nợ, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm giết người, gây thương tích, hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, ném chất bẩn, để tạo sức răn đe, phòng ngừa tội phạm; tập trung điều tra, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật để giải quyết mâu thuẫn trong thanh toán, đòi nợ. Căn cứ vào hình thức đe dọa, phương thức, thủ đoạn, công cụ, phương tiện phạm tội, số lượng chất lỏng, chất cháy, chất bẩn... mà đối tượng sử dụng và trên cơ sở tổng hợp các tình tiết trong từng vụ việc cụ thể để đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại, từ đó xác định các tội danh như: Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, Tội cố ý gây thương tích hoặc Tội đe dọa giết người, Tội giết người, Tội gây rối trật tự công cộng, Tội chống người thi hành công vụ hoặc Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật,...

- Về công tác phối hợp: (1) Tăng cường phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Chi cục thuế thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để tổng kiểm tra các Công ty dịch vụ tài chính nhằm phát hiện vi phạm; (2) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để xác định các nội dung như: Mức lãi suất, số tiền thu lời bất chính, các tài khoản và số tiền giao dịch, tài khoản cho vay, tài khoản thu hồi nợ… Từ đó, xem xét, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, áp dụng biện pháp ngăn chặn để xử lý theo quy định; (3) Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; lựa chọn một số vụ án trọng điểm, gây bức xúc trong dư luận đưa ra xét xử lưu động nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

Đồng thời, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương chung tay thực hiện quyết liệt công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này; tăng cường công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ đối với công ty dịch vụ tài chính, cho thuê tài chính, kinh doanh cầm đồ...

Một số đề xuất, kiến nghị

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, từng bước bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động cho vay lãi nặng, cụ thể: (1) Theo điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản là: “Lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”. Quy định này không còn phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 về mức lãi suất cho vay (20%/năm/khoản tiền vay); cũng không còn phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015 do chưa điều chỉnh được hết các hành vi vi phạm trong giao dịch cho vay (hiện nay, nhiều trường hợp cho vay không cần cầm cố tài sản, chỉ cần chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ khẩu hoặc giấy tờ tùy thân khác hay hình thức bốc họ...); (2) Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan cần ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường để bảo đảm cơ sở pháp lý cho các giao dịch này phù hợp hệ thống pháp luật hiện hành; (3) Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sớm hoàn thiện dự thảo để ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Ngoài ra, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tiền tệ có liên quan đến hoạt động cho vay, nghiên cứu để có cơ chế về hành chính, thủ tục thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay, mở rộng các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các hộ gia đình có kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp cần nguồn vốn đầu tư, kinh doanh.

Hai là, quan tâm đến công tác tuyên truyền về các quy định của Nhà nước đối với hoạt động vay và cho vay; về hậu quả, tác hại và phương thức, thủ đoạn của hoạt động “tín dụng đen” để người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, kiên quyết không tiếp tay, không vay tiền từ các nguồn không chính thống; lựa chọn các hình thức vay phù hợp theo đúng quy định của Nhà nước để tránh những hậu quả đáng tiếc từ hệ lụy của “tín dụng đen”; kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm, cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến cơ quan chức năng để tiến hành điều tra, xác minh và xử lý theo quy định.

Ba là, cần làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật;  tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ phát sinh hoạt động cho vay trái pháp luật; xây dựng thêm nhiều mô hình câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, tổ dân phố, khu dân cư tự quản để chủ động phát hiện, ngăn chặn các đối tượng dán tờ rơi, quét sơn quảng cáo cho vay tài chính; các đối tượng nghi vấn đòi nợ sử dụng các hành vi gây thương tích, ném chất bẩn, gây mất an ninh trật tự… Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, đơn vị chức năng thực hiện nghiêm việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kiến nghị thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những cá nhân, cơ sở vi phạm.

Bốn là, nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống hoạt động cho vay lãi nặng; cụ thể là bổ sung lực lượng, bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp chuyên ngành; đồng thời, chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, trình độ ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao cho lực lượng làm công tác phòng, chống loại tội phạm này, mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát hình sự./.

Những lưu ý khi kiểm sát việc quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt

(Kiemsat.vn) - Qua một số ví dụ cụ thể về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đã bị kháng nghị giám đốc thẩm, tác giả rút ra một số lưu ý cho Kiểm sát viên: Nắm chắc quy định tại các điều 51, 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành; xác định đúng tính chất, mức độ vi phạm để đề xuất kháng nghị hoặc kiến nghị phù hợp…

Cần hoàn thiện quy định về chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

(Kiemsat.vn) - Để hoàn thiện quy định của pháp luật về chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng và đương sự, các tác giả kiến nghị không tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử trong trường hợp đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng, bổ sung điều khoản về đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập tại điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang