Lễ mừng thọ - nét đẹp đầu Xuân

16/02/2018 10:50

(kiemsat.vn)
Cho đến nay, ngay cả những cụ già tóc bạc phơ cũng không biết phong tục mừng thọ đầu Xuân chính xác có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, đây là nét đẹp truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác và trở thành nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt.

Ảnh minh họa

Lễ mừng thọ cho các cụ không được con cháu tổ chức vào ngày sinh nhật mà thường được tổ chức vào những ngày đầu của năm mới. Thường thì khoảng mùng 4, mùng 5 Tết, trong không khí Xuân rộn ràng tràn đầy tình thân, con cháu sum vầy, nhộn nhịp chuẩn bị trang phục cho các bậc cao niên.

Theo quan niệm của dân gian truyền lại thì những người được làm Lễ chúc thọ là những cụ cao tuổi. Cụ nào càng nhiều tuổi, con cháu đề huề thì được coi là có phúc có đức, được lộc trời ban và con cháu tự hào vì có ông, bà đại thọ. Vào những năm chẵn tuổi của ông bà, các con cháu trong gia đình sẽ cùng nhau tổ chức Lễ mừng thọ với ý nguyện chúc ông, mừng bà sống lâu, sống khỏe. Thông thường, 70 tuổi gọi là Thượng thọ, 80 tuổi gọi là Đại thọ, 90 tuổi là Thượng thượng thọ và tròn 100 tuổi gọi là Bách tuế hay Bách niên chi lão.

Trong Lễ mừng thọ, các cụ cao niên sẽ mặc trang phục trang trọng (thường là khăn đóng áo dài, chân đi hài), màu sắc áo tùy theo tuổi thọ. Các cụ sẽ ngồi nơi trang trọng nhất trong nhà để con cháu lần lượt kính Lễ và dành tặng những món quà ý nghĩa như tấm áo, chiếc khăn, bức tranh, câu đối đỏ hay bức trướng,... tựu chung lại là những món quà gửi gắm tấm lòng, sự kính trọng đối với thế hệ đi trước.

Thông qua việc tổ chức mừng thọ, người già sẽ thấy hạnh phúc hơn vì đông con, nhiều cháu lại hiếu thảo, lễ nghĩa. Họ nhận thấy công sức bao năm bỏ ra để nuôi dạy con cháu, cống hiến cho xã hội đã được đền đáp xứng đáng. Về phần con cháu cũng sẽ thấy tự hào về ông bà cũng như truyền thống gia đình mình, vui vẻ vì đã có cơ hội để báo hiếu, làm vui lòng ông bà, cha mẹ.

Ý nghĩa ban đầu của tục lệ này có lẽ bắt nguồn từ trong tâm thức dân gian của người Việt là mỗi người sinh ra đều mong muốn đạt được Ngũ Phúc trong đời. Ngũ Phúc bao gồm năm yếu tố là: Phúc (những điều may mắn, tốt lành), Lộc (bổng lộc trời ban), Thọ (sống lâu), Khang (mạnh khỏe), Ninh (bình yên). Trong đó, Thọ là yếu tố khó nắm bắt nhất, là yếu tố mang tính Thiên định và là điều quý giá nhất của đời người mà không phú quý nào sánh bằng, những người sống thọ là có phúc lớn nên mới được “trời ban” cho sống lâu, sống khỏe.

Với truyền thống tốt đẹp trên, ngày nay, ở một số vùng, Lễ mừng thọ được chính quyền địa phương tổ chức tại UBND xã, đình làng hoặc nhà văn hóa cho tập thể các cụ trong vùng. Buổi Lễ được tổ chức long trọng theo nghi thức, phong tục truyền thống của từng địa phương với nhiều hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ sôi nổi. Tất cả trở thành nề nếp, được duy trì như một nét đẹp truyền thống ngày đầu Xuân năm mới ở các thôn làng.

Vui mừng nhất vẫn là những cụ Bách niên chi lão (100 tuổi), được nhận quà của Chủ tịch nước khiến niềm vui, niềm hạnh phúc được nhân lên, tuổi thọ trở thành thước đo cho sự phát triển về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt. Một lễ mừng thọ được tổ chức trang trọng, ấm cúng sẽ đem lại niềm vui và may mắn cho cả gia đình và dòng họ.

Mừng thọ đầu xuân là nét đẹp văn hóa Việt cần được tiếp tục gìn giữ, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người cao tuổi, là tấm lòng thành kính của thế hệ trẻ đối với những người đi trước đồng thời là nguồn động lực lớn để người già sống vui, khỏe, có ích.

Phạm Hằng

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang