Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

08/11/2019 15:10

(kiemsat.vn)
Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là bước khởi đầu và là công tác đặc biệt quan trọng trong tố tụng hình sự cũng như trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo quy định của tư pháp hình sự và yêu cầu cải cách tư pháp, những năm qua Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết án hình sự

Tiếp nhận, giải quyết, thực hành quyền công tố (THQCT), kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là hoạt động mở đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự của Cơ quan điều tra (CQĐT), cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 1988 quy định về nhiệm vụ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, trong đó giao nhiệm vụ kiểm tra, xác minh nguồn tin báo và quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự cho CQĐT, Viện kiểm sát trong thời hạn từ 20 ngày đến 2 tháng. Điều 101, Điều 103 BLTTHS năm 2003 bổ sung quy định cụ thể phân định rõ hoạt động của CQĐT, Viện kiểm sát trong giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và khởi tố vụ án hình sự do CQĐT thực hiện. Tuy nhiên, Viện kiểm sát không trực tiếp kiểm tra, xác minh tin báo, tố giác về tội phạm, do vậy quá trình thực hiện công tác giải quyết tố giác, tin báo của Viện kiểm sát gặp không ít trở ngại.

Ngày 24/11/2014, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật tổ chức VKSND năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2015, đã quy định mở rộng phạm vi THQCT là ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến khi VKSND ra quyết định truy tố hoặc đình chỉ, tạm đình chỉ.

Tiếp đó, ngày 24/11/2014, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII cũng đã thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi giải quyết, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (tại các Điều 145, 159, 160). Trong đó quy định chi tiết về các khái niệm, thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố... Có thể nói, đây là căn cứ pháp lí vững chắc cho hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nói chung, hoạt động THQCT và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Viện kiểm sát nói riêng; đặc biệt là mở rộng, tăng thẩm quyền, trách nhiệm của Viện kiểm sát.

Ngoài ra, ngày 22/12/2017, Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Tài chính – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Thông tư này  đã tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho VKSND cũng như các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Những kết quả đạt được

Những năm gần đây, Lãnh đạo VKSND tối cao rất quan tâm đến giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác THQCT, kiểm sát điều tra vụ án hình sự.

Tại Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường các biện pháp chống oan, sai và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác THQCT và kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm. Chỉ thị công tác các năm gần đây của Viện trưởng VKSND tối cao đều nêu rõ: Các Viện kiểm sát địa phương, đơn vị kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và xác định đây là khâu công tác quan trọng cần được tập trung thực hiện, thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đánh giá thực tiễn công tác để tổng hợp kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác.

Quy chế tạm thời về công tác THQCT, kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ban hành kèm theo Quyết định số 169/QĐ-VKSTC ngày 02/5/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao đã quán triệt, thực hiện chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội các chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người không phạm tội với những quy định cụ thể, chặt chẽ.

Viện kiểm sát các cấp phối hợp chặt chẽ với CQĐT cùng cấp định kỳ đánh giá tình hình tội phạm, kết quả tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm để chủ động phát hiện, đấu tranh, phòng chống tội phạm; thường xuyên hoặc đột xuất kiểm sát trực tiếp việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Viện kiểm sát các cấp phân công Kiểm sát viên chuyên trách theo dõi, quản lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, trực 24/24 giờ trong ngày để kiểm sát việc khám nghiệm, nghiên cứu đề xuất việc phê chuẩn.

Từ việc thực hiện nhiều biện pháp tăng cường trách nhiệm công tố, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, các chỉ tiêu, yêu cầu trong Nghị quyết số 37 và Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội, kết quả công tác THQCT, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Viện kiểm sát đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Theo Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống tội phạm năm 2018 của VKSND tối cao, Viện kiểm sát các cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 119.503 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tăng 11.950 tố giác, tin báo (11,1%) so với năm 2017. Cơ quan chức năng đã xử lý, giải quyết 106.764 tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố, đạt 89,3%. Viện kiểm sát đã ban hành 58.563 văn bản yêu cầu xác minh, giải quyết; yêu cầu khởi tố 682 vụ án, tăng 117 vụ; trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 20 vụ; quyết định hủy bỏ 68 quyết định khởi tố vụ án và 53 quyết định không khởi tố vụ án. Trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố 1.242 cuộc; ban hành 1.264 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, thiếu sót (tăng 3,7%); ban hành 298 kiến nghị yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan khắc phục sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý để phòng ngừa vi phạm và tội phạm, tăng 14 kiến nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn Ngành đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 60.002 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tăng 6.430 tố giác, tin báo (10%) so với cùng kỳ 2018. Cơ quan chức năng đã giải quyết 54.585 tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố, đạt 79,1% (tăng 5,44%). Quá trình giải quyết và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Viện kiểm sát có nhiều chỉ tiêu tăng so với 6 tháng 2018 như: yêu cầu CQĐT tiếp nhận, giải quyết 988 tố giác, tin báo (tăng 30,3%); kiểm tra xác minh giải quyết 52.399 tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố, chiếm 88% số thụ lý (tăng 40,6%); hủy 4 quyết định khởi tố vụ án, tăng 2 vụ (100%); trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 9 vụ, tăng 4 vụ (80%)...số kiến nghị khắc phục vi phạm và kiến nghị phòng ngừa cũng tăng 7,6 % và 41%.

Thực tế cho thấy, công tác THQCT, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Viện kiểm sát được thực hiện chặt chẽ và gắn chặt hơn với hoạt động điều tra. Quá trình giải quyết tố giác, tin báo của cơ quan chức năng cơ bản đã được thực hiện theo quy định của tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 01/2017 và các văn bản liên quan. Bên cạnh đó là sự phân công Kiểm sát viên theo dõi, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo và tích cực, chủ động phối hợp của Viện kiểm sát, do đó các chỉ tiêu của Quốc hội giao và chỉ tiêu của ngành ở giai đoạn này đều vượt, góp phần quan trọng chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm ngay ở giai đoạn đầu của tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, việc nắm, quản lý và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố một số Viện kiểm sát, còn gặp nhiều khó khăn do sự phối hợp giữa Viện kiểm sát với cơ quan tiến hành tố tụng có lúc, có nơi chưa tốt; vẫn còn một số đơn vị chưa kiểm sát chặt chẽ, quản lý đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chưa đạt; công tác phát hiện vi phạm và kiến nghị yêu cầu khắc phục chưa kịp thời.

Giải pháp tăng cường công tác THQCT và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Theo dự báo, trong thời gian tới, tình hình tội phạm sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp; để có thể đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, đòi hỏi phải có những giải pháp tăng cường công tác THQCT và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, cụ thể:

Các đơn vị THQCT và kiểm sát điều tra ở VKSND các cấp và Viện kiểm sát quân sự các cấp cần thay đổi mạnh mẽ hơn tư duy chủ động, tích cực trong THQCT và kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố, chúng ta cần phát huy tối đa quyền quyết định việc buộc tội của Viện kiểm sát ngay từ khâu này. Kiểm sát viên chủ động đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh (nếu cần thiết), yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin theo quy định tại Điều 159 BLTTHS năm 2015 và Kiểm sát viên cũng trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo theo quy định tại Điều 145 BLTTHS năm 2015.

Kiểm sát viên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định của pháp luật cũng như quyết định phân công Kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Kiểm sát viên phải tác nghiệp một cách khẩn trương, bài bản, khoa học các thao tác nghiệp vụ như: khai thác triệt để ngay tức khắc những thông tin, tài liệu từ người cung cấp tố giác, tin báo về tội phạm, từ Điều tra viên chuyển giao hồ sơ tố giác, tin báo về tội phạm để kiểm sát, xây dựng hồ sơ kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo, đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh...làm tốt những việc này thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo sẽ đảm bảo để Viện kiểm sát quyết định xét phê chuẩn (khởi tố hay không khởi tố phải gắn với trách nhiệm của Viện kiểm sát trong phê chuẩn), hủy bỏ các quyết định tố tụng ở giai đoạn này và như vậy sẽ hạn chế tối đa tin báo, tố giác quá hạn giải quyết, đồng thời chất lượng THQCT và kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sẽ được nâng lên.

Để chống bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn tố tụng này thì Viện kiểm sát phải mở rộng việc nắm nguồn tin. Muốn thực hiện được điều này ngoài việc phải nắm đầy đủ nguồn tin báo, tố giác từ CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì Viện kiểm sát còn phải nắm tin báo tố giác về tội phạm ngay từ địa bàn phường, xã (do Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an nắm giữ) theo qui định tại khoản 3 Điều 146 BLTTHS năm 2015 và Điều 44 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Để thực hiện, Viện kiểm sát có thể ký quy chế phối hợp, tham mưu cho cấp ủy ban hành nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo thực hiện nội dung này.

Lãnh đạo Viện kiểm sát, lãnh đạo đơn vị thuộc khối hình sự phải chú trọng nắm bắt và quản lý thông tin về tình hình tội phạm, tăng cường kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cũng như kiểm tra việc thực hiện công tác này để đảm bảo thời hạn, sự tuân thủ pháp luật và phát hiện khó khăn, vướng mắc để tìm ra giải pháp khắc phục.

Yêu cầu của công tác THQCT và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong giai đoạn hiện nay ngày càng cao, đòi hỏi mỗi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm; vì vậy, cần phải thực hiện đồng bộ những giải pháp nêu trên với tăng cường bồi dưỡng, tập huấn đối với Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của đơn vị THQCT và kiểm sát điều tra; bố trí sắp xếp Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phù hợp, quan tâm hơn đến cơ sở vật chất, phục vụ công tác này. Đồng thời mỗi cán bộ công tác trong lĩnh vực này cũng phải không ngừng tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang