Lối thoát nào cho Quốc lộ 279 đoạn Lào Cai – Điện Biên?

17/02/2017 10:17

(kiemsat.vn)
Đường 279 được đặt tên bằng máu và nước mắt trong trang sử chống quân bành trướng Trung Hoa, tháng 2 năm 1979. Chiến tranh, nó là con đường chiến lược chở bộ đội, chở vật tư, vũ khí đến chiến trường. Hoà bình, nó là mạch máu để phát triển kinh tế của cả vùng Tây Bắc. Thế nhưng, sau gần 40 năm, nó đã xuống cấp nghiêm trọng và trở thành một nỗi nhức nhối của các tỉnh từ Lào Cai đến tận Điện Biên .

Con đường nguy hiểm nhất tỉnh Lào Cai

Lối thoát nào cho Quốc lộ 279 đoạn Lào Cai – Điện Biên?
Đường dẫn từ cao tốc Hà Nội Lào Cai vào quốc lộ 279 (nút giao IC 16 ) đã xuống cấp quá nghiêm trọng.

Có mặt tại điểm giao Quốc lộ 279 với đường Cao tốc Hà Nội Lào Cai những ngày cuối tháng 10 chúng tôi bàng hoàng với mức độ xuống cấp trầm trọng của đường 279. Đó không thể gọi là đường mà là một lòng suối cạn lô nhô hàng trăm ổ gà, ổ trâu kích cỡ khác nhau. Mùa nắng, bụi bay mù mịt, mùa mưa, nó trở thành ao hồ, thành bẫy các phương tiện giao thông. Con đường này là cánh cửa quan trọng nhất nối huyện nghèo Văn Bàn với các huyện và thành phố Lào Cai. Muốn phát triển kinh tế thì phải có đường, nhưng đường hỏng thì kinh tế làm sao phát triển?

Văn Bàn là huyện giàu mỏ quặng các loại như quý sa, cao lanh, đá nên các xe trọng tải lớn thường xuyên chạy trên con đường 279 vốn dĩ nhỏ hẹp. Chứng kiến cảnh 2 đoàn xe “hổ vồ” (Howo) ngược chiều tránh nhau như làm xiếc trên đường mới thấy tính mạng những người dân đi xe máy trên đường lúc nào cũng như “chỉ mành treo chuông”. Mặt đường bong tróc, hai bên mép đường là những đoạn hào đặt hệ thống cống thoát nước dở dang thành những cái bẫy chết người. Những đoạn cua gấp người ta đã bạt núi nắn cua nhưng rồi để đấy, mái taluy sẵn sàng sạt xuống, còn mặt đường đầy đá hộc lổn nhổn.

 


Những đoạn bạt núi, nắn cua xong … để nguyên đó.

Chúng tôi đã chứng kiến vài chiếc xe tải cố tránh nhau bị sập nguyên gầm xe xuống rãnh bên đường. Đang đi, cả đoàn xe phía trước phải dừng lại nhường nhau vượt qua những đoạn đường chỉ vừa chiếc xe tải. Người dân nơi đây ngày nào cũng chứng kiến vài vụ tai nạn, nhẹ thì va quệt thành xe, bay gương, móp thùng, nặng như trọng thương, chết người thì như “cơm bữa”. Đây quả thực là con đường “nguy hiểm nhất tỉnh Lào Cai”.

 

 

Tính mạng người điều khiển xe máy luôn bị đe doạ.

Năm 2014 cả huyện Văn Bàn khấp khởi mừng thầm khi Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 279 đoạn từ thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên đến xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai có chiều dài 25 km, tổng vốn đầu tư 517 tỷ đồng (vốn Bộ Giao thông – Vận tải) được giao cho Sở Giao thông Vận tải Lào Cai làm chủ đầu tư. Hai đơn vị trúng thầu thi công là Công ty CP xây dựng và thương mại 299 (Hà Nội) và Công ty CP xây dựng và phát triển năng lượng Phúc Khánh (Lào Cai).

Dự án được khởi công xây dựng vào đầu năm 2014 với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lào Cai và các tỉnh khu vực Tây Bắc. Đây chính là phân đoạn có điểm giao kết nối giữa ba huyết mạch giao thông quan trọng là Quốc Lộ 279, Quốc lộ 70 và nút giao IC 16 lên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Thế nhưng, giấc mơ đó đã sớm tan vỡ vì theo kế hoạch, dự án này sẽ phải hoàn thành toàn bộ vào tháng 1/2016, nhưng đến thời điểm này vẫn thi công dở dang. Trong khi nhà thầu đã rút từ giữa năm 2015 khiến việc đi lại của người dân trên tuyến đường này hết sức khó khăn, nguy hiểm, ảnh hưởng tới toàn bộ sự phát triển của huyện Văn Bàn

Một pha tránh nhau “rợn người” giữa hai đoàn xe Howo chở đầy quặng mỏ.

Đường 279 không có lối thoát

Trước tình hình đó, cử tri bức xúc phản ánh nhờ Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai kiến nghị đến Bộ Giao thông vận tải. Cách trả lời của Bộ này khiến nhiều người chưng hửng: “Về vấn đề này, Bộ GTVT xin trả lời như sau: dự án cải tạo, nâng cấp QL279 đoạn Phố Ràng – Khau Co (Km67-Km158) do Sở GTVT Lào Cai làm Chủ đầu tư có quy mô tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi; Tổng chiều dài tuyến khoảng 91Km, trong đó triển khai trước đoạn Phố Ràng – Tân An (Km67-Km92) bao gồm đoạn tuyến từ huyện Bảo Yên đi huyện Văn Bàn.

Tổng nguồn vốn bố trí của dự án đến nay là 151,3 tỷ đồng, tổng giá trị thực hiện đến nay đạt 260 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí khác); Giá trị giải ngân đến nay là 151,3 tỷ đồng.

Đoạn Phố Ràng – Tân An khởi công xây dựng ngày 05/01/2014 dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Đến nay, giá trị khối lượng thực hiện đạt 248 tỷ đồng/439 tỷ đồng, đạt 56,5% giá trị trúng thầu.

Đến nay, do khó khăn về nguồn vốn nên chủ đầu tư chỉ đạo Nhà thầu thi công cầm chừng, chỉ tập trung thi công trước một số đoạn tuyến cần thiết phù hợp với nguồn vốn bố trí của dự án tránh nợ đọng xây dựng cơ bản. Ngoài ra công tác GPMB (đền bù hộ dân, di chuyển hạ tầng,…) do không có vốn nên việc triển khai chậm trễ làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.”

Sau cả một đoạn dài mô tả dự án, câu trả lời tóm lại trong mấy chữ: “Không còn vốn”. Tất cả chỉ là vậy, không có hẹn ngày kết thúc hay phương án nào giải quyết “nan đề vốn” đưa ra để cho cử tri, nhân dân huyện Văn Bàn hy vọng. Việc duy nhất mà Bí thư Huyện uỷ Văn Bàn Phạm Toàn Thắng và toàn thể đồng bào các dân tộc huyện Văn Bàn có thể làm lúc này là chờ đợi và … chờ đợi mà thôi.

Đại biểu Quốc hội lại lên tiếng vì đường 279  

Sáng 01/11/2016, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Quốc hội tỉnh  Điện Biên, Mùa A Vảng đã phát biểu cho thấy một phần nguyên nhân việc Quốc lộ 279 bị dừng vô thời hạn: “Quốc lộ 279 là tuyến đường huyết mạch rất quan trọng nối khu vực Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang dự án thành phần hai đoạn Điện Biên – Tây Trang thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279 đoạn Tuần Giáo – Điện Biên – Tây Trang đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư 1.054 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2010 – 2015. Từ năm 2010 đến năm 2013, đã được bố trí 60 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện lựa chọn nhà thầu đoạn tránh thành phố Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, dự án được đưa ra vào nhóm giãn tiến độ sau năm 2015. Đến thời điểm này vẫn chưa được bố trí vốn để tiếp tục triển khai thực hiện”.

 

 

Đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng của tỉnh Điện Biên Cử tri Lào Cai mong mỏi Chính Phủ sẽ tìm ra lối thoát cho đường 279

Mới đây, trả lời câu hỏi của báo chí, ông Nguyễn Thành Trung, Ban quản lý các công trình giao thông, Sở Giao thông – vận tải Lào Cai cho biết: Nguyên nhân chính khiến Dự án cải tạo Quốc lộ 279 (phân đoạn Phố Ràng – Tân An) dừng thi công là do chủ đầu tư chưa bố trí được nguồn vốn. Tính đến đầu năm 2016, các nhà thầu đã hoàn thành 80% khối lượng công việc, với tổng giá trị thực hiện là 404 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ giao thông – Vận tải mới bố trí được 241 tỷ đồng để thanh toán cho đơn vị thi công. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, các doanh nghiệp không thể tiếp tục ứng vốn bởi phần còn thiếu của Dự án lên đến 276 tỷ đồng. Ngày 24/3/2016, Bộ giao thông – vận tải ra Văn bản số 3121/BGTVT – CQLXD cho nghiệm thu bàn giao các đoạn tuyến đã hoàn thành và tạm dừng thi công các đoạn tuyến còn lại của Dự án này.

“Không biết bao giờ Dự án mới được tái khởi động trở lại, doanh nghiệp thì mỏi cổ chờ vốn, người dân thì bức xúc trong khi việc Sở Giao thông có thể làm là gửi văn bản về Bộ Giao thông – Vận tải và chờ”, ông Trung cho biết.

Cử tri huyện Văn Bàn nói riêng và cử tri các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên nói chung đều tha thiết mong mỏi Chính phủ sẽ sớm tìm ra lối thoát cho đường Quốc lộ 279 để miền núi tiến kịp miền xuôi như Bác Hồ hằng mong mỏi.

Sơn Tùng

Quy định có lợi của BLHS 2015 với tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

(Kiemsat.vn) - Về áp dụng quy định có lợi cho bị can, bị cáo đối với tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Bộ luật Hình sự 2015 vẫn còn có cách hiểu, áp dụng chưa thống nhất. Vụ án được nêu trong bài là một ví dụ.

Nạn rải đinh quốc lộ – nỗi lo còn đó

(Kiemsat.vn) - Đinh tặc từ lâu đã trở thành vấn nạn nhức nhối trên nhiều tuyến đường quốc lộ. Những chiếc đinh rải dày đặc trên đường khiến hàng loạt phương tiện lưu thông bị sập bẫy, gây nguy hiểm cho tính mạng con người.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang