Một số điểm cần chú ý về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự theo các luật mới trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKS

20/07/2016 03:42

(kiemsat.vn)
Để áp dụng trên thực tiễn đạt kết quả tốt trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm khi Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự và Luật Tổ chức điều tra hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, thì việc nắm rõ các quy định mới về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự trong các Bộ luật, Luật nói trên là rất cần thiết.

Bài viết này xin tổng hợp các quy định mới của BLTTHS năm 2015 và Luật Tổ chức điều tra hình sự năm 2015 cũng như phân tích một số vấn đề cần lưu ý về công tác kiểm sát trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự để cùng bạn đọc nghiên cứu, trao đổi nhằm áp dụng đúng, đầy đủ các quy định này trong thực tiễn công tác. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự trong BLTTHS năm 2015

Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự trong BLTTHS năm 2015 được quy định tại Điều 163. Theo đó, thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự của Cơ quan điều tra căn cứ vào 03 nguyên tắc sau: Nguyên tắc thứ nhất là, thẩm quyền điều tra tuân theo hệ thống tổ chức của Cơ quan điều tra gồm: Cơ quan điều tra của Công an nhân dân; Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân; Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương. Nguyên tắc thứ hai là, thẩm quyền điều tra tuân theo lãnh thổ. Nguyên tắc thứ ba là, thẩm quyền điều tra tuân theo phân cấp của Cơ quan điều tra. Cụ thể như sau:

Một là, về thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự tuân theo nguyên tắc hệ thống tổ chức Cơ quan điều tra được quy định như sau:

– Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. (khoản 1 Điều 163)

– Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. (khoản 2 Điều 163)

– Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật Hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. (khoản 3 Điều 163)

Hai là, về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự tuân theo nguyên tắc lãnh thổ được quy định như sau:

– Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. (khoản 4 Điều 163)

– Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt. (khoản 4 Điều 163)

Ba là, về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự tuân theo nguyên tắc phân cấp điều tra, được quy định như sau: Cơ quan điều tra cấp nào thì điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân ngang cấp tương đương, đồng thời các Cơ quan điều tra cấp trên còn có thể điều tra những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp dưới, nếu xét thấy cần thiết và pháp luật có quy định; cụ thể:

– Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực; (điểm a khoản 5 Điều 163 BLTTHS năm 2015)

– Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra; (điểm b khoản 5 Điều 163 BLTTHS năm 2015)

– Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra; (đoạn 2 điểm b khoản 5 Điều 163 BLTTHS năm 2015)

Đặc biệt, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra những vụ án hình sự về tội đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra. (điểm c khoản 5 Điều 163 BLTTHS năm 2015).

Như vậy, các Cơ quan điều tra chỉ được thực hiện việc điều tra khi thỏa mãn đầy đủ cả ba tiêu chí nêu trên. Từ những quy định nói trên của BLTTHS năm 2015 cũng cho thấy, thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh bị thu hẹp lại, thể hiện rõ như sau: Theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì bất kỳ vụ án nào thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp dưới, nhưng nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra thì Cơ quan điều tra cấp tỉnh cũng đều có quyền rút lên để tiến hành điều tra.

Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ ràng việc Cơ quan điều tra cấp tỉnh chỉ có thể rút lên để tiến hành điều tra đối với những vụ án thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.

Thứ hai, về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự theo quy định của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.

Tại Điều 17 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh như sau:

– Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết (khoản 1 Điều 17).

– Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và các tội phạm quy định tại các Điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; tiến hành điều tra vụ án hình về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an (khoản 2 Điều 17).

– Hướng dẫn các cơ quan của lực lương An ninh nhân dân thuộc Công an cấp tỉnh được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt đông điều tra thực hiện hoạt động điều tra. (khoản 3 Điều 17)

– Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm. (khoản 4 Điều 17)

– Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng An ninh nhân dân thuộc Công an cấp tỉnh báo cáo Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. (khoản 5 Điều 17)

– Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự. (khoản 6 Điều 17)

Tại Điều 21 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện như sau: Ngoài quy định giống như Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh là “Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết” (khoản 1 Điều 21), thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện có thẩm quyền “Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXIV của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân” (khoản 2 Điều 21).
Tại Điều 37 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của các cơ quan thuộc lực lượng An ninh trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như sau: “Trong khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiều tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra của Công an nhân dân thì Cục trưởng, Trưởng phòng của các cơ quan An ninh quy định tại khoản 6 Điều 9 của Luật này quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan An ninh điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

Đội An ninh ở Công an cấp huyện trong khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiều tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh thì tiến hành ngày việc truy bắt người có hành vi phạm tội chạy trốn, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án và báo ngay cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh.” (khoản 1 Điều 37).

Trước đây, trong Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12, tại khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 đã quy định về thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân cấp tỉnh như sau: “Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XI, Chương XXIV và các tội phạm quy định tại các điều 180, 181, 221, 222, 223, 230, 231, 232, 236, 263, 264, 274 và 275 của Bộ luật Hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh”.

Nay, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 đã quy định thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra thuộc các Chương và một số điều quy định tại Bộ luật Hình sự mà các tội đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.

Do vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện sẽ không được phép tiến hành điều tra một số loại tội phạm được quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, dù loại tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện. Khi Đội An ninh ở Công an cấp huyện trong khi làm nhiệm vụ của mình mà phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh thì tiến hành ngày việc truy bắt người có hành vi phạm tội chạy trốn, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án và báo ngay cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh.

Thứ ba, về thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của BLTTHS năm 2015

Từ những quy định nói trên thì vấn đề đặt ra ở đây là nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong công tác kiểm sát hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với loại tội phạm này cần phải được tiến hành kiểm sát khẩn trương và kịp thời. Đặc biệt phải nêu cao trách nhiệm, bám sát và nắm chắc ngay từ giai đoạn đầu hoạt động tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.

Tuy nhiên, do Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định trong thời hạn 07 ngày Đội An ninh ở Công an cấp huyện phải chuyển tài liệu, hồ sơ vụ án cho Cơ quan An ninh điều tra có thẩm quyền (cấp tỉnh) kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án để giải quyết theo thẩm quyền (khoản 1 Điều 37).

Mặt khác, theo Quy chế công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (ban hành kèm theo Quyết định số 422/QĐ-VKSTC ngày 17/10/2014 của Viện trưởng VKSNDTC – sau đây xin viết tắt là Quy chế số 422) đã quy định về việc phân công kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố như sau:

“Sau khi nhận được Quyết định phân công Điều tra viên giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra cùng cấp gửi đến, trong thời hạn 3 ngày làm việc, Viện trưởng Viện kiểm sát, Thủ trưởng đơn vị phải ban hành Quyết định phân công Phó viện trưởng, lãnh đạo đơn vị, kiếm sát viên kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (theo mẫu TBTP5, ban hành kèm theoThông tư liên tịch 06/2013). Quyết định phân công của Viện kiểm sát được gửi cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để đưa vào hồ sơ xác minh và lưu hồ sơ kiểm sát một bản.” (khoản 1 Điều 10 của Quy chế số 422).

Trên thực tế thì Đội An ninh ở Công an cấp huyện vẫn thực hiện việc thông báo và chuyển hồ sơ tố giác, tin báo về tội phạm đến cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Nhưng Đội An ninh ở cấp huyện không phải là Cơ quan điều tra và không có Điều tra viên nên không thể ra quyết định phân công và Viện kiểm sát cũng không ra Quyết định phân công Kiểm sát viên theo Quy chế số 422 nói trên được.

Để đáp ứng tình hình thực tiễn đối với các loại tội phạm xảy ra trên địa bàn cấp huyện sẽ diễn ra nhiều và phức tạp, nên hai ngành cấp trên cần có hướng dẫn cụ thể làm cơ sở pháp lý thực hiện đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 khi có hiệu lực thi hành.

Đối với vụ án thuộc thẩm quyền của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh khởi tố, điều tra thì việc thực hiện công tác kiểm sát điều tra sẽ thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh mà trực tiếp là Phòng nghiệp vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự đối với từng loại tội phạm.

Khi cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh kết thúc điều tra ban hành Bản kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát, thì Phòng nghiệp vụ có thẩm quyền tiếp tục thực hiện công tác nghiên cứu kết luận điều tra, hồ sơ kiểm sát điều tra, tiến hành phúc cung nếu thấy cần thiết… trên cơ sở đó xây dựng và ban hành Cáo trạng truy tố đối với người phạm tội. Nếu xét thấy vụ án mà hậu quả hành vi phạm tội chỉ có khung hình phạt cao nhất là 15 năm thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, thì chủ động đề xuất trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ra Quyết định phân công và Quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi xảy ra tội phạm để thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm theo thẩm quyền được quy định tại BLTTHS năm 2015.

Trước đây, trong BLTTHS năm 2003 không quy định cụ thể về thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát ở một điều luật riêng, điều này đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nhất là đối với những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp dưới nhưng Cơ quan điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, sau khi ra quyết định truy tố bị can thì VKSNDTC căn cứ vào nguyên tắc tập trung thống nhất trong ngành Kiểm sát để ủy quyền, chuyển hồ sơ vụ án cùng bản cáo trạng cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại Tòa án (vì TANDTC không có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án), song thực tế VKSND cấp dưới gặp nhiều khó khăn trong việc tranh tụng, bảo vệ cáo trạng truy tố tại phiên tòa do VKSND cấp dưới không trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án.

Để giải quyết vướng mắc nêu trên, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung một quy định mới nhằm xác định rõ ràng, hợp lý thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát nhân dân tại Điều 239 như sau:

– Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án. (đoạn 1 khoản 1 Điều 239)

Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định. (đoạn 2 khoản 1 Điều 239)

Tại khoản 2 Điều 239 cũng quy định cụ thể “trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án, Viện kiểm phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đã kết thúc điều tra vụ án, bị can hoặc người đại diện của bị can, người báo chữa, bị hai, người tham gia tố tụng khác”. (đoạn 1 khoản 2 Điều 239).

Việc giao, gửi hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 240 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong trường hợp này, thời hạn truy tố được tính từ ngày Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố nhận được hồ sơ vụ án. (đoạn 2 khoản 2 Điều 239).

Đối với vấn đề ủy quyền truy tố cho Viện kiểm sát cấp dưới, tại đoạn 3 khoản 1 Điều 239 quy định như sau: Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo đúng quy định của Bộ luật này.

Như vậy, về thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được bổ sung trong BLTTHS năm 2015 tại Điều 239 nói trên có ý nghĩa quan trọng, đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thẩm quyền truy tố nói chung và vấn đề ủy quyền nói riêng trong thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử trước đây. Đây là quy định để Viện kiểm sát thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời cũng phù hợp với nguyên tắc tập trung thống nhất trong ngành Kiểm sát nhân dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014./.

Minh Trang

“VKSND cấp cao khẳng định vai trò trong hệ thống VKSND mới”

(Kiemsat.vn) – Đó là nội dung của Hội thảo đề tài khoa học cấp Bộ được tổ chức tại VKSND cấp cao tại Hà Nội, chiều 27/10. Đến dự và phát biểu chỉ đạo có Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Chủ nhiệm đề tài khoa học.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang