Khải Silk “trà trộn” hàng Trung Quốc: Thế này còn biết tin ai?

26/10/2017 02:10

(kiemsat.vn)
– Mấy ngày nay, mạng xã hội xôn xao về nghi vấn Khaisilk bán sản phẩm Made in China. Và rồi, những người luôn yêu mến và trân trọng thương hiệu Việt này đã hoàn toàn tan vỡ niềm tin khi ông chủ Hoàng Khải đã xác nhận đó là sự thật.

Làm giàu nhờ lụa Việt Nam

Khởi nguồn của Khải Silk là một cửa hàng thêu nhỏ của gia đình ở số 96, phố Hàng Gai, Hà Nội. Sinh năm 1964, là anh cả trong một gia đình có ba anh em trai, từ năm 17 tuổi, Hoàng Khải đã giúp mẹ kinh doanh, chuyển cửa hàng thêu thành cửa hàng tơ lụa chuyên bán các mặt hàng lưu niệm làm từ lụa. Cuối những năm 1980, khách du lịch tới Việt Nam chưa nhiều, chủ yếu khách hàng của Khải là các bạn bè, các chuyên gia Thụy Điển làm việc tại nhà máy giấy Bãi Bằng. Năm 25 tuổi, Khải bỏ học tại Nhạc viện Hà Nội, chính thức thành lập cửa hàng Khải Silk.

Một cửa hàng của Khải Silk. Ảnh: Tri thức trẻ

Định hình sản phẩm theo phân khúc cao cấp, ông Hoàng Khải tuyên truyền quảng cáo những sản phẩm của Khải Silk đều do chính ông  thiết kế và thuê gia công từ các làng lụa nổi tiếng như Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội), Hội An (Đà Nẵng), Nha Xá (Hà Nam). Sản phẩm tốt, hình thức đẹp sang trọng, thích hợp làm quà tặng nên Khải Silk  làm ăn rất phát đạt. Cửa hàng lụa 113 Hàng Gai đã tích luỹ cho ông chủ nhiều tài chính để dấn thân vào mảng đầu tư bất động sản, tiếp tục gặt hái thành công. Đến nay, Tập đoàn Khải Silk đã sở hữu trong tay những bất động sản trị giá hàng chục triệu đô la, những chuỗi nhà hàng sang trọng trên cả nước. Có thể nói lụa đã là một bệ phóng để biến chàng sinh viên Nhạc viện dở dang thành một ông chủ giàu có, nhưng hoá ra, ẩn sau nó là một sự thật đáng buồn.

Nhiều sản phẩm của Khải Silk là hàng Trung Quốc

Thế nhưng, tháng 10/ 2017, facebook DangNhuQuynh đã đưa thông tin và hình ảnh về một doanh nghiệp (DN) ở Hà Nội mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác. Số khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khai Silk (kích thước 50 x 50 cm), với đơn giá 644.000 đồng/chiếc.

Khách sau khi nhận hàng thì phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “made in China”. Khách hàng cũng cho biết khi kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại, phát hiệu dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “made in China”. Sự việc khiến nhiều người tiêu dùng kỹ tính băn khoăn, ngờ vực và khiến doanh thu của Khải Silk nhanh chóng xuống dốc. Nhiều đơn hàng bị huỷ và cửa hàng lập nghiệp 113 Hàng Gai của ông chủ Hoàng Khải cũng đìu hiu, thưa vắng.

Cắt mác Made in China, đính mác Made in Vietnam. Ảnh: Đặng Như Quỳnh

Sau nhiều ngày im lặng, mới đây, doanh nhân Hoàng Khải đã có trả lời phỏng vấn của báo Tri thức trẻ. Nội dung cuộc phỏng vấn đã hé lộ sự thật: Khải Silk đã nhập hàng Trung Quốc về gắn mác Made in Vietnam từ những năm 90 khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái. Doanh nghiệp không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước.

Trong khi nhu cầu thị hiếu của thị trường luôn luôn thay đổi và đòi hỏi cao hơn. Ông quyết định sang Trung Quốc tìm nguồn hàng nhập về. Khi đó ông chỉ nghĩ đơn giản, các thương hiệu nổi tiếng như Zara, H&M, Gucci… đều nhập hàng từ Trung Quốc về phân phối ở các nước khác bằng tên của họ. “Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa“, ông Khải chia sẻ. Cũng theo doanh nhân Hoàng Khải, lẽ ra tại cửa hàng phải có “Khaisilk made in Việt Nam” và “Khaisilk made in China”.

Phản ứng của dư luận

Ngay sau khi ông Hoàng Khải thú nhận đã bán lụa Việt nam “dỏm” suốt gần 30 năm qua, phản ứng của dư luận lại bùng lên. “Nếu đã có ý bán hàng made in china thì cứ công khai ra đi, sao phải che giấu. Giờ lộ ra rồi biện minh.” “Một cách nói thật vô trách nhiệm. Phải chăng lừa người tiêu dùng xong rồi nói một câu xin lỗi là thôi. Vậy câu hỏi đặt ra liệu vì lợi nhuận các mảng khác có bất chấp vậy ko? Vậy ta có nên đặt niềm tin vào hàng tiêu dùng Việt Nam vốn đặt lợi nhuận nên trên lợi ích cộng đồng”. “Rõ ràng là lừa dối khách hàng, bây giờ còn đổ lỗi tại tơ lụa Việt Nam kém chất lượng”. Không khó để gặp những lời bình luận chua xót và phẫn nộ như vậy trước lời thú nhận của ông chủ Khải Silk.

Sau gần 30 năm xây dựng, thương hiệu Khải Silk đã trở thành một thứ “đặc sản” của Hà Nội. Nhiều khách hàng, bất kể người nước ngoài hay Việt Nam đều thích có một sản phẩm từ Khải Silk, đó có thể là khăn, áo dài hay đơn giản chỉ là một mảnh lụa tặng bạn bè. Cá nhân tác giả cũng mua rất nhiều sản phẩm của Khải Silk để tặng các bạn nước ngoài, luôn tự hào giới thiệu với họ, đây là sản phẩm tinh tuý của Việt Nam.

Thế nhưng, một sản phẩm Việt nam, một thương hiệu không chỉ là niềm tự hào của người trong nước mà cả người Việt Nam ở nước ngoài, luôn được trân trọng, tin yêu như vậy còn gian dối người tiêu dùng mấy chục năm. Từ một chiếc khăn nhập từ Trung Quốc, khi vào shop của Khải Silk nó lên đến tiền triệu. Đó là chưa biết nguồn nguyên liệu Khải Silk nhập về dệt khăn lụa không biết là ở trong nước không hay cũng nhập từ Trung Quốc nốt?

Sơn Tùng

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang