Luật Tố cáo: Xác định rõ biện pháp và cơ quan bảo vệ người tố cáo

30/05/2017 03:44

Đây là một trong những điều khoản quan trọng được bổ sung trong Luật Tố cáo sửa đổi lần này, được Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu trình bày tại Quốc hội, sáng 29/5.

Khắc phục bất cập làm giảm hiệu lực công tác giải quyết tố cáo

Tờ trình của Chính phủ do Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu báo cáo trước Quốc hội cho biết: Luật Tố cáo đã được Quốc hội thông qua vào ngày 11/11/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2012. Sự ra đời của Luật Tố cáo đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện cho thấy, Luật Tố cáo đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như về thẩm quyền giải quyết tố cáo, trình tự và thủ tục giải quyết tố cáo; tố cáo và giải quyết tố cáo tiếp; tổ chức thi hành nội dung kết luận giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo, xử lý trách nhiệm đối với người có hành vi vi phạm…

“Những hạn chế, bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, trật tự, kỷ cương pháp luật vì vậy cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo nhằm khắc phục tình trạng trên”, Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu nêu rõ.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật do Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Khắc Định tán thành cơ bản đối với Tờ trình của Chính phủ và khẳng định: Uỷ ban Pháp luật nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Tố cáo nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay. Đồng thời, cụ thể hoá những quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo hiện nay.

Ủy ban Pháp luật nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật; bên cạnh đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần lưu ý việc sửa đổi, bổ sung các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo cần đặt trong bối cảnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân thực hiện quyền tố cáo; làm rõ sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết tố cáo; một số nội dung mới được bổ sung như về điều kiện, cơ chế bảo vệ người tố cáo cần có sự đánh giá tác động cụ thể và sâu sắc hơn nữa, xác định rõ cơ quan chủ trì trong việc bảo vệ người tố cáo, cơ sở vật chất các điều kiện bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của nước ta và bảo đảm tính khả thi.

Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của Luật này và một số luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật (như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Cán bộ, công chức…).

Cần bổ sung tố cáo qua email, fax, điện tử,…

Tuy nhiên, một trong những vấn đề được Uỷ ban Pháp luật lưu ý cơ quan soạn thảo là cần có các hình thức hữu hiệu và giao cơ quan cụ thể trong việc bảo vệ người tố cáo. Bởi các quy định này vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo; chưa làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác này; chưa đánh giá tác động của quy định này về phương thức, biện pháp bảo vệ, về nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ người tố cáo.

Do đây là nội dung quan trọng, là một trong những vấn đề trọng tâm trong sửa đổi Luật lần này nên đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu kỹ thêm để có quy định cụ thể, đầy đủ, dễ hiểu, dễ áp dụng nhằm bảo đảm tính khả thi của Luật, đáp ứng được mục đích sửa đổi Luật Tố cáo.

Đối với trách nhiệm phối hợp trong giải quyết tố cáo, cơ quan thẩm tra nhận thấy, công tác giải quyết tố cáo đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan, từ việc tiếp nhận, thụ lý, xác minh, ban hành quyết định giải quyết tố cáo, tạm đình chỉ, bảo vệ người tố cáo…

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật mới chỉ quy định chung về trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết tố cáo; do đó, cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan trong từng giai đoạn của quá trình giải quyết tố cáo nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Bên cạnh đó, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay. Hơn nữa, trong một số văn bản Luật hiện hành cũng ghi nhận các hình thức này, chẳng hạn Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật” (Khoản 1 Điều 65); quy định như vậy cũng thống nhất với quy định của một số luật hiện hành như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Giao dịch điện tử.

Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức cũng đã thiết lập đường dây nóng, hộp thư bạn đọc… để tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo, qua đó đã thanh tra, kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Việc bổ sung các hình thức tố cáo này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật.

Theo chinh.phu.vn

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang