Không ngừng phấn đấu xây dựng TCKS luôn xứng đáng là cơ quan thông tin lý luận và nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân

04/12/2020 14:36

(kiemsat.vn)
Hòa trong niềm phấn khởi, tiến tới chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam; kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng ta; mùa Xuân này; tập thể cán bộ, biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên của Tạp chí Kiểm sát vui mừng kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản ấn phẩm đầu tiên (26/02/1961 – 26/02/2021).

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước ta. Kể từ đó, ngày 26/7 hàng năm. Trở thành ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân. Tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Cũng như nhiều nhà cách mạng tiền bối khác, đồng chí Hoàng Quốc Việt, người Viện trưởng đầu tiên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao rất quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền và hoạt động báo chí. Chỉ hơn 6 tháng kể từ ngày thành lập ngành, vào ngày 26/02/1961, thực hiện chủ trương của Viện trưởng Hoàng Quốc Việt, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Viện trưởng Trần Hiệu, số 01 của “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” đã được xuất bản. Đây chính là ấn phẩm báo chí đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân, là tiền thân của Tạp chí Kiểm sát ngày nay.

 

Trong lời nói đầu giản dị nhưng cũng rất sâu sắc đăng trên số đầu tiên đã nêu rõ tôn chỉ, mục đích hoạt động của ấn phẩm này, đó là :”Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát là tiếng nói của ngành Kiểm sát nhân dân từ Trung ương đến địa phương là phương tiện hướng dẫn công tác, học hỏi lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm trong toàn ngành, giữa các địa phương, các cán bộ với nhau. Phương châm phục vụ là kịp thời, nhanh, sắc bén, gắn liền với từng công tác của ngành. Cho nên nó đòi hỏi có sự xây dựng và cộng tác chặt chẽ của các đồng chí; rất mong các đồng chí chú ý viết gọn, giản dị; làm gì, thấy gì, có mắc mứu gì, có kinh nghiệm gì cứ mạnh dạn viết; góp phần xây dựng cho báo chúng ta ngày một phong phú”.

Với tinh thần đó, được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, sự ủng hộ của các đơn vị trong toàn ngành, ngay từ những ngày đầu xuất bản, ấn phẩm này đã có một lực lượng cộng tác viên nhiệt tình cộng tác, viết bài. Nội dung đăng trên “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” tập trung tuyên truyền phục vụ việc học tập, triển khai thực hiện Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960; thông tin về sự chỉ đạo, chủ trương công tác của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với toàn ngành; trao đổi kinh nghiệm hoạt động công tố trước đây và những kinh nghiệm trong các khâu công tác theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân các nước  khối xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc… Mặc dù, nội dung chưa thật phong phú, khuôn khổ nhỏ, hình thức trình bày đơn giản, số lượng bản in và phạm vi phát hành còn hạn chế song “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” đã thực sự là một tài liệu học tập cần thiết và có giá trị, góp phần hết sức quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về chính trị, pháp lý và nghiệp vụ công tác kiểm sát cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên của ngành trong những năm đầu thành lập.

Ngày 01/02/1963, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về công tác kiểm sát. Nghị quyết đã xác định những định hướng quan trọng về tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, trong đó có nhiệm vụ “đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cán bộ và nhân dân”. Thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề ra chủ trương là cùng với việc triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân theo định hướng của Đảng và quy định của pháp luật, cần chú trọng và tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật và tuyên truyền về hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân…Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo đổi tên tập “Kinh nghiệm công tác kiểm sát” thành “Nội san công tác kiểm sát” để theo kịp với đà phát triển, trưởng thành của ngành, đòi hỏi ấn phẩm, tăng cường phổ biến kinh nghiệm thực tiễn. Nếu như ấn phẩm đầu tiên – “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát” với định hướng chính là trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công tố ở giai đoạn trước (1945 – 1959) và trong những năm đầu mới thành lập ngành (1960-1962), thì “Nội san công tác kiểm sát” (giai đoạn 1963 – 1980) đã có bước phát triển khá dài về nội dung, không chỉ trao đổi kinh nghiệm mà đã có nhiều nội dung, bài viết có tính chất nghiên cứu lý luận, thông tin khoa học. Bên cạnh các bài báo nghiên cứu khoa học, đã xuất hiện thêm một số thể loại báo chí như phỏng vấn, ký, chân dung giới thiệu gương người tốt, việc tốt, bài dịch báo chí nước ngoài, phụ lục đặc biệt, có mục tin tức, văn hóa, văn nghệ; số lượng phát hành được tăng lên (từ 500 cuốn lên 2.500 cuốn), phạm vi phát hành từng bước được mở rộng. Đội ngủ cán bộ của Tòa soạn được bổ sung, tăng cường. Đây cũng là giai đoạn mà việc triển khai công việc của Tòa soạn gặp rất nhiều khó khăn do chiến tranh và những năm đầu mới thống nhất đất nước, song đã cho thấy sự nỗ lực vượt bậc, sự trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của những người làm báo trong ngành Kiểm sát nhân dân.

 

Tháng 01 năm 1981, “Nội san công tác kiểm sát” được đổi tên thành “Tập san công tác kiểm sát” nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng phát hành để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Từ đây, ấn phẩm này không chỉ lưu hành trong nội bộ ngành Kiểm sát mà được phát hành rộng rãi. Đây cũng là giai đoạn Tòa soạn hoạt động trong cơ chế tập trung bao cấp với rất nhiều khó khăn, tác động không nhỏ đến mọi hoạt động của đơn vị, song cán bộ, biên tập viên, phóng viên “Tập san công tác kiểm sát” đã kiên trì bám sát thực tiễn hoạt động của ngành, thường xuyên đi xuống cơ sở thu tập tin tức, viết bài, chuẩn bị nội dung; đồng thời, tìm các biện pháp khắc phục những khó khăn về giấy in, thiếu thốn về phương tiện làm việc và thiết bị nghiệp vụ báo chí, tìm cách mở rộng phát hành. Đặc biệt, nội dung chủ đề của từng bài viết, trên từng số “Tập san công tác kiểm sát” những năm cuối thập niên 80 đã hướng tới những vấn đề có tính khoa học và lý luận chung về nhà nước, pháp luật và khoa học nghiệp vụ công tác kiểm sát. Bên cạnh đó, về mặt tổ chức của Tòa soạn cũng có sự thay đổi, phát triển như Chi bộ Đảng, Chi hội Nhà báo được thành lập, lực lượng biên tập viên được tăng cường, các bộ phận nghiệp vụ từng bước được chuyên môn hóa… Đó chính là những tiền đề rất quan trọng để “Tập san công tác kiểm sát” với những kinh nghiệm tích lũy được sau gần 30 năm hoạt động đã sẵn sàng cho việc chính thức thành lập một cơ quan báo chí chuyên trách của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; trở thành tờ tạp chí khoa học nghiệp vụ chuyên ngành của thời kỳ đổi mới.

Ngày 28/12/1989, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật Báo chí. Đây là đạo luật đầu tiên của Nhà nước quy định cụ thể về nghề báo ở nước ta. Luật Báo chí đã mở ra những hướng đi và yêu cầu đổi mới hoạt động báo chí trong cả nước, trong đó có báo chí của ngành Kiểm sát nhân dân. Ngày 12/10/1990, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký Quyết định số 79/QĐ thành lập đơn vị Tạp chí Kiểm sát, là đơn vị tương đương cấp Vụ, trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ngày 14/12/1991, Bộ Văn hóa và Thông tin cấp Giấy phép hoạt động báo chí cho Tạp chí Kiểm sát. Theo đó, “Tập san công tác kiểm sát” chính thức được đổi tên thành “Tạp chí Kiểm Sát”.

Từ những sự kiện trên, có thể thấy, việc chuyển từ “Tập san công tác kiểm sát” thành “Tạp chí Kiểm sát” xuất phát từ hai yếu tố cơ bản: Một là, sự phát triển nội tại của ấn phẩm này sau 30 năm xây dựng đã đáp ứng yêu cầu của ngành Kiểm sát nhân dân cần có một cơ quan báo chí độc lập với tôn chỉ, mục đích hoạt động là thông tin lý luận, nghiệp vụ chuyên ngành và tuyên truyền về các mặt hoạt động của ngành; hai là, để thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với hoạt động báo chí trong thời kỳ đổi mới.

Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo thực hiện trong 30 năm qua đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có những thành tựu quan trọng trong cải cách tư pháp. Tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân cũng đã có những thay đổi sâu sắc. Chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức theo hệ thống 4 cấp; thực hiện nhiệm vụ hiến định là bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền công người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Trong tiến trình cải cách tư pháp với những thay đổi lớn lao đó, công tác thông tin tuyền truyền của ngành Kiểm sát nó chung và hoạt động của Tạp chỉ Kiểm sát nói riêng đã có những đóng góp đáng ghi nhận.

Tạp chí Kiểm sát đã không ngừng phấn đấu để luôn xứng đáng là cơ quan lý luận và nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân; là diễn đàn thông tin khoa học, cung cấp những luận cứ tin cậy, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng Nhà nước pháp quyền, về xây dựng và áp dụng pháp luật, về hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp; nhất là về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Trên các số Tạp chí Kiểm sát trong giai đoạn này đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn những bài viết giàu tính khoa học và nghiệp vụ; nhiều bài viết thực sự là kết quả nghiên cứu công phu của các nhà khoa học nổi tiếng, nhà lãnh đạo, quản lý và những chuyên gia, cán bộ hoạt động thực tiễn có nhiều kinh nghiệm trong khối tư pháp, đã được công bố trên Tạp chí Kiểm sát.

Để nâng cao chát lượng, nâng cao tính khoa học chuyên ngành, bên cạnh việc thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố đội ngũ cộng tác viên và nâng cao chất lượng công tác biên tập, Tạp chí Kiểm sát đã chú trọng thực hiện các hoạt động thông tin khoa học, tổng kết thực tiễn như tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học nghiệp vụ, tổng hợp những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật nhằm phát hiện vấn đề, xác định chủ đề nội dung, tổ chức đặt bài, nhất là chuẩn bị nội dung của các số tạp chí chuyên đề. Cùng với việc làm và phát hành các số tạp chí, Tạp chí Kiểm sát cũng đã thực hiện có hiệu quả việc biên tạp, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm sách in văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, sách tham khảo về pháp luật, nghiệp vụ và các ấn phẩm tuyên truyền như sách ảnh, kỷ yếu, lịch treo tường, lịch để bản, sổ công tác,…

Trong những nằm gần đây, thực hiện nhiệm vụ do Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao cho, Tạp chí Kiểm sát đã đảm nhiệm và hoàn thành tốt vai trò là đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân, góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác tuyên truyền của ngành. Đã tham mưu với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Chỉ thị số 05/CT-VKSTC-TCKS ngày 23/8/2012 về một số biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền của ngành và các Tổ tuyên truyền của Viện kiểm sát quân sự Trung ương, các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố được thành lập; công tác tuyên truyền được thực hiện có định hướng về nội dung và sự chỉ đạo tập trung thống nhát.

Riêng tổ chức và hoạt động của Tạp chí Kiểm sát có những bước phát triển mới. Đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày xuất bản ấn phẩm đầu tiên (26/02/2010), Tạp chí Kiểm sát đã khai trương, đưa vào hoạt động Trang thông tin điện tử Kiểm sát online nhằm giới thiệu, quảng bá nội dung tạp chí in và các ấn phẩm do Tạp chí Kiểm sát xuất bản, cập nhật tin tức hoạt động của ngành. Từ đầu năm 2012, Tạp chí Kiểm sát tăng trang từ 56 trang lên 64 trang và thực hiện nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Đặc biệt, vào ngày 25/7/2013, chương trình đầu tiên của Truyền hình Kiểm sát nhân dân do Tạp chí Kiểm sát chủ trì, phối hợp với Truyền hình Công an nhân dân thực hiện đã chính thức lên sóng trên kênh ANTV, mở ra một kênh thông tin hiệu quả để tuyên truyền về ngành Kiểm sát nhân dân đã phát sóng ổn định mỗi tháng 4 số và thường xuyên cập nhật các bản tin truyền hình trên kênh ANTV và trên trang thông tin điện tử Kiểm sát online…

Thực hiện chương trình truyền hình Kiểm sát tại Lào Cai

Có thể nói, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Kiểm sát đã luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích hoạt động các thế hệ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, nhân viên và các cộng tác viên của Tạp chí Kiểm sát đã liên tục phấn đấu, không ngừng đổi mới, đưa Tạp chí Kiểm sát phát triển về mọi mặt bảo đảm sự vững vàng, đúng đắn về tư tưởng, chính trị, sự phong phú về nội dung và hấp dẫn cả về hình thức thể hiện; đã triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động thông tin khoa học nghiệp vụ và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền do Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao cho. Từng bước phấn đấu, đến nay, Tạp chí Kiểm sát đã phục vụ và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nghiên cứu, học tập và vận dụng vào thực tiễn công tác của đội ngũ bạn đọc đông đảo trong và ngoài ngành Kiểm sát nhân dân. Với những kết quả và thành tích đạt được trong 60 năm qua, Tạp chí Kiểm sát đã ba lần được Nhà nuớc tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1984), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2004) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2010); ba lần được tặng Cờ thi đua của Chính phủ và nhiều năm được nhận Cờ đơn vị thi đua xuất sắc của ngành Kiểm sát nhân dân; nhiều cán bộ của Tòa soạn được tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Kế thừa, phát huy truyền thống và những bài học kinh nghiệm, để tiếp tục xây dựng bài học kinh nghiệm, để tiếp tục xây dựng Tạp chí Kiểm sát phát triển, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, phải nắm vững và thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích hoạt động.

Tạp chí Kiểm sát là cơ quan thông tin lý luận và nghiệp vụ, cơ quan báo chí chuyên trách của Viện kiểm ssat nhân dân tối cao, đơn vị thường trực Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân. Vì vậy, để làm tốt vai trò đó thì yêu cầu trước hết và quan trọng nhất là tập trung nâng cao chất lượng về nội dung, nâng cao tính khoa học và tính thực tiễn, thể hiện rõ nét hơn tính nghiệp vụ chuyên ngành của Tạp chí Kiểm sát; đổi mới phương thức thể hiện, cải tiến về hình thức, trình bày và chất lượng in ấn; mở rộng đối tượng phục vụ và phạm vi phát hành.

Tạp chí Kiểm sát cần tiếp tục phấn đấu để thể hiện rõ nét hai đặc tính cơ bản đó là tính lý luận và tính chuyên ngành về khoa học nghiệp vụ công tác kiểm sát. Nội dung các số tạp chí, các bài viết đăng trên tạp chí Kiểm sát phải là những bài viết nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, về xây dựng và áp dụng pháp luật, nhất là các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, về lý luận và thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân, về kinh nghiệm nước ngoài trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát, Viện công tố… Bên cạnh đó, với vai trò là đơn vị thường trực Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân, Tạp chí Kiểm sát chủ động tham mưu về nội dung trọng tâm tuyên truyền hàng năm và sự chỉ đạo tập trung, thống nhất để tổ chức thực hiện trong toàn ngành theo định hướng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và các mặt hoạt động của Viện kiểm sát các cấp, cổ vũ phong trào thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến, xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong sự nghiệp đổi mới, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Tăng cường các hoạt động thông tin khoa học. Mục đích, yêu cầu đối với hoạt động thông tin khoa học của Tạp chí Kiểm sát là nhắm nắm bắt, phát hiện vấn đề, nhu cầu thông tin của bạn đọc để phục vụ việc xây dựng định hướng nội dung trọng tâm thông tin, tuyên truyền hàng năm của Tạp chí Kiểm sát tổng hợp, cung cấp thông với Lãnh đạo Viện, các đơn vị trong ngành và các cơ quan chức năng nhằm phục vụ việc hoạch định chủ trương, chính sách, xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng pháp luật kết quả hoạt động thông tin khoa học là cơ sở để Tạp chí Kiểm sát nêu các ý kiến tư vấn, phản biện về những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, xây dựng và áp dụng pháp luật, về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân.

Hai là, tập trung xây dựng Ban biên tập và đội ngũ biên tập viên, phóng viên để nâng cao chất lượng công tác biên tập

Chất lượng của đội ngũ biên tập viên, chất lượng công tác biên tập giữ vai trò quan trọng đối với chất lượng của Tạp chí. Vì vậy, phải chăm lo củng cố, xây dựng, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên ngày càng trưởng thành, vững mạnh cả về chính trị, trình độ lý luận về khoa học pháp lý, khoa học nghiệp vụ công tác kiểm sát, am hiểu về thực tiễn hoạt động tư pháp, hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân, có kiến thức nền tảng về ngôn ngữ, văn học, kỹ năng biên tập, nghiệp vụ báo chí để làm tốt nhiệm vụ phát hiện vấn đề và nhu cầu thông tin của bạn đọc tạp chí.

Ban biên tập và các biên tập viên, phóng viên của Tạp chí Kiểm sát phải thường xuyên nghiên cứu để nắm vững đường lối, các quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tư pháp, về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, sự chỉ đạo của Lãnh dạo Viện kiểm sát nhân dân về định hướng nhiệm vụ, công tác của ngành để xác định nội dung trọng tâm thông tin trên tạp chí Kiểm sát trong từng giai đoạn và từng năm. Trên cơ sở đó có kế hoạch tổ chức bài, đặt bài, viết bài, biên tập, chuẩn bị nội dung của phiên bản điện tử tạp chí Kiểm sát và chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân.

Ba là, chăm lo củng cố và phát triển đội ngũ Cộng tác viên

Đội ngũ Cộng tác viên là lực lượng chủ yếu, quyết định chất lượng của tạp chí Kiểm sát. Bình quân hàng năm, Cộng tác viên đóng góp khoảng 80% số bài, tin đăng trên các số tạp chí và phiên bản điện tử của tạp chí Kiểm sát. Đội ngũ đó bao gồm các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan tư pháp ở Trung ương, các nhà khoa học làm công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các Viện nghiên cứu, các học viện, trường đại học các khoa đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật nghiệp vụ hoạt động tư pháp, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong hoạt động tố tụng và nhiều cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy, để tập hợp được đông đảo đội ngũ cộng tác viên, trước hết Ban biên tập và các Biên tập viên của Tạp chí phải có đủ trình độ và kỹ năng để liên hệ, trao đổi với cộng tác viên, phát hiện những người có khả năng viết bài để gợi ý, trao đổi những đề tài cần thiết. Ban biên tập phải thường xuyên thông báo cho cộng tác viên định hướng thông tin, kế hoạch nội dung của Tạp chí để họ nắm được tôn chỉ, mục đích, thể loại và những yêu cầu cụ thể của bài viết; duy trì thường xuyên việc liên hệ thông qua hộp thư và tổ chức hàng năm việc gặp gỡ với đông đảo cộng tác viên để thông báo tình hình tiếp nhận, biên tập, sử dụng bài, hướng viết bài trong năm tới và nhát là lắng nghe ý kiến nhận xét, đánh giá góp ý của các cộng tác viên cho hoạt động của Tòa soạn. Mặt khác, cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế phối hợp, chế đội đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ Cộng tác viên.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác xuất bản, mở rộng phạm vi phát hành, phát sóng

Tổ chức thực hiện tốt việc nắm bắt nhu cầu thông tin, sử dụng ấn pẩm của các đơn vị và đông đảo bạn đọc theo phương châm “cố gắng đem đến những gì mà bạn đọc cần chứ không phải cái mà Tòa soạn có”, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và có biện pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác xuất bản, mở rộng phát hành tạp chí, các ấn phẩm sách in văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, sách tham khảo về nghiệp vụ và các ấn phẩm tuyên truyền. Yêu cầu đặt ra cho công tác phát hành đó là phải đảm bảo thực hiện đúng cá quy định của pháp luật về xuát bản, phát hành; phục vụ kịp thời, đúng yêu cầu của đơn vị, người đặt mua; đảm bảo hạch toán hợp lý chi phí sản xuất, tiến tới có lãi.

Hiện nay, số lượng người đọc qua mạng điện tử ngày càng gia tăng. Vì vậy, phải chú trọng phát triển, nâng cấp phiên bản điện tử của tạp chí Kiểm sát nhằm cập nhật thông tin, quảng bá, giới thiệu các bài viết trên tạp chí in, các ấn phẩm và cập nhật chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân.

Chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân, bên cạnh nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới các format chương trình thì cần có biện pháp để tăng thời lượng, mở rộng phát sóng các chương trình trên nhiều đài, kênh truyền hình và đặc biệt phải chú trọng việc cập nhật, phát sóng trực tuyến trên phiên bản điện tử của Tạp chí Kiểm sát.

Năm là, làm tốt công tác Đảng. công tác xây dựng đơn vị, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành

Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của Tạp chí Kiểm sát. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ Đảng, đề cao trách nhiệm, vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên, trước hết là các đồng chí cán bộ chủ chốt, lãnh đạo Tòa soạn, lãnh đạo các phòng, các cơ quan đại diện, các tổ chức đoàn thể trong đơn vị. Tăng cường khối đoàn kết thống nhất đi đôi với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; phân công, phân nhiệm cụ thể, loại bỏ tình trạng bình quân chủ nghĩa, hành chính hóa công việc chuyên môn, có cơ chế động viên, khuyến khích sự sáng tạp của mỗi cá nhân đống góp vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả. Quan tâm việc đào tạo, bồi dưỡng về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, nhất là tự đào tạo, tự học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình làm báo và trong quản lý, điều hành hoạt động của Tòa soạn.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển Tạp chí Kiểm sát và các đề án đầu tư, phát triển Tạp chí Kiểm sát, Quy chế số 24 về tổ chức và hoạt động của Tạp chí Kiểm sát theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và các quy chế, quy định khác của Tòa soạn.

Quản lý, sử dụng đúng quy định, có hiệu quả nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, tài sản, trang thiết bị. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư, sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành Kiểm sát nhân dân. Tiếp tục thực hiện các hoạt động dịch vụ báo chí phù hợp với tôn chỉ mục đích hoạt động và điều kiện cụ thể của đơn vị để tăng nguồn thu đầu tư nâng cao chất lượng công tác chuyên môn và thực hiện các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện và quan tâm cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho cán bộ của Tòa soạn.

Tạp chí Kiểm sát đã cho tôi một nền tảng lý luận pháp luật vững chắc

(Kiemsat.vn) - "Khi chuyển sang Viện xét xử phúc thẩm, tuy là công việc mới nhưng tôi thấy rất tự tin vì những kiến thức pháp luật, vững vàng trong xét xử do có được những kiến thức đó từ Tạp chí Kiểm sát". Đó là chia sẻ của đồng chí Phạm Huỳnh Công, nguyên Phó TBT Tạp chí Kiểm sát về những kỷ niệm trong những năm đồng chí công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân nhân dịp Tạp chí Kiểm sát kỷ niệm 60 năm Ngày xuất bản số đầu tiên.

Nghĩa tình sau mỗi thước phim

(Kiemsat.vn) - Nhân dịp Tạp chí Kiểm sát kỷ niệm 60 năm Ngày xuất bản số đầu tiên, Tạp chí điện tử Kiểm sát trân trọng giới thiệu bài viết "Nghĩa tình sau mỗi thước phim" của tác giả Nguyễn Thị Thu Huyền cản ơn sự hợp tác nhiệt tình, chặt chẽ từ Viện kiểm sát nhân dân các địa phương và các đơn vị cơ sở đã giúp Truyền hình Kiểm sát nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Bài viết đã được đăng trên "Tạp chí Kiểm sát” số 01/2014.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang