Một góc nhìn về công tác tự đào tạo cán bộ

03/04/2017 11:51

Tự đào tạo là công tác mà VKSND huyện Bình Lục luôn chú trọng và coi là khâu then chốt trong công tác đào tạo cán bộ của đơn vị trong những năm qua.

Được tuyển dụng vào ngành KSND tỉnh Hà Nam từ ngày 15/01/2014, khoác trên vai màu áo thiên thanh, góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp bảo vệ công lý, giữ gìn sự bình yên của Tổ quốc là niềm vinh dự và tự hào của tôi.

Bước chân vào ngành từ khi còn là “chú lính mới” đến nay tôi đã có ba năm công tác trong ngành, đối với một chuyên viên trẻ thì nhu cầu được đào tạo bồi dưỡng để dần đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao, hiểu rõ hơn về nghề nghiệp của mình có lẽ cũng là tâm tư nguyện vọng của rất nhiều cán bộ trẻ chứ không riêng gì tôi.

May mắn được phân công về công tác tại VKSND huyện Bình Lục – đơn vị Viện kiểm sát cơ sở, tôi được Lãnh đạo Viện và các anh chị Kiểm sát viên quan tâm, tạo điều kiện cho tham gia vào nhiều hoạt động nghiệp vụ khác nhau. Đối với mỗi công việc được giao, ở những khâu công tác khác nhau, tôi luôn được các anh chị đồng nghiệp chỉ bảo, dìu dắt và nhiệt tình hướng dẫn để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây cũng là mục đích của công tác tự đào tạo mà VKSND huyện Bình Lục luôn chú trọng, coi là khâu then chốt trong công tác đào tạo cán bộ của đơn vị.

Bước đầu tiếp cận công việc, Lãnh đạo Viện phân công một đồng chí Kiểm sát viên dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn tôi trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, KDTM, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.

Song song với đó tôi được tham gia vào công việc văn phòng tổng hợp giúp cho tôi nắm bắt nhanh, khái quát nhất các hoạt động của từng khâu công tác nghiệp vụ cụ thể. Ngay từ khâu phân công công việc, Lãnh đạo Viện đã tạo điều kiện cho các Kiểm tra viên, Chuyên viên trẻ được tiếp cận đa dạng nhiều khâu công tác khác nhau, có tác dụng bổ trợ lẫn nhau, công tác văn phòng tổng hợp giúp cán bộ trẻ nâng cao khả năng tư duy, kỹ năng tổng hợp, xây dựng các báo cáo, chuyên đề, hiểu một cách sơ bộ, khái quát nhất về chức năng, nhiệm vụ của ngành, từ đó dễ dàng đi sâu vào từng khâu công tác cụ thể.
Việc tham gia vào công tác thực hành quyền công tố, KSĐT, KSXX các vụ án hình sự mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm thực tiễn mà trước đây khi ngồi trên ghế nhà trường tôi chỉ được học qua sách vở.

Để làm tốt công tác tự đào tạo, đối với từng vụ án hình sự cụ thể, Lãnh đạo Viện phân công một đồng chí Phó Viện trưởng, một Kiểm sát viên cùng với một Kiểm tra viên hoặc Chuyên viên cùng giải quyết. Theo đó, mỗi Kiểm tra viên, Chuyên viên có cơ hội được làm việc với nhiều Kiểm sát viên khác nhau, tham gia giải quyết nhiều vụ án từ đơn giản đến phức tạp, giúp cho Kiểm tra viên, Chuyên viên học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay, những cách giải quyết công việc hiệu quả từ những Kiểm sát viên dày dặn kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo Viện thường xuyên luân chuyển Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên sang làm việc ở các bộ phận nghiệp vụ khác nhau để đội ngũ cán bộ có thể tiếp cận, hoàn thành tốt tất cả các khâu công tác của đơn vị.
Khi duyệt các văn bản do Kiểm tra viên, Chuyên viên soạn thảo, Lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên luôn giải thích tỷ mỷ, chi tiết lý do chỉnh sửa, thêm bớt từng câu chữ, từng thuật ngữ pháp lý để văn bản có tính thuyết phục hơn, từ đó cán bộ rút kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng cho bản thân.

Đối với những vụ án phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ cũng như đường lối giải quyết, Lãnh đạo Viện đưa ra để toàn đơn vị trao đổi, thảo luận tại các cuộc họp giao ban hàng tuần, hàng tháng để toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên đầu tư nghiên cứu, đưa ra lập luận và hướng giải quyết của bản thân, góp phần làm rõ hơn nội dung vụ án. Bằng cách đó, các Kiểm sát viên đặc biệt là Kiểm sát viên trực tiếp thụ lý vụ án sẽ thấy được điểm mạnh, điểm yếu của mình để kịp thời khắc phục. Còn đối với những cán bộ trẻ như chúng tôi, những buổi họp án, họp rút kinh nghiệm chính là những buổi thảo luận bổ ích, giúp tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm để phục vụ công việc.

Dưới sự hướng dẫn tận tình của Lãnh đạo Viện và các Kiểm sát viên, cán bộ trẻ chúng tôi được tham gia vào các hoạt động nghiệp vụ thực tiễn như tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám phương tiện, tham gia hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị hại, người làm chứng,… từ đó nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.

Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, giải quyết một vụ án cụ thể có thể phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc hay quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ, đường lối giải quyết, các Kiểm tra viên, Chuyên viên mạnh dạn trao đổi với các Kiểm sát viên để thống nhất về mặt nhận thức, tháo gỡ vướng mắc nhằm giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, chính xác, toàn diện. Thông qua các phiên tòa xét xử lưu động, rút kinh nghiệm, các cán bộ, chuyên viên trẻ mới vào ngành không chỉ học hỏi được ở các Kiểm sát viên về kỹ năng nghiệp vụ mà còn tác phong, phong thái thực hành quyền công tố, kiểm sát tại phiên tòa.

Cùng với việc thực hiện công việc được giao, các cán bộ trẻ chúng tôi luôn ý thức tự học hỏi, hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Mô hình công tác tự đào tạo tại VKSND huyện Bình Lục giúp chúng tôi có thể học tập, rèn luyện ở bất cứ đâu, thời gian nào, là phương thức đào tạo, bồi dưỡng hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí, có thể thực hiện thường xuyên, liên tục mà giảng viên chính là các đồng nghiệp thân yêu của mình. Chính vì vậy công tác đào tạo cán bộ mà đặc biệt là công tác tự đào tạo là việc làm cần thiết, nên được nhân rộng và quan tâm chú trọng để các cán bộ kiểm sát trẻ vững bước vào nghề.

Hồng Hạnh
Theo VKSND tỉnh Hà Nam

Cái buổi ban đầu… là Kiểm sát viên

(Kiemsat.vn) – Trong cuộc đời mỗi người đều có nhiều dấu ấn và những kỷ niệm không thể quên trong từng giai đoạn, mỗi kỷ niệm sẽ để lại những kinh nghiệm và bài học giúp chúng ta trưởng thành hơn. Đặc biệt là đối với những Kiểm sát viên mới vào Ngành, kết thúc giai đoạn sinh viên để bước vào nghề Kiểm sát sẽ là một hành trình mới mẻ với những dấu ấn khó quên và nhiều trải nghiệm thú vị.

Thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp đợt II – Khu vực phía Nam

(Kiemsat.vn) - Sáng ngày 02/11 tại Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh, VKSND tối cao tổ chức kỳ thi tuyển Kiểm sát viên trung cấp và sơ cấp đợt II năm 2017 khu vực phía Nam. Tiến sĩ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao, Ủy viên thường trực Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang