Lực lượng Kiểm ngư có thẩm quyền điều tra đối với những tội phạm nào?

12/11/2016 09:40

(Kiểm sát) - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 lần đầu tiên quy định lực lượng Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ở một số loại tội phạm.

Tại khoản 1 Điều 36 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 đã quy định Cơ quan Kiểm ngư khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà phát hiện tội phạm thì được quyền điều tra. Theo đó, lực lượng Kiểm ngư có thẩm quyền điều tra ở những tội phạm sau:

– Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 111 BLHS 2015);

– Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 242 BLHS 2015);

– Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244 BLHS 2015);

– Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245 BLHS 2015);

– Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 246 BLHS 2015);

– Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305 BLHS 2015);

– Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc (Điều 311 BLHS 2015).

Ngoài ra, tại các Điều 35, Điều 39 BLTTHS năm 2015 và Điều 36 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn điều tra của lực lượng Kiểm ngư và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của lực lượng Kiểm ngư là Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng.

Phan Vũ

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang